Những sắc thái vĩnh cửu của khuôn mặt

Có khi nào, con người thuộc những nền văn hóa khác nhau, những khung thời gian khác nhau lại có sự tương đồng về biểu hiện của sắc thái tình cảm trên khuôn mặt?

Từ lâu, các nhà thơ, nhà viết kịch, họa sĩ hay các nhà điêu khắc thường dành nhiều thời gian để miêu tả sự biểu hiện của xúc cảm con người – cười mỉm, cười phá lên trong hạnh phúc không thể kìm nén khi đón nhận niềm vui hoặc nhỏ lệ, đau đớn trong một thảm kịch mà mình phải hứng chịu. Dường như họ thống nhất với nhau ở một quan điểm, đó là con người ở mọi nền văn hóa thường có những biểu hiện cảm xúc giống nhau.

Quan điểm này dường như cũng thể hiện một cách rõ nét trong nhiều bối cảnh giao tiếp. Ví dụ người ta có thể nói rất nhiều về trạng thái tình cảm của một người khác khi quan sát khuôn mặt họ. Một cái nhìn nhanh cũng có thể đem lại ý tưởng là liệu người đối diện hạnh phúc hay giận dữ, qua đó cho phép điều chỉnh hành vi ứng xử theo một cách phù hợp. Việc ghi nhận nhanh và chính xác các trạng thái cảm xúc, đặc biệt là sợ hãi hay giận dữ, có thể giúp ai đó có được thời gian tối ưu để quay đầu chạy trốn trước tình huống có thể bị tấn công.

Tuy vậy, không phải bao giờ người ta cũng đoán đúng. Hàng thập kỷ qua, các nhà khoa học xã hội không ngừng tranh luận với nhau về điều này. Một số ngả theo quan điểm của các nghệ sĩ là con người đều tiến hóa theo những mẫu hình biểu hiện phi ngôn ngữ cụ thể, như cười lớn, khóc lóc, ôm hôn, thở dài… đều bao hàm những ý nghĩa cụ thể và được hình thành từ những trải nghiệm chủ quan của con người… Bằng chứng là nhiều nghiên cứu cho thấy sự tương đồng về biểu cảm trong mặt người ở nền văn hóa ở giai đoạn chưa có chữ viết và phát triển trong những vùng địa lý bị cô lập và những nền văn hóa có chữ viết.

Một quan điểm khác cho rằng, ý nghĩa của những biểu hiện của khuôn mặt người phản ánh tính xã hội và mang sự khác biệt cao giữa các nền văn hóa. Họ lập luận là ban đầu, con người có những biểu cảm tương tự nhau nhưng sau đó, do có sự khác biệt về văn hóa liên quan đến các loại cử động của các sợi cơ trên khuôn mặt nên đã tạo thành một số cảm xúc khác biệt nhất định, nghĩa là các biểu hiện đó đã tiến hóa theo sự phát triển của văn hóa.

Các biểu hiện trên khuôn mặt đã được phát triển để truyền đạt nhiều loại cảm xúc hơn những gì các nhà khoa học vẫn thường nghĩ.

Vậy các biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt mang tính phổ quát hay chúng được định hình bởi văn hóa? Ẩn bên trong câu hỏi khó xác quyết này là vấn đề chung của con người: cảm xúc trước những trải nghiệm được coi là quan trọng nhất trong cuộc sống – niềm vui, hạnh phúc, đau đớn, mất mát, chiến thắng, thất bại… nên được hiểu là thuộc về bản chất sinh học của con người hay là sản phẩm của các nền văn hóa. Khó khăn chính trong việc đi đến đồng thuận hay bác bỏ là tìm cho ra một cách tiếp cận hợp lý và thuyết phục để kiểm tra các đặc tính này. Bởi có một điểm đáng chú ý là nhiều nghiên cứu trước đây thường so sánh những người thuộc các nền văn hóa phương Đông hoặc thuộc về các nền văn hóa bản địa ở các vùng đất khác và người phương Tây. Nhiều người cho rằng cách làm này có không ít thiên kiến bởi lấy biểu hiện tình cảm của người phương Tây làm chuẩn mực. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu thường mời những người ở các nền văn hóa khác nhau cùng xem các bức ảnh của những người ở các nền văn hóa khác để hỏi họ có nhận diện được những biểu hiện tình cảm tương tự không? Tuy nhiên cách làm này cũng không mấy khách quan khi đưa ra những bức ảnh đã được sàng lọc, các nhà nghiên cứu vô hình trung làm sai lệch câu trả lời theo định hướng của mình.

Trong một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science Advance, “Universal facial expressions uncovered in art of the ancient Americas: A computational approach” (Những biểu hiện phổ quát trên khuôn mặt được khám phá trong nghệ thuật châu Mỹ cổ đại: Một cách tiếp cận tính toán), Alan Cowen và Dacher Keltner của Đại học California, Berkeley, đã đề xuất ý tưởng là có một số biểu hiện phổ quát trên các khuôn mặt người ở các nền văn hóa khác nhau, dù thuộc về nền văn hóa Maya hay nền văn hóa hiện đại.

Nét chung, nét riêng

Những gì cần thiết để biết là liệu con người sống trong bối cảnh bị cô lập với thực dân phương Tây có cho thấy bằng chứng về tính phổ quát trong việc ghi nhận biểu hiện của khuôn mặt không? Đây là một câu hỏi làm nền cho nhiều nghiên cứu, vốn phụ thuộc vào một số hình thức của tiếp xúc, và đều đem lại câu trả lời hạn chế. Do đó, để phân tích sự phổ quát của biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt, nhà tâm lý học Dacher Keltner và nhà thần kinh học tính toán Alan Cowen đã có một ý tưởng thú vị, đó là tìm đến những pho tượng được chế tác trước khi những người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ.

Những bức tượng châu Mỹ cổ đại trong các bảo tàng nghệ thuật được khảo sát. Nguồn: Dacher Kelner

Họ đã đến các bảo tàng danh tiếng như Viện Nghệ thuật Chicago, Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton , Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Harvard…, nơi có hàng trăm nghìn đồ điêu khắc nền văn hóa Mesoamerican trong những bảo tàng danh tiếng, đồng thời mời một chuyên gia từng là người phụ trách một bộ sưu tập lớn gồm các tác phẩm nghệ thuật cổ đại của châu Mỹ tại Bảo tàng Michael C. Carlos của Đại học Emory trong 30 năm. Bà đã xác thực hơn 2.500 tác phẩm bằng hiểu biết của mình và cả các thử nghiệm khoa học với các tiêu chí rất chặt chẽ do trước đây có nhiều lo ngại về tính xác thực của nhiều tác phẩm điêu khắc cổ của châu Mỹ.

Các bức tượng mà họ tìm đến là thuộc về nhiều nền văn hóa châu Mỹ cổ đại cách xa nhau về địa lý và có niên đại trước 1500 năm trước Công nguyên. Một điểm kỳ lạ là dù cảm xúc hiếm khi thể hiện trong nhiều hình thức nghệ thuật tạo hình – vốn phụ thuộc vào nguyên mẫu – nhưng những bức tượng nhỏ, phù điêu và điêu khắc châu Mỹ cổ đại đôi khi lại miêu tả những đường nét trên khuông mặt khá rõ nét. Hai nhà khoa học cho rằng, các bức tượng này phần lớn đã bị đặt ra ngoài bối cảnh nguyên bản của nó, thì vẫn có thể nhận diện được những khía cạnh của bối cảnh mà các nguyên mẫu được lột tả, ví dụ có thể là đang lúc trở dạ, chơi một môn thể thao hoặc đang bị giam giữ. “Thật may mắn, những manh mối về bản chất cả biểu hiện cảm xúc trong các nền văn hóa không tiếp xúc với văn hóa phương Tây có thể nằm ở khía cạnh khác. Cụ thể, những chân dung nghệ thuật biểu hiện cảm xúc của văn hóa phương Tây có nét tương đồng với châu Mỹ cổ đại, đi trước cả khi có sự tiếp xúc của các nền văn minh phương Tây và châu Mỹ”, Dacher Kelner viết trong công bố.

Hai nhà khoa học tiếp tục đặt vào đó các tiêu chí quan trọng: khắc họa con người trong bối cảnh có thể nhận diện được; miêu tả các khuôn mặt rõ nét; được các chuyên gia xác thực là nguyên bản châu Mĩ. Từ một số lượng lớn này, họ sàng lọc được 63 bức, khắc họa chân dung của con người trong tám bối cảnh dễ nhận diện: đang bị giam giữ, đang bị tra tấn, mang vật nặng, ôm ai đó, bế một đứa trẻ, đang chiến đấu, chơi bóng, chơi nhạc…

Khi so sánh nét mặt phương Tây và nét mặt phương Đông, nhiều nghiên cứu cho thấy, có thể tồn tại sự khác biệt giữa các nền văn hóa trong cách diễn giải biểu hiện của hạnh phúc, ngạc nhiên, sợ hãi, ghê tởm, tức giận hay buồn bã trên khuôn mặt của người khác.

Để hoàn tất đánh giá, họ tuyển dụng 325 người tham gia nói tiếng Anh có độ tuổi trung bình gần 36 và cho họ nhìn ngắm duy nhất hình ảnh khuôn mặt của từng tác phẩm điêu khắc mà không để lộ toàn bộ tác phẩm điêu khắc hoặc phân biệt được bối cảnh của nó bởi lo ngại rằng những biểu hiện bên ngoài như thương tích, bế em bé… có thể bộc lộ sự tương quan về cảm xúc trên khuôn mặt các bức tượng. Những người này đã đánh giá mức độ cảm xúc của khuôn mặt, chẳng hạn như sợ hãi và tức giận, hoặc những trạng thái cảm xúc tinh tế hơn, chẳng hạn như sự dễ chịu và tỉnh táo.

Cùng với đó, có 114 người khác đánh giá online mức độ cảm xúc được mô tả bằng văn bản về cảm xúc trên mỗi tác phẩm điêu khắc. Biểu cảm khuôn mặt của mỗi tác phẩm thường phù hợp với những gì người tham gia thường thấy trong mỗi tình huống, ví dụ bức tượng có biểu hiện đau đớn và khổ ải thường có ở những cá nhân được điêu khắc cho thấy bị tra tấn, tương đồng với những gì người phương Tây dự đoán sẽ xảy ra. Tuy nhiên để cho chắc chắn, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp phân tích thành phần chính được bảo toàn (PPCA) để xác định số chiều, hay nói cách khác là các biến biểu cảm, cho thấy sự tương đồng giữa biểu cảm trên khuôn mặt mỗi bức tượng và những kỳ vọng cảm xúc của người phương Tây. Như vậy cả hai nhóm tham gia đều diễn giải các tác phẩm điêu khắc theo cách tương tự như cách mà người nói tiếng Anh trong xã hội phương Tây chờ đợi ai đó cảm nhận trong từng bối cảnh.

Nhà tâm lý học Dacher Keltner viết trong công bố, “phát hiện của chúng tôi cho thấy các tác phẩm nghệ thuật châu Mỹ cổ đại mô tả cấu hình cơ mặt mà người phương Tây công nhận là biểu hiện của ‘đau đớn’, thường gắn liền với ngữ cảnh bị tra tấn; ‘sự quyết tâm’/’căng thẳng’, liên quan đến ngữ cảnh của việc nâng vật nặng; ‘tức giận’, thường xảy ra trong ngữ cảnh chiến đấu; ‘sự phấn khích’ – thường trong bối cảnh gắn liền với gia đình, xã hội; ‘buồn bã’, thường trong bối cảnh bị giam cầm (thất bại)”. Điều này vượt qua sự nhầm lẫn của các nghiên cứu dựa trên khảo sát vốn là tiêu điểm của cuộc tranh luận về tính phổ quát của cảm xúc.

Mặt khác, các kết quả cũng cho thấy “sự phổ biến của ít nhất năm loại biểu hiện trên khuôn mặt: những biểu hiện liên quan đến đau đớn, tức giận, quyết tâm/căng thẳng, phấn khích và buồn bã”. Điều thú vị là năm cảm xúc phổ biến này lại không trùng khớp với bảy cảm xúc cơ bản: tức giận, ghê tởm, sợ hãi, ngạc nhiên, hạnh phúc, buồn bã và khinh thường. Thêm một điểm đáng chú ý là những trạng thái tình cảm như sự khinh miệt, ghê tởm và kinh hãi phổ biến hơn tất thảy. Có vẻ như ở mọi nền văn hóa thì một số biểu hiện trên khuôn mặt có thể phổ biến hơn những biểu hiện khác.

Những phát hiện này cho thấy, các biểu hiện trên khuôn mặt đã được phát triển để truyền đạt nhiều loại cảm xúc hơn những gì các nhà khoa học vẫn thường nghĩ. “Nó cho thấy chúng ta đã được chuẩn bị về mặt sinh học biểu hiện của các trạng thái cảm xúc nhất định với những hành xử cụ thể, làm sáng tỏ bản chất phản ứng của chúng ta đối với các trải nghiệm được cho là có thể đem ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta”, Dacher Keltner viết.

Biểu cảm có vượt qua ranh giới văn hóa?

Liên quan đến cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ nên nghiên cứu này ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Nhà tâm lý học Jessica Tracy của Đại học British Columbia đánh giá, mối liên hệ giữa các nhóm tác phẩm cổ đại và người hiện đại đã “ủng hộ cho ý tưởng về tính phổ quát và nguồn gốc di truyền của những biểu hiện cảm xúc [cụ thể] này”.

Như vậy chúng ta có thể khép lại câu hỏi về việc liệu những biểu cảm trên khuôn mặt có phổ quát? Hóa ra là không hề.

Một nhà nhà tâm lý học là Deborah Roberson của Đại học Essex thừa nhận trên Science News là bất chấp cách tiếp cận của Keltner và Cowen mới lạ nhưng phát hiện của họ cũng sẽ không thể giải quyết được cuộc tranh luận tồn tại bấy lâu nay. Bởi về bản chất thì các nền văn hóa cổ đại có thể sử dụng các hình thức giao tiếp cảm xúc đặc biệt, phi ngôn ngữ mà con người hiện đại đơn giản là không thể nhận ra.

Viết trên Conversation, Megan Willis của trường Tâm lý, Đại học Công giáo Australia, cho rằng “Vẫn không rõ là liệu những tác phẩm nghệ thuật được chọn lọc có phản ánh đúng cuộc sống và trải nghiệm cảm xúc của những người được miêu tả hay không. Điều đó có nghĩa là, chúng có thể không đem lại cái nhìn trực diện và sâu sắc về cảm xúc của người châu Mỹ cổ đại”. Cô cũng cho rằng bản thân các tác phẩm điêu khắc này cũng có giới hạn khi chỉ quy tụ được một số cảm  xúc cơ bản của con người chứ không phải tất cả các cảm xúc phổ biến

Bản thân hai nhà nghiên cứu Đại học California, Berkeley cũng nhận thấy giới hạn trong nghiên cứu của mình. “Chúng tôi thiếu cái nhìn trực tiếp vào cảm xúc của người châu Mỹ cổ đại. Những gì chúng tôi có thể kết luận là các nghệ sĩ châu Mỹ cổ đại đã có chung chia sẻ với một số mối liên hệ của người phương Tây hiện đại giữa biểu cảm của cơ trên khuôn mặt và bối cảnh xã hội mà chúng có thể xuất hiện, những mối liên hệ có trước bất kỳ mối liên hệ nào giữa phương Tây và châu Mỹ cổ đại”.

Tuy nhiên nhiều nhà khoa học xã hội lập luận rằng, không thể giả định theo cách mà chúng ta giải thích ngày hôm nay chính là cách mà các nền văn hóa cổ đại đã nếm trải. Deborah Roberson trả lời Science News là có những khác biệt tinh tế về cách người Maya biểu lộ chính mình trong quá khứ và cách chúng ta biểu lộ chính mình ngày hôm nay.

Những biến đổi tinh vi như vậy không xa lạ với chúng ta. Ví dụ, khi so sánh nét mặt phương Tây và nét mặt phương Đông, nhiều nghiên cứu cho thấy, có thể tồn tại sự khác biệt giữa các nền văn hóa trong cách diễn giải biểu hiện của hạnh phúc, ngạc nhiên, sợ hãi, ghê tởm, tức giận hay buồn bã trên khuôn mặt của người khác. Những người nói tiếng Anh ngày nay nhất quán về cách biểu hiện cảm xúc nhưng với con người thuộc về các nền văn hóa châu Mỹ cổ đại có thể có những cách giao tiếp cảm xúc phi ngôn ngữ mà các nhà nghiên cứu ngày nay chưa nhận ra được, thậm chí là không bao giờ.

Có người đồng tình với quan điểm này của Deborah Roberson. Theo nhà tâm lý học Maria Gendron của Đại học Yale thì ý nghĩa của các trạng thái cảm xúc trên khuôn mặt có thể không tương đương giữa các nền văn hóa, cô nói. Ví dụ, những người sống ở nhóm đảo Trobriand, Papua New Guinea, thể hiện nỗi tức giận và sự đe dọa trên khuôn mặt trợn tròn, mồm há hốc trong khi dưới con mắt người phương Tây, đó là biểu hiện của sự sợ hãi. Trong khi đó, những người sống trong các cộng đồng nhỏ và tương đối biệt lập, như nông dân trồng trọt và chăn nuôi gia súc ở Himba và miền Nam châu Phi có cách thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt khác với người phương Tây, Roberson nói. Trong những xã hội truyền thống như vậy, mọi người đều hiểu rõ về nhau, vì vậy không cần cho rằng nét mặt phản ánh những trạng thái cảm xúc cụ thể.

Sống trong thế giới toàn cầu hóa, hiểu biết về sự tương đồng hoặc khác biệt giữa biểu cảm con người giữa các nền văn hóa đem lại khả năng phản ứng trước những tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ để tránh lâm vào những tổn thất, hiểu lầm không đáng có. Tuy nhiên, có thể vẫn có những khác biệt xảy ra. Nếu ai đó thường xấu tính, cáu kỉnh và thủ đoạn thì người ta có thể sẽ luôn phải đề phòng họ, ngay cả khi họ đang mỉm cười.□

Tô Vân tổng hợp

Nguồn:

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/can-ancient-statues-reveal-universal-facial-expressions-180975666/

https://theconversation.com/surprise-facial-expressions-arent-necessarily-universal-6767

https://phys.org/news/2020-08-ancient-mayan-facial-universal.html

https://medicalxpress.com/page200.html

Tác giả

(Visited 111 times, 1 visits today)