Nuôi trồng sinh thái – một xu thế mới

Trong khi tôm nuôi công nghiệp phải đương đầu với nhiều quan ngại về môi trường và đời sống hoang dã, tôm từ hình thức nuôi quảng canh trong các rừng ngập mặn duyên hải Nam bộ và nuôi kết hợp tôm lúa ở vùng nước lợ, đang nhận được nhiều quan tâm, ưu ái của các tổ chức vì môi trường.

Uông tôm giống trong mô hình nuôi tôm sú quảng canh.

Nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn

Đây là ví dụ điển hình về nhóm VI trong phân loại các khu bảo tồn của Liên minh quốc tế về Bảo tồn tự nhiên (IUCN).Mục tiêu đề ra cho những khu bảo tồn thuộc nhóm này là bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng bền vững nguồn lợi, song song với đảm bảo sinh kế lâu dài cho cộng đồng.Nói khác đi, sinh kế (hay lợi ích kinh tế) gắn liền với việc bảo tồn hệ sinh thái và nguồn lợi.

Trước khi các đập ngăn mặn và rừng bị phá, người dân vùng ven biển đã từng mỗi tháng hai lần xổ tôm theo con nước, mười năm một lần tỉa và trồng lại rừng đước. Chừng 30 năm thôi mà ngỡ như xa xôi lắm.Từ lúc phong trào nuôi tôm thâm canh trở nên rầm rộ, vuông tôm chang chang nắng thay thế bạt ngàn xanh của những cánh rừng đước, sú, vẹt. Không biết rủi hay may, dịch bệnh tôm cũng theo đó mà phát triển, khiến nuôi thâm canh trở thành loại hình đầu tư mạo hiểm. Thêm vào đó, giá bán cao cho tôm đáp ứng tiêu chuẩn sinh thái (như Naturland), cùng với các chính sách về giao khoán đất rừng quy định dân phải duy trì rừng ở một tỷ lệ nhất định (tuỳ nơi mà tỷ lệ này có thể từ 40 – 60%), tôm quảng canh đang trở lại và rất hợp thời.

Năm 2013, báo cáo đầu tiên về tôm rừng Cà Mau với nhãn hàng Selva, được công bố trên trang mạng của Seafood Watch.Theo báo cáo, tôm Selva xuất xứ Cà Mau có kết quả đánh giá thuộc nhóm nhãn xanh, là lựa chọn tốt nhất cho môi trường.Người tiêu dùng ở Mỹ có thể nhận biết được sản phẩm tại các siêu thị thông qua ứng dụng của chương trình trên điện thoại thông minh. Kết quả điều tra với các hộ nuôi tôm rừng ở Cà Mau cho thấy, ngoài tôm, mô hình này còn nuôi được kết hợp các loại thuỷ sản có giá trị khác như sò, cua, cá chẻm. Cá nâu, cá đối, cá kèo khá phổ biến trong các vuông tôm kiểu này.

Mô hình tôm lúa

Khác với tôm rừng, tôm lúa được nuôi ở các vùng nước lợ, nơi mà nước mặn, ngọt theo mùa. Mô hình này phổ biến ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.Mùa nước mặn người dân thả tôm sú, cua và cá chẻm.Mùa ngọt họ trồng lúa, nuôi tôm càng xanh trong ruộng. Việc sử dụng phân, thuốc vì vậy mà được cân nhắc kỹ lưỡng. Sự tham gia của các công ty chế biến và xuất khẩu tôm, lúa hữu cơ, cùng với các hỗ trợ xây dựng năng lực sản xuất của các tổ chức trong ngoài nước, đã tạo động lực thúc đẩy chuỗi này.

Điều thú vị với chuỗi tôm lúa chính là thành quả liên quan đến trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Một chị ở hợp tác xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) nói nhờ chương trình mà chị biết… đi xe gắn máy, một điều nghe quá đỗi đơn giản nhưng lại mới mẻ và quan trọng với chị. Theo chị, thế giới như được mở ra (trước đó muốn đi đâu chị đều phải nhờ chồng).Người ta bắt đầu bàn về làng hữu cơ tôm lúa, về những hoa vàng dọc bờ xen lẫn trong màu xanh của lúa, người nghe thấy trong lòng phấn khởi lắm.

Biến lợi thế thành…lợi ích kinh tế

Hai mô hình tôm rừng và tôm lúa cho phép chúng ta tin rằng nhóm sản xuất quy mô nhỏ, vốn từng được xem là yếu thế trong các chuỗi sản xuất nông nghiệp, hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường, mà là thị trường cao cấp hẳn hoi. Tuy nhiên, vẫn còn một đoạn khá xa để hiện thực hoá điều này. Vì với quy mô nhỏ lẻ, việc thu gom rất thách thức. Công việc này hiện đang do thương lái, tác nhân chưa từng được hoan nghênh ở bất cứ chuỗi nào, đảm nhiệm.

Suy nghĩ cặn kẽ, có thể nói rằng thương lái trong những chuỗi đặc thù như vầy, nên được đánh giá đúng mức về vai trò của họ.Thứ nhất, thương lái sở hữu quan hệ cộng đồng tốt. Thứ hai, họ có thể đi tới hang cùng, ngõ hẹp mà công ty chế biến không thể tới. Và cuối cùng, cũng là quyết định, chính là khả năng chi trả tiền mặt tức thời, điều làm cho một nông dân khó tính nhất cũng cảm thấy hài lòng. Để thương lái tham gia vào chuỗi, xây dựng năng lực cho họ về quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất, sẽ là yếu tố chủ chốt để có thể biến lợi thế của các chuỗi tôm quảng canh thành lợi ích kinh tế lâu bền.

Kim Thanh (theo TGHN)

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)