Phát hiện mới về tương tác của arsenic trong tầng ngậm nước

Giáo sư Phạm Hùng Việt, giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm (ĐHQGHN) và cộng sự mới có công bố “Phosphate immobilisation dynamics and interaction with arsenic sorption at redox transition zones in floodplain aquifers: Insights from the Red River Delta, Vietnam” (Động lực cố định phosphat và tương tác với sự hấp thụ arsenic tại các vùng chuyển tiếp trong những tầng ngậm nước ven sông: Những cái nhìn từ vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam) trên tạp chí Journal of Hazardous Materials.


Lấy mẫu đất tại làng Vạn Phúc.

Ngày nay, tác tại của arsenic (As) đối với môi trường và sức khỏe con người đã được biết đến rộng rãi. Việc càng có thêm nhiều hiểu biết về hành xử của arsenic sẽ càng giúp chúng ta có nhiều giải pháp để giảm thiểu tác hại của nó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống thông tin về những tương tác với arsenics, không chỉ ở châu Á mà còn trên thế giới. Do đó, giáo sư Phạm Hùng Việt và các nhà nghiên cứu tại ĐHQGHN và Đức, Thụy Sĩ đã tập trung vào tìm hiểu về sự cố định song song của arsenic và phosphat (PO43-), một hợp chất tồn tại khá nhiều trong các trầm tích trong những tầng ngậm nước.tại một vùng chuyển tiếp ô xi hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng tại Việt Nam. 

Các nhà nghiên cứu cho biết, sau khi phân tích các mẫu khoan và tách chiết arsenic và phosphat, họ nhận thấy cả hai chất này đều có cấu trúc liên kết trong các lớp kết tủa sắt (III) hydroxit – một hợp chất hóa học của sắt, oxy và hydro. Điều này cho thấy, sự hình thành của arsenic và phosphat đều dựa trên một cơ chế cố định chiếm ưu thế. Tuy nhiên, sự cố định này còn liên quan đến một quá trình khác là quá trình hấp thụ arsenic. Điều đáng chú ý là các tỷ lệ phân tử gam của tổng số phosphat so với arsenic trong những khu vực trầm tích hấp thụ bề mặt cao hơn một bậc so với các tỷ lệ tương tự trong nước ngầm. Điều này cho thấy, quá trình hấp thụ đã “ưu tiên” phosphat hơn so với arsenic. 

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến kết quả này? Trong công bố của mình, giáo sư Phạm Hùng Việt và cộng sự cho rằng, sự hấp phụ cạnh tranh này chủ yếu là do sự hiện diện của các lớp kết tủa sắt (III) hydroxit. Sự tiếp xúc liên tục của các trầm tích trong tầng chứa nước với nước ngầm khử sắt là nguyên nhân dẫn đến dẫn đến giảm sự phân hủy của kết tủa sắt (III) hydroxit kết tinh yếu, qua đó kéo theo giảm sự cạnh tranh về vị trí hấp phụ giữa arsenic và phosphat. Đây chính là cơ chế đằng sau sự hấp phụ arsenic trong các tầng ngậm nước.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, với những hiểu biết mới về tương tác arsenic, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn nhận lại các giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất này trong đất. Để có những giải pháp đạt được thành công trong trung hạn và dài hạn, các phương pháp tiếp cận và chiến lược quản lý khắc phục ô nhiễm arsen cần phải xem xét đến sự hấp thụ cạnh tranh giữa arsenic và phosphat cũng như động lực của chu trình sinh hóa sắt. 

Nhóm nghiên cứu địa hóa môi trường của giáo sư Phạm Hùng Việt tại ĐHQGHN là nhóm nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về ô nhiễm arsenic trong đất. Thông qua các hợp tác quốc tế với nhiều nhà khoa học ở Đức, Thụy Sĩ, nhóm đã có nhiều công trình nghiên cứu xuất bản trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao, như “Arsenic contamination of groundwater and drinking water in Vietnam: a human health threat” (Sự ô nhiễm arsenic trong nước ngầm và nước ăn tại Việt Nam: Một hiểm họa sức khỏe con người) trên tạp chí Environmental science & technology (năm 2001), “Arsenic in groundwater of the Red River floodplain, Vietnam: controlling geochemical processes and reactive transport modeling” (Arsenic trong nước ngầm ở vùng ven sông Hồng, Việt Nam: Kiểm soát các quá trình địa hóa và mô hình hóa vận chuyển phản ứng) xuất bản trên tạp chí Geochimica et Cosmochimica Acta năm 2007, “Retardation of arsenic transport through a Pleistocene aquifer” (Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene”) trên tạp chí Nature năm 2014… Hiện tại, “Arsenic contamination of groundwater and drinking water in Vietnam: a human health threat” là công trình nghiên cứu về arsenic có nhiều trích dẫn nhất của nhóm với 1274 lần.

Tô Vân

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)