Ông bác sĩ với cây đàn cello

Trong chuyến du xuân tại Siem Reap, tôi có cái duyên được gặp ông bác sĩ nhi khoa người Thụy Sĩ, hiện là giám đốc của ba bệnh viện nhi khoa hiện đại của nước Campuchia, ông Beat Richner. Xin đọc tên ông là Bi-át vì cái sự tình cờ tên ông cũng có cấu tạo như động từ to beatify có nghĩa là “phong thánh”. Và quả tình công việc ông làm ở đây thật thánh thiện. Thánh thiện và có phương pháp. Xin cho tôi được kể về ông.

Đường vào hai khu đền Angkor đi ngang cổng bệnh viện của ông. Ở cổng có tấm quảng cáo Bác sĩ Beatocello biểu diễn cello nhạc J. S. Bach – vào cửa không mất tiền –  7 giờ 15 phút các chiều thứ bảy.
Với cánh du lịch “ba-lô”, làm sao có thể bỏ qua một lời mời mọc như thế? Tới cửa thì rõ, biểu diễn không bán vé, nhưng tùy tâm, xin bỏ tiền vào hộp tặng bệnh viện. Một bệnh viện nhi khoa sang trọng, mát rượi, tọa lạc trên miếng đất vài ba hecta, thế mà lại còn cần đến sự hảo tâm của khách qua đường?

 
Biểu diễn cello gây quỹ cho bệnh viện từ thiện

Bác sĩ Beat chừng sáu chục tuổi, không cao to. Đúng bảy giờ mười lăm phút, bác sĩ vào căn phòng 600 ghế ngồi đông kín. Bác sĩ mở hộp lấy ra cây đàn, bước lên sân khấu ngồi vào chiếc ghế nhựa đen, trước mặt là cây mi-crô, dưới sàn là hộp giấy lau. Giản dị thế đó cái người giờ đây mỗi năm quản lý 17 triệu đô-la. Ông bắt đầu đàn, không một lời giới thiệu. Ông chơi một khúc chừng 3 phút thì dừng lại. Và ông chơi nhiều khúc như thế và nhiều lần dừng lại như thế. Mỗi lần dừng, ông diễn thuyết. Cũng chỉ diễn thuyết chừng 3 phút thôi. Ông nói về ba bệnh viện nhi khoa của nước Campuchia, về đường lối hiện đại hóa ba bệnh viện đó, về gây qũy để xây dựng và hoạt động, về nguyên tắc phục vụ bệnh nhi không mất tiền, về chống tham nhũng đối với các tổ chức quốc tế và trong nước, về đào tạo bác sĩ và chuyên gia địa phương… Có hai lần bác sĩ chơi nhạc xong mà không nói, nhường lời cho đoạn băng chiếu lên màn hình sau lưng ông…
Cuộc đời ông bác sĩ này cũng đáng để ta biết đến.
Năm 1974 ông là một bác sĩ nội trú thực tập tại bệnh viện Kantha Bopha ở thủ đô Phnom Penh. Kantha Bopha tiếng Campuchia nghĩa là “bông hoa nhỏ thơm tho”. Đó chính là tên con gái vua Sihanouk, chết khi mới 13 tuổi vì bệnh máu trắng. Năm 1962, Kantha Bopha được đặt cho cái nhà thương nhi khoa số 1 này ở thủ đô.
Năm 1975 chàng trai Beat trốn khỏi Campuchia để thoát tay bọn diệt chủng. Beat về Thụy Sĩ học tiếp tốt nghiệp khoa cello, và mở một bệnh viện nhi khoa tư.
Cuộc đời run rủi ra sao đó, cuối năm 1991 Beat đi chơi xứ Chùa Tháp, gặp lại cái nhà thương xưa nay đang nằm im tan hoang, rồi ngài Sihanouk mời Beat xây dựng lại bệnh viện Kantha Bopha đổ nát ấy. Ông quyết định nhận lời và tự tay tôi phải mó vào mọi việc(*).
Việc đầu tiên là tiền đâu…
Ông xin tài trợ từ chính phủ liên bang Thụy Sĩ, từ các ngân hàng lớn và nhất là từ các công ty hóa chất lớn. Ông tính toán thế này: chính phủ Thụy Sĩ thay mặt một nước giàu cần viện trợ nhân đạo cho nước nghèo; ngân hàng bớt chút tiền làm từ thiện; công ty hóa chất lãi nhiều nhờ bán thuốc bớt cho trẻ ốm đau cũng là lẽ thường tình. Nhưng các ngân hàng lớn, các công ty hóa chất đều quay lưng lại… Chính phủ Thụy Sĩ cũng trù trừ, mãi sau này mới quyết định chi mỗi năm một triệu franc Thụy Sĩ (nhưng chi đều đặn cho mãi tới bây giờ). Sự ủng hộ lại đến từ hai người bạn làm báo Le matin và Schweizer Illustrierte. Beat quyết định: từ nay, mỗi tuần biểu diễn đàn cello một lần và diễn thuyết gây qũy, nơi rót tiền ủng hộ là tài khoản của Beat ghi trên tờ Schweizer kia… Năng nhặt chặt qũy, tính đến 1996, số tiền “lòng vàng” đó đã hơn 30 triệu franc Thụy Sĩ…
Khi lưng vốn hòm hòm, chính phủ Thụy Sĩ lại đều đặn rót cho, Beat bay qua Phnom Penh, bắt tay vào xây dựng lại bệnh viện Kantha Bopha.

 
Người bác sĩ từ tâm cùng bệnh nhân “nhí” của mình

Đường lối của Beat ngay từ đầu là: không làm thì thôi, đã làm thì phải hiện đại. Vì hiện đại thì mới mang tính khoa học và mới có hiệu quả kinh tế. Cái lý của ông thế này: chữa bệnh mà dùng giải pháp nửa vời thì tiền mất tật mang, và vô đạo đức vì đó là đánh lừa người dân. Ông cử một bác sĩ giỏi bạn thân của mình phụ trách điện nước. Công tác vệ sinh bệnh viện cũng giao cho một bác sĩ giỏi. Bệnh viện phải làm cả việc chữa bệnh và phòng bệnh. Ông đặt mua máy móc xịn nhất về dùng. Đơn giản thế này thôi: tiếp máu ư? Nếu máu có HIV và siêu vi Gan B và C thì sao? Thử máu để loại bỏ các tác nhân xấu đó đâu có dễ và rẻ tiền? Trong ngày đầu Kantha Bopha tái hoạt động, điện ở thủ đô còn xập xệ, ông cho mua hẳn từ Singapore một máy phát điện 60 nghìn đô-la. Ông lập luận đơn giản: đang mổ mà mất điện thì để con người ta chết à?
Nhưng chớ nghĩ một đường lối như thế sẽ được mọi người hoan nghênh. Những người vừa dốt nát vừa quan liêu và lại vướng vào tham nhũng nữa thì đều chống lại. Và họ chống lại có lý có lẽ: Các nước nghèo của thế giới thứ ba không nên có một nền Y tế sang trọng và đắt tiền. Cô nương chủ tịch Quỹ “Cứu trẻ em” (Save Children Funds) còn nói như sau: chữa bệnh và phòng bệnh ở nước này thì hãy dạy cho họ rửa tay là đủ. Một vợ bộ trưởng gợi ý mua cho tôi một chiếc Land Cruiser thì có đủ các thứ dự án và thừa chi tiêu… Một quan chức y tế cao cấp “quốc tế” nghỉ ở khách sạn 340 đô-la một đêm chỉ cách bệnh viện vài chục mét nhưng không tới thăm và chỉ nhắn một lời khuyên không nên xa xỉ trong công tác Y tế ở các nước nghèo… Và mặc dù tham nhũng là bệnh của kẻ có quyền và có tiền nhưng không loại trừ những thói hư tật xấu ở đội ngũ nhân viên y tế khi mà lương bình quân mỗi tháng là 18 đô-la. Tiền, tiền, tiền, đụng tới đâu cũng thấy vòi tiền, thậm chí có sản phụ lên bàn đẻ rồi còn phải lột cái vòng cổ ra đặt cọc thì mới được vượt cạn…
Beat tâm sự trong sách của mình: nhiều lần tôi chán nản muốn bỏ cuộc. Những lần như thế, tôi mang đàn vào chùa Angkor Thom và kéo đàn. Nghĩ đến các con bệnh non nớt mỗi năm có thể chết hàng nghìn cháu, thế là lại quay về tiếp tục công việc. Làm việc và đấu tranh lại. Cách hiệu quả nhất Beat quen dùng là viết báo. Vốn là công dân một nước dân chủ, ông hiểu rằng, ngay trong lòng một thể chế dân chủ, thì cũng có lúc quyền lực rơi vào tay một kẻ chuyên chế hoặc một phe đa số chuyên chế. Khi đó con người dân chủ chỉ có hai vũ khí là tự do báo chí và tự do lập hội. Ông đã triệt để sử dụng hai vũ khí dân chủ đó để xây dựng không chỉ một mà giờ đây đã là ba bệnh viện.
Bệnh viện thứ nhất, Kantha Bopha sau sáu tháng phục hồi đã hoạt động năm 1992. Kantha Bopha thường xuyên bị quá tải, bác sĩ Beat phải nghĩ đến một bệnh viện nữa. Ông xin mảnh đất sát Kantha Bopha I, song các quan chức đều lắc đầu từ chối. Nó đã được một nước viện trợ nhiều ODA nhăm nhe. Loay hoay mãi, cuối cùng chính Sihanouk cắt đất trong hoàng cung cho xây bệnh viện Kantha Bopha II. Mùa thu năm 1996, bệnh viện Kantha Bopha II ra đời hoạt động song song với Kantha Bopha I. Rồi bác sĩ Beat về Siem Reap và thấy vùng đất xa xôi này có quá nhiều trẻ em bị lao và các bệnh của miền nhiệt đới nghèo khổ lâu đời. Ông xin phép xây dựng một bệnh viện nữa ở đây. Ngay lối đi vào đền, một ông bộ trưởng có mảnh đất định xây khách sạn năm sao đón khách du lịch, đã tìm cách ngăn cản dự định đó. Beat lại tìm cách thuyết phục và đấu tranh trên báo chí. Và thuyết phục tốt nhất, dễ thu phục lòng người nhất là dùng cứ liệu văn hóa địa phương. Đền Angkor Thom gắn với tên tuổi Vua Jayavarman VII, ông vua trị vì 40 năm từ 1181 đến 1220, ông vua không chỉ xây đền chùa mà còn xây 102 nhà thương cho dân, ông vua đã nói nỗi đau khổ của dân là nỗi đau khổ của nhà vua.
Bác sĩ Beat cuối cùng đã xây được một bệnh viện nữa khánh thành đầu thiên niên kỷ, và lần này nó có tên là Jayavarman VII… chỗ chúng tôi được vinh dự tới thăm và đang lắng nghe tiếng đàn của ông đây…
Kể từ khi gây quỹ lần đầu tới nay, bác sĩ Beat biểu diễn hàng trăm lần: ông nhớ lại, tính đến hôm 4 tháng 4 năm 2002, ông đã chơi đàn gây qũy lần thứ 146!
Tự tay ông trao tiền lương hàng tháng cho 1.400 nhân viên. Ông làm việc mỗi tuần 8 ngày, bốn ngày ở hai bệnh viện tại Phnom Penh và bốn ngày ở Jayavarman VII, ngày thứ hai bao giờ cũng căng những việc, nên coi đó là 2 ngày. Trong 1400 người làm việc với ông, chỉ có 4 chuyên gia nước ngoài. Các sinh viên Y khoa được thực tập và đào tạo ngay tại các bệnh viện hoàn toàn hiện đại của nước mình do ông lập ra cho họ.
Hoàn toàn hiện đại, trừ… Tại bệnh viện của ông, không có máy thở ô-xy đắt tiền. Ông trang bị những chiếc bơm ô-xy bằng tay, để những bà mẹ bệnh nhi tự tay bơm cho con mình thở, vì các bà cảm nhận được từng nhịp sống của con họ, đồng thời cũng để con bệnh không khi nào cảm thấy bơ vơ cạnh máy móc tối tân vô cảm…
Cuối sách, ông viết:
Con đường tôi đi kể từ tháng chạp 1991 giống như một cuộc dạo chơi tới đường chân trời, đi cứ đi. Song đôi chân tôi không chạm đất. Tựa hồ như tôi đang bay lượn tới nơi chân trời xa, cận kề với biển khơi đầy sao trời. Khi chọn cho mình cuộc dạo chơi như thế, tôi cần phải dứt bỏ khỏi cảnh yên ổn vật chất sống còn của môi trường văn hóa riêng. Cuộc dạo chơi ấy cũng đòi hỏi bản thân tôi phải nỗ lực. Đồng thời nó cũng cho tôi thấy rõ cả những ngôi sao trần thế dưới này lẫn những ngôi sao thiên giới trên kia. Hằng hà sa số sao trời trần thế này đi thẳng vào lòng ta, và còn vô số sao trời trên kia rồi sẽ thành những thực tại ở chốn đây và sẽ ở lại mãi mãi nơi đây. Sống với những thực tại ấy ở dưới này và ở trên kia tựa hồ như tôi đang bước đi dần vào vũ trụ. Mỗi bước đi là một hành động sáng tạo, và những bước chân tiếp nối theo nhịp âm nhạc, đó cũng có chút gì như thơ ca. Và nếu như mỗi con người thấy lòng mình còn rộn ràng tình yêu, niềm tin và hy vọng, khi đó chúng ta sẽ tìm thấy một ý nghĩa cho chuyến dạo chơi tới chân trời và chúng ta sẽ thành thơ ca thuần khiết.

———–
(*)  Các đoạn trích in nghiêng và nội dung tóm lược đều rút từ cuốn sách do bác sĩ Beat Richner viết, Le médecin au violoncelle, nhà xuất bản Favre, Zurich, 2004.

PHẠM TOÀN

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)