Nguồn nước sạch bấp bênh: Tô đậm thêm bất bình đẳng giới
Những bất công trong chính sách đảm bảo nước sạch đã đặt thêm gánh nặng lên vai những người phụ nữ ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Dù đã hơn ba mươi mấy năm trôi qua, bà Neáng Phát (62 tuổi, xã Lê Trì, Tri Tôn, An Giang) vẫn nhớ như in những ngày đi gánh nước từ cái giếng cách nhà 1-2km. Khi đó, mỗi ngày bà thường dậy từ một giờ sáng để đi nhổ mạ, sau đó về nhà cho con bú rồi lại đi làm, rồi về nhà nấu cơm, sau đó lại chạy đi gánh nước, tới một giờ chiều thì lại tiếp tục đi cấy. “Khổ lắm, gánh có khi hết 2-3 tiếng giữa trưa nắng, mà đâu phải đi một lần là xong, nhiều khi phải đi vài lần và nghỉ mấy bận mới về được tới nhà. Nếu có đông người cùng đến lấy nước thì còn phải chờ lâu hơn nữa”, bà Phát nhớ lại.
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, gia đình bà nói riêng và các hộ dân ở xã Lê Trì nói chung đã được lắp hệ thống nước máy để đảm bảo sinh hoạt trong gia đình. Những tưởng với tỉ lệ phủ nước sạch khoảng trên 95% như chia sẻ của ông Chau Phong – Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tri Tôn, những câu chuyện gánh nước như vậy sẽ lùi dần vào trong ký ức của những người lớn tuổi như bà Phát.
Thế nhưng chỉ cách nhà bà Phát khoảng vài chục mét đến vài trăm mét, tại căn nhà của các hộ dân ở cụm tuyến dân cư mới, bà Neáng Sâm và gia đình chị Neáng Sa Rây vẫn không có nước mà phải đi “câu” nước từ nhà hàng xóm với giá đắt hơn gấp năm lần so với giá nước thông thường. Thỉnh thoảng khi mâu thuẫn nảy sinh giữa các gia đình hàng xóm và không thể dùng nhờ nước nữa, họ lại phải đi chở nước từ giếng hoặc cây nước cách đó vài trăm mét.
Loay hoay tìm nguồn nước
Căn nhà một tầng lụp xụp với một bóng điện duy nhất “câu” từ nhà hàng xóm là nơi sinh sống của bà Neáng Sâm (53 tuổi) với một con trai và một đứa cháu gái đang học cấp hai. Nguồn kinh tế của gia đình bà phụ thuộc vào việc mót lúa, kiếm củi, bắt cua của bà và công việc ai thuê gì làm nấy của người con trai. Trước đây, gia đình bà Sâm sống nhờ 20 năm trên đất của người khác. Ba năm trở lại đây bà chuyển ra cụm tuyến dân cư này theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.
Do cụm tuyến dân cư mới chỉ có thưa thớt vài nhà chuyển ra ở, đường ống nước của xí nghiệp điện nước không lắp ra tới khu vực này. Trong một năm đầu tiên, bà Sâm và cháu gái phải đi gánh nước hoặc mượn xe đẩy để lấy nước từ giếng ở gần nhà về. Hai năm trở lại đây, gia đình hàng xóm cho gia đình bà Sâm lắp nhờ ống nước cao su để kéo nước về với giá 100,000 VNĐ/tháng. “Giá nước máy thông thường chỉ có khoảng 20,000 đồng/tháng thôi”, bà Neáng Phát kể. “Cuộc họp nào ở xã bà ấy cũng nêu ý kiến về việc lắp điện nước đó, người ta cũng xuống coi và hứa là tháng sau sẽ có những chưa biết sao”.
Cách đó khoảng 16km, tại ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Phước, gia đình anh Trần Đại Minh Thẩm (46 tuổi) và chị Lê Thị Kim Loan (42 tuổi) cũng đang dùng nguồn nước từ kênh để phục vụ cho mọi nhu cầu sinh hoạt cho gia đình, từ tưới tiêu đến tắm giặt, nấu ăn, rửa bát, ngoại trừ nước uống thì sẽ mua nước bình với giá khoảng 12,000 VNĐ cho một bình 20 lít. Nguồn nước kênh sau khi bơm lên sẽ được chị Loan trữ vào các lu để lắng đất cát và sử dụng phèn để xử lý nước. Điều đáng nói là, theo công bố kết quả quan trắc môi trường tỉnh An Giang đợt tháng 3/2022, chất lượng nước tại các tuyến kênh, rạch nội đồng theo chỉ số WQI dao động từ mức kém (chỉ sử dụng cho giao thông thủy) đến mức trung bình (chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu), trong đó đa phần chất lượng nước ở mức kém.
“Đường nước không vào tới đây do các nhà cách xa nhau, và chúng tôi cũng không có tiền để làm nước giếng khoan. Có nhà bên cạnh đây cũng thử khoan giếng nhưng rồi nước cũng bị hôi, lợ lợ, chua chua không dùng được”, anh Thẩm nói.
Cũng tương tự như nhà bà Sâm, gia đình chị Loan chuyển sang khu hỗ trợ nhà ở này theo chương trình vùng kinh tế mới đã nhiều năm đến mức họ không nhớ con số chính xác, nhưng không có chính sách hỗ trợ đi kèm về điện nước. “Những chương trình đó chỉ có cấp nền đất thôi chứ không có mấy công trình phụ đi kèm, thế nên giờ mới không có điện không có nước”, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, An Giang cho biết.
Chính sách chưa đủ?
Theo ông Cao Quốc Long – Giám đốc Xí nghiệp điện nước Tri Tôn, trực thuộc công ty Cổ phần Điện nước An Giang, hiện nay trên địa bàn toàn huyện Tri Tôn có ba đơn vị cấp nước: xí nghiệp điện nước Tri Tôn, Trung tâm nước sạch vệ sinh và môi trường của tỉnh An Giang; và cấp nước tư nhân do người dân đứng ra khai thác nước. Về quy mô, xí nghiệp đang quản lý 12 hệ thống cấp nước trên toàn huyện và bốn trạm tăng áp với tổng công suất là khoảng 9.300 m³/ngày, sản lượng tiêu thụ bình quân tháng 356.000 m³/tháng. Nếu tính tỷ lệ mà xí nghiệp đang quản lý hiện nay, tổng số hộ xí nghiệp đang quản lý là khoảng 30.300 khách hàng, chiếm khoảng 90,1% số hộ trên toàn huyện. “Nếu tính chung luôn các đơn vị cấp nước bên ngoài thì hiện nay số hộ có sử dụng nước sạch của 3 đơn vị này đạt khoảng 98,1% số hộ trên toàn huyện”, ông cho biết.
Từ năm 2003, từ các nguồn vốn chương trình dân tộc (huyện Tri Tôn là huyện dân tộc thiểu số với đa phần người dân là người Khmer), công ty cũng mở rộng các địa bàn thị xã Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm, Châu Lăng. Bên cạnh đó, với việc sử dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường, xí nghiệp tiếp tục mở rộng tới các địa bàn xã Lê Trì, Vĩnh Phước và đến nay đã đủ hết các địa bàn trên toàn huyện.
Vậy lý do nào khiến cho các gia đình như bà Sâm hay chị Loan không được hưởng những quyền lợi cơ bản về nước sạch như vậy? Theo ông Long, hiện nay bên công ty có hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước cho người dân không thu tiền và hỗ trợ các xã chi phí lắp đặt (vật tư, đường ống, đồng hồ), mỗi hộ tương đương giá trị 1,5-2 triệu VNĐ. Tuy nhiên, muốn đưa nước sạch đến được các hộ dân ở xa, công ty sẽ phải lắp đường ống và chi phí cần thiết để kéo tuyến ống nhỏ với đường kính 60mm là khoảng 100 triệu/km, chưa nói đến chi phí cho các đường ống với đường kính lớn hơn. “Nói chung bây giờ cái khó khăn nhất là chỉ nguồn vốn. Nếu có vốn thì sẽ giải quyết được gần như tất cả – về máy móc, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở phục vụ cho cấp nước. Phải bố trí nguồn vốn đầu tư về cấp nước tầm nhìn đến 2045”, ông Long nói.
Báo cáo Tài chính cho ngành nước năm 2022 của UNICEF cho thấy, đến năm 2022, cả nước chỉ có 52% dân số được sử dụng nước sạch, tương đương với nước máy. Hiện trạng này cho thấy Việt Nam khó mà đạt được mục tiêu đến 2025 có 95 – 100% người dân thành thị và 93 – 95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Theo ước tính của báo cáo này, để đạt được mục tiêu 100% dân số được dùng nước sạch 24 giờ mỗi ngày tại nhà, Việt Nam cần 34,9 tỷ USD (tương đương 13% GDP của Việt Nam vào năm 2020), bao gồm 18,6 tỷ USD cho cấp nước và 13,5 tỷ USD cho vệ sinh môi trường cũng như duy tu bảo dưỡng những công trình đã được đầu tư. Trong khi đó, một phân tích từ báo cáo khác vào năm 2020 cũng của UNICEF cho thấy, tổng chi cho các hoạt động cơ bản liên quan đến nước sạch và vệ sinh lại giảm sút, từ 2,016 tỷ USD năm 2016 xuống còn 1,397 tỷ USD năm 2018. Nhìn chung, tổng chi cho nước sạch và vệ sinh đã giảm từ 1% năm 2016 xuống còn 0,56% GDP năm 2018.
Từ năm 2016, nguồn vốn cho nước sạch và vệ sinh đã được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, chưa có tiêu chí và mục tiêu cụ thể để phân bổ ngân sách cho nước sạch và vệ sinh trong các chương trình này, chứ chưa nói đến tiêu chí để phân bổ công bằng.
“Chị có mong muốn có nguồn nước máy tốt hơn để sử dụng không? Không, bởi sẽ không bao giờ người ta kéo được đường nước vào đây đâu”, chị Loan thẳng thắn nói.
Những gánh nặng vô hình
Nếu việc thiếu nước sạch – một nhu cầu cơ bản của con người – đã đủ làm đảo lộn cuộc sống của các gia đình, thì khi nhìn dưới góc độ về giới, dường như vấn đề còn phức tạp hơn thế.
Dù 30 năm trước, chồng bà Neáng Phát luôn sẵn lòng đi lấy nước cùng bà, lịch trình công việc của ông không cho phép ông làm vậy. “Ổng không đi cày bừa thì ổng đi làm mướn cho người ta, đi cuốc đất, làm cỏ vậy đó, ít có ở nhà lắm”, bà Phát nhớ lại.
Việc phân chia vai trò công việc trong gia đình như vậy cũng không phải là trường hợp riêng của gia đình bà Phát. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn (Đại học An Giang) tiến hành tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang, vì phụ nữ Khmer đảm nhận nhiều công việc gia đình và việc sử dụng nước sinh hoạt, họ có ít thời gian hơn để đi làm, tham gia vào công việc cộng đồng, và có được một nền tảng giáo dục tốt. Tuy nhiên, “phụ nữ thường bị đổ lỗi vì chồng họ thấy rằng không có đủ nước cho nhu cầu của gia đình khi họ về nhà sau giờ làm việc, điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình”, một nghiên cứu khác tại xã Vĩnh Phước của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn chỉ ra. Việc phải đảm bảo đủ nước không phải là vấn đề duy nhất mà nhiều người phụ nữ phải trải qua. “Họ còn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua nguồn nước vì đôi khi họ phải sử dụng nước từ các nguồn không an toàn, chẳng hạn như kênh, hồ và giếng công cộng để giặt quần áo và bát đĩa”, nghiên cứu cho biết.
Điều đáng nói là nguồn nước không đảm bảo vệ sinh còn tác động sâu sắc đến trẻ em, đặc biệt là những em ở vùng dân tộc thiểu số. Theo Tóm tắt chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường tại Việt Nam năm 2020 của UNICEF, việc thiếu khả năng tiếp cận với nguồn nước và vệ sinh môi trường cùng với thực hành vệ sinh kém làm tăng cao tỷ lệ tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm ký sinh trùng. “Có hơn 1/4 trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, có nguyên nhân xuất phát từ bệnh tiêu chảy, nhiễm giun đũa, bệnh lý đường ruột có liên quan tới yếu tố môi trường, cộng thêm thói quen nuôi dưỡng kém. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, với mức trên 30%”, báo cáo chỉ ra.
Cách nhà bà Phát không xa có chị Neáng Mum với đứa con nhỏ mới được 3 tháng tuổi – đang ở nhờ trên mảnh đất sắp bị lấy lại của người họ hàng. Chị Mum (28 tuổi) cũng đang bi quan trước một tương lai phải quay lại với việc gánh nước như những ngày còn bé cũng như chất lượng nước mà họ sẽ sử dụng. Chồng chị đi làm công ty ở xa, chỉ thi thoảng mới quay lại nhà. Mọi công việc sắp tới từ quán xuyến việc nhà đến đi tìm nguồn nước cho gia đình sẽ do chị đảm nhận. Khi căn nhà đang ở nhờ được người họ hàng lấy lại, gia đình chị cũng sẽ chuyển ra cụm tuyến dân cư mà nhà bà Sâm đang ở. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn nước máy mà gia đình chị đang sử dụng để sinh hoạt sẽ không còn nữa. “Có em bé thì dùng hao nước lắm, phải tắm rửa, giặt giũ liên miên”, chị nói. “Ra đó không có nước xài thì đành phải đi gánh nước từ giếng hoặc đi câu nước thôi”.
————
Bài viết nhận được sự hỗ trợ của Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews.