Nước sinh hoạt sẽ có giá như dầu mỏ
Theo một nghiên cứu của Liên hiệp quốc, không bao lâu nữa, nước còn quan trọng hơn cả dầu mỏ về mặt chiến lược. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, cộng với việc khai thác nguồn tài nguyên mới thì lượng nước dành cho con người sử dụng có thể tăng thêm 70%.
Năm 2008 Australia bị hạn hán nghiêm trọng. Chủ trang trại buộc phải dùng xe san ủi những cánh đồng trồng cam chanh và trồng nho vì cây cối bị chết khô do không có nước. Ngay cả đến đại gia súc cũng bị chết khát. Nhiều thị xã, thị tứ ở nông thôn như Girgarre thuộc tiểu bang Victoria bị “chết” vì người dân ở đây đã phải ra đi do không có nước sinh hoạt.
Ở một loạt vùng đất khác trên quả đất của chúng ta vấn đề nước cũng ngày trở nên khan hiếm, căng thẳng hơn. Xin đơn cử một vài ví dụ:
• Nạn hạn hán ở phía bắc và tây Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng hơn. Vùng đất một thời phì nhiêu này nay đang bị sa mạc hóa. Riêng tổn thất về nông nghiệp hàng năm ở đây đã lên tới 7 tỷ đôla. Chính phủ Trung Quốc buộc phải áp dụng chế độ phân phối nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Đã có một số nhà máy phải giảm công suất vì thiếu nước, có những nhà máy phải tạm ngừng hoạt động trong một số ngày nhất định, thậm chí có nhà máy phải đóng cửa hoàn toàn vì thiếu nước. Theo Pan Yue, thứ trưởng bộ Môi trường Trung Quốc thì khoảng 90% sông ngòi chảy qua các khu đô thị đều bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức không thể sử lý để làm nước sinh hoạt. Ông cảnh báo: “tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nước đe dọa sự phát triển kinh tế, sự ổn định xã hội và sức khỏe của người dân.”
• Lần đầu tiên trong 2000 năm lịch sử thành phố Barcelona phải huy động tầu thủy cỡ lớn để mua nước nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân sau một mùa hạn hán kéo dài.
• Hồ chứa nước Lake Mead lớn nhất của nước Mỹ chuyên cung cấp nước cho vùng tây nam nước này nay đang lâm vào tình trạng cạn kiệt. Theo một nghiên cứu mới đây của trường đại học California ở San Diego thì chỉ khoảng 13 năm nữa, (tính từ năm 2008) hồ này sẽ cạn kiệt nước.
Hiện nay trên thế giới có tới trên 1,4 tỷ người không có nước sạch, trong đó ở châu Á là 910 triệu người. Theo tổ chức Cứu đói thế giới thì mỗi ngày có khoảng 5.000 đứa trẻ bị chết vì bệnh đường ruột do không được tiếp cận với nước sạch. Biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa gia tăng, tình trạng lãng phí nước nghiêm trọng, sự quản lý nước yếu kém và tăng trưởng dân số thế giới, tất cả những yếu tố này có khả năng làm cho tình trạng khan hiếm nước trong thời gian tới ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà khí tượng học thế giới thì đến năm 2025 sẽ có một nửa thế giới lâm vào tình trạng thiếu nước.
Nếu không có các biện pháp hữu hiệu thì sự khan hiếm nước ngày càng tăng này sẽ là yếu tố gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân. Ngành nông nghiệp và công nghiệp toàn thế giới tiêu thụ 4/5 lượng nước mưa hàng năm. Không có nước sẽ không có vi mạch điện tử, thuốc chữa bệnh, giấy viết, xe ô tô, bánh mì và bia. Theo một nghiên cứu của Liên hiệp quốc, không bao lâu nữa, nước còn quan trọng hơn cả dầu mỏ về mặt chiến lược. Ông Loïc Fauchon, chủ tịch Hội đồng nước thế giới (WWC) kêu gọi thế giới phải khẩn trương giải quyết vấn đề cung cấp nước, bởi nếu không “sẽ diễn ra một sự di dân chưa từng có trên thế giới”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thậm chí còn lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh do tranh giành nước. Ông nói: “Hiện có 46 quốc gia với 2,7 tỷ người sống trong tình trạng thiếu nước và điều này có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến bạo lực.“
Nước là hàng hóa?
Thực ra nếu sử dụng nước một cách đúng đắn thì trữ lượng nước vẫn còn đủ dùng cho dù thế giới có trải qua những vụ hạn hán gay gắt. Nhưng cần phải đầu tư mạnh mẽ vào mạng lưới nước sinh hoạt và nước thải, sử dụng các công nghệ hiện đại và cần có cách ứng xử thận trọng với nguồn tài nguyên nước.
Ở đây nảy sinh một vấn đề. Nước cần cho cuộc sống như không khí vì thế theo truyền thống, không mấy ai muốn coi nước là sản phẩm hàng hóa thông thường. Đây chính là lý do vì sao hệ thống nước thường do nhà nước quản lý và nước là mặt hàng thuộc diện được nhà nước bao cấp.
Trong khi đó nhiều chuyên gia về nước và các nhà kinh tế lại quan niệm nước cũng là một loại hàng hóa như bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Hans-Jürgen Leist, làm việc tại đại học Hannover (Đức) nêu ví dụ từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên dùng tầu thủy chuyên dụng vận chuyển nước bán cho Israel. Một số tập đoàn cỡ lớn như Veolia và Suez của Pháp hoặc tập đoàn Bechtel Group của Mỹ trong quá trình tiếp nhận việc quản lý và cấp nước cho một nước nào đó thì thường gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân nước sở tại, nhất là khi tăng giá nước. Trong khi đó một số quốc gia có trữ lượng nước dồi dào như Mỹ và Canada khi xuất khẩu nước sạch cũng bị dân chúng kịch liệt phản đối. Điều này thật không bình thường vì nước là loại tài nguyên có khả năng tái sinh nên việc tiêu dùng nước hoàn toàn không giống với tiêu thụ dầu mỏ. Nếu không cho phép kinh doanh, buôn bán nước thì sẽ khó vận động được các nhà đầu tư tham gia các công trình lớn về nước.
Đầu tư vào lĩnh vực nước hiện nay là vô cùng bức thiết: đến năm 2025 thế giới sẽ có 8, 3 tỷ người – tăng thêm 1, 3 tỷ so với hiện nay. Điều đó có nghĩa là lượng tiêu thụ nước cũng tăng lên tương ứng từ khoảng 4, 4 tỷ hiện nay lên 5, 2 tỷ mét khối. Một khó khăn nữa trong vấn đề cung cấp nước là trữ lượng nước không rải đều trên thế giới. Châu Á chiếm 60 % dân số thế giới nhưng lại chỉ chiếm 39% trữ lượng nước. Trong khi đó Nam Mỹ chỉ chiếm 6% dân số thế giới nhưng lại có tới 26% trữ lượng nước.
Hơn nữa nhu cầu ngày càng lớn về hàng hóa và thực phẩm cũng làm tiêu hao nước nhiều hơn. Thí dụ để có một cái quần bằng vải bông tiêu tốn 6.000 lít nước, để sản xuất một xe ô tô con hạng trung tiêu tốn 150.000 lít nước. Để thu hoạch được 1kg hạt kê lượng nước thẩm thấu xuống lòng đất là 5.000 lít. Để có 1 kg thịt bò tiêu hao 15.000 lít nước.
Các nhà kinh tế gọi loại nước phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, làm ra các loại sản phẩm khác nhau là “nước ảo”. Theo ước tính, do toàn cầu hóa nền kinh tế nên lượng nước hàng năm chảy sang các nước khác, châu lục khác là 1.000 km khối (một km3 bằng 1nghìn tỷ lít) – lượng nước này nhiều gấp 20 lần nước sông Nil chảy ra Địa Trung Hải. Trong khi đó một số nước xuất khẩu cỡ lớn nhất lại nằm ở những vùng thiếu nước nhất. Ai Cập và Sudan phải dùng một lượng lớn nước sông Nil và Pakistan phải lấy nước sông Indus để trồng bông.
Nguy cơ khủng hoảng nước
Ngành kinh tế lớn nhất của California không phải là công nghiệp máy tính mà là nông nghiệp. California cung cấp cho miền tây Hoa Kỳ các loại nông sản như rau, quả, sữa, phoma và thịt bò. Những loại sản phẩm này đều đòi hỏi rất nhiều nước.
Cho đến nay người nông dân California được cấp nước với giá đặc biệt. Trong những năm qua nông dân bán bớt định suất nước của mình cho các thành phố như Los Angeles hay San Diego để hưởng chênh lệch. Nhưng từ khi giá lương thực, thực phẩm tăng cao, nhu cầu đối với ngô để làm nhiên liệu ngày một lớn hơn thì chênh lệch giá nước không còn hấp dẫn, người nông dân giữ nước để sản xuất và các thành phố đông dân lâm vào tình trạng khát nước. Tình trạng khan hiếm nước càng nghiêm trọng hơn vì lượng mưa giảm và sự khai thác nước ngầm quá mức. Hiện nay ở bang Colorado số luật sư chuyên về quyền sử dụng nước đã nhiều hơn luật sư về tội phạm hình sự: một cuộc chiến tranh giành nước đã bùng phát tại đây.
Nhiều người Mỹ tin rằng nước Mỹ sẽ giải quyết được những khó khăn về nước hiện nay bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến và bằng tiền. Năm 2004 các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ mới dành 1 tỷ đôla để tìm kiếm các công nghệ mới về nước nhưng năm 2010 con số này đã tăng lên 30 tỷ đôla. Khoản tiền này tương đương với khoản tiền mà các nhà đầu tư Mỹ đã chi trong năm qua cho toàn ngành công nghệ cao của nước này.
Thiếu nhân lực chuyên nghiệp
Theo Diễn đàn nước thế giới thì trong khoảng 20 đến 40 năm tới lượng nước mà nhân loại tiêu dùng sẽ nhiều hơn lượng nước mưa. Tuy nhiên các chuyên gia về nước cho rằng nếu sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm cộng với việc khai thác nguồn tài nguyên mới thì lượng nước dành cho con người sử dụng có thể tăng thêm 70%.
Nhưng do thiếu những thị trường đích thực cũng như lực lượng cán bộ chuyên môn nên tình trạng lãng phí và quản lý nguồn nước kém hiệu quả vẫn tiếp tục diễn ra. Thí dụ ở các thành phố lớn như Cairo, Nairobi và Mexico, lượng nước bị thất thoát, rò rỉ lên tới 60%. Ngay cả ở các nước công nghiệp như Anh hay Tây Ban Nha lượng nước ăn bị rò rỉ vẫn lên đến 25%.
Bà Marie Leigh Livingston chuyên gia về kinh tế nước thuộc ĐH Northern Colorado đưa ra một mô hình hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân mà bà cho là hiệu quả nhất. Cụ thể, cần có sự kiểm soát của nhà nước kết hợp với các công cụ kiểm tra của kinh tế thị trường.
Thủ đô Berlin được coi là tấm gương về khai thác nước ăn có hiệu quả nhất. Đây là thành phố duy nhất trên thế giới lấy nước ăn với khối lượng rất lớn từ sông, hồ. Trên 60% lượng nước ăn phục vụ Berlin được lấy từ sông, hồ thông qua lọc sinh học, khử trùng hoàn toàn không dùng hóa chất. Để tăng hương vị của nước người ta chỉ khử sắt và măng-gan, đồng thời xối không khí vào nước. Có thể nói đây là một thành công trong việc nghiên cứu về nước. Công nghệ này tương đối rẻ và hiện đang được áp dụng ở New-Delhi (Ấn Độ).
Các doanh nghiệp công nghệ Đức sẽ được hưởng lợi nhiều trước nhu cầu ngày càng tăng về nước trên thế giới. Đức là một trong những nước đi tiên phong về khai thác, chế biến, làm sạch và vận chuyển nước đến người tiêu thụ với công nghệ được cả thế giới thừa nhận. Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thì riêng Châu Âu trong những năm tới phải chi khoảng 360 tỷ Euro để duy trì và mở rộng hệ thống dẫn nước; Hoa Kỳ sẽ phải đầu tư tới 820 tỷ Euro. Đấy là chưa kể nhu cầu của Châu Á cũng rất lớn. Con người nhất thiết phải thay đổi tư duy về nước. Thay vì đầu tư xây dựng các công viên giải trí hoặc chi tiền cho những nhu cầu cá nhân, chúng ta cần phải tăng cường đầu tư cho ngành kinh tế nước.