Phác dựng hoàng thành Thăng Long thời Lý: Tìm lại kiến trúc nghìn năm
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Cũng như hình ảnh trong câu thơ của Bà huyện Thanh Quan, tất cả các kiến trúc hoàng gia ở hoàng thành Thăng Long đều đã thành tro bụi, nay chỉ còn trơ lại nền móng. Việc phác dựng hoàng cung không hề dễ dàng bởi vì trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, hầu như không có mô tả nào về hình dáng các công trình kiến trúc, thậm chí cũng không có dòng nào về không gian của các công trình.
Hình ảnh phục dựng cung điện thời Lý. Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh thành.
Những manh mối lịch sử
Mặc cho những câu hỏi, tưởng tượng, mong mỏi của chúng ta ngày nay để hình dung về di sản của ông cha ta, thì sau ngàn năm, những lầu son gác tía của Kinh đô Thăng Long một thuở đã không còn bóng dáng. Không mô tả chi tiết về cung cấm trong Hoàng thành Thăng Long, những dòng ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư để lại chỉ cho hậu sinh chúng ta định vị: Sau khi định đô ở Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng quần thể cung điện, trung tâm là điện “Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính Nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ1”.
Sau thời đại thịnh trị của nhà Lý, các triều đại nhà Trần, Lê vẫn tiếp tục quy hoạch, xây dựng cung điện, lầu gác. “Sử cũ ghi chép lại xung quanh điện Càn Nguyên (điện Kính Thiên), các triều đại đã tiến hành xây dựng rất nhiều cung điện và lầu các”, trong công bố vào số 1 năm 2007 trên tạp chí Khảo cổ học, PGS. Tống Trung Tín và PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết như vậy. Năm 2007, nghĩa là hơn năm năm sau khi khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long đợt đầu tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004) kết thúc, những hiểu biết về kiến trúc hoàng cung thời Lý, Trần, Lê còn hết sức hạn chế. Các bằng chứng khảo cổ học đến thời điểm đó, với những vết tích còn lại của nền móng cung điện, lầu gác, mới chỉ cho phép hình dung có một hệ thống kiến trúc chịu lực bằng gỗ, quy mô to nhỏ khác nhau cùng hệ thống tường bao, cống nước, giếng nước, đường đi lối lại chứ chưa cho phép chúng ta hiểu về hình thái kiến trúc của hoàng thành.
Năm năm tiếp sau đó, cuộc tìm kiếm bóng hình của quá khứ vẫn còn xa vời, cộng cả cuộc khám phá tại 18 Hoàng Diệu với cuộc khảo sát khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008-2009), cho phép tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý. Nhưng cung cấm hoa lệ tới mức nào? Hóa ra đây lại là vấn đề quá khó, “nghiên cứu giải mã được kiến trúc cung điện nhà Lý là một thách đố với các nhà khoa học”, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, kể lại.
10 năm trôi qua sau khi đặt nhát cuốc đầu tiên khảo sát tại nơi nay là khu di tích 18 Hoàng Diệu và tầng hầm tòa nhà Quốc hội, những mảnh gạch ngói vụn chỉ cho ta những manh mối rời rạc. Tất cả những phát hiện khảo cổ học, những dấu tích còn lại chỉ là phần nền móng của công trình, còn toàn bộ phần trên của hệ thống kiến trúc đồ sộ đều đã biến mất, vì thế chúng ta không thể hình dung ra được cái quy mô bề thế và lộng lẫy vàng son của hoàng thành. Đáng tiếc là trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, hầu như không có mô tả nào về hình dáng các công trình kiến trúc, thậm chí cũng không có dòng nào về không gian của các công trình, ví dụ có bao nhiêu gian, dài rộng bao nhiêu… Vài ghi chép lại cái tên của các cung điện, lầu gác trong cung điện Hoàng thành Thăng Long như trong Đại Việt sử ký toàn thư hay Việt sử lược (và cũng không hoàn toàn đầy đủ) không cho phép chúng ta hình dung được hình dáng, quy mô. Mặt khác, kiến trúc thời Lý, nói chung là kiến trúc cung điện Việt Nam từ Lý, Trần, Lê, đều không còn tồn tại tới ngày hôm nay. Do đó, các nhà khoa học không có cơ sở nào để có thể so sánh, đối chiếu và tái dựng một mô hình nào đó, một kiến trúc của một thời kỳ huy hoàng. So với những di sản khác ở các nước Đông Bắc Á như kiến trúc Cố Cung – Bắc Kinh (Trung Quốc), Changdokung (Seoul – Hàn Quốc) hay Nara (Nhật Bản), có lẽ cung điện thời Lý chẳng hề kém cạnh về sự tráng lệ như Việt Sử lược từng mô tả (“cách chạm trổ, trang sức khéo léo, công trình thổ mộc đẹp đẽ, xưa chưa từng có vậy”2), nhưng không có đủ cơ sở để nhận diện.
Không chỉ các nhà khoa học chưa có được một hiểu biết đầy đủ về hình thái kiến trúc cung đình, mà công chúng cũng chịu thiệt thòi vì không thể nào biết được kiến trúc của cha ông ta có đặc trưng riêng biệt, độc đáo như thế nào, quy mô hoành tráng to lớn tới đâu, giống hay khác Trung Quốc? Tất cả rút cuộc chỉ là cảm nhận rất mơ hồ khi tham quan vết tích khảo cổ học dưới lòng đất, nhìn thấy các ô vuông, các trụ sỏi xếp hàng ngang dọc, thi thoảng nhìn thấy chân tảng chạm hoa sen, nhô đầu cột gỗ còn lại, hoặc những viên gạch vỡ từ quá khứ nằm lại. “Nhìn những hiện vật đó, dù được giới thiệu là vết tích kiến trúc của nhà Lý, nhà Trần thì họ cũng không hình dung được”, PGS.TS Bùi Minh Trí kể và nhớ lại lần thất bại khi dẫn công chúng vào thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010). Dù người tham quan rất thích thú với hiện vật hoàng cung trong trưng bày Lịch sử ngàn năm ở thành cổ nhưng khi ra hố khai quật, họ cũng không thể hình dung được giá trị thật của khu đền đài lăng tẩm có nhiều tầng mái, cung điện, ngay cả khi được ông và các cộng sự giải thích “khản cả cổ”.
Toàn cảnh cung điện thời Lý. Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh thành.
Tìm từng dư ảnh vàng son
Phải đến sau 2010, PGS.TS Bùi Minh Trí và cộng sự mới có điều kiện tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng để vẽ nên hình hài cung điện thời Lý. Vào năm 2011-2014, khi tổ chức tái điều tra, mở rộng thêm các hố khai quật tại 18 Hoàng Diệu, Viện Nghiên cứu Kinh thành mới nghiên cứu thiết lập được hệ thống các di tích, kiến trúc của nhà Lý, xây dựng được đầy đủ bản vẽ. Cuộc khai quật cũng tìm thấy nhiều loại hình di vật khác nhau, gồm đồ đất nung, đồ gốm, đồ kim loại và cấu kiện gỗ. Trong đó, gạch ngói chiếm số lượng lớn, đặc sắc nhất là loại gạch ngói trang trí rồng, lợp mái cung điện được tráng men xanh (thanh lưu ly) và men vàng (hoàng lưu ly), cùng loại gạch hộp thông gió trang trí rồng còn tương đối nguyên vẹn. Lúc này, mới hình thành được hệ thống “điện, tường bao… xác định được từng mặt bằng của các công trình, tính chất của các dấu tích của các công trình đó, rồi mới xem mối quan hệ của nó với nhau, trên cơ sở đó xác định kiến trúc lầu bát giác, nhà dài, nhà nhỏ, nhà lớn, tường bao, đường đi, cống thoát nước, tất cả đều phải nghiên cứu nhận diện đầy đủ rõ ràng dựa trên những vết tích khảo cổ học. Trên cơ sở đó mới hướng tới phục dựng được”, PGS.TS Bùi Minh Trí nói.
Sau khi hoàn thiện được bản vẽ tổng thể mặt bằng di tích dưới thời Lý, PGS.TS Bùi Minh Trí cùng đồng sự thực hiện nhiệm vụ trưng bày di tích di vật dưới tầng hầm Quốc hội, tái hiện các phát hiện khảo cổ học khai quật được tại khu tòa nhà Quốc hội. Ý tưởng chủ đạo là tái hiện lại một phần nền móng các công trình kiến trúc, trong đó dùng hệ thống đèn ống thay thế, trình chiếu thay cho hệ thống cột công trình, còn ở dưới mặt sàn là các hình chân tảng cột giúp người tham quan hình dung được công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ. Bên trong các “cung điện” được dựng lên bằng cột ánh sáng đó, nhóm trưng bày các loại hiện vật, vật liệu trang trí, kèm theo các đồ dùng vật dụng trong hoàng cung.
Cùng thời gian này, các nhà nghiên cứu mới lý giải được chức năng của nhiều vật liệu trang trí trên mái, như các loại ngói lưu ly, ngói hình lá đề, ngói uyên ương, trang trí đầu rồng, phượng…, ví dụ đầu rồng thì lợp ở đầu hồi, hay lá đề lớn thì lợp ở giữa mái, ngói gắn lá đề lợp ở rìa mái, uyên ương lợp ở các bờ giải.
Hệ đấu củng. Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh thành.
Lúc này, bài toán vướng mắc nhất còn lại là vẽ lại được hình thái, bộ khung đỡ mái của những cung điện đã mất dấu tích nghìn năm. Muốn giải mã tổng thể được hình thái kiến trúc cung đình nhà Lý thì điều quan trọng hàng đầu là phải giải mã được hình thái bộ khung đỡ mái. Bộ khung đỡ mái như thế nào để đỡ được cái mái lợp ngói lá đề, rồng phượng ở bên trên?
Câu chuyện phục dựng hoàng thành như một cuộc thám hiểm hấp dẫn mà mỗi phát hiện lại hé lộ thêm nhiều thông tin về quá khứ và bổ sung ngay vào những phát hiện cũ. Trong trường hợp câu hỏi về bộ khung đỡ mái, lời giải chỉ đến khi các nhà nghiên cứu hiểu sâu về những cái “đấu” trong những cấu kiện gỗ dưới lòng đất từ đợt khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long đợt đầu vào năm 2004, họ đã phát hiện ra mà chưa rõ tính năng. Đến lần tái khai quật này, họ mới phát hiện được cái “đấu” đó là một bộ phận cấu thành đầy đủ nên cấu trúc “đấu củng” để đỡ bộ mái. “Đấu củng” là thuật ngữ kiến trúc bắt nguồn từ Trung Quốc để chỉ một loại kết cấu đỡ mái gồm hai bộ phận cấu thành, đó là “đấu” và “củng” mà “đấu” là bệ đỡ còn “củng” giống hình khuỷu tay là tay đỡ, được dùng để đỡ một kết cấu khác bên trên. Phát hiện này giúp các nhà khoa học có điều kiện đi so sánh với các mô hình kiến trúc bằng đất nung có dấu tích của đấu củng vẫn còn được lưu lại ở một số bảo tàng hiện nay như bảo tàng Thái Bình, Hải Dương. Ngoài ra dư ảnh của đấu củng vẫn còn lại trên một số kiến trúc như Chùa Keo (Thái Bình), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), những công trình ở giai đoạn Mạc và Lê Trung Hưng nhưng vẫn lưu lại những dấu tích của thời Trần. Chúng ta cũng còn một nguồn bổ trợ nữa là tư liệu lịch sử, trong bi ký nhà Lý có nhắc tới đan lô và họa củng, tức là có đấu củng và các “kiến trúc sư” thế kỷ 11-12 không để nguyên màu gỗ mà sơn son và vẽ hoa văn rồng, hạc ở bên trên. Phát hiện này đã chấm dứt những băn khoăn ở thời điểm đó là liệu bộ khung đỡ mái là kiến trúc kẻ chuyền, hoặc kẻ bảy mà chúng ta vẫn đang nhìn thấy phổ biến ở các đình chùa miền Bắc? hay là chồng rường giá chiêng từng tồn tại trong suốt nhiều năm.
Để xác quyết điều này, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu các kết quả này và kết nối với các nhà khoa học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để so sánh với các kiến trúc có đấu củng cùng thời Lý. Phải mất gần hai thập niên, các nhà nghiên cứu mới có thể tái hiện hình hài đầu tiên về một phần hoàng cung dưới thời Lý, phục dựng lại những nét vàng son một thuở và từ đó, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể hình thái kiến trúc của khu di tích Hoàng thành Thăng Long bằng mô hình 3D. Bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội với 64 công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long – gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình. Đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học vào thời kỳ vàng son của vương triều Lý. “Từ đây, chúng ta có thể tự hào nói rằng, Hoàng cung Thăng Long thời Lý vốn từng được xây dựng rất nguy nga, tráng lệ và có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, hoành tráng, không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á”, PGS. TS Bùi Minh Trí nói.
Hình thái bộ mái kiến trúc cung điện thời Lý. Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành.
Trong suốt cuộc trò chuyện với Tia Sáng, PGS. TS Bùi Minh Trí nhiều lần nhấn mạnh “đây mới là thành quả ban đầu, rất nhiều vấn đề khoa học cần tiếp tục đặt ra, nghiên cứu giải mã để làm tốt trong tương lai”. Sau 18 năm khai quật, ông rất hài lòng ở điểm đã giải mã được hình thái kiến trúc cung điện nhà Lý, bước đầu đưa được giá trị nay đến với công chúng, khơi dậy niềm tự hào cha ông ta để lại. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là trên cơ sở bộ khung phục dựng đó thì vẫn còn nhiều câu hỏi mà ông và các đồng sự còn phải tiếp tục tìm kiếm, không chỉ là chức năng của từng điện, gác mà bản thân nội thất bên trong của các cung điện còn là “chuyện dài lắm”. Dù hiện vật khai quật được hiện nay có rất nhiều, từ đồ dùng hằng ngày, bài trí nội thất, đồ nghi lễ tôn giáo, đi theo phong tục tập quán như ăn trầu…, nhưng lịch sử không để lại ghi chép gì để chúng ta có thể hình dung được và sắp xếp lại khối hiện vật nội thất. Để tiếp tục tìm hiểu, ắt hẳn cần các cuộc nghiên cứu “dài hơn cả đời người lao tâm khổ tứ” như nhận định của PGS.TS Bùi Minh Trí. □
—
1 http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt07.html
2 http://www.baotanglichsutphcm.com.vn/~/thang-long-ha-noi-linh-thieng-hao-hoa