Nợ xấu ngân hàng Việt Nam qua “lăng kính” của Moody’s

Trong báo cáo phân tích mới nhất về định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cho rằng, chi phí để giải quyết khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam sẽ là lớn.

Báo cáo ra ngày 8/8 của Moody’s có đoạn về “hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang cho thấy những điểm dễ bị tổn thương hậu thời kỳ bùng nổ tín dụng”. Các chuyên gia thực hiện báo cáo ghi nhận, sau thời gian tăng trưởng tín dụng nội địa mạnh mẽ từ năm 2004, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại trong năm qua, bao gồm hạn chế cho vay đối với những khu vực kinh tế kém hiệu quả.

“Khi nguồn vốn ngày càng trở nên khan hiếm và lãi suất gia tăng, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản trở thành đối tượng của các áp lực về thanh khoản, dẫn tới sự suy giảm chất lượng tài sản. Biến động tỷ giá càng làm trầm trọng thêm vấn đề bởi các ngân hàng nắm giữ một lượng tài sản dù nhỏ nhưng không thể xem nhẹ tính bằng đồng USD”, báo cáo của Moody’s viết.

Báo cáo đánh giá, xét tới mức độ minh bạch thấp trong các dữ liệu của Việt Nam, thì chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam trên thực tế là tệ hơn nhiều so với con số tỷ lệ nợ xấu 3,1% tính đến thời điểm cuối năm 2011.

Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ và giá trị nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo Moody’s, là rất khó lường, thể hiện qua các con số khác biệt theo công bố của Ngân hàng Nhà nước. Vào tháng 7, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố, tính đến cuối tháng 5, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên mức 4,5% tổng dư nợ cho vay tại các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lại phát biểu rằng, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 10% tổng dư nợ, dù không đưa ra thời điểm cụ thể cho con số này.

Moody’s nhận định, chất lượng tài sản suy giảm đã xói mòn mức vốn của nhiều ngân hàng, làm suy yếu thêm khả năng hấp thụ thua lỗ vốn đã yếu của ngân hàng Việt Nam, đồng thời kìm hãm khả năng cấp vốn tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm vì thế gần như là đi ngang.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vào cuối năm 2011, Chính phủ đã đưa ra một lộ trình cho hoạt động sáp nhập các ngân hàng thương mại.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu tùy thuộc vào đánh giá năng lực tài chính của từng ngân hàng, trong đó những ngân hàng mạnh nhất được phép tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2012, trong khi những ngân hàng yếu không được phép mở rộng cho vay.

Tuy nhiên, Moody’s chỉ rõ, đến nay, vẫn chưa có một kế hoạch rõ ràng về giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Chính phủ Việt Nam đã nêu dự định thành lập một “công ty quản lý tài sản quốc gia” để tập trung nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhưng chi tiết về kế hoạch thực hiện vẫn vắng bóng.

“Do mức độ hỗ trợ của Chính phủ là khó đoán biết và mức độ minh bạch còn thấp, nên tác động thực sự của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đối với ngân sách của Chính phủ là khó dự đoán”, Moody’s nhận định. Tuy nhiên, báo cáo khẳng định, các chi phí liên quan tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ là lớn, vì hệ thống ngân hàng của Việt Nam là một trong những hệ thống lớn nhất trong số các nước có cùng hạng điểm tín nhiệm như Việt Nam.

Cũng trong báo cáo này, Moodys’ giữ nguyên định hạng tín nhiệm ‘B1’ (có dấu hiệu đầu cơ và rủi ro tín dụng cao) đối với trái phiếu bằng đồng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam. Cùng với đó, triển vọng của định hạng tín nhiệm này duy trì ở mức ‘tiêu cực’.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)