Phần mềm dự đoán phán quyết của thẩm phán

Các nhà nghiên cứu ngành Khoa học máy tính trường ĐH London (UCL) đã phát triển một chương trình phần mềm có thể dự đoán kết quả của các phiên tòa thông qua ngôn ngữ được sử dụng cũng như qua chủ đề và tình huống được đề cập trong tài liệu vụ án.

Dựa trên tính năng có thể tìm thấy quy luật trong những quyết định rất phức tạp của con người, phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI) được dùng để dự đoán sở thích của khán giả về phim ảnh, chương trình truyền hình và âm nhạc với độ chính xác ngày càng cao.

Giờ đây, sau một nghiên cứu mang tính đột phá của một nhóm các nhà nghiên cứu ngành Khoa học máy tính trường UCL (Anh), phần mềm này còn có thể dự đoán được kết quả của các phiên tòa, vì thế nó còn được gọi là “thẩm phán AI”. 

“Thẩm phán AI” có thể dự đoán chính xác kết quả trong hàng trăm vụ án trên thực tế nhờ vào khả năng đánh giá được những chứng cứ pháp lí và những câu hỏi đúng sai về đạo đức. Thậm chí “thẩm phán AI” còn đưa ra những phán quyết tương tự các đồng nghiệp của mình tại 4/5 vụ án liên quan đến tra tấn, ngược đãi và vi phạm quyền riêng tư thẩm tại tòa án châu Âu.

Vậy điều gì làm nên sự chuẩn xác của “thẩm phán AI”? Bí quyết của nó ẩn chứa trong một thuật toán có khả năng kiểm tra dữ liệu trong các văn bản được viết bằng tiếng Anh về 584 vụ án liên quan đến tra tấn, ngược đãi và vi phạm quyền riêng tư. Trong mỗi vụ án, phần mềm này đã tự đưa ra phán quyết dựa trên việc phân tích thông tin. So với kết quả các phiên tòa thì độ chính xác của “thẩm phán AI” đạt 79%.

TS. Nikolaos Aletras, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi không cho là AI có thể thay thế được vai trò của thẩm phán hay luật sư nhưng hy vọng họ sẽ nhận thấy nó hữu ích cho việc nhanh chóng xác định khuôn mẫu trong các vụ án, qua đó góp phần đưa đến những kết quả chắc chắn”.

“Phần mềm này cũng có thể là một công cụ có giá trị nêu bật được những vụ án liên quan đến công ước của châu Âu về quyền con người”.

Trong quá trình phát triển chương trình này, thậm chí nhóm nghiên cứu đã tìm ra một số phán quyết của tòa án về nhân quyền của châu Âu phụ thuộc vào những chứng cứ không hợp lệ hơn là những luận cứ hoàn toàn hợp pháp. Điều này đặt ra giả thiết rằng những thẩm phán của tòa ngả theo học thuyết “chủ nghĩa pháp lý hiện thực”1 nhiều hơn những người theo học thuyết “chủ nghĩa pháp lý hình thức”2. Điều này cũng đúng với những tòa án cấp cao khác, chẳng hạn như Tòa án tối cao Hoa Kỳ, theo những nghiên cứu đã được thực hiện trước đó.

Việc dự đoán những quyết định của tòa án nhân quyền châu Âu dựa trên chính ngôn ngữ được sử dụng cũng như chủ đề và tình huống được đề cập trong những tài liệu của vụ án. Đồng tác giả của nghiên cứu, TS. Dimitrios Tsarapatsanis, giảng viên Luật ĐH Sheffield, nói rằng đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này. Nó đã chứng thực cho những kết quả của nghiên cứu khác về những yếu tố ảnh hưởng đến phán quyết của những tòa cấp cao, ông nói. “Cần tiếp tục theo đuổi và hoàn thiện nghiên cứu này thông qua việc kiểm tra nhiều dữ liệu hơn một cách có hệ thống”.

TS. Vasileios Lampos, một nhà khoa học máy tính tại UCL cũng cho biết thêm: “Những nghiên cứu trước đó dự đoán kết quả dựa trên bản chất của hành vi phạm tội, hoặc quan điểm xử án của mỗi thẩm phán, vì thế đây là lần đầu tiên phán quyết được dự đoán thông qua việc sử dụng phép phân tích tài liệu do tòa án chuẩn bị. “Chúng tôi hi vọng loại công cụ này sẽ nâng cao hiệu quả xét xử của những tòa án cấp cao nhưng để ứng dụng trong thực tế thì vẫn cần kiểm tra độ chính xác của nó trên cơ sở những điều khoản và dữ liệu của vụ án được đệ trình lên tòa”.

Các luật sư thì ngày càng tận dụng phần mềm để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp như thế này nhiều hơn – chẳng hạn như có khả năng tìm kiếm những khái niệm hơn là những từ khóa đơn giản – để giảm thiểu thời gian cần thiết để quyết định xem tài liệu nào có thể liên quan đến vụ án.

Vũ Thanh Nhàn dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/technology/2016/oct/24/artificial-intelligence-judge-university-college-london-computer-scientists

————————————————————————————————————–

1. Chủ nghĩa hiện thực pháp lí (Legal Realism) cho rằng luật pháp là sản phẩm trực tiếp từ các phán quyết trong thực tế xử lý vụ việc của tòa án.

2. Chủ nghĩa hình thức pháp lí (Legal Formalism) cho rằng những phán quyết của tòa án là do những tiền lệ lập pháp có từ trước quyết định và phán quyết cùa tòa phải được đặt nền tảng trên sự áp dụng hợp lý các dữ kiện vào những qui tắc có trước này.

 

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)