Nước Mỹ đang tụt hậu

Trả lời phỏng vấn WirtschaftsWoche (Tạp chí Tuần kinh tế) của Đức, nhà kinh tế Mỹ Vivek Ghosal giải thích vì sao sáng tạo và đổi mới không giúp ích gì nhiều cho nền kinh tế Mỹ, hiện đang trong tình trạng tụt hậu do thiếu đầu tư lâu dài vào khâu hoàn thiện sản xuất những loại sản phẩm cao cấp.

* Thưa ông Ghosal, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói, nước Mỹ phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa. Phải chăng đầu tư nhiều hơn nữa vào khâu nghiên cứu và phát triển thì nước Mỹ có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng?

– Mọi sự không đơn giản như vậy. Quý vị hãy xem bảng xếp hạng quốc tế đối với các doanh nghiệp năng động sáng tạo nhất. Những tập đoàn của Mỹ như Apple, Google, Intel, IBM và Microsoft đều đứng đầu trong bảng xếp hạng này. Chúng tôi cũng dẫn đầu về năng động sáng tạo ở các lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ nano. Trong một nghiên cứu gần đây của ủy ban EU về tình hình nghiên cứu và phát triển trong nền kinh tế tư nhân thì nước Mỹ được đánh giá cao hơn tất cả 27 nước thành viên EU. Chúng tôi dành 2,8% tổng sản phẩm quốc nội cho nghiên cứu và phát triển – ngay cả đến Trung Quốc cũng không đầu tư lớn đến như vậy. Nhưng để khởi động được nền kinh tế thì chỉ sáng tạo không thôi thì chưa đủ.

* Thưa ông tại sao như lại như vậy?

Vivek Ghosal, 50 tuổi, người gốc Ấn Độ, đến Mỹ từ năm 1983. Từ năm 2001, ông giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Kinh tế thuộc Viện Công nghệ Georgia ở TP Atlanta. Trước đó, ông đã từng làm việc tại Bộ Tư pháp Mỹ.

– Những doanh nghiệp có sự sáng tạo đổi mới này hoàn toàn không tạo ra việc làm mới ở nước Mỹ. Chỉ một ví dụ sau đây cũng có thể thấy sự tiến thoái lưỡng nan của chúng tôi: hai nhà nghiên cứu trẻ ở Boston đã phát triển thành công một loại đèn LED mới. Họ tự hỏi, chúng ta có thể chế tạo ở đâu và như thế nào sản phẩm mới này? Samsung của Hàn Quốc đã ngỏ ý sẵn sàng lo khâu sản xuất, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Điều đó có nghĩa là sáng chế mới này không mang lại nhiều lợi lộc cho nền kinh tế Mỹ trừ khoản thu về bằng sáng chế phát minh. Cái mà nước Mỹ hiện bị thiếu là thiếu một sự đầu tư lâu dài vào khâu hoàn thiện sản xuất những loại sản phẩm cao cấp. Hiện nay hầu như chúng tôi không còn tự sản xuất cái gì cả.

* Outsourcing chuyển sang châu Á – tất cả các nước Tây Âu đều bị ảnh hưởng bởi điều này.

Đúng vậy. Nhưng nước Đức đã thành công thực hiện sáng tạo, đổi mới ở các khâu hoàn thiện sản xuất do đó duy trì được khả năng cạnh tranh. Các vị đã di chuyển sản xuất đại trà, giản đơn ra nước ngoài nhưng những khâu hoàn thiện đòi hỏi công nghệ cao thì vẫn ở lại trong nước. Các tập đoàn của Đức tập trung nhiều vào khâu chất lượng, đầu tư mang tính lâu dài. Đây chính là cái mà nước Mỹ đang thiếu.

* Thưa ông nguyên nhân của điều này là gì?

– Ở bên nước chúng tôi mọi sự thường chỉ xoay quanh một điều: đó là ta phải làm gì để thu lợi nhanh nhất từ sản phẩm của mình? Nhưng đầu tư vào khâu chất lượng hay sản xuất công nghệ cao thường phải sau nhiều năm mới sinh lợi vì vậy nhiều doanh nghiệp Mỹ không thích đầu tư kiểu này. Chính vì vậy nước Mỹ bị tụt hậu trong cạnh tranh quốc tế. Chúng tôi cũng không đầu tư vào việc đào tạo thợ lành nghề có khả năng điều khiển thiết bị máy móc công nghệ cao. Chúng tôi đang bị thiếu những chỗ làm việc như thế này.

* Thưa ông những ngành nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?

– Vấn đề này diễn ra ở hầu hết mọi lĩnh vực. Apple không sản xuất loại iPad nào của mình ở nước Mỹ. Trong lĩnh vực năng lượng tái sinh cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tuy nhiều phát minh, sáng chế được tạo ra ở Mỹ nhưng hiện nay người Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở điện gió và điện mặt trời hơn chúng tôi và giá thành cũng thấp hơn. Chúng ta hãy xem xét ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Mỹ: Phải mất 30 năm General Motors mới nhận ra rằng cần phải đầu tư lâu dài vào khâu chất lượng chứ không phải chỉ loay hoay tính toán cho từng quý một. Mãi đến bây giờ họ mới ý thức được rằng nếu không chịu thay đổi thì ắt sẽ thua cuộc. Giờ đây đành phải chờ xem, liệu đã quá muộn hay chưa. So với các nhà sản xuất như BMW, Daimler, Volkswagen thì ngành công nghiệp ô tô của Mỹ bị tụt hậu khá xa. Ngay cả đến mấy nước châu Á cũng có thể bầy cho chúng tôi đường đi nước bước phải như thế nào.

* Tổng thống Obama dự kiến chi bạc tỷ để mở mang hạ tầng cơ sở ở nước Mỹ, thí dụ mở rộng các tuyến đường sắt cao tốc. Phải chăng đó sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ?

– Chỉ ở mức độ nhất định thôi. Từ nhiều chục năm nay đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài như Siemens, Bombardier hay Alstom đã đầu tư phát triển tầu bánh sắt cao tốc. Các doanh nghiệp này có know-how và nhân lực để làm việc này. Các tập đoàn của Mỹ đã không chịu bỏ công sức làm việc này. Nếu giờ đây nước Mỹ đầu tư vào hạ tầng cơ sở thì chúng tôi sẽ hoàn toàn bị lệ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài thí dụ như đối với tầu hỏa công nghệ cao. Nền kinh tế Mỹ chỉ được lợi nếu các doanh nghiệp Mỹ liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài để có thể cung cấp một phần trang thiết bị cho các dự án này. Đương nhiên đất nước sẽ được hưởng lợi khi hạ tầng cơ sở được cải thiện.

* Các tiểu bang của Mỹ như Wisconsin và Florida lại nhìn nhận vấn đề này khác, họ đã trả lại chính phủ Mỹ khoản tiền mà chính phủ chi cho các bang này để mở rộng mạng lưới đường sắt.

– Vấn đề là ngân sách của các bang này đã cạn kiệt. Chính phủ yêu cầu chính quyền bang phải có vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng cơ sở. Nhưng các bang không biết đào đâu ra tiền để đầu tư. Hơn nữa chính phủ còn yêu cầu gói hạ tầng cơ sở này không chỉ bao gồm cải tạo, xây dựng mới hệ thống đường sắt mà cả hệ thống đường bộ và cầu cống. Thí dụ tiểu bang Wisconsin thì chỉ muốn xây dựng mới đường sá, cầu cống, chính quyền địa phương cho rằng xây dựng mới hệ thống đường sắt là vô nghĩa. Ngay cả ở đây cũng cho thấy chúng tôi không chịu nghĩ xa. Để có thể sáng tạo, đổi mới và để có sức cạnh tranh, chúng tôi cần phải học nghĩ xa khoảng 30 năm. Khác với nước Đức, dân số nước Mỹ đang tăng. Chúng tôi nhất thiết phải đầu tư cho hạ tầng cơ sở nếu như chúng tôi không muốn bị chìm nghỉm và rối loạn: hiện nay hệ thống giao thông của chúng tôi cũng g ở trong tình trạng khá tồi tệ.

* Theo ông thì đến khi nào nền kinh tế Mỹ mới hồi phục?

– Nếu như chúng tôi tiếp tục làm như hiện nay thì tôi nghĩ nền kinh tế Mỹ không thể hồi phục nhanh chóng được. Chúng tôi cần một sự tăng trưởng hữu cơ trong hai, ba năm để hồi phục. Nhưng sự tăng trưởng đó lấy ở đâu? Giờ đây có nguy cơ nhà nước mất khả năng chi trả nếu như không tăng mức nợ, hiện nay khoản nợ nhà nước đã lên tới 14,3 nghìn tỷ đôla. Sự thâm hụt ngân sách nhà nước và tình trạng két trống rỗng ở các tiểu bang là gánh nặng và có sự ảnh hưởng lâu dài. Các dự án hạ tầng sẽ bị xóa bỏ, khoản đầu tư cho giáo dục, nhất là để xây dựng trường học, không diễn ra. Trong các so sánh quốc tế về trình độ giáo dục ở các trường học thì Mỹ xếp hạng thứ 25 ở môn toán, thứ 17 ở môn khoa học tự nhiên. Chúng tôi phải đầu tư cho giáo dục phổ thông cơ sở và phổ thông trung học và phải đầu tư cho đào tạo công nhân chuyên nhiệp. Ở lĩnh vực này chúng tôi đã bị tụt hậu từ lâu rồi.

* Tổng thống Obama muốn tăng thuế đối với người giàu và xóa bỏ việc giảm thuế đối với các doanh nghiệp thí dụ như các tập đoàn dầu mỏ. Điều này có hàn gắn được lỗ thủng ngân sách nhà nước?

– Một khó khăn thực sự đối với các doanh nghiệp Mỹ hiện nay là chi phí y tyế quá cao. Hầu như không ở nước nào mà chi phí y tế lại cao như ở Mỹ. Đây là một trong những thách thức lớn mà nước Mỹ phải đương đầu: nước Mỹ phải làm gì để quản lý được hệ thống y tế quá tốn kém hiện nay? Đấy là lý do phải tăng thuế.

* Thưa ông, tại sao lại có chuyện một tập đoàn lớn như General Electric mặc dù có doanh thu và có lợi nhuận cao mà năm vừa qua không đóng một xu nào thuế nào?

– Gần 45% người Mỹ trong diện đáng ra phải đóng thuế nhưng lại không đóng một xu nào, đó là kết quả một công trình nghiên cứu gần đây. Trước hết cơ quan thuế phải thu cho được những khoản thuế bị thất thu và cần làm sáng tỏ hơn nữa hệ thống thuế. Các vị có thể tưởng tượng một tập đoàn như Siemens ở Đức mà lại không đóng thuế không? Cái ví dụ này cũng phản ánh nền văn hóa doanh nghiệp ở nước chúng tôi. Có lẽ còn có nhiều lỗ hổng trong luật thuế của chúng tôi chứ nếu không làm sao lại có thể xảy ra tình trạng nói trên. Nhiều tập đoàn ở nước chúng tôi có một đội ngũ đông đảo chuyên gia tài chính mà nhiệm vụ của họ chỉ là phát hiện những kẽ hở của pháp luật. Người ta không nghĩ đến việc nhà nước cần phải có các nguồn thu. Hầu như không có nước nào có chi phí y tế lớn như ở nước Mỹ và đây là một thách thức lớn đối với nhà nước chúng tôi.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)