Những nút thắt cần tháo gỡ

Việt Nam bước đầu đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp - một trong những động lực mới của nền kinh tế tri thức trên thế giới hiện nay, nhưng trong cuộc trao đổi với tạp chí Tia Sáng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng việc triển khai những chính sách ưu đãi đó trong thực tiễn còn gặp nhiều vướng mắc.


Xin Thứ trưởng cho biết, ở Việt Nam những đối tượng nào được coi là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN?

Có thể chia các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN làm hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp mà nhà sáng lập là các nhóm nghiên cứu trẻ, sinh viên vừa ra trường có ý tưởng công nghệ (thường là trong lĩnh vực CNTT). Nhóm thứ hai gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp mà người sáng lập là các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu và mong muốn thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình (thường trong những lĩnh vực: công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, dược phẩm và thực phẩm, cơ khí, năng lượng,…).

Vậy sự phát triển của các doanh nghiệp này hiện nay thế nào?

Do nhiều nguyên nhân, đến nay, chưa có được số liệu thống kê đáng tin cậy, cũng như tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này, trước hết là do sự “lên xuống” nhanh chóng trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp (tỷ lệ thất bại cao). Tuy nhiên thông qua các hội thảo, hội nghị, chương trình, sự kiện về doanh nghiệp khởi nghiệp, ta cũng có thể có một số thông tin sơ bộ: Các doanh nghiệp ở nhóm một đang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên mọi phương diện internet, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, phần mềm, ứng dụng di động và game, trong đó một số các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công trên thị trường trong nước cũng như được đánh giá cao trên thị trường quốc tế như: VNG, Appota, Soha, Nhac Cua Tui, CocCoc, Tiki,… Còn đối với các doanh nghiệp ở nhóm hai, cho đến thời điểm hiện tại, các Sở KH&CN các địa phương đã cấp trên 100 giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và đang thẩm định hàng trăm hồ sơ của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên những kết quả nghiên cứu có tính thương mại hóa cao.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam phát triển?

Ở Việt Nam, hệ thống các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp đang trong quá trình hình thành, với một số các quỹ đầu tư khá năng động trên thị trường bao gồm IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DFJ Vinacapital, Sumitomo,… và đã thực hiện đầu tư và hỗ trợ được một số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT khởi nghiệp thành công.

Để hỗ trợ khởi nghiệp, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ cũng thành lập cơ sở ươm tạo riêng, ví dụ như Vườn ươm doanh nghiệp của Bách khoa – FPT; Vườn ươm lập nghiệp cho sinh viên của FPT – FICO; Vườn ươm SBI (công ty TNHH ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung- TP. HCM), vườn ươm ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ KH&CN) v.v ngoài ra còn có một số tổ chức tư nhân cũng đầu tư vào cơ sở ươm tạo như Topica Founder Institute, Egg Agency, Hatch,…  Tuy nhiên, với nguồn tài chính và kinh nghiệm khiêm tốn, hầu hết các cơ sở ươm tạo của Việt Nam chưa thể cung cấp một quy trình ươm tạo hoàn thiện và chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; rất ít cơ sở có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn từ các quỹ, nhà đầu tư.

Ngoài ra, có một số sự kiện nổi bật dành cho startup ở Việt Nam bao gồm Demo Asean, Startup Asean, BarcampSaigon, Mobile Day, Startup Weekend (NEXT)… cũng như các hội thảo, hội nghị của các Bộ, ngành.

Về phía Nhà nước hiện đã có cơ chế, chính sách cụ thể nào để hỗ trợ các startup?

Hiện tại, một số cơ chế chính sách nhằm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN nằm trong tổng thể hệ thống cơ chế chính sách về phát triển doanh nghiệp KH&CN nói chung, như Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về phát triển doanh nghiệp KH&CN hay gần đây là Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 quy định về doanh nghiệp KH&CN (Điều 58). Theo đó, doanh nghiệp KH&CN được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước; được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật; được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước.

Như vậy có thể nói những cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý hiện tại đã khá đầy đủ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc tiếp cận vốn, tiếp cận các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp KH&CN cũng như các cơ sở  vật chất cần thiết. Nhưng việc thực thi còn gặp không ít khó khăn trở ngại.

Xin Thứ trưởng cho biết một số ví dụ cụ thể về những khó khăn trở ngại đó?

Ví dụ như, các quy định ưu đãi về tín dụng, đất đai cũng như về việc sử dụng các trang thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia chưa hề có các hướng dẫn cụ thể trong thông tư; hơn nữa việc thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuế, ngân hàng, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ… khiến doanh nghiệp nhiều khi khó có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi một cách thuận lợi, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Mặt khác một số chính sách KH&CN với chính sách đất đai cũng là khó khăn lớn cho doanh nghiệp KH&CN khi tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai. Các chính sách thu hút đầu tư cho doanh nghiệp KH&CN mới được thể hiện ở các văn bản pháp luật trong lĩnh vực KH&CN chưa được đồng bộ hóa trong các văn bản pháp luật khác, ví dụ trong  Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vẫn chưa có những quy định về đầu tư mạo hiểm cũng như khuyến khích đầu tư cho ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Phải chăng việc triển khai đề án Thung lũng Silicon nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn kể trên?

Đúng vậy, Đề án là một trong các giải pháp để góp phần giải quyết khó khăn mà các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam gặp phải, đó là sự bế tắc trong triển khai thương mại hóa sản phẩm công nghệ do không đi lần lượt từng bước của tiến trình thương mại hóa: (1) xây dựng ý tưởng về sản phẩm, (2) hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, (3) lập chiến lược và mô hình kinh doanh khả thi, (4) xây dựng đội ngũ có khả năng thực hiện chiến lược và mô hình kinh doanh đó và cuối cùng là (5) thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Đề án giúp tạo điều kiện để lập ra các doanh nghiệp khởi nghiệp tuân thủ năm bước như trên nhằm giúp các doanh nghiệp có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ xã hội.

Động lực và nguồn lực để thực hiện Đề án

Có thể nói đích đến đồng thời cũng là động lực của Đề án là lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển ban đầu, các startup thường cần hỗ trợ một khoản vốn mồi nhất định từ Nhà nước. Nguồn vốn này có thể lấy từ kinh phí Nhà nước dành cho Đề án, trong đó tổng nguồn ngân sách Nhà nước đã cấp cho Đề án trong năm 2013 là 2 tỷ đồng và 10 tháng năm 2014 là 2 tỷ đồng, và hiện đang tiếp tục được thu xếp thêm 2 tỷ đồng nữa, dự kiến kinh phí năm 2015 cấp cho Đề án khoảng 11 tỷ.

                                         Thứ trưởng Trần Văn Tùng

Mục tiêu trước mắt của Đề án là góp phần hỗ trợ thực hiện mục tiêu mà Đảng và Chính phủ giao cho Bộ KH&CN đến năm 2020: xây dựng được 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành nòng cốt trong việc phát triển kinh tế xã hội. Về mặt lâu dài, Đề án giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình hình thành một hệ sinh thái hoàn hảo cho khởi nghiệp, bao gồm các yếu tố: các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và doanh nghiệp khởi nghiệp kết hợp một cách hữu cơ với nhau.

Việc triển khai đề án thời gian qua đã gặp khó khăn cơ bản gì?

Một trong những khó khăn cơ bản của Đề án là nguồn kinh phí cho hoạt động của Đề án vừa bị chậm vừa không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ví dụ, đề án được phê duyệt 8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để hoạt động trong năm 2014 nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ 50% trong số kinh phí đó thực sự được cấp. Bên cạnh đó, bộ máy còn cồng kềnh, phân công công việc còn chưa cụ thể, chồng chéo, gặp nhiều khó khăn trong việc lấy ý kiến của các bên liên quan, đồng thời vẫn tồn tại những bất cập trong các văn bản pháp lý, đặc biệt là các văn bản pháp lý hướng dẫn liên quan cơ chế tài chính chưa phù hợp với thực tế tình hình thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam hiện nay.

Vậy đâu là giải pháp cho những khó khăn đó?

Để giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí của Đề án, rất cần một cơ chế đặc thù về đầu tư.

Theo quy định tại Điều 6, Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN (viết tắt là Nghị định 95), đối với các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt, tổ chức chủ trì được mở tài khoản riêng dùng cho việc tiếp nhận và giải ngân nguồn kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được phê duyệt. Như vậy, nếu Đề án Thung lũng Silicon được phê duyệt là một trong những nhiệm vụ KH&CN của Bộ KH&CN thì cơ chế tài chính mới sẽ tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; đồng thời Đề án cần huy động được nguồn kinh phí hỗ trợ từ một số quỹ, dự án của các Bộ, ngành như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST), Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) do Bộ KH&CN quản lý và Dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp Việt Nam”, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch – Đầu tư quản lý.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

        PV thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)