PEGA dám nghĩ lớn và làm lớn
Xe máy và xe đạp điện ở Việt Nam hiện đang tăng trưởng tốt, mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp hấp dẫn, tiêu biểu là trường hợp thành công của PEGA – một doanh nghiệp dám nghĩ lớn và làm lớn với mong muốn chứng minh rằng người Việt cũng có thể sản xuất được những sản phẩm tốt, đủ khả năng cạnh tranh với thế giới chứ không phải chỉ biết bán hàng.
Ca sĩ Sơn Tùng quảng cáo cho mẫu xe điện mới của PEGA. Ảnh: PEGA.
Khoảng 6-7 năm trở lại đây, hình ảnh những em học sinh phổ thông điều khiển xe máy, xe đạp điện, lướt đi băng băng trên phố đã trở nên quá quen thuộc. Trong bối cảnh giá xăng ở Việt Nam “chưa chịu giảm” cùng nạn tắc đường và ô nhiễm khói bụi kinh hoàng, nhất là tại các đô thị lớn nơi mật độ dân cư quá đông và hạ tầng giao thông vẫn chưa đủ để áp ứng nhu cầu, những chiếc xe hai bánh sử dụng động cơ chạy điện lại được tin dùng, trở thành phương tiện đi lại chính của nhiều người dân, thay cho xe gắn máy sử dụng động cơ đốt xăng truyền thống. Lợi thế của những chiếc xe loại này là sự nhỏ gọn, tiện lợi, thân thiện với môi trường, cùng khả năng tích hợp được nhiều công nghệ thông minh, song quan trọng nhất vẫn là không tốn tiền mua xăng, thậm chí chỉ mất khoảng 1000 – 2000 đồng cho mỗi lần sạc điện để đi được 100 km.
Thị trường tiêu thụ xe đạp, xe máy điện ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, cả về số lượng, chất lượng, lẫn mẫu mã và kiểu dáng, với doanh số mỗi năm đạt cả trăm nghìn xe. Hiện nay, số lượng xe lưu hành trên cả nước đã vượt quá 3 triệu – số liệu của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương. Với mức giá dao động trong tầm 7 – 19 triệu đồng/xe, chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng thấy thị trường có doanh thu nghìn tỷ này hấp dẫn như thế nào.
Tuy nhiên cũng theo Cục Quản lý thị trường, trong số hơn 3 triệu xe điện đang lưu hành thì chỉ có gần 10% là quản lý được. Nguyên nhân là do trong suốt một thời gian dài, xe từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, được tuồn vào Việt Nam và gắn nhãn “made in Vietnam”. Chính vì vậy, nhà nước đang phải tìm cách siết chặt công tác quản lý, trong đó có việc ban hành một số tiêu chuẩn và quy định mới. Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, tất cả các xe máy điện nếu muốn được lưu hành, tham gia giao thông tại Việt Nam thì đều phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, chủ xe cần phải có cả giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật của xe điện, đồng nghĩa với việc những xe có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo thì rất khó có thể xuất hiện ngoài đường phố.
Điểm sáng
Hiện nay, PEGA, Detech và DKBike là 3 hãng lớn nhất, chiếm hơn 40% thị phần xe đạp, xe máy điện ở Việt Nam. Đáng chú ý, PEGA được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá khi tuyên bố sẽ thâu tóm 30% thị phần vào năm 2018 và ít nhất 50% vào năm 2019.
CEO Lê Hoàng Long của PEGA. Ảnh: PEGA.
Trao đổi với Tia Sáng, CEO Lê Hoàng Long của PEGA nhận định: “Việt Nam vốn đã có sẵn một hệ sinh thái sản xuất xe máy chạy xăng hoàn chỉnh được gây dựng từ mấy chục năm nay, với các tên tuổi lớn của Nhật Bản như Honda, Yamaha, cùng hàng ngàn công ty cung ứng linh phụ kiện khác … Vì vậy, nếu không nhanh nhạy tìm cách biến môi trường này thành cơ hội để tự sản xuất xe điện, thì những hãng nước ngoài sẽ làm điều đó thay cho chúng ta”.
Trước đây, xe điện vốn chỉ là cuộc chơi của các thương hiệu Trung Quốc với những sản phẩm giá rẻ, nhưng vị CEO sinh năm 1085 tin tưởng rằng chỉ có cạnh tranh về chất lượng mới giúp xe điện thực sự đáng được quan tâm. Với tầm nhìn ấy, PEGA đã luôn chú trọng hợp tác với các nhà cung cấp hàng đầu, … đồng thời tìm cách nâng dần tỷ lệ nội địa hóa lên mức 35%, thường xuyên điều chỉnh và cải tiến cả thiết kế lẫn công nghệ nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất. Lê Hoàng Long luôn tâm niệm: “Nội địa hóa là bước đi quan trọng để có thể tự chủ, tạo dựng nền tảng vững chắc, để người Việt có thể cùng nhau tự sản xuất ra những chiếc xe lý tưởng, và sau đó tiến tới phát triển những công nghệ, tiện ích hiện đại khiến cuộc sống của mọi người trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn”.
Tham vọng của PEGA đã không chỉ dừng lại ở mục tiêu chiếm lĩnh thị phần trong nước, mà còn hướng tới vươn xa ra thế giới và giúp định hình khái niệm “xe máy điện thông minh” (Smart E-Bikes) qua việc đầu tư cho những công nghệ thông minh tích hợp sẵn trên xe như: quản lý điện năng, định vị, chống trộm, điều khiển từ xa, kiểm tra tình trạng xe, cảnh báo an toàn, hay gửi thông báo khẩn cấp trong trường hợp chủ xe bị tai nạn,… Long cho biết công ty đổi tên từ HKbike sang PEGA, với cảm hứng từ hình ảnh chú ngựa bay Pegasus trong thần thoại với mong mỏi đưa sản phẩm công nghệ Việt ra thế giới dù biết đây là một bước đi mạo hiểm.
Vươn lên từ thất bại
Năm 2010, vào thời điểm bùng nổ của điện thoại di động, Lê Hoàng Long – tốt nghiệp kỹ sư lập trình từ Đại học Bách khoa Hà Nội – cùng 3 sáng lập viên khác của PEGA đã từng thử sức trong lĩnh vực này với nhãn hiệu HKPhone, nhưng không được thành công. Nguyên do, theo anh đó là vì hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam khi ấy đã không đủ thuận lợi cho việc tự sản xuất điện thoại di động, cụ thể Long và bạn bè đã không thể tìm được đối tác trong nước để đặt hàng.
Sau thất bại đó, anh nhận ra nếu không nắm được sản phẩm trong tay qua khâu chế tạo, không quản lý được chất lượng linh kiện thì sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề. Buông tay với giấc mơ điện thoại Việt, Long vẫn đau đáu với câu châm ngôn “người Việt hiểu người Việt”. Bắt đầu từ năm 2013, anh chuyển hướng sang sản xuất các loại xe hai bánh chạy điện.
Vì muốn tận dụng các lợi thế của Việt Nam như đã có sẵn ngành công nghiệp sản xuất xe máy, thay vì lên kế hoạch mua sắm linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp rồi cải tiến, bổ sung công nghệ, mẫu mã, PEGA quyết định tìm đến các vệ tinh sản xuất, linh phụ kiện cho Honda, Yamaha ở Việt Nam để bàn việc, đó là Bosch (chuyên cung cấp động cơ điện ), Jhen Da (vỏ và các linh kiện từ nhựa), … và nhiều đơn vị gia công uy tín khác nữa.
Ban đầu, nhiệm vụ này gặp rất nhiều khó khăn vì không dễ để thuyết phục các đối tác, ngay cả bản thân Long và cộng sự cũng cảm thấy mơ hồ vì việc chế tạo ra được 1 chiếc xe hoàn chỉnh thực sự không phải cứ muốn là được. Thông thường, quy trình cho ra đời một mẫu xe, từ lúc lên ý tưởng cho tới phác thảo, đắp mẫu, làm khuôn, tới chế tạo các chi tiết và lắp ráp sẽ phải mất từ 24 – 36 tháng, bên cạnh đó là khoản vốn đầu tư không hề nhỏ, chính vì vậy mối nghi ngờ về khả năng thành công là hoàn toàn có căn cứ. Ngay cả Bosch, đối tác cung cấp động cơ điện chất lượng cho PEGA bây giờ, khi ấy cũng đã không thể tin là PEGA có thể thành công. Nhưng cuối cùng, khát khao doanh nghiệp Việt phải làm được sản phẩm mà người Việt ưa thích đã vượt qua mọi rào cản.
Dây chuyền lắp ráp PEGA tại Bắc Giang. Ảnh: Tinh tế.
Từ 2 showroom khiêm tốn chỉ rộng chưa đầy 50 m2 ở Hà Nội, PEGA đã từng bước gây dựng và thành lập được 250 showroom chuyên biệt, đồng thời cung cấp sản phẩm cho hơn 500 đại lý phân phối khác trên cả nước; ngoài ra công ty còn đang có kế hoạch phát triển lên thành 700 showroom trong vòng 3 năm tới. Chỉ sau 4 năm khởi nghiệp, PEGA đã đạt vốn hóa thị trường khoảng 1.000 tỷ đồng, sở hữu 2 phân xưởng sản xuất chính tại Gia Lâm và Bắc Giang, đáng chú ý là cơ sở tại Bắc Giang có quy mô lên tới 15.000 m2 và công suất tối đa đạt 40.000 sản phẩm/tháng.
Không những chỉ được tin dùng trong nước, nhiều đối tác nước ngoài cũng bắt đầu để ý đến thương hiệu xe điện của Việt Nam. Trong tháng 1/2017, PEGA đã xuất khẩu đơn hàng 100 chiếc xe đạp điện đầu tiên sang thị trường Pháp nhằm thăm dò phản ứng của người tiêu dùng tại một thị trường khó tính như châu Âu. Lê Hoàng Long cũng cho biết, kể từ năm 2018, PEGA sẽ bắt đầu tiến công ra châu Á, châu Âu và cố gắng hiện diện ở ít nhất 10 thị trường.
Có được thành công này, như anh Long chia sẻ, đó là do PEGA luôn dám mơ ước, nghĩ lớn và làm lớn: “Tham gia vào lĩnh vực xe đạp điện là cách tôi muốn chứng minh cho thế giới rằng người Việt Nam có thể sản xuất được những sản phẩm tốt, có uy tín, có đủ khả năng cạnh tranh với thế giới chứ không phải chỉ biết bán hàng, đồng thời mong muốn các bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thay vì thương mại hay dịch vụ. Vì chỉ có sản xuất mới giúp DN phát triển bền vững và đưa đất nước đi lên”.