Phá vỡ nghịch lý để tồn tại

Giữ gìn và bảo lưu ngành nghề truyền thống trong thời đại hiện nay là tìm cách tồn tại giữa một nghịch lý: người nghệ nhân cả đời mài giũa, khao khát tạo ra những sản phẩm độc bản, đỉnh cao về mặt nghệ thuật và kĩ thuật nhưng thị trường thì chạy theo những sản phẩm sản xuất hàng loạt với giá rẻ. Công ty Minh Long I của nghệ nhân Lý Ngọc Minh, là một minh chứng cho sự vật lộn để phá vỡ nghịch lý đó, cho sự nghĩ và làm vượt ra ngoài các khuôn khổ của truyền thống để vừa sống sót nhưng cũng vừa có chỗ nuôi dưỡng kĩ thuật đẳng cấp.


Minh Long I là một trong những nhà tài trợ đặc biệt của hội nghị cấp cao ASEAN 2020 với bộ bình trà Huyền Liên, được chế tác phức tạp hơn bộ Hoàng Liên tại APEC 2017 với họa tiết được đắp nổi. 

Minh Long I vốn được biết đến qua những tác phẩm phục vụ sự kiện và các buổi yến tiệc quốc gia với những hoa văn cầu kì, tầng lớp các ẩn ý và điển tích văn hóa được vẽ thủ công; phô bày những kĩ thuật chế tác gốm tinh tế và phức tạp nhất mà họ tích lũy được trong nửa thế kỉ làm nghề. Chẳng hạn thiết kế bộ đồ ăn Hoàng Liên được lựa chọn trong bữa tiệc chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia tại dịp APEC 2017 là sự gói ghém và cân bằng những câu chuyện trong văn hóa dân gian của Việt Nam giữa những lễ nghi bàn tiệc quốc tế. Họa tiết hoa sen trên đó là kết quả của nhiều năm nghiên cứu của Minh Long I cùng các họa sĩ châu Âu nhằm đem đến một thiết kế của truyền thống nhưng không nhàm chán, vừa kế thừa những họa tiết sen kinh điển trên những sản phẩm gốm sứ thế giới nhưng cũng vừa mang hơi thở của thẩm mĩ hiện đại. Trung tâm của bộ đồ ăn gồm hơn 80 chi tiết là chiếc khay ăn hình chữ nhật và chiếc nắp đĩa úp lên hình bán nguyệt cỡ lớn tượng trưng cho trời tròn – đất vuông như trong câu chuyện Lang Liêu xưa. Chiếc khay ăn mềm mại như một chiếc chiếu thư vừa mới lật giở, còn hơi quăn ở một bên mép giấy. Chiếc thố, chén hai lòng để ăn súp kiểu phương Tây có nắp đậy gợi nhắc đến mái hơi cong cong của đình, chùa làng Việt. Đằng sau thiết kế này cũng là những năm tháng “đã đời” tôi luyện về mặt kĩ thuật sao cho sản phẩm hoàn thiện trong trẻo, trơn láng, có những chi tiết nhẹ bẫng như pha lê, có những đồ hai lớp sứ để giữ nhiệt, họa tiết lúc in lúc vẽ vừa tạo độ đồng đều, vừa tạo chiều sâu. 

Về sau, mỗi bộ Hoàng Liên bán ra thị trường với giá tới gần trăm triệu nhưng Minh Long I không sống bằng những tác phẩm như vậy. “Chỗ đó là cái chỗ chết, chỗ đó chỉ để PR thương hiệu thôi” – Ông Lý Ngọc Minh nói trong cuộc trò chuyện gần đây với Tia Sáng. Giống như các hãng gốm sứ lâu đời khác trên thế giới, Minh Long I “sống” nhờ những sản phẩm sản xuất đại trà bằng hệ thống máy móc tự động. 

Dù vậy, xây dựng mình có thương hiệu gắn liền với những sản phẩm thủ công, Minh Long I đã tự làm khó mình ở thị trường Việt Nam: khách hàng trông đợi ở những sản phẩm mà hãng bán ra, dù là đại trà cũng phải có vẻ đẹp và chất lượng “nhìn vào là thấy đẳng cấp”, nhưng túi tiền của người dân lại không chi trả đắt hơn những sản phẩm không có thương hiệu quá 50%. Đã có lúc, để duy trì đẳng cấp này mà Minh Long I “về kĩ thuật thì đạt đến đỉnh cao mà về kinh tế thì trước mắt là vực thẳm”, theo lời ông Lý Ngọc Minh.  

Ngôn ngữ của “cái đẹp”

Ông Minh không phải là một tuýp nghệ nhân thuần túy vị nghệ thuật. Là một người có những ước mơ lớn trong việc chinh phục những đỉnh cao của kĩ nghệ gốm sứ, mỗi khi nói chuyện ông không che giấu tham vọng muốn sản phẩm của mình sánh vai hoặc hơn các hãng của Đức như Rosethal, Meissen, Villeroy & Boch…với tuổi nghề hàng trăm năm, nhưng ông cũng là người thực tế, chân luôn chạm đất với óc kinh doanh nhạy bén. 

Cái đẹp, với ông Lý Ngọc Minh, cũng nên là một loại ngôn ngữ có thể truyền đạt cho nhiều người hiểu được. Ông lấy ví dụ như có mấy người nước ngoài cảm nhận được vị ngon của nước mắm, mắm nêm, mắm tôm nguyên bản? Nhưng khi chế biến thành các món như chả cá Hà Nội, bún chả, phở thì ai ăn cũng thích. Làm nghề thủ công ở thời hiện đại với ông là như vậy, phải tái định nghĩa lại những công năng của gốm sứ. Đó là lí do mà ông Minh không dừng lại ở việc chỉ sản xuất bát đĩa, bình hoa sứ, tượng sứ trưng bày truyền thống mà ông còn muốn đưa gốm sứ tới gần đời sống hơn nữa. Một trong những nỗ lực gần đây nhất của ông là nồi chảo sứ. Bằng việc nghiên cứu lựa chọn đất và men để tăng tính chất phát ra tia hồng ngoại của sứ khi được đun nóng và tăng độ sốc nhiệt lên đến 8000C, chiếc nồi của ông Minh nấu ngon và an toàn như nồi đất của người xưa, chống dính tự nhiên như nồi chảo tráng Teflon, giữ nhiệt tốt như nồi chảo gang, không mốc, không gỉ, không thấm nước như nồi inox. Bộ nồi chảo của ông ra đời với cái tên “dưỡng sinh” bắt kịp đúng xu hướng thời thượng sống xanh, ăn sạch được dấy lên trong vài năm trở lại đây. Trở về từ buổi nói chuyện với ông Minh, tôi tới các cửa hàng phân phối sứ Minh Long I ở Hà Nội và được biết đa phần các nồi nấu trên bếp từ của ông đều cháy hàng. 


 

Trong lễ trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú vào giữa tháng 12/2020, ông Lý Ngọc Minh là nghệ nhân duy nhất được mời phát biểu. Giữa những lời ca tụng của các lãnh đạo nhà nước, tôn vinh nghệ nhân là những “đại diện tiêu biểu cho trái tim, khối óc, bàn tay của dân tộc”, là “nhịp cầu đưa bạn bè năm châu đến với văn hóa đất nước” và có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, những chia sẻ của ông Lý Ngọc Minh có phần lạc điệu. Với ông, kĩ nghệ truyền thống đang bị mai một dần vì không tạo được dấu ấn trên thị trường và giới trẻ không muốn theo học. Do vậy các làng gốm Việt Nam từng lừng danh một thời giờ hoặc là thất truyền, hoặc là vô danh trên toàn cầu.

Ông còn đang nghiên cứu làm sứ nội thất. Phòng làm việc của ông Minh ở Bình Dương gần 10 năm nay có treo một chiếc đèn chùm hoàn toàn được chế tác bằng sứ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm để tung ra thị trường. Sứ có thể được chế tác mỏng, nhẹ, trong trẻo như pha lê nhưng khác với pha lê ở chỗ có thể đa dạng màu sắc hơn. “Một ngày nào đó, bước vào văn phòng làm việc của tôi (người ta sẽ thấy) bao nhiêu kĩ thuật hiện đại để làm gốm sứ, bao nhiêu thứ chuyện trên đời tôi đúc kết lại trong 50 năm ở đó. Giới trẻ rồi sẽ ngạc nhiên là mỹ nghệ truyền thống cũng có thể hiện đại hóa được” – Ông nói. 

Nhưng làm sao để làm ra sản phẩm thể hiện đẳng cấp của mình, lại không được bán đắt rồi vẫn đủ sống trên thị trường vẫn “thật khó vô cùng”. “Cho nên giờ Minh Long I vẫn phải đau đầu chứ đâu có đơn giản đâu. Minh Long I giờ vẫn còn khó khăn” – Ông Lý Ngọc Minh chia sẻ. Ông biết rõ, tự động hóa là lối thoát duy nhất. Từ cuối những năm 90, ông đã nhập khẩu những máy móc hiện đại nhất của ngành gốm sứ ở Đức và Nhật để tự động hóa một số công đoạn. Đến ngày nay, quá trình tự động hóa và số hóa đã thực hiện gần như toàn bộ: từ “cục đất chạy ra cái chén luôn”. 

Trong số bốn nghệ nhân nhân dân năm 2020 vừa qua, ông Lý Ngọc Minh là người duy nhất tự động hóa triệt để và hiện đại đến như vậy. Không mấy người hiểu rằng nếu không có những tri thức thoát thai từ thủ công truyền thống thì sẽ không thể thiết kế hệ thống tự động hóa. Và ngược lại, nếu không có số hóa, cho phép kiểm soát, ghi lại từng thông số kĩ thuật của từng bước sản xuất thì kĩ thuật cũng như thiết kế cũng không thể phá bỏ được những giới hạn cũ. Công nghệ nung một lần lửa ở gần 14000C mà ông vẫn tự hào (thông thường, trên thế giới phải nung hai lần ở nhiệt độ như vậy, sản phẩm vào lò lần thứ nhất sẽ biểu hiện những lỗi và tạp chất trong những công đoạn trước đó, cần điều chỉnh để sau khi sản phẩm đưa vào lò lần thứ hai có thể đạt độ tinh khiết, láng mịn như gương) là nhờ vào những tri thức tích lũy từ việc làm gốm sứ từ thủ công lẫn trên máy móc hiện đại. 

Thiết kế đẳng cấp quốc tế

Nhưng kĩ thuật đỉnh cao, sản phẩm sáng tạo cũng chưa bảo đảm một công ty gốm sứ thủ công cao cấp có thể tồn tại trên thị trường nếu không có một thiết kế độc đáo riêng biệt hấp dẫn người mua. 

Việt Nam từng được biết đến là một địa chỉ làm gốm sứ trước thế kỉ 15 có dấu ấn trên thế giới. Những bình gốm của làng Chu Đậu (Hải Dương) ở thế kỉ 13-14 hiện vẫn đang được trưng bày trong những bảo tàng lớn nhất ở Nhật, châu Âu và Mỹ. Nhưng hiện nay, các làng gốm Việt Nam từng lừng danh một thời giờ hoặc là thất truyền, hoặc là vô danh trên toàn cầu. 

Nhưng bài học của các hãng gốm sứ cao cấp nhất ở các nước châu Âu cho thấy, đẳng cấp thẩm mĩ của một thương hiệu thủ công phải được hình thành từ hàng trăm năm nuôi dưỡng và bồi đắp, duy trì cả về kĩ thuật và mĩ thuật, truyền thụ qua nhiều thế hệ. Anh Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Minh Long I, con trai ông Lý Ngọc Minh từng chia sẻ trên báo chí rằng, so với các hãng gốm lâu đời trên thế giới, Minh Long I với tuổi đời 50 năm, chỉ là “một cậu bé”. 

Mỗi năm, trong Lễ Hiển Linh mừng sự viếng thăm và chiêm bái Chúa Jesus của ba đạo sĩ, Pháp tiêu thụ khoảng 60 triệu chiếc bánh Gallete de Rois (bánh vua) và trong mỗi chiếc bánh có một con giống nhỏ bằng sứ được chế tác sinh động và tinh xảo. Người Pháp thường săn tìm, sưu tập, trưng bày những con giống này. Khoảng 80% số này là do Minh Long I thiết kế và sản xuất đã hơn 20 năm nay. Alcara, Prime, Arguydal và Nordia, bốn hãng lớn nhất từng sản xuất con giống này ở Pháp giờ cũng phải đặt hàng của Minh Long I. Nhưng trong suy nghĩ của ông Lý Ngọc Minh, bấy nhiêu đó chỉ là làm hàng “hương đồng cỏ nội”. 

Tiêu chí bốn không – bốn có trong sản phẩm (không thời gian, không biên giới, không tuổi tác, không giới tính và có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách và có hồn) thể hiện rõ nhất đích đến ngang hàng với các thương hiệu lớn trên thế giới của ông Lý Ngọc Minh. Đi và học hỏi kĩ thuật gốm sứ từ 60 quốc gia, đưa Minh Long I tham gia hội chợ Ambiente ở Đức – hội chợ hàng tiêu dùng lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới hằng năm trong 20 năm qua, ông luôn khao khát sản phẩm của mình có thể vừa với thị hiếu của thị trường cao cấp ở châu Âu. Đội ngũ thiết kế của Minh Long I được đào tạo ròng đã hơn 20 năm nay, đến thời điểm này theo ông mới có thể sẵn sàng cho mục tiêu đó.

Dù mòn mỏi tìm kiếm, Minh Long I chưa tìm được một người nghệ sĩ Việt Nam nào có thể thiết kế sản phẩm cho mình. Ít người biết rằng, họa tiết lá tre và chuồn chuồn đầy duyên dáng, vẽ ít mà gợi nhiều về cảnh bình yên của làng quê phía Bắc Việt Nam trên bộ Thanh Trúc của Minh Long là do nghệ sĩ Sabine Cheneviere người Pháp vẽ. Sabine Cheneviere từng là họa sĩ nổi tiếng của hãng gốm sứ có lịch sử lâu đời từ thế kỉ 18 của Đức Villeroy & Boch. Hay bộ Ngọc biển với những chiếc bát hình vỏ sò, chiếc ấm hình con ốc; hoặc bộ Gastroline có thiết kế tối giản với đường nét dứt khoát, phẳng, mạnh mẽ của chủ nghĩa công năng là do Hans Wilhelm Seitz, nhà thiết kế của Azberg Ceramic, hãng gốm sứ tiên phong trong thiết kế hiện đại của Đức, sáng tạo cùng Minh Long I.

Khác với những công ty công nghệ được xây dựng và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, các công ty theo đuổi các ngành nghề truyền thống như Minh Long I phát triển bằng sự kiên trì và bền bỉ trong rất nhiều năm xây đắp và tích lũy nội lực cả về mặt kĩ nghệ, thẩm mĩ lẫn công nghệ hiện đại. Bài toán của Minh Long I làm sao để có thể tạo ra sản phẩm đẳng cấp nhưng giá rẻ và công ty vẫn có thể trường tồn vẫn còn đó. Ông Lý Ngọc Minh chia sẻ rằng, thị trường của Minh Long I vẫn chưa đủ lớn, hệ thống máy móc của ông vẫn chưa hoạt động hết công suất, phần lớn thời gian vẫn “trùm mền”. Nhưng ông tin rằng ba đến năm năm nữa thôi thị trường sẽ bùng nổ. Ông nói, “công nghệ phải đầu tư để sẵn để nuôi thị trường dần dần, cũng như cái cây mình trồng phải chờ tới lúc nào đó mới có thể hái trái. Người làm được lớn chuyện phải có được hoài bão lớn, phải có tầm nhìn xa”.□

 

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)