Niềm vui chưa trọn vẹn

Một trong những điểm sáng về kinh tế của nước ta trong năm 2012 đầy khó khăn này là thành tích xuất khẩu. Với mức tăng 18,3% và kim ngạch đạt tổng cộng khoảng 114,6 tỷ USD, xuất khẩu đã vượt kim ngạch nhập khẩu chút ít sau nhiều năm nhập siêu nặng nề.  Tuy nhiên, đằng sau con số đẹp về tăng trưởng xuất khẩu, có thể thấy hàng loạt vấn đề trong lĩnh vực quan trọng này của nền kinh tế.

Trước hết, kim ngạch xuất khẩu của ta năm nay cao hơn so với nhập khẩu chủ yếu là do cầu trong nước yếu, tỷ lệ tồn kho tăng cao, hàng vạn doanh nghiệp đóng cửa, hàng vạn doanh nghiệp khác giảm công suất sản xuất, và sản xuất kinh doanh của nhiều ngành vốn dĩ phụ thuộc nặng vào nhập khẩu đầu vào từ bên ngoài bị đình trệ. Vì vậy sự vượt lên của xuất khẩu so với nhập khẩu năm 2012 hoàn toàn không nói lên sự cải thiện sức cạnh tranh hay năng lực cung cấp các đầu vào cơ bản của nền kinh tế, và cũng không có tính bền vững.

Thứ hai, cơ cấu xuất khẩu chưa cho thấy sự cải thiện nào đáng kể. Đóng góp chủ yếu vào xuất khẩu vẫn là sản phẩm của các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng lao động giá rẻ, của nông sản chưa chế biến, của khoáng sản thô… Ngay sản phẩm được gọi là công nghệ cao của các nhà đầu tư nước ngoài làm ở Việt Nam để xuất khẩu cũng vẫn chỉ là hàng gia công, với giá trị gia tăng rất khiêm tốn. Như vậy xuất khẩu không có nghĩa là làm cho ta giàu lên, mà có khi càng xuất nhiều ta lại càng nghèo đi, còn năng suất lao động và trình độ kinh tế cứ giậm chân tại chỗ.

Thứ ba, năm nay nước ta đạt thứ hạng cao hơn về lượng xuất khẩu của một số sản phẩm, như lúa gạo lên vị trí số 1 toàn cầu, cà phê cũng lên số 1, cao su lên số 3… Tuy nhiên, vị trí cao hơn về khối lượng xuất khẩu không có ý nghĩa gì nhiều, khi ta xuất gạo nhiều hơn Thái Lan 1 triệu tấn nhưng kim ngạch thu được lại thua Thái Lan 1 tỷ USD, thu nhập cà phê cũng thua Brazil, và vị thế mặc cả, uy tín, khả năng quyết định các giao dịch quan trọng trên thị trường quốc tế vẫn thua xa các nước này.

Thứ tư, tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 chủ yếu là thành tích của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), với mức tăng khoảng 33%, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ tăng được hơn 1%. Thị phần của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động xuất khẩu tiếp tục bị đẩy lùi xuống chỉ còn khoảng 35%, trong khi doanh nghiệp FDI vượt lên chiếm 65% xuất khẩu của nước ta. Điều này vừa nói lên những khó khăn gay gắt mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải, vừa thách thức tính bền vững của xuất khẩu nước ta: nếu ta không làm cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam cạnh tranh hơn, thì khả năng các doanh nghiệp FDI chuyển các cơ sở làm hàng xuất khẩu đi nơi khác có thể xảy ra. Năm 2012 đã cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI ở triển vọng kinh tế của Việt Nam đang giảm xuống, trong khi niềm tin của họ vào Indonesia, Myanmar, Philippines… đang tăng lên.

Thứ năm, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ai đang hưởng lợi ích từ thành tích xuất khẩu của Việt Nam? Nông dân hưởng bao nhiêu từ xuất khẩu nông sản, người lao động hưởng bao nhiêu từ xuất khẩu các mặt hàng gia công, người dân hưởng bao nhiêu từ xuất khẩu khoáng sản mà theo luật định là tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân?  Rồi rốt cuộc Việt Nam thực sự hưởng lợi bao nhiêu từ xuất khẩu hộ các nước đang cung cấp đầu vào nhiều khi chiếm tới 80-90% giá trị các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam?

Những vấn đề trên khiến chúng ta không khỏi nhức nhối, và còn lâu ta mới có được niềm vui trọn vẹn từ điểm sáng xuất khẩu này.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)