Những văn phòng của tương lai

Khi năng suất không còn được đo bằng lượng thời gian nhân viên ngồi ở bàn làm việc mà bằng sản phẩm thì kiến trúc trụ sở của nhiều công ty đình đám cũng có những thay đổi rõ rệt.

Trong lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng của mình năm 2011, Steve Jobs đã miêu tả chi tiết cho hội đồng thành phố Cupertino, California kế hoạch xây dựng trụ sở chính của Apple – một khuôn viên rộng 71 héc-ta với một tòa nhà hình chữ O khổng lồ ở trung tâm, dành cho 13.000 nhân viên. Jobs tuyên bố đó là cơ hội để họ xây dựng “tòa văn phòng tuyệt với nhất thế giới”: thiết kế giống hình bánh rán donut này của Norman Foster không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn đảm bảo rằng các nhân viên có thể hợp tác, đi lại trong khuôn viên mới. Đây là một ý tưởng trọng tâm của các kiến trúc sư thiết kế văn phòng hiện đại hiện nay.

Cũng giống như vậy, Norman Foster đã từng hủy kế hoạch xây dựng ba tòa nhà trụ sở chính của Pixar năm 2000 để xây dựng một khoảng không rộng lớn với một hội trường ở trung tâm, buộc các nhân viên phải chạm trán và tương tác với nhau. Tòa nhà nhằm mục đích khuyến khích sự cộng tác – một xu hướng cho thấy môi trường công sở hiện đại không còn chỉ xoay quanh bàn làm việc mà cả khu vực môi trường xung quanh nữa.

Simon Allford, giám đốc kiến trúc sư của Allford Hall Monaghan Morris (AHMM), nói rằng khi ông bắt đầu vào nghề, các thiết kế chỉ xoay quanh việc làm thế nào để có thể đi từ thang máy đến bàn làm việc một cách nhanh nhất. Điều này đã thay đổi trong thập kỷ vừa qua. Giờ đây văn phòng của các tổ chức, ví dụ như các trụ sở chính của BBC ở trung tâm London hay Viện Hoàng gia Kiến trúc sư Anh (Riba), đều có những khu vực để nhân viên có thể tụ tập, họp mặt ngẫu hứng.

Việc chuyển hướng khỏi suy nghĩ rằng bàn làm việc là công cụ cần thiết nhất cho sự năng suất trong lao động này là một trong những tiến bộ của ngành thiết kế công sở. Theo Philip Tidd, công ty thiết kế và kiến trúc Gensler, các tập đoàn lớn đã nhận ra rằng bó hẹp nhân viên của mình trong một khoảng không gian nhất định không phải lúc nào cũng tạo ra hiệu quả cao. Năng suất không còn được đo đạc bằng lượng thời gian nhân viên ngồi ở bàn làm việc nữa mà bằng sản phẩm. Điều tối quan trọng đối với thiết kế công sở là phải đạt được sự cân bằng giữa khoảng không gian đề nhân viên tập trung làm việc và khoảng không gian dành cho sự tương tác, giao lưu. Nhiều công ty, nhất là trong ngành công nghệ như Google, đã rất tích cực áp dụng yếu tố này, với những văn phòng được chia khu vực cụ thể dành cho làm việc và xả hơi.

Xu hướng thiết kế văn phòng hiện đại cũng đang dần dần phá bỏ những rào cản truyền thống về quyền lực và địa vị nơi công sở, ví dụ như thông lệ những người có chức tước cao trong một tổ chức được sở hữu phòng làm việc riêng rộng hơn. Một công ty luật ở Birmingham đã áp dụng thiết kế văn phòng mở, tức là không nhân viên nào có phòng làm việc riêng hết.

Viện Riba cho biết, nhu cầu cho những công sở chất lượng cao đang ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên. Đối với những nước đang chuyển từ nền kinh tế dựa vào sản xuất sang dịch vụ như Anh, nơi mà gần ¾ GDP được đưa đến từ ngành công nghiệp dịch vụ văn phòng, thì việc thiết kế công sở là cực kỳ quan trọng và cần củng cố.

Nguồn:

http://www.theguardian.com/business/2014/sep/14/office-designs-apple-bbc-google

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)