Nước thải canh tác ảnh hưởng đến sức khỏe gần một tỷ người
Một công bố mới trên Environmental Research Letters “Đánh giá trên phạm vi toàn cầu về ảnh hưởng của việc sử dụng nước thải đô thị trên các diện tích canh tác” (A global, spatially-explicit assessment of irrigated croplands influenced by urban wastewater flows) cho thấy, các nguồn cung cấp nước sạch đang bị sút giảm trên toàn cầu. Việc nông dân dùng nước chưa xử lý để trồng trọt, dù cách làm này có thể khiến họ bị bệnh, đã tăng lên rất nhiều so với trước đây.
Theo công bố này, khoảng 29,3 triệu ha diện tích đất trồng trọt trên toàn thế giới, tương đương diện tích của nước Đức, được tưới tiêu bằng nước thải sinh hoạt. Điều đó có nghĩa là sức khỏe những người tiêu thụ thực phẩm được nuôi trồng trên những cánh đồng này có khả năng bị ảnh hưởng.
Mô hình phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy, nhiều người trong số 885 triệu cư dân thành thị đang sống trong môi trường chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm với các ký sinh trùng, vi khuẩn. Nước thải chưa qua xử lý có thể chứa nhiều trứng của động vật ký sinh hay vi khuẩn gây ra bệnh tả – nhưng phổ biến vẫn là vi khuẩn gây tiêu chảy. “Nước chuyên chở mọi mầm bệnh”, TS. Pay Drechsel, người đứng đầu dự án tại Viện nghiên cứu Quản lý nước quốc tế ở Sri Lanka, và là đồng tác giả của nghiên cứu này, nhận xét. “Nó còn xa mới đạt đến tiêu chuẩn cho phép dùng làm nước uống hay nước tưới”.
Theo TS. Drechsel, trẻ em dưới năm tuổi dễ mắc bệnh này nhất, thường dẫn hậu quả chết người.
Dùng nước thải đô thị để tưới tiêu
Việc tưới tiêu bằng nước thải chưa qua xử lý là một vấn đề chung của các siêu đô thị không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Mexico và Iran, nghiên cứu cho biết.
“Trong phần lớn trường hợp, nông dân có thể không biết rõ về điều đó”, TS. Drechsel, cho biết.
Nhiều nông dân dùng nước thải để tưới tiêu mùa vụ. Ông chỉ ra, “nước chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng. Chúng tôi biết nhiều trường hợp nơi người nông dân đang có xu hướng sử dụng nước thải, dẫu cho nước sạch sẵn có – vì nhờ đó họ không cần bón phân và không phải trả tiền mua phân bón”.
Thi thoảng, nước thải có thể là nguồn nước duy nhất sẵn có, như trường hợp các thành phố lớn bị bao quanh bởi các vùng khô cằn – hay ở Ghana, nơi Drechsel đã sống và làm việc suốt 11 năm, mọi nông dân đều dùng nước ô nhiễm để tưới tiêu, ông cho biết. “Không có giải pháp nào khác”.
Trong phần lớn trường hợp thì nông dân vẫn nghĩ rằng mình đang dùng nước sạch.
Trên toàn cầu, chỉ khoảng 10% nước thải được thu gom và xử lý. Cùng với nước mưa, nước thải chưa qua xử lý chảy vào các dòng sông, hòa lẫn vào cả nguồn nước sạch, và cuối cùng là có mặt trong dây chuyền sản xuất thực phẩm.
Tại Ghana, nông dân quanh các đô thị lớn chủ yếu trồng rau, Drechsel cho biết. “Rau là nguồn thu nhập số một của họ, đặc biệt là rau ăn lá ngoại nhập”. Nhiều mùa vụ đòi hỏi tưới tiêu thường xuyên, không giống như ngũ cốc. Ông tiết lộ, gần một triệu người ở thành thị Ghana ăn rau tưới bằng nước ô nhiễm hàng ngày.
Vào năm 2004, một nghiên cứu đã ước lượng khoảng từ 6 đến 20 triệu ha trồng trọt được tưới bằng nước thải chưa qua xử lý. Và con số này hiện đã tăng lên 30 triệu ha, một nghiên cứu gần đây cho thấy vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trước.
Tổ chức Y tế thế giới ước lượng khoảng trên 10% dân số thế giới tiêu thụ thực phẩm được sản xuất từ nước ô nhiễm. Số lượng này có thể tăng lên hàng năm.
“Nước thải là nguồn nước duy nhất được tăng lên theo độ tăng của dân số và lượng nước tiêu thụ”, Drechsel chỉ ra. Liên hợp quốc ước lượng số lượng nước thải ra hàng năm nhiều gấp “sáu lần nước có trong sông hồ trên thế giới”.
Ảnh hưởng đến môi trường
Bên cạnh mối nguy hiểm về sức khỏe còn là ảnh hưởng đến môi trường. Nếu nước thải tràn vào sông hồ thì nó có thể làm ô nhiễm nước và đe dọa hệ sinh thái.
Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu từ Ghana và Uganda đã kiểm tra nước thải sinh hoạt từ Old Fadama, khu ổ chuột đô thị lớn nhất Ghana. Nghiên cứu cho thấy, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư này có mối liên hệ mật thiết với môi trường ô nhiễm.
Nước thải đồ vào một hồ chứa nước ở Iran là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết trên diện rộng
Khi dòng sông Trent ở vùng North Staffordshire, Anh, bị ô nhiễm bởi nước thải vào tháng 9/2016, hơn 15.000 con cá đã chết. Theo lời tổ chức Bảo vệ thiên nhiên thế giới WWF, hơn 400 khu vực trên thế giới suy giảm lượng ô xy, và xảy ra hiện tượng phú dưỡng (eutrophication) *.
Nguồn sống cho hàng triệu người
Chris Scott, giáo sư về địa lý và phát triển tại đại học Arizona cũng nêu, việc sử dụng nước thải tưới tiêu không hẳn là điều xấu. “Đó là nguồn sống cho hàng triệu hộ gia đình tiểu nông, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và tái sử dụng các chất thải để nuôi dưỡng cây trồng, cách làm này cũng góp phần tránh làm nhiễm bẩn các dòng chảy tự nhiên”.
Tuy vậy ông cho rằng cần quản lý việc tưới tiêu bằng nước thải. Ông đề xuất phương án xử lý nước tại các trang trại, sử dụng trang phục bảo hộ, cải thiện điều kiện vệ sinh ở chợ và rửa sạch rau cỏ trong nhà bếp; tách lọc các chất dinh dưỡng trong nước thải để làm nguyên liệu sản xuất phân bón. Drechsel cho rằng, có thể xây dựng một nhà máy như vậy ở Accra, Ghana.
Với trải nghiệm của mình ở Ghana, Drechsel nghi ngờ vào khả năng xử lý nước thải “sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng”.
Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là tránh ăn rau quả chưa được rửa sạch.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: http://www.dw.com/en/wastewater-crop-irrigation-risks-health-of-nearly-a-billion-people/a-39538101
————————————-
* Hiện tượng phú dưỡng: là một dạng suy giảm chất lượng nước thường xảy ra ở các hồ chứa với hiện tượng nồng độ các chất dinh dưỡng trong nước tăng cao, làm bùng phát các loại động, thực vật thủy sinh, làm tăng các chất hữu cơ lơ lửng, g=suy giảm lượng ô xi trong nước, nhất là ở tầng nước sâu, có thể làm chết cá và ảnh hưởng đến các loài khác. Nguồn: http://tapchivatuyentap.tlu.edu.vn/Portals/10/So%2030/So%203100010.pdf