Phát triển các loài lan quý bằng công nghệ nuôi cấy mô

Nhiều loài lan quý đang được sưu tầm, lưu giữ, và nhân giống tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Hải Dương) nhờ công nghệ nuôi cấy mô.  

Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN đã thực hiện thành công đề tài “Sưu tầm, tuyển chọn, xây dựng mô hình duy trì, lưu giữ và phát triển hoa lan”. Đề tài được đánh giá là tạo ra cơ hội để những nông dân trồng lan tập trung đầu tư vốn và công sức vào việc mở rộng diện tích trồng, chăm sóc các loại lan quý có giá trị kinh tế cao.

Khi bắt tay vào thực hiện đề tài, các cán bộ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã lựa chọn và xác định các loài lan quý như Lan Đai Châu (Rhynchostylis gigantea); Lan Hoàng Hậu (Cattleya), Lan Giáng Hương (Aerides), Lan Phi Điệp (Giả Hạc), Lan Thủy Tiên (lan Kiều), Lan Dendrobium công nghiệp…, vốn được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Để đảm bảo độ chính xác cao và tỷ lệ thành công lớn cho dự án, Trung tâm đã liên hệ với Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) về vấn đề chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô bằng tế bào thực vật. Từ mối quan hệ hợp tác này, Trung tâm đã được Viện Sinh học nông nghiệp trao đủ quy trình nhân giống, công nghệ lưu giữ, bảo quản các giống lan quý cũng như quy trình trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cho lan giống sau khi đưa khỏi phòng nuôi cấy mô ra vườn ươm.

Nhằm đảm bảo vườn ươm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật được chuyển giao, Trung tâm đã cải tạo, nâng cấp nhà lưới rộng 250m2 với khung treo giò lan nhiều tầng, mái che và lưới giảm cường độ ánh sáng mặt trời, bổ sung hệ thống phun mưa để giữ ẩm cho cây… Đồng thời mô hình sản xuất lan thương phẩm với quy mô 3.000 cây cũng được khởi động để có thể cung cấp lan cho thị trường tỉnh.

Dù có quy trình chặt chẽ như vậy nhưng thoạt đầu các cây lan từ phòng mô đưa ra vườn ươm cũng chưa thể thích nghi nhanh, đặc biệt khi điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa lớn, chuyển nóng đột ngột… Bằng nỗ lực bám sát vườn ươm, kịp thời có biện pháp điều chỉnh kịp thời của các cán bộ Trung tâm, những cây lan giống đã bắt đầu bén rễ, sinh trưởng đều đặn như dự kiến và tăng dần tỷ lệ sống, ví dụ Lan Đai Châu đạt 96,0%, Phi Điệp đạt 93,9%, lan Dendrobium 82,8%…

Sau nhiều tháng nuôi cấy và trồng thử nghiệm, những loài lan quý đã được Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Hải Dương duy trì và phát triển. Từ thành công bước đầu này, Trung tâm sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các hộ kinh doanh nhằm nhân rộng mô hình trồng và sản xuất lan thương phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương, qua đótạo điều kiện cho những người nông dân áp dụng một mô hình trồng lan mới đem lại thu nhập cao và ít rủi ro hơn.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)