Nóng lên vì đất hiếm

Các doanh nghiệp công nghiệp lo lắng trước sự độc quyền của Trung quốc đối với một loại nguyên liệu đặc biệt -  đất hiếm. Nếu không có các loại kim loại như  Neodym  hay Lanthan thì không thể có các sản phẩm công nghệ cao như  iPhone hay ô tô Hybrid.

Ngành công nghiệp lệ thuộc ngày càng nhiều vào đất hiếm. Nếu không có 17 loại kim loại đất hiếm  thì nền kinh tế thế giới sẽ không thể có công nghệ cao, không có MP3–Player,  Blackberry cũng như không thể có các hệ thống điện gió. Các sản phẩm công nghệ chiếu sáng hiện đại không thể thiếu các loại nguyên liệu đất hiếm như  dysprosium, holmium và thulium. 

Các nhà chế tạo ô-tô cũng như các doanh nghiệp phụ trợ của ngành công nghiệp này  không thể thiếu đất hiếm. Mỗi bình ắc quy của các loại ô tô điện hay ô tô Hybrid cần có tới 15 kg lanthan và 1 kg neodym. Các thiết bị điện hiện đại cỡ  nhỏ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thường có các loại động cơ có nam châm nhỏ xíu được sản xuất từ đất hiếm praseodym hay neodym. Các hãng sản xuất vi điện tử như Fujitsu hay các hãng sản xuất thủy tinh công nghiệp cao cấp cũng không thể thiếu đất hiếm. Ngành công nghiệp hóa chất không thể thiếu chất xúc tác là cer. Tóm lại đất hiếm đã trở thành một loại nguyên liệu không thể thiếu đối với ngành công nghiệp hiện đại.

Trung Quốc nắm độc quyền về đất hiếm
Cho đến nay Trung Quốc (TQ) là nhà xuất khẩu đất hiếm hàng đầu, chiếm 95% thị phần thế giới. Hiện nay, TQ đang tiếp tục tăng cường khai thác đất hiếm. Tuy nhiên ba năm gần đây chính phủ TQ liên tục giảm chỉ tiêu xuất khẩu đất hiếm, thuế xuất khẩu đất hiếm nâng lên mức 25%. Các doanh nghiệp và chính phủ ở phương tây đặc biệt lo ngại khi mới đây TQ tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa chỉ tiêu xuất khẩu đất hiếm. Ông Wang Caifeng, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin TQ trong một cuộc họp gần đây đã nói tại Bắc kinh các doanh nghiệp quốc doanh đất hiếm hiện không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nước này đối với các loại đất hiếm như dysprosium và terbium. TQ sẽ trở thành một OPEC – nguyên liệu mới.

Trung Quốc muốn đi đầu về công nghệ xanh. Các nhà quan sát thị trường cho rằng đến năm 2013 nhu cầu nội địa của TQ đối với kim loại đất hiếm sẽ tương đương sản lượng đất hiếm của nước này  –  điều đó có nghĩa là TQ sẽ chấm dứt xuất khẩu đất hiếm.

Jack Lifton, một chuyên gia độc lập về các nguyên liệu có ý nghĩa chiến lược ở Detroit (Mỹ) nói:  “Ngay từ năm 1992 Đặng Tiểu Bình  từng nói, Trung quốc sẽ trở thành một OPEC mới đối với đất hiếm – và điều này ngày nay đã trở thành hiện thực”. Lifton cho rằng, TQ hiện đang rất nỗ lực phát triển ngành công nghệ cao với những nguyên liệu mà TQ hiện có từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh  mà “phần còn lại của thế giới không thể địch nổi.”

Chiến lược này thật ra rất logic vì cả thế giới đang trong tình trạng đói nguyên liệu. Riêng năm 2009 cả thế giới tiêu thụ 115.000 tấn đất hiếm. Nỗi lo sợ trước sự biến đổi khí hậu làm cho nhu cầu sử dụng công nghệ xanh tăng lên từ đó nhu cầu đối với đất hiếm cũng tăng theo. Theo hãng nghiên cứu thị trường  Roskill ở London, đến năm 2012 nhu cầu đối với đất hiếm sẽ là  185.000 tấn.

Hiện chưa có các nguồn khác có thể thay thế nguồn đất hiếm từ TQ. Công ty Great Western Minerals ở Canađa dự định đến năm 2011 sẽ triển khai sản xuất ở Saskatchewan. Avalon Ventures đã phát hiện ở vùng tây bắc Thor Lake một mỏ đất hiếm có trữ lượng khá lớn nhưng sẽ còn mất nhiều thời gian người ta mới có thể tiến hành khai thác tại đây. Cho đến năm 1994 mỏ đất hiếm ở sa mạc Mojave (California)  thuộc công ty con – Chevron MolyCorp đáp ứng được nhu cầu về đất hiếm của toàn bộ nền công nghiệp Mỹ, sau đó khu mỏ này đã đóng cửa vì TQ tung sản phẩm của họ ra thị trường với giá rẻ hơn nhiều.  MolyCorp dự định sẽ tái khai thác khu mỏ đất hiếm của họ vào cuối năm nay.

Các chuyên gia thuộc Arafura Ressources (Úc) đã phát hiện mỏ đất hiếm với trữ lượng lên đến 30 triệu tấn. Doanh nghiệp cỡ nhỏ này chưa kịp tính đến chuyện khai thác thì TQ đã ngáng chân chặn cửa doanh nghiệp này. Một phần tư doanh nghiệp này nay thuộc về công ty Jiangsu East China, một công ty con của  East China Exploration & Development Bureau (ECE). Doanh nghiệp nhà nước này hiện đang khai thác 22 mỏ sắt, vàng, đồng, chì, phốt phát và đất hiếm.

Các nước lo ngại về sự độc quyền đất hiếm của Trung Quốc
Các nhà tiêu thụ đất hiếm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Mỹ ngày càng lo lắng về việc TQ độc quyền cung cấp đất hiếm. Úc dự định liên doanh với TQ để khai thác đất hiếm nhằm hạ chi phí khai thác tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy những nguyên liệu khai thác được đều “lặn mất tăm” ở TQ. Ông  Ulrich Grillo thuộc Ủy ban chính sách nguyên liệu của Hiệp hội các nhà công nghiệp Đức (BDI) cho rằng “TQ thường áp dụng các cơ chế khác nhau để xóa nhòa sự cạnh tranh, nhằm thu hút nguyên liệu trên thị trường thế giới”.

Không riêng gì  BDI lo lắng trước thói quen “thu gom” của người TQ,  mà cả chính phủ ở Canberra cũng rất quan ngại. Cơ quan xem xét đầu tư nước ngoài của chính phủ Úc, đặc trách việc cấp giấy phép cho các dự án đầu tư có ý nghĩa chiến lược của nước ngoài vào Úc, hồi tháng 5 vừa qua đã đồng ý để người TQ đầu tư vào Arafura. Tuy nhiên gần đây đã ba lần cơ quan này không chấp thuận để Nonferrous Metal Mining của TQ đầu tư vào  doanh nghiệp Lynas ở phía tây Úc, có trữ lượng đất hiếm khá lớn. Người TQ dự  định chi 470 triệu đôla Úc để chiếm giữ 51,6% cổ phần của doanh nghiệp này.  

Theo ông Stephens, giám đốc Arafura thì từ nay  đến năm 2013 sẽ có khoảng 50.000 tấn đất hiếm được khai thác ở các mỏ bên ngoài TQ và xu hướng giá đất hiếm sẽ tăng lên. Vùng Nội Mông chiếm ba phần tư trữ lượng đất hiếm của TQ  và chính quyền sở tại tuyên bố sẽ tăng cường lượng dự trữ của họ.

Dudley Kingsnorth, một chuyên gia đất hiếm của Úc cho rằng, người TQ không muốn nâng  giá đất hiếm lên quá cao và cũng không muốn khóa hoàn toàn cái vòi xuất khẩu đất hiếm. Nếu điều đó xẩy ra thì TQ sẽ gặp những rắc rối với  WTO, điều mà TQ hoàn toàn không muốn, hơn nữa điều này có thể dẫn đến hình thành nạn chợ đen. Ở những vùng dễ khai thác ở phía nam TQ đã diễn ra tình trạng khai thác lậu đất hiếm và gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Kingsnorth còn nói: “tình trạng khan hiếm và đẩy giá lên càng thúc đẩy việc tìm kiếm nguyên liệu thay thế, đặc biệt đang diễn ra ở Nhật Bản”. Các doanh nghiệp tại đây đang đẩy mạnh nghiên cứu tìm giải pháp thay thế tuy nhiên kết quả thu được còn nhỏ nhoi. Người ta đã tìm được chất thay thế europium, kim  loại này không thể thiếu trong việc sản xuất công nghệ chiếu sáng,  LEDs hay màn hình mầu.

Câu hỏi then chốt đối với công ty Arafura  và các cổ đông của công ty này là: Doanh nghiệp chấp nhận mức giá là bao nhiêu khi tiến hành khai thác đất hiếm ở bên ngoài lãnh thổ TQ?  Theo ước tính của Stephens, chi phí sản xuất một kilô đất hiếm hiện ở mức 10 USD. Hiện tại giá thị trường thế giới còn thấp hơn mức này. Nhưng chắc rằng giá thị trường sẽ không tiếp tục ở mức như hiện nay vì thế một số doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trước: Tập đoàn ô tô Toyota của Nhật mới đây đã mua dự án Đông Pao (Lai Châu) của Việt Nam.

Xuân Hoài lược dịch

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)