Niềm tin, thông tin, và điều hành vĩ mô
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/3/2008 đã đưa ra bảy nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Về đại thể, những chính sách này đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, trong điều hành kinh tế vĩ mô, việc có chính sách đúng hướng vẫn chưa đủ.
Niềm tin của người dân và của các nhà đầu tư đối với Chính phủ đã bị thách thức nhiều lần trong khoảng một năm trở lại đây. Hoặc là do lời cam kết (thậm chí “đánh cược”) của một số quan chức chính phủ về tỷ lệ lạm phát dưới hai con số đã không thành hiện thực. Hoặc là do việc sử dụng số liệu thống kê một cách tùy tiện để bẻ chỉ số giá xuống mức một con số. Hoặc là do chính sách rút tiền ra hay bơm tiền vào đột ngột khiến hệ thống ngân hàng và toàn thị trường trở nên náo loạn. Hoặc là do số liệu thống kê (ví dụ như giải ngân FDI) hay chính sách (ví dụ như tự do hóa lãi suất) trước sau không nhất quán. Hoặc là thái độ thiếu trách nhiệm khi không nhận lỗi do chính sách sai mà đổ lỗi cho công tác dự báo của cấp dưới và các cơ quan khác, vân vân và vân vân.
Sự xói mòn niềm tin giờ đây đã trở thành một thách thức đối với các cơ quan điều hành vĩ mô của Việt Nam. Cổ nhân có câu “một lần thất tín, vạn sự bất tin”. Hoàn toàn không ngoa khi nói rằng tài sản lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính không phải là số tiền họ có trong tài khoản dự trữ hay trong kho bạc mà chính là uy tín của họ và niềm tin của thị trường. Ở các nước phát triển, một lời nói của Thống đốc Ngân hàng Trung ương hay Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể khiến thị trường rùng rùng chuyển động. Những lời phát biểu của họ nặng tựa ngàn cân vì sau mỗi lời nói ấy là trách nhiệm, là uy tín nghề nghiệp và danh dự cá nhân, những tài sản họ tích lũy trong cả sự nghiệp; và khi uy tín, danh dự ấy bị xói mòn thì họ sẵn sàng trả giá bằng sự từ chức trong danh dự.
Tại sao uy tín của các cơ quan điều hành vĩ mô – cơ sở cho niềm tin của thị trường – lại quan trọng đến như vậy? Khi thị trường không còn niềm tin vào chính sách và năng lực điều hành của chính phủ thì hệ quả đầu tiên sẽ là chính sách của chính phủ sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí đi theo những hướng ngoài mong muốn. Trong một thị trường đầy biến động và rủi ro như hiện nay, khi một người thiếu niềm tin thì phản ứng đầu tiên của người ấy sẽ là tìm mọi cách để tự vệ. Và khi rất nhiều người cùng có phản ứng tự vệ tiêu cực thì sự việc sẽ xấu đi một cách nhanh chóng. Việc mọi người vừa qua tranh nhau đổ xô đi mua gạo dự trữ làm giá gạo tăng gấp đôi, gấp ba trong vòng có vài ngày là một ví dụ điển hình.
Phản ứng tự vệ của một số đông người sẽ trở nên tồi tệ hơn khi những người này thiếu thông tin, hay có thông tin không chính xác. Khi ấy, sự đoán già đoán non và những tin đồn thổi dễ dàng biến cả những người bình thản nhất trở nên lo lắng. Sự lo lắng này sẽ phát tán và lan tỏa rất nhanh trong một môi trường thiếu niềm tin và thiếu thông tin, và kết quả là một sự hoảng loạn thực sự của thị trường. Khi ấy tâm lý đám đông và hành xử bầy đàn sẽ cuốn trôi tất cả, và tình hình sẽ nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bộ máy điều hành của Chính phủ.
Trong hơn một năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ không khí lạc quan, phấn khởi, đầy tin tưởng khi gia nhập WTO sang tâm trạng bất an, lo lắng, thiếu niềm tin do tình trạng lạm phát và bất ổn vĩ mô gây ra. Mặc dù niềm tin một khi đã xói mòn sẽ khó lòng lấy lại được, nhưng sẽ không bao giờ muộn nếu thực tâm muốn khôi phục niềm tin. Hơn thế nữa, khôi phục niềm tin cũng đồng thời là cách lấy lại sức mạnh và hiệu lực cho chính sách vĩ mô của Nhà nước – điều mà Chính phủ rất cần để có thể đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay. Để làm được điều này, một thái độ thực sự cầu thị, một hệ thống chính sách cẩn trọng, đúng đắn,và một cơ chế giao tiếp thông tin mạch lạc, kịp thời với người dân, với thị trường là những điều kiện không thể thiếu.