Pháp luật Tào Tháo

Chuyện này rất nhiều người biết, nhưng có thể nhiều người không nhớ, vì vậy tôi xin kể lại. Chuyện rằng thời Tam Quốc, Ngụy, Thục, Hán đánh nhau. Để có thể thành công, họ đều trên thì mượn tiếng phụng sự Thiên tử, dưới thì tìm mọi cách để được lòng dân.

Một hôm, Tào Tháo dẫn quân đi qua một cánh đồng lúa chín vàng. Một ý nghĩ loé lên trong đầu con người nổi tiếng mưu lược này. Từ trên chiến xa thống lĩnh trung quân, một quân lệnh ban ra: “bất cứ ai làm nát lúa của dân sẽ bị chém đầu”.

Tào Tháo nhếch mép với cái cười mơ hồ: “Lệnh ấy đồn tới dân chúng, ai chẳng khâm phục con người vĩ đại biết lo cho dân. Mọi trái tim, khối óc sẽ hướng về ta. Tuy nhiên ta có vội vàng không nhỉ. Đấng quân vương không được làm trái lời mình. Ngộ nhỡ có ai trong đám kiêu binh, cận thần vi phạm, lúc ấy thì sao. Dân thì cần thật đấy nhưng mà còn xa. Đám cận thần mà có một kẻ bị tội vì mấy bông lúa vớ vẩn thì chúng sẽ xa rời ta mất.

Tiếng hô truyền lệnh của người túc vệ làm con ngựa kéo chiến xa của Tào Thừa tướng vùng chạy khiến người lính đánh xe không kịp trở tay. Chiếc chiến xa phá nát một khoảnh lúa rồi mới dừng lại được. Nghiêm lệnh vừa ban đã phải thi hành. Thừa Tướng là bậc tôn quý, không thể bình phẩm chứ đừng nói đến xét xử. Điều đáng tiếc là người lính đánh xe là em trai người thiếp yêu quý nhất của Tào Tháo. Quân lệnh như sơn, không thể tha được. Một hội đồng xét xử dã chiến được thành lập, đó là những người tâm phúc của Tào Thừa tướng.

Xin trở về thời hiện tại để nói với độc giả rằng các sử gia đã sai sót khi viết rằng chính Tào Tháo cưỡi ngựa làm nát lúa; ông tự nhận lỗi và xét xử mình và sau một hồi được các quan can ngăn liền rút gươm cắt tóc vứt xuống đất để thay việc chặt đầu như một biện pháp chấp hành. Một người như Tào Thừa tướng mà lại dùng một biện pháp xoàng xĩnh để hòng mua được lòng dân ư? Không, giải pháp xứng đáng với tầm cỡ của ông ta phải hoàn hảo đến mức không để cho ông hoặc những người mà ông ưa thích bị rụng một sợi lông kia.

Lại nói tiếp chuyện diễn ra tại trung quân của Tháo, tả tướng Tào Hồng được triệu kiến và bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng xét xử. Theo quy trình, sáu ủy viên khác được chính tay Tào Hồng chỉ định. Vậy là Hội đồng gồm bảy người đã được thành lập. Ba quân nhận nghiêm lệnh chỉnh đốn đội ngũ chứng kiến xét xử.

Sự kiện đã rõ, chiến xa làm nát lúa, vậy kẻ nào có tội? Hai kẻ liên đới là tên lính đánh xe và con ngựa. Biểu quyết phán tội cho tên lính đánh xe đưa ra, năm trên bảy phiếu phản đối. Đáng thương thay cho hai phiếu tán thành vì không biết người đánh xe là em trai thiếp yêu của Tào Công. Tuy vậy, đa số phiếu cho là vô tội cho nên Hội đồng phán quyết rằng y không có tội.

Kẻ tội đồ cuối cùng là con ngựa. Bảy trên bảy ủy viên gồm cả Chủ tịch Hội đồng nhất trí do con ngựa bất trị đã làm nát lúa. Thế là đã rõ, thời chiến không thể tranh luận dài dòng. Con ngựa phải chịu chết chém. Nghiêm lệnh phải được thực thi nghiêm ngặt. Một nhát đao đưa và đầu con tuấn mã trung thành đã rơi xuống đất bên cạnh bốn vó còn chưa kịp khuỵu xuống.

Đầu con ngựa bị chém vẫn mở mắt trừng trừng. Nó là con ngựa dũng mãnh biết bao, trung thành biết bao. Chỉ cần một tiếng hô xung trận là lao tới không ngại ngần đường tên, mũi giáo, lấy người che cho chủ tướng. Tuy nhiên, những công trạng ấy không thấm là bao so với công trạng cuối cùng này – nó vừa giải thoát ông chủ khỏi một tình thế tiến thoái lưỡng nan vừa viết vào lịch sử một cái tên mới cho ông chủ của nó: kẻ gian hùng nhất mọi thời đại.

Lại nói đến chuyện hai tên tiểu tướng của Tào Hồng đã biểu quyết tên lính đánh xe có tội. Cả hai sau đó đã được điều chuyển từ kỵ binh sang thủy binh và hi sinh oanh liệt trong trận Xích Bích. Đây là chuyện kể do đó nếu có nội dung không khớp với lịch sử thì xin độc giả đại xá không truy cứu.

           BÙI ĐẠI DŨNG
Dịch từ tạp chí nước ngoài

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)