Những tin vui thực sự về khí hậu

Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang bị khô hạn nghiêm trọng, nhiều vùng ở Australia bị ngập lụt, sông băng trên dãy Alps đang tan chảy ngày càng nhanh hơn, Thủ tướng Đức muốn đẩy mạnh khai thác khí đốt - tuy vậy, vẫn có một số tin vui liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong những ngày gần đây, các tin tức dồn dập liên quan đến khí hậu cứ như thể ngày tận thế đang ập đến. Australia đang trải qua trận lũ lụt thứ tư vô cùng tệ hại trong vòng 18 tháng, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lâm vào tình trạng khô hạn chưa từng có trong 1.000 năm nay, sông băng trên dãy Alps tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh hơn và miền bắc Italy đang cạn kiệt nước. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn phát triển khai thác các mỏ khí đốt mới ở Senegal, mặc dù Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo không phát triển thêm các dự án hóa thạch vì mục tiêu khí hậu.

Tuy nhiên, trên thế giới hiện đang diễn ra một loạt sự kiện mang lại nhiều hy vọng. Sự phát triển của công nghệ về sản xuất và lưu trữ năng lượng, trung hòa CO2, đang tiếp tục được xúc tiến với tốc độ nhanh chóng. Dưới đây là các tin vui liên quan đến khí hậu:

1. Trung Quốc phát triển điện gió và điện mặt trời với tốc độ chóng mặt

Mới đây, Bloomberg New Energy Finance (Bloomberg NEF) – tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về năng lượng tái tạo, dự đoán sản lượng tuabin gió ngoài khơi trên toàn thế giới trong giai đoạn 2021-2035 sẽ tăng gấp 10 lần, lên 504 gigawatt. Để so sánh, tổng công suất của tất cả các nhà cung cấp điện của Hoa Kỳ hiện vào khoảng 1,1 terawatt. Cho đến nay, Trung Quốc là nước phát triển năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất trên toàn cầu. Theo dự báo, đến năm 2030, nước này sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng năng lượng gió ngoài khơi trên toàn cầu. Năng lượng gió trên bờ cũng đang phát triển cực kỳ nhanh ở Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm nay, công suất trên bờ dự kiến sẽ tăng 50 gigawatt. Ngoài các tuabin gió ngoài khơi neo đậu trên và dưới đáy biển, các tuabin gió nổi dự kiến sẽ tăng từ giữa thập kỷ này. Bloomberg NEF dự báo công suất điện gió sẽ tăng thêm 25 gigawatt vào năm 2035.

Những tấm pin mặt trời và tua bin gió ở Yancheng, Trung Quốc

Công suất điện mặt trời cũng đang tăng nhanh ở Trung Quốc. Theo Viện Kỹ thuật Năng lượng Tái tạo Trung Quốc, nước này sẽ bổ sung thêm 100 gigawatt công suất điện mặt trời trong năm 2022. Không có gì đáng ngạc nhiên khi bảy trong số mười nhà sản xuất tế bào quang điện lớn nhất có trụ sở tại Trung Quốc và khoảng 80% polysilicon cần thiết cho pin mặt trời cũng được sản xuất tại đây. Đây cũng là hệ quả từ những sai sót trong các quy định của châu Âu. Nhà sản xuất polysilicon châu Âu duy nhất trong top 5 là Wacker Chemie. Nhìn chung, nhiều dự báo cho thấy Trung Quốc sẽ tăng công suất năng lượng tái tạo từ 140 lên 154 gigawatt chỉ trong năm nay – gần gấp ba lần toàn bộ công suất điện mặt trời hiện đang được lắp đặt ở Đức. Theo kế hoạch 5 năm, Trung Quốc sẽ bổ sung 570 gigawatt công suất năng lượng tái tạo vào năm 2025, bằng khoảng một nửa tổng công suất của tất cả các nhà máy điện ở Mỹ. Nếu điều này tiếp tục, các chuyên gia tại Carbon Brief dự đoán Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu vượt mức đỉnh điểm phát thải CO2 và giảm lượng khí thải sớm hơn kế hoạch – năm 2026 thay vì năm 2030.

2. Khí đốt đắt đến mức sẽ sớm không còn giá trị

Thoạt nghe điều này có vẻ vô lý: Giá khí đốt ngày càng tăng, phần lớn là do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, sẽ gây thiệt hại cho khí đốt trong ngắn hạn và trung hạn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ “giảm vào năm 2022 và vẫn giảm vào năm 2025”. Về bản chất, đó chỉ là một nửa tin tốt vì theo IEA, “dự báo giảm nhu cầu khí đốt phần lớn là do hoạt động kinh tế sa sút và ít chuyển đổi từ than, dầu sang khí”. Trong khi đó, dầu mỏ và than đá là những nguồn năng lượng “bẩn” hơn nhiều. Tuy nhiên, IEA cho rằng ít nhất một phần năm nhu cầu giảm là do “tăng hiệu quả và thay thế khí đốt bằng năng lượng tái tạo”. Đồng thời kết luận: “Điều này nhấn mạnh cần phải tiến bộ hơn nữa trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.” Một chuyên gia khí đốt nói với Guardian rằng Australia sẽ “loại bỏ vĩnh viễn nhu cầu” về khí đốt. Các dự án phát triển mới có thể không còn giá trị ở đây nữa. Đây là tin tốt, bởi vì mỗi tấn CO₂ nằm lại trong lòng đất là một bước đi đúng hướng. Các nước như Australia nói riêng có thể sớm xuất khẩu năng lượng sạch bằng các phương pháp khác.

3. Các siêu cường năng lượng mới sẽ sớm xuất hiện

Sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, không chỉ để sạc ô tô và cung cấp năng lượng cho thiết bị điện tử, mà còn tạo ra hydro, dầu diesel trung tính carbon và thậm chí cả nhựa, sẽ thay đổi bản đồ kinh tế toàn cầu. Australia, với những vùng đất rộng lớn đầy ánh nắng, sẽ là một trong những nước thắng cuộc cuối cùng, tương tự như các quốc gia nhiều nắng, ít mây, có địa hình cao và không khí trong lành. Ngoài Chile – quốc gia đáp ứng tất cả các yêu cầu này, về lý thuyết, các địa điểm cung cấp năng lượng mặt trời hàng đầu còn có Namibia, Jordan, Ai Cập, Yemen, Oman, Ả Rập Saudi và nhiều quốc gia khác ở vùng Vịnh. Ngoài ra có thể kể đến Pakistan, Afghanistan hoặc các nước Mỹ Latinh như Bolivia, Peru và cả Argentina.

Hầu hết các bờ biển đều là những địa điểm tốt để sản xuất năng lượng gió, nhiều ngọn núi và khu vực khác cũng vậy. Ví dụ như ở vùng Sừng châu Phi, bờ biển phía tây châu Phi, bờ biển phía đông của Mỹ Latinh và Mông Cổ. Công nghệ sản xuất nhiên liệu (ví dụ cho tàu thủy và máy bay), các thành phần nhựa và các sản phẩm cho ngành công nghiệp hóa chất từ CO2 và hydro xanh đã có từ lâu. Điều này khó có thể xảy ra trên quy mô lớn ở Trung Âu, vì năng lượng tái tạo ở đây quá khan hiếm – nhưng một ngày nào đó, một số siêu cường năng lượng tái tạo trong tương lai được đề cập ở đây có thể trở thành nhà xuất khẩu các sản phẩm thay thế CO2 trung hòa cho chất độc hóa thạch. Lý tưởng nhất là với sự hỗ trợ của các công ty Đức như Ineratec từ Karlsruhe hoặc Sunfire từ Dresden.

5. Công nghệ lưu trữ điện đang trên đà phát triển

Khi tranh luận với những người không muốn thay đổi, khư khư bám vào cái cũ, thì lý lẽ đầu tiên người ta đưa ra là, khi không có gió và thiếu ánh sáng trời thì lấy đâu ra điện. Các mô hình “Power-to-X” được mô tả ở trên là một câu trả lời cho câu hỏi này. Các công nghệ lưu trữ mới và truyền thống là giải pháp thứ hai. Lĩnh vực Lưu trữ năng lượng trong thời gian dài (LDES) hiện đang phát triển nhanh chóng, với nhiều cách tiếp cận công nghệ khác nhau.

Tóm lại: Các giải pháp chúng ta cần để giải phóng bản thân không bị phụ thuộc vào sản sinh CO2 đã có sẵn từ lâu. Vấn đề phải làm lúc này là ưu tiên thực hiện. Đồng thời tính đúng các chi phí khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể hơn, chúng ta nên khuyến khích xây dựng các nhà máy điện mặt trời ở Bắc hoặc Trung Phi hơn là tìm kiếm và khai thác các mỏ khí đốt mới ở Senegal.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: http://Klimakrise und technischer Fortschritt: Fünf wirklich gute Klimanachrichten – Kolumne – DER SPIEGEL

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)