Phải xóa bỏ tâm lý thụ động nhận “ban phát”

“Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020” đã được phê duyệt và thực hiện trong bối cảnh xu thế tái nghèo có dấu hiệu gia tăng. Bài viết này đề xuất một số quan điểm tiếp cận mới đối với sứ mệnh giảm nghèo dựa trên trải nghiệm của tác giả, một người làm nghiên cứu nhân học, sau nhiều năm làm việc ở vùng cao, tiếp xúc với người nghèo đến từ nhiều tộc người, vùng miền khác nhau.


Cần trang bị tri thức nâng cao năng lực quản lý tài chính, quản lý rủi ro, nắm bắt thị trường…trước khi trao cho họ con cá hay cần câu. Ảnh: Trao bò giống cho người nghèo ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.

Nhận diện người nghèo

Việc “đồng nhất hóa” nghèo thuần túy với thu nhập tiền mặt đã được thực tế chứng minh là không phù hợp khi áp dụng vào một số tộc người cư trú ở vùng cao đã dẫn đến một cách tiếp cận nặng về hỗ trợ lương thực trực tiếp cho hộ nghèo trong một thời gian, từng được biết đến là chỉ cho con cá thay vì cần câu. Sau khi nhận ra những điểm bất hợp lý khi thực hiện giảm nghèo theo chuẩn thu nhập, cuối năm 2015, Chính phủ cũng đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho  giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ngoài tiêu chí thu nhập tiền mặt, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Đây là một bước đột phá, phản ánh cách tiếp cận mới về nghèo đói.

Nếu đem soi chuẩn nghèo mới với các tiêu chí đa dạng này vào các cộng đồng nghèo, sẽ thấy rằng người nghèo không phải là một cộng đồng thuần nhất, cùng chia sẻ vài đặc điểm cố định. Nhưng cách đánh giá nghèo của chúng ta vẫn thường theo cách: dựa trên một số tiêu chí nhất định để đánh giá “tất cả” các cộng đồng nghèo khác nhau. Có thể chỉ ra một ví dụ: đến nay, diện tích đất nông nghiệp là một tiêu chí đánh giá nghèo phổ biến nhưng lại không hoàn toàn đúng với nhiều tộc người vốn có các đặc điểm sinh kế rất khác nhau. Trên thực tế, diện tích đất sản xuất có thể ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng kinh tế hộ gia đình các tộc người làm nông nghiệp và cư trú ở vùng thấp nhưng lại không hoàn toàn đúng với đặc điểm canh tác của cư dân ven biển hay các tộc người ở rẻo cao như Hmông, Dao. Đợt khảo sát của chúng tôi ở xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho thấy nếu chỉ dựa vào diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người, không dân tộc nào có nhiều đất hơn người Hmông. Tuy nhiên, đa phần đất nông nghiệp của họ là đất một vụ, có độ dốc cao, tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, diện tích canh tác phân tán, manh mún…Những đặc điểm này tạo ra nhiều thách thức cho việc chuyên canh hóa,thâm canh hóa, tăng cường đầu tư phân bón, công chăm sóc dẫn đến tổng sản lượng lương thực hàng năm của hộ gia đình người Hmông thấp hơn nhiều so với các tộc người khác dù xét về diện tích, họ vượt trội hơn nhiều. Thêm vào đó, việc cư trú ở rẻo cao khiến khọ phải mất nhiều chi phí, thời gian hơn cho việc đi lại, mua bán; nông sản họ bán cho tư thương bị trừ giá vận chuyển từ trên đồi xuống đường lớn… Do đó, việc xác định hộ nghèo cần phải được đặt trong bối cảnh cụ thể và chỉ như thế chính sách hỗ trợ mới hy vọng phù hợp, hiệu quả. Điều đó có nghĩa là, rất cần tham vấn cộng đồng trong xây dựng tiêu chí nghèo cụ thể cho từng khu vực thay vì áp dụng một khung chung cho tất cả mọi vùng. Và người nghèo cần phải được nhìn nhận là một cộng đồng với nhiều nhóm, có đặc điểm, nhu cầu khác nhau.

Xác định con cá hay cần câu

Câu chuyện hỗ trợ người nghèo con cá hay cần câu từng được bàn luận nhiều, song chưa phải là vấn đề mấu chốt. Cách hỗ trợ người nghèo sao cho ý nghĩa nhất có lẽ không phải là vài chục cân gạo cứu đói, con bò giống hay phân bón. Con cá hay cần câu đều khó đem lại hiệu quả bền vững nếu người nghèo không biết cách biến một con cá thành nhiều con cá, không biết dùng cần câu để đánh cá hay không có không gian cho họ câu cá. Một tình trạng thường thấy ở nhiều dự án giảm nghèo là, hầu hết trâu, bò, dê hay cây trồng cấp cho người nghèo hay bị chết chỉ một thời gian ngắn sau khi bàn giao vì các dự án giảm nghèo đều chưa trang bị đầy đủ kiến thức cho người dân. Do vậy, điều tối quan trọng là trang bị các tri thức nâng cao năng lực quản lý tài chính, quản lý rủi do, lựa chọn đầu tư, nắm bắt nhu cầu thị trường, kết nối thị trường… cho người nghèo trước khi trao cho họ cá hay cần câu.

Tuy vậy, chuyển giao tri thức là một việc làm khó khăn, bởi vì cần nhiều điều kiện như: năng lực, kỹ năng truyền đạt của cán bộ, phương pháp truyền đạt, đối tượng nhận truyền đạt, kênh truyền đạt… Do đó, cách lý tưởng nhất là tập huấn sâu cho chính những người dân có đủ năng lực ở địa phương để rồi chính họ chia sẻ lại với cộng đồng qua ngôn ngữ, văn hóa của chính họ. Điều đáng tiếc là sau hàng thập kỷ triển khai công tác giảm nghèo ở vùng miền núi, vùng DTTS, chúng ta chưa có cán bộ chuyên trách cho công tác này, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, hay bị luân chuyển, không ổn định. Chính vì thế, họ chủ yếu làm công việc hành chính thay vì được trang bị đủ kiến thức để trực tiếp hỗ trợ người dân trong xã. Cán bộ tập huấn thường là người từ huyện, tỉnh thậm chí từ ngoại tỉnh- những người chỉ có tối đa 1 ngày tập huấn đại diện cho các hộ nghèo. Những cán bộ này không có thời gian để tìm hiểu điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường của địa phương, dẫn đến bài tập huấn của họ như bài giảng nơi giảng đường. Chúng xa lạ, hàn lâm và khiến người nghèo không hiểu trọn vẹn dẫn đến thiếu tự tin, không dám tham gia vào thảo luận.

Xóa nghèo thông tin cần phải được coi là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất!

Giảm nghèo bắt đầu từ người giàu

Tôi từng có dịp tham gia vào một số dự án giảm nghèo ở vùng cao Việt Nam và nhận thấy cách tiếp cận giảm nghèo rất phổ biến hiện nay là chỉ tập trung vào người nghèo, với người nghèo, cho người nghèo, vì người nghèo. Điều này đúng nhưng chưa đủ.

Có lẽ cần bắt đầu tìm hiểu những người cũng có xuất phát điểm kinh tế khó khăn, đã thoát nghèo và trở nên giàu có tại địa phương. Bài học mà họ thay đổi địa vị kinh tế của mình sẽ là những kinh nghiệm quý giá, có khi hiệu quả, thiết thực, bền vững hơn nhiều so với các mô hình hinh tế mới được đưa vào từ bên ngoài. Đó rất sẽ là nguồn kinh nghiệm thực tế quan trọng giúp cho việc thiết kế, triển khai, giám sát và đánh giá các dự án, chương trình giảm nghèo. Việc mời đối tượng này tham gia với vai trò tư vấn, tuyên truyền viên, người tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho các hộ nghèo nên được coi là một giải pháp lâu dài, thường xuyên bởi không cán bộ dự án nào đến từ bên ngoài có thể gắn bó với người nghèo như họ. Chính họ chứ không phải ai khác mới là người biết cách truyền đạt kinh nghiệm tốt nhất cho hộ nghèo trong thôn bản và được người nghèo tin tưởng.

Tôi từng bất ngờ nhưng thấm thía khi một số hộ khá giả người Kinh ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chất vấn rằng: sao cán bộ giảm nghèo không làm việc với chúng tôi, sao không mời chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo mà cứ bê mô hình không thực tế ở đâu đó? Bao nhiêu cuộc họp bàn về giảm nghèo chỉ họp với người nghèo, bỏ qua người khá giả thì có phải là khôn ngoan không?

Xóa bỏ mặc cảm từ người nghèo

Cảm nhận chung của tôi khi tham gia trong khá nhiều cuộc họp tham vấn với người nghèo, ở nhiều vùng, đến từ nhiều tộc người khác nhau là họ khá dè dặt trong việc thảo luận tìm lối thoát cho chính mình. Rào cản ngôn ngữ, văn hóa không phải là thứ duy nhất khiến họ dè dặt. Mà có lẽ tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin và “ngợp” trước cán bộ dự án khiến họ ngại ngần lên tiếng. Họ có thể tỏ ra đồng tình với mọi phương án, đề xuất hỗ trợ được đưa ra, dù không phải lúc nào trong thâm tâm họ cũng đồng tình, tin tưởng hay bị thuyết phục trước giải pháp đề xuất. Dường như họ quen với việc nhận bất cứ thứ gì được hỗ trợ mà không kiến nghị ngược lại.

Tôi từng chứng kiến có hộ nghèo vùng cao đem ngô giống được phát cho gà ăn vì họ biết chắc giống đó sẽ không hiệu quả qua kinh nghiệm triển khai thực tế ở xã bên. Nhưng khi được hỏi vì sao không góp ý với dự án, những câu trả lời của họ khiến tôi không khỏi giật mình: là hộ nghèo, nhà nước cho gì thì nhận ấy, không ai tin nếu họ có ý kiến “này nọ”, và cũng không nên có ý kiến để làm gì …

Công bằng mà nói, tâm lý này một phần bị chi phối bởi cách nhìn nhận của không ít cán bộ làm chính sách về người nghèo. Tâm lý “ban phát” dường như vẫn còn ngự trị ở nhiều nơi. Khi tiếp xúc với cán bộ giảm nghèo ở một số xã ở Tây Nguyên tôi khá ngạc nhiên khi họ cho rằng: tất cả người nghèo lười làm việc, ỷ lại vào nhà nước, chi tiêu hoang phí, bừa bãi, họ không biết làm gì cả, phải cầm tay chỉ việc, phải dạy họ mọi thứ thì may ra mới hiệu quả.

Chừng nào người nghèo vẫn thụ động “nhận” hỗ trợ, chừng ấy tính bền vững và hiệu quả còn là bài toán chưa có lời giải. Chừng nào cán bộ chính sách vẫn giữ cách nhìn định kiến với người nghèo, chừng đó nỗ lực giảm nghèo vẫn còn đơn độc, thiếu lực đẩy.

Hỗ trợ thúc đẩy từ nội lực chứ không ban phát vô tận

Rất nhiều người nghèo quen với việc cho rằng hỗ trợ từ nhà nước là cho không, là vô tận, năm nay được, rồi năm sau sẽ được tiếp. Điều đó khiến nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo không được sử dụng hiệu quả. Để khắc phục được điểm yếu này, công tác truyền thông cần giúp người nghèo nhận thức rõ những gì họ nhận được không phải là vô tận và họ có trách nhiệm sử dụng chúng sao cho hiệu quả nhất. Họ cần phải hiểu rõ, những hỗ trợ đó chỉ là phần nhỏ, nỗ lực của chính họ mới là điều kiện tiên quyết giúp họ thoát nghèo một cách nhanh chóng, bền vững.

Trong rất nhiều trường hợp, công tác truyền thông phải giúp người dân hiểu rõ rằng những hỗ trợ họ đang nhận được là tiền chính phủ đi vay và họ hoặc con cháu họ sẽ là người có trách nhiệm phải hoàn trả. Việc sử dụng nguồn lực được cấp, được cho vay vì thế là trách nhiệm giữa họ với không chỉ nhà nước mà cả với thế hệ tương lai.

Người nghèo cần không chỉ tri thức, tài chính, họ cần tin chính mình và niềm tin từ cộng đồng vào việc họ có đủ năng lực để thoát nghèo, thậm chí trở nên khá giả. Họ cần nhận thức rõ nghèo không phải là tội lỗi nhưng cũng không phải là cái gì nên tồn tại mãi mãi.

Không có niềm tin, không có ý thức trách nhiệm người ta khó có thể làm được bất cứ điều gì…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)