Nỗ lực của người dân
Người dân là nguồn động lực để nền công nghiệp điện than Hàn Quốc phải thay đổi.
Trẻ em tham quan bảo tàng điện than trong khuôn viên nhà máy điện than Yeungheung. Ảnh: Hảo Linh.
Năm 2016, lần đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc phải hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy điện than tại huyện Dangjin, tỉnh Chungcheong Nam vì vấp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng. Một nhóm người dân Dangjin và cả người lãnh đạo huyện này đã tổ chức một cuộc tuyệt thực trong vòng một tuần tại quảng trường Gwanghwamun, đối diện Phủ tổng thống giữa thời tiết nắng nóng vào tháng bảy.
Đời sống ở Dangjin, một huyện ven biển thanh bình, của khoảng 300 hộ gia đình vào những năm 90, bắt đầu bị xáo trộn khi Hàn Quốc lựa chọn đây là “thủ phủ” của điện than. Trong vòng 8 năm từ 1999 đến 2007, 8 nhà máy điện than được xây dựng với công suất hơn 6000 MW. Đến năm 2016, nhà máy số 9 và số 10 được hoàn thiện với tổng công suất hơn 2000 MW. Sau đó, chính phủ còn dự định xây thêm ở đây một nhà máy thứ 11 với tên gọi là “Nhà máy điện xanh”, “hứa hẹn” sẽ trở thành một trong những nhà máy điện than lớn nhất thế giới. Việc các nhà máy điện than cùng một loạt các cột điện cao thế dựng lên khiến cho người dân bị lấy đất nông nghiệp, mất đi nguồn sinh kế chính. Quan trọng hơn, họ bắt đầu lo lắng cho sức khỏe của mình: Trong những lần khám định kì của người dân Dangjin, đa số đều có nồng độ kim loại nặng Cadimium trong cơ thể lớn hơn mức bình thường. “1000 người đào tạo một ngày thì cũng bằng không, một người đào tạo bài bản thì sẽ lan tỏa đến 1000 người”.br /> Trước khi diễn ra cuộc biểu tình ở Seoul, tổ chức Friends of the Earth Hàn Quốc tại tỉnh ChungCheong Nam đã cùng người dân ở Dangjin tập hợp 12000 chữ kí phản đối xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện ở đây gửi lên văn phòng chính phủ. Họ cũng liên tục tuần hành phản đối công ty điện than và tập trung tới 900 người trước trụ sở của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc yêu cầu hủy dự án này.
Tiếng nói của họ không được lắng nghe trong nhiều tháng trời vì ở Hàn Quốc, các cuộc biểu tình diễn ra như cơm bữa, bên ngoài mọi cơ quan công quyền của nước này. Cho đến khi ô nhiễm không khí của Hàn Quốc trở nên trầm trọng; cho đến khi những người tuyệt thực bị ngất xỉu, người dân Seoul mới nhận ra rằng câu chuyện ở một tỉnh cách đó hơn 100 km thực sự liên quan đến cuộc sống và sức khỏe của họ và điều đó tạo áp lực cho những ứng cử viên tranh cử tổng thống vào thời điểm bấy giờ.
“Thực ra, chỉ cần Bộ trưởng của Bộ Thương Mại, Công nghiệp, Năng lượng đặt bút ký là dự án ấy sẽ được tiến hành (mà không cần thông qua hay hỏi ý kiến của bất kì ai) nhưng ý chí của người dân đã khiến việc đó không thực hiện được” – Jieon Lee, giám đốc Friends of the Earth ở Hàn Quốc cho biết.
Tiêu chuẩn nghiêm ngặt là nhờ người dân
Hàn Quốc là một trong bảy nước phát thải nhiều nhất trên thế giới. Quốc gia này có hơn 61 nhà máy điện than (và dự kiến sẽ có 16 dự án khác được xây dựng đến năm 2022). Tỉ lệ điện than trên tổng sản lượng điện của nước này là 43%, nhiều nhất trong khối OECD, được người dân ở đây nhắc đến như một nỗi xấu hổ. Mâu thuẫn giữa người Hàn Quốc với các nhà máy điện than không phải chờ đến cuộc biểu tình ở Dangjin mới bùng nổ mà trước đó nhiều năm đã diễn ra những cuộc biểu tình ở những khu vực khác mà điển hình là ở đảo Yeongheung, tỉnh Incheon. Người dân ở đây, cùng với các tổ chức môi trường, đã lên tiếng phản đối trong suốt hai năm liên tục từ 1997 – 1999 khi Hàn Quốc quyết định đặt những nhà máy đầu tiên ở đây.
Yêu cầu của những người dân ở Yeungheung không được đáp ứng. Nhưng nhà nước chỉ xây dựng được ở đây sáu nhà máy điện than, thay vì tám nhà máy như dự kiến. Hơn nữa, trước khi cuộc biểu tình kết thúc, người dân ở đây yêu cầu chính quyền Incheon phải kí với họ một “hiệp ước” liên quan đến bảo vệ môi trường. Việc giám sát những điều khoản thực hiện trong hiệp ước sẽ do một ủy ban bao gồm người dân, các nhà khoa học, thành viên của các tổ chức môi trường. Theo đó, nhà máy điện phải công khai mỗi quý một lần về tình hình phát thải của mình, đồng thời có những hỗ trợ về kinh tế – xã hội cho người dân sống ở khu vực xung quanh (chi trả cho tiền khám sức khỏe định kì hai năm/lần, tuyển con em dân địa phương vào làm việc…).
900 người dân Dangjin phản đối dự án “Nhà máy điện xanh” trước trụ sở của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc. Ảnh: Jieon Lee, Friends of the Earth Hàn Quốc.
Điện than của Hàn Quốc được xây dựng trên những quy định ngày một chặt chẽ là do sức ép không ngừng từ phía người dân địa phương và các tổ chức môi trường. Từ người dân bình thường cho đến những nhà hoạt động xã hội ở Hàn Quốc đều chia sẻ với chúng tôi rằng, công nghệ điện than lẫn công nghệ lọc khí thải của các nhà máy của họ đều thuộc hàng “top trên thế giới”. Tiêu chuẩn phát thải điện than của Hàn Quốc ngặt nghèo nhất toàn cầu (tiêu chuẩn phát thải PM 2.5 tương đương với Đức và khắt khe gấp 20 lần so với Việt Nam và phát thải NOx chỉ bằng 1/2 của nước này và dưới 1/6 của Việt Nam). Khu vực nhà máy điện than Yeungheung của Hàn Quốc đẹp như công viên, nằm giữa rừng thông được trồng bạt ngàn. Thậm chí còn có bảo tàng về điện than để trẻ em đến tham quan. 30% chi phí xây dựng nhà máy chỉ dành cho công nghệ lọc khí thải, lọc được gần 99% PM 2.5. Năm năm nữa, họ sẽ xây nhà trữ than thay vì để lộ thiên như hiện nay, với số tiền đầu tư tương đương với 10% giá trị nhà máy. 80% xỉ than được chế biến thành sản phẩm đầu vào cho các nhà máy sản xuất xi măng, còn lại 20% là chôn lấp.
Nhưng ngay cả như vậy, người dân sống quanh các nhà máy điện than cũng không muốn duy trì loại hình năng lượng này. 80% bụi không khí ở Incheon đến từ nhà máy điện than. Bà Kim Song Bun, một người dân sống ở đây đã 60 năm, là người đi đầu trong những cuộc phản đối điện than ở đây kể rằng, bà lo sợ cho sức khỏe khi lúc nào cũng “khó chịu ở cổ” mỗi khi làm đồng và cải thảo trồng ở đây thường bị phủ đầy tro than, không ăn được. Hơn nữa, người sống gần nhà máy điện than cũng khó chuyển đi nơi khác vì bán đất không ai mua.
Dù đang sử dụng công nghệ tối tân nhất trên thế giới, 15% bụi PM 2.5 của Hàn Quốc là đến từ điện than. Dù xây dựng nhà chứa than, bụi than vẫn sẽ phát tán trong không khí trong quá trình vận chuyển than và chôn lấp tro bay. Hơn nữa, đây là ngành công nghiệp sử dụng một khối lượng nước khổng lồ để làm mát hệ thống nhà máy, rồi lại thải ngược trở lại ra biển, khiến nhiệt độ nước biển ở gần bờ tăng khoảng 40C đột ngột, ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển và đời sống của ngư dân địa phương.
Bà Kim Song Bun, người dân ở Yeungheung là người đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối điện than tại đây. Bà là thành viên trong nhóm giám sát nhà máy điện than Yeungheung. Ảnh: Hảo Linh.
Bỏ điện than cũng nhờ ý thức người dân
Nhưng giảm thiểu và ngừng điện than sẽ vấp phải mâu thuẫn với nhu cầu dùng điện ngày càng tăng của đa số người dân Hàn Quốc. Khi chúng tôi hỏi những nhà hoạt động về môi trường ở Hàn Quốc, rằng giải pháp nào giảm điện than thì tất cả đều đề cập đến việc tiết kiệm điện. Người dân Seoul và các vùng lân cận sử dụng tới hơn 70% sản lượng điện sản xuất ở ChungCheong Nam và Yeungheung mà không trực tiếp hứng chịu hậu quả của nhà máy điện than, liệu họ có sẵn sàng dùng điện ít đi? “Tôi nằm ở phe chống đối điện than, nhưng tôi hiểu rằng sẽ không giảm được nếu mình không giảm lượng tiêu thụ điện” – Ha Jiwon, người sáng lập tổ chức môi trường Ecomom Hàn Quốc và cũng là giáo sư về Chính sách phát triển bền vững tại Đại học Suwon, Hàn Quốc. “Người Hàn Quốc sống thì gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và hai con), chủ yếu ăn ngoài hàng nhưng ở nhà lúc nào cũng có ba chiếc tủ lạnh, (ngoài tủ lạnh thường còn có tủ đựng kim chi và tủ đựng rượu). Điều hòa thì mỗi phòng một cái mà phải là loại kèm với máy lọc không khí” – Bà nói thêm.
Ecomom muốn việc cắt giảm điện than trở nên bền vững. Ít nhất là họ muốn thay đổi suy nghĩ của thế hệ tương lai. Tổ chức vì môi trường nổi tiếng Hàn Quốc này tập trung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ trẻ em. Họ cho rằng đào tạo phải là quá trình lâu dài “1000 người đào tạo một ngày thì cũng bằng không, một người đào tạo bài bản thì sẽ lan tỏa đến 1000 người” – Ha Jiwon nói. Vì vậy, Ecomom chỉ tổ chức các khóa đào tạo dài hạn, kéo dài một năm hoặc đưa vào trường học, ở những môn không tính điểm hoặc tính điểm dựa trên bài luận và dự án cụ thể. Thông điệp họ dạy trẻ em được tổng kết ngắn gọn là: “Thói quen vui vẻ, thay đổi thế giới” nhưng không cứng nhắc “Chúng tôi không hỏi, một ngày em mở tủ lạnh bao nhiêu lần? bật điều hòa bao nhiêu lần mà tạo cho các em cảm giác bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, thì các em ít bật điều hòa, ít mở tủ lạnh đi” – cô nói thêm. Cách dạy của tổ chức này chủ yếu là thông qua dự án, học sinh tự khảo sát, nghiên cứu về các hoạt động hằng ngày có ảnh hưởng đến môi trường thế nào, cách giải quyết ra sao nên học sinh ngoài kiến thức về môi trường, còn có một tư duy độc lập và kỹ năng lãnh đạo. Có em đã viết thư đến một công ty bánh kẹo phản ánh họ dùng quá nhiều giấy nilon không cần thiết (và khiến họ thay đổi thiết kế bao bì). Có em đã viết thư cho tổng thống bày tỏ quan điểm của mình.
Nhưng giáo dục người dân không có nghĩa là người làm chính sách không cần thay đổi. Mặc dù Tổng thống Moon Jae In tuyên bố sẽ giảm thiểu điện than nhưng quá trình này vẫn diễn ra chậm chạp. Hàn Quốc đóng cửa nhà máy điện than cũ, nhưng lại “âm thầm” phê duyệt xây các nhà máy mới. Giải pháp để đóng của một nền công nghiệp điện than với nhiều tập đoàn đã phát triển lớn mạnh nhiều thập kỉ với hàng chục nghìn con người là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Hơn nữa, giá điện của Hàn Quốc vẫn rất rẻ (rẻ ngang với Việt Nam) và điện than thì không phải trả phí môi trường. Chính vì vậy, các nhà máy sản xuất “ngốn điện như nước lã” không có nhiều động lực để chuyển sang hay đầu tư cho điện tái tạo. “Chính sách về năng lượng của Hàn Quốc vẫn là làm sao để sản xuất thật nhiều điện với giá rẻ” – Jieon Lee cho biết.□