Phản ứng chính sách trong Cách mạng công nghệ 4.0: Nhìn từ khía cạnh tiền điện tử

Liệu các chính sách của Việt Nam có đủ linh hoạt trước sự bùng nổ của các sản phẩm công nghệ thời đại 4.0 hay Việt Nam sẽ bị chậm lại trong cuộc đua này?

Thận trọng với Bitcoin

Nếu startup là một trào lưu thì Bitcoin đã trở thành một cơn sốt, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, ngay cả khi thị trường đã chứng kiến sự lao dốc của hầu hết các đồng tiền mã hóa từ cuối năm 2017. Ngay từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông cáo về việc không chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán. Gần đây, những người sở hữu Bitcoin băn khoăn về việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (gọi tắt là “BLHS 2015”) và Nghị định 96/2014/NĐ-CP (gọi tắt là “Nghị định 96”) liên quan tới việc xử phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Có ý kiến còn cho rằng từ ngày 01/01/2018 (thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực), những người mua bán Bitcoin sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề này cần phải được phân tích rõ từ khía cạnh pháp lý.

Theo BLHS 2015, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự[1]. Tương tự, Nghị định 96 quy định phạt tiền đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp[2]. Cần lưu ý rằng chủ thể thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể là các cá nhân, tổ chức nói chung mà không chỉ là các tổ chức tín dụng hay cá nhân làm việc trong các tổ chức này. Với các quy định hiện hành tại Nghị định 96 và BLHS 2015, cần thiết phải làm rõ hai vấn đề: (i) phương tiện thanh toán như thế nào bị coi là không hợp pháp; và (ii) hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán được hiểu như thế nào?

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước[3]. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không được liệt kê ở trên[4]. Điều này cũng phù hợp với nội dung thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc khẳng định Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Trong khi hành vi “phát hành” và “sử dụng” phương tiện thanh toán dường như có vẻ khá rõ ràng thì hành vi “cung ứng” lại khó xác định hơn. Lấy ví dụ, A bán Bitcoin cho B (bán một Bitcoin hay nhiều Bitcoin, có thể bán một lần duy nhất hoặc bán thường xuyên) và B sử dụng Bitcoin để thanh toán phí dịch vụ cho C thì hành vi của A có bị coi là cung ứng phương tiện thanh toán không hợp pháp hay không? Đây là một khoảng mờ trong quy định pháp luật hiện hành và rất cần thêm các hướng dẫn bằng các văn bản dưới luật hoặc giải thích thông qua án lệ của tòa án.

Bên cạnh việc xác định các hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật liên quan tới Bitcoin, một trong những vấn đề pháp lý nổi cộm khác liên quan tới Bitcoin nói riêng và các đồng tiền mã hóa nói chung là sự cần thiết phải phân biệt rõ Bitcoin như một phương tiện thanh toán với Bitcoin như một loại tài sản, trên cơ sở đó bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các bên trong giao dịch mua bán Bitcoin. Vì Bitcoin chưa được thừa nhận như một loại tài sản trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên các hợp đồng mua bán Bitcoin cũng không phải là một giao dịch dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc tranh chấp liên quan tới hợp đồng mua bán Bitcoin cũng không được tòa án giải quyết. Đây là một khoảng trống pháp lý vào thời điểm hiện tại và sẽ còn phải mất khá nhiều thời gian để lấp đầy.

Khoảng trống với ICO

Bitcoin và công nghệ blockchain kéo theo nhiều xu hướng kinh doanh mới, trong đó đặc biệt phải kể tới ICO (Initial Coin Offering – tạm dịch là chào bán đồng tiền mã hóa ra công chúng). ICO là hình thức mà một công ty/nhóm kêu gọi vốn đầu tư thông qua việc phát hành một mã tiền mã hóa (token) để bán cho nhà đầu tư và huy động vốn. Có trường hợp số token mà các nhà đầu tư bỏ tiền ra mua đại diện cho cổ phần của doanh nghiệp phát hành token, trong trường hợp này token sẽ có giá trị tương tự như cổ phiếu và ICO khá giống với IPO (chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng). Tuy nhiên, có những trường hợp token chỉ giống như một voucher trả trước cho một số dịch vụ cung cấp bởi đơn vị thực hiện ICO trong tương lai hay chỉ giống như một giấy xác nhận vay nợ mà chủ nợ là nhà đầu tư và con nợ là doanh nghiệp thực hiện ICO. Cần nhấn mạnh rằng các dự án ICO rất đa dạng khi nhìn từ khía cạnh pháp lý, điều này có thể nhận thấy phần nào qua giá trị đại diện của token như đã nêu. Tại Việt Nam, do chưa thừa nhận giá trị pháp lý của tiền mã hóa nên việc huy động vốn thông qua việc phát hành token cũng không được thừa nhận. Một số quốc gia khác đã có các động thái chính sách liên quan tới ICO (như Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Trung Quốc hay Nhật Bản) cũng rất thận trọng trong việc đưa ra các phán quyết liên quan.

Vào tháng 07 năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã xác định  DAO token – một mã tiền mã hóa phát hành năm 2016 bởi “The DAO”[5] – là một hình thức của chứng khoán theo luật pháp Hoa Kỳ và hoạt động chào bán DAO token phải được đăng ký theo pháp luật về chứng khoán[6]. SEC nhấn mạnh các quy định về đăng ký chào bán chứng khoán được áp dụng bất kể bên phát hành là các tổ chức truyền thống hay tổ chức “ảo” (“virtual organization”), bất kể chứng khoán được mua bán sử dụng đồng đô-la Mỹ hay các đồng tiền mã hóa. Tuy nhiên, SEC cũng nhấn mạnh rằng việc kết luận các hoạt động ICO có phải tuân thủ theo pháp luật về chứng khoán của Hoa Kỳ hay không phụ thuộc vào dữ kiện và hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, để chứng minh DAO token là một dạng chứng khoán, SEC đã phải xem xét nhiều yếu tố như việc áp dụng các nguyên tắc của luật chứng khoán đối với các tổ chức “ảo” như “The DAO”, sự tồn tại của các hợp đồng đầu tư, mong muốn lợi nhuận của các nhà đầu tư, nỗ lực của các bên trong việc tạo ra lợi nhuận…[7]. Tương tự như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh (United Kingdom) cũng khẳng định rằng tùy thuộc vào cấu trúc của ICO, các hoạt động này có thể được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về IPO, phát hành cổ phần riêng lẻ (private placement of securities), quỹ đầu tư tín thác (collective investment schemes) hay gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

Rõ ràng, xây dựng chính sách điều chỉnh ICO tại Việt Nam là một vấn đề rất phức tạp. Tương tự như trường hợp Bitcoin, chừng nào ICO vẫn là một khoảng trống trong khung pháp luật Việt Nam thì các nhà đầu tư vẫn còn phải chấp nhận rủi ro rất lớn khi đầu tư theo hình thức này và Nhà nước sẽ còn tiếp tục phải gánh chịu các thiệt hại từ thất thu thuế hay các hoạt động rửa tiền.

Thách thức cho việc xây dựng chính sách

Tính kịp thời trong việc ban hành chính sách luôn là một trong các yếu tố quyết định sự thành côngcủa chính sách đó, đồng thời cũng là một thách thức đáng kể với các cơ quan có thẩm quyền. Điển hình như liên quan tới tiền mã hóa, vào tháng 08 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…[8]. Theo đó, dự kiến, đến cuối năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Như vậy, dự kiến sẽ mất hơn 3 năm để Việt Nam đưa ra được một khung chính sách cơ bản đối với tiền mã hóa trong khi nhiều quốc gia đã dẫn trước Việt Nam trong vấn đề này. Cũng có khả năng vào thời điểm 2020, tiền mã hóa đã không còn phổ biến và nhu cầu của xã hội lúc đó là sự cần thiết điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mới phát sinh dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, ví dụ như hợp đồng thông minh (smart contract).

Xây dựng chính sách bắt kịp với sự phát triển của công nghệ là một thách thức không chỉ với Việt Nam mà với nhiều quốc gia khác. Ở nước ta, công tác xây dựng pháp luật mới được thực sự quan tâm trong khoảng 20-25 năm trở lại đây. Sự thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách kết hợp với bối cảnh nhiều quan hệ xã hội mới được định hình đã dẫn tới sự lúng túng của các nhà làm luật[9]. Bên cạnh áp lực về ban hành các chính sách kịp thời, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 có thể sẽ còn thách thức các nhà làm chính sách hơn khi đòi hỏi họ phải hiểu cả về công nghệ để có thể nhìn ra được bản chất của quan hệ xã hội bất kể “lớp vỏ” của các công nghệ liên quan phức tạp như thế nào. Lấy ví dụ với mô hình của đồng Bitconnect mới sụp đổ, khi gạt bỏ những câu từ hoa mỹ miêu tả công nghệ của Bitconnect, suy cho cùng về bản chất đây chính là một hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp (MLM lending).

Sự nhìn thấu bản chất vấn đề sẽ khiến cho các nhà làm chính sách không còn bị động trước sự phát triển phi mã của công nghệ tân tiến. Quay trở lại ví dụ về DAO token, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ đã áp dụng các đạo luật từ các năm đầu của thế kỷ 20 để áp dụng cho mối quan hệ xã hội vào đầu thế kỷ 21. Liệu có phải các nhà lập pháp đã tiên đoán trước về sự xuất hiện của Bitcoin từ gần 100 năm trước? Câu trả lời là không. Vấn đề mấu chốt ở đây là giá trị của các đạo luật của Hoa Kỳ không dừng lại ở các quy định thành văn mà còn nằm ở các án lệ, các giải thích của thẩm phán về điều luật liên quan qua từng thời kỳ. Nhận thức được tầm quan trọng của án lệ trong việc khắc phục các khoảng trống pháp lý, ở Việt Nam, án lệ đã bắt đầu được công bố từ năm 2016 (tính đến thời điểm 15/02/2018 có tổng cộng 16 án lệ có hiệu lực). Các án lệ này sẽ là nguồn phong phú để lấp các lỗ hổng pháp lý trong quá trình lập pháp. Tuy nhiên, án lệ không phải là công cụ vạn năng và trách nhiệm của các nhà lập pháp vẫn rất nặng nề trong bối cảnh các quan hệ xã hội mới đang hình thành và thay đổi từng ngày.

Đồng tiền mã hóa có thể thay thế đồng tiền phát hành bởi các Chính phủ; fintech có thể thay thế thiết chế ngân hàng truyền thống; hợp đồng thông minh có thể thay thế cho luật sư, trọng tài, thẩm phán; thậm chí chính sách có thể được viết ra bởi trí tuệ nhân tạo– đó đều là những viễn cảnh có khả năng xảy ra trong tương lai. Trước mắt, có một điều khó có thể phủ nhận là cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tiếp tục dẫn trước và sẽ còn dẫn trước rất xa các văn bản pháp luật.Suy cho cùng, cái mới thay thế cái cũ là quy luật tất yếu của mỗi cuộc cách mạng và các nhà làm chính sách cũng phải tự thay đổi mình để bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Chúng ta kỳ vọng vào một sự nhất quán trong các phản ứng chính sách từ phía Chính phủ và hy vọng tình trạng “nói một đằng làm một nẻo” sẽ không xảy ra./.

 

 


[1] BLHS 2015, Điều 206, khoản 1, điểm h

[2] Điều 27 của Nghị định 96 quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi này

[3] Văn bản hợp nhất 43/VBHN-NHNN năm 2016 hợp nhất Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, Điều 4, khoản 6

[4] Văn bản hợp nhất 43/VBHN-NHNN năm 2016 hợp nhất Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, Điều 4, khoản 7

[5] Một dạng thức tổ chức tự trị phi tập trung – Decentralized Autonomous Organization, hay còn gọi là một tổ chức “ảo” – virtual orgazization

[6] Xem thêm tại U.S. Securities and Exchange Commission, Investor Bulletin: Initial Coin Offerings, https://www.sec.gov/oiea/investor-alerts-and-bulletins/ib_coinofferings

[7] Xem thêm tại Securities and Exchange Commision, Securities Exchange Act of 1934, Release No. 81207/July 25, 2017, Report of Investigation Pursuant to Section 21(a) of the Securities Exchange Act of 1934: The DAO https://www.sec.gov/litigation/investreport/34-81207.pdf

[8] Xem Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo, http://www.thesaigontimes.vn/163977/a.html

[9] Tờ trình Chính phủ Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, tháng 06/2014

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)