Nước Mỹ trong cơn bĩ cực

Kinh tế bị tê liệt, số người thất nghiệp tăng nhanh và ngày càng có nhiều thành phố xiêu điêu vì gánh nặng nợ nần. Liệu nước Mỹ siêu cường có vượt qua được cơn bĩ cực này?

Tập tài liệu dày 211 trang chứa danh sách trên 5.000 chủ nợ xếp theo thứ tự ABC mà con nợ là thành phố Stockton ở California. Cách đây hai tuần, thành phố có gần 300.000 dân này đã tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ lên đến 700 triệu đôla.
Tuy vậy Stockton không phải là trường hợp cá biệt. Hiện nay có nhiều thành phố ở Mỹ nợ như chúa Chổm.

Chỉ còn 100 ngày nữa là đến thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ. Khoản nợ trên 15 nghìn tỷ đôla cho thấy đây cũng là thời điểm bắt đầu sự chấm dứt vai trò siêu cường của Mỹ. Vị Tổng thống mới ngay sau khi nhậm chức sẽ phải xử lý vấn đề tài chính hóc búa và sự cắt giảm ngân sách công.

Năm 2011 Siêu Ủy ban “Super-Committee”, gồm đại diện Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã không thể thỏa thuận kế hoạch tiết kiệm trị giá 1,5 nghìn tỷ đôla. Nếu điều này không tiến triển thì tháng giêng tới sẽ diễn ra cắt giảm ngân sách hàng loạt, nghĩa là cắt giảm cả ngân sách dành cho vấn đề xã hội lẫn quốc phòng.

“Rõ ràng là hệ thống chính trị ở Mỹ có vấn đề, Tổng thống và Hạ viện đang ngáng chân nhau”, Josef Braml, chuyên gia về Mỹ thuộc Hội chính sách đối ngoại Đức, nhận xét. “Hố ngăn cách giữa những người Cộng hòa và Dân chủ rất sâu. Tôi không thấy hai đảng này có thể đi đến thống nhất – mặc dù phương pháp – cắt giảm đổ đồng này sẽ làm giảm sức mạnh của nền kinh tế.”

Nếu chương trình thuế không được gia hạn thì có nguy cơ ngân sách nhà nước sẽ thiếu hụt khoảng 600 tỷ đôla vào đầu năm 2013. Bình quân sẽ có khoảng 80% hộ gia đình ở Mỹ phải đóng thuế cao hơn. Nhà kinh tế nổi tiếng người Mỹ Nouriel Roubini cho rằng “fiscal cliff” [thuật ngữ để chỉ tình trạng khó khăn của nền tài chính công] có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế trong năm tới 4,5%. Điều đó có nghĩa là nội trong ba năm Mỹ trải qua hai đợt suy thoái kinh tế.

Tình hình thị trường lao động rất tồi tệ, không có một dấu hiệu tiến triển nào. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,2%, là con số thống kê đã được tô hồng, trong thực tế số người thất nghiệp lên đến trên 16%.

Theo Martin Thunert, một nhà chính trị học đồng thời là giảng viên tại Center for American Studies (HCA) thuộc Đại học Heidelberg thì “nạn thất nghiệp cao vì xuất khẩu không phát triển như mong muốn và nhiều việc làm dịch chuyển ra nước ngoài. Có thể nói những chỗ làm việc mới tạo ra ở Mỹ chỉ phục vụ được nhóm lao động ưu tú, lực lượng lao động bình thường không được lợi lộc gì từ các ngành công nghệ cao. Ngoài ra Mỹ có một loạt doanh nghiệp công nghệ cao nổi tiếng thế giới, nhưng sản xuất lại thực hiện ở nước ngoài. Tổng thống Obama tìm mọi cách, kể cả các biện pháp tài chính, để sản xuất công nghiệp trở lại với nước Mỹ, nhưng đây là điều không thể.”

Do khủng hoảng đồng Euro nên lượng xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu giảm mạnh so với cách đây hai năm. Liên minh châu Âu là thị trường nhập khẩu đứng hàng thứ hai đối với Mỹ vì thế Tổng thống Barack Obama đã phải khẩn cầu Châu Âu giải quyết nhanh gọn cuộc khủng hoảng nợ hiện nay để giảm khó khăn cho Mỹ.

Qua tình trạng thành phố Stockton có thể thấy tình trạng thất nghiệp cao tác động như thế nào đến tình hình xã hội. Đầu thế kỷ này, Stockom là một thành phố phát triển mang tính bùng nổ. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi nối liền hai thành phố lớn San Francisco và Sacramento nên nhiều doanh nghiệp đã tập trung về đây, đặc biệt các doanh nghiệp logistic. Giá nhà trong sáu năm từ 2000 đến 2006 tăng gấp bốn lần. Nhờ thu thuế ngày một tăng nên chính quyền thành phố đã vay thêm 300 triệu đôla để cải tạo đường sá, công viên và xây dựng trụ sở làm việc mới.

Nhưng công nhân viên chức chưa kịp dọn về địa điểm làm việc mới thì suy thoái kinh tế đã ập tới. Các doanh nghiệp thi nhau phá sản, năm 2008 chỉ trong một thời gian ngắn, thất nghiệp tăng lên 15%.

Năm 2009, Stockton buộc phải cắt giảm biên chế mạnh mẽ: cơ quan hành chính giảm gần 50% biên chế; các đơn vị cảnh sát, cứu nạn giảm 20% quân số – nhờ đó tiết kiệm được 90 triệu đôla ngân sách. Nhưng nạn thất nghiệp tiếp tục tăng, nguồn thu thuế giảm, tội phạm hình sự tăng đột biến. Tạp chí “Forbes” của Mỹ năm ngoái đã bình chọn Stockton là “thành phố thảm hại nhất nước Mỹ”.

Chuyên gia về Mỹ Josef Braml cho rằng hiện có hai trái bom nổ chậm đe dọa Mỹ, trái bom thứ nhất là khoản nợ khổng lồ của Washington và trái bom thứ hai là gánh nặng ngân sách đối với các tiểu bang. Hiện có tình trạng nhiều nhân viên nhà nước không có bảo hiểm cho tương lai. Họ có quyền hưởng lương hưu. Tuy nhiên hiện nay các bang lại không có hoặc có rất ít dự trữ. Bị lâm vào tình trạng này thường là các tiểu bang đông dân như California, Florida, Illinois, Minnesota và Connecticut. Đó là nhận định của nhà khoa học Martin Thunert.

Một trong những vấn đề gay cấn là hạ tầng cơ sở ở Mỹ phần lớn ở trong tình trạng tồi tệ. Một phần ba các tuyến đường chính ở tình trạng không tốt, 36 trong số các tuyến đường xa lộ xuyên qua các thành phố thường xuyên bị quá tải. Nhiều trường công lập cần tu bổ gấp. Do đường dây điện chạy nổi nên mạng lưới điện dễ xẩy ra sự cố. Một phần tư trong số 600.000 cây cầu ở Mỹ không còn được coi là an toàn tuyệt đối, khoảng 160.000 cây cầu thuộc diện có nguy cơ sụp đổ.

Hạ tầng cơ sở là một vấn đề lớn đối với Mỹ. Đây là lĩnh vực có nhiều việc phải làm. Nhưng đây lại là một vấn đề rất khó khăn vì các đảng chính trị thường ngáng chân nhau trong khâu thực hiện. Đảng Cộng hòa coi đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của các tiểu bang và Liên bang không nên can thiệp. Hơn nữa giờ đây nước ngoài cũng không còn sẵn sàng cho Mỹ vay tiền để tiêu pha vung vẩy.

Josef Braml cho rằng “Sự tin tưởng của Trung Quốc và Nhật Bản vào tình hình chính trị, kinh tế của Mỹ đang bị mai một. Các nước châu Á đang có xu hướng đa dạng hóa khoản dự trữ ngoại tệ của mình và không còn sẵn sàng đổ tất cả vào giỏ đôla của Mỹ, các nước châu Á sẽ để khoản tiền đó trong khu vực và về trung và dài hạn đồng Nhân dân tệ cùng với đồng Euro có thể được sử dụng thay cho đồng đôla.” Mới đây Trung Quốc và Nhật Bản đã thỏa thuận dùng đồng tiền của mình để thanh toán các giao dịch thương mại song phương chứ không dùng đôla Mỹ như hiện nay. “Tuy nhiên sự phụ thuộc vào nhau giữa Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn rất lớn. Hai nước này phải hết sức chú ý để con thuyền chắp vá mà họ cùng ngồi không bị chìm,” theo nhận định của Braml.

Khoản nợ nước ngoài của Mỹ mỗi ngày một lớn hơn. Hiện nay ngưỡng 15 nghìn tỷ đã bị phá. Một phần ba khoản tiền trên là khoản nợ nước ngoài của Washington. Các nước và các nhà đầu tư khắp thế giới hiện giữ trái phiếu Mỹ trị giá 5 nghìn tỷ đôla (tính đến tháng 5/2012).

Những khó khăn về kinh tế của Mỹ từ lâu đã để lại những hệ quả về chính trị. Đối với cuộc tranh chấp giữa Israel và Iran, tình huống gần như nội chiến ở Syria hay về giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng nợ Mỹ giảm hẳn ảnh hưởng của mình so với trước đây. Phải chăng Mỹ từ một siêu cường chuyên ra quyết định nay đã trở thành quan sát viên? Theo Braml thì “Tiếng nói của Mỹ đối với thế giới vẫn có trọng lượng, nhưng cái trọng lượng này đã có thời nặng hơn nhiều”.

Trong chính sách đối ngoại Mỹ tỏ ra hết sức kiềm chế chừng nào lợi ích và an ninh của Mỹ không bị đe dọa. Mỹ đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa can thiệp của George W. Bush. Mỹ không còn muốn một mình nai lưng cáng đáng mọi việc của thế giới. Tuy nhiên chớ đánh giá thấp Mỹ. Về quân sự Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới. Kể cả chiến tranh thông thường, chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng. Tuy nhiên dù có hơn hẳn về quân sự nhưng nếu nền kinh tế yếu kém, nạn thất nghiệp không giảm và nguy cơ sụp đổ vì nợ nần thì khả năng hành động của Mỹ cũng bị hạn chế nhiều và uy tín của Mỹ không khỏi bị tổn thương.

Để có thể thực sự quay trở lại thời hoàng kim Mỹ cần có nhiều may mắn – và một trong cái may mắn đó là có nhiều dầu mỏ. Nhờ công nghệ “cracking” người ta có thể khai thác dầu mỏ và khí đốt ở độ sâu mà cho đến nay con người không thể khai thác được. Ở North và South Dakota hay ở Montana các nhà địa chất đã phát hiện ở độ sâu trong lòng đất một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt.

Phải chăng siêu cường Mỹ đã đến thời cáo chung? Michael Thunert cho rằng “Đã qua rồi cái thời kỳ mà một nước có thể làm mưa làm gió về mọi lĩnh vực – quân sự, chính trị, văn hóa và kinh tế. Sự vượt trội và quyền lực của Mỹ đang bị tiêu biến và tôi không thấy có một quốc gia nào thế chân Mỹ.”

Xuân Hoài lược dịch

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)