Phát triển vùng nguyên liệu mây tre đan: thách thức và tiềm năng
Hiện nay khoảng 35-42% các cơ sở mây tre đan đang phải sản xuất cầm chừng và tệ hại hơn là đối đầu với nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Việc thiết lập những vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung là một nhu cầu bức bách hiện nay đối với nước ta.
Tuy nhiên, một thực trạng nghiêm trọng hiện nay là khoảng 35-42% các cơ sở đang phải sản xuất cầm chừng và tệ hại hơn là đối đầu với nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Hằng năm chúng ta vẫn cứ nhập một lượng nguyên liệu lớn mây tre với giá cao hơn trong nước từ 15-20%. Tài nguyên mây tre trong nước thì có nhiều, nhưng cũng cạn kiệt dần do những khai thác bất hợp lý, khai thác quá mức ở những nơi và điều kiện đường sá cho phép, làm cho số lượng và chất lượng nguyên liệu giảm trầm trọng. Trữ lượng khai thác mây cũng giảm đi thấy rõ, từ 80.000 tấn năm 1989 xuống còn 20.000 tấn năm 2005. Nguyên liệu tre nứa thì tập trung ở miền núi, làng nghề với nguồn lao động dồi dào lại tập trung ở đồng bằng, sơ chế thì chưa phát triển, hạ tầng miền núi cũng còn khó khăn, nên hai nguồn tài nguyên có giá trị ở cách xa nhau chưa có điều kiện tốt nhất để hợp lại với nhau tạo ra giá trị và của cải cho xã hội. Một vấn đề đáng lưu ý nữa là ngành nghề TTCN-TCMN mây tre cần những loại nguyên liệu rất đặc trưng ví dụ như giang, lùng, luồng, tầm vông, nứa đối với tre và mây tắt. mây nếp, mây nước, song, hèo.. trong đó tổng lượng tre nứa khai thác dành cho sản xuất TTCN-TCMN không nhiều, chỉ trên dưới 30%, còn lại đi vào các ngành xây dựng và sản xuất bột giấy. Như vậy, rõ ràng là ngành nghề TTCN-TCMN mây tre đan đang đối mặt nghiêm trọng với việc thiếu nguyên liệu. Và rõ ràng là việc thiết lập những vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung là một nhu cầu bức bách hiện nay đối với nước ta.
Đâu là cơ hội?
Về thị trường thì các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy là mây tre có một thị trường cực kỳ triển vọng. Bằng việc xây dựng mô hình Kinh tế, các giáo sư Đại học Sydney – Úc đã dự đoán thị trường thế giới về tre nứa có thể đạt đến 17 tỷ đô la/năm vào năm 2017 so với 7 tỷ USD Mỹ hiện nay (Trung Quốc chiếm khoảng 5.5 tỷ USD). Trong đó các sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh nhất là đồ gỗ bằng tre nứa, ván sàn và ván tấm. Còn tổng khối lượng của thị trường mây các loại của thế giới hiện nay cũng đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó Indonesia chiếm hơn 64% thị phần và tốc độ tăng trưởng bình quân/năm là 10%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mây tre đan hiện nay của Việt Nam cũng khoảng 25% mỗi năm. Việt Nam cũng được cho là nước có lợi thế cạnh tranh hơn Trung quốc về sản xuất các mặt hàng này do giá lao động trung bình của nước ta hiện nay là 50 USD/tháng trong khi ở Trung quốc là 150 USD/tháng. Chi phí chế biến một tấn tre nứa nguyên liệu ở Việt Nam hiện nay chỉ 40 USD sao với 100 USD của Trung quốc.
Về nguyên liệu tự nhiên thì hiện nay nước ta có hơn 1 triệu ha tre nứa dưới các loại rừng khác nhau. Trong đó diện tích có thể khai thác bền vững được là 354.000 ha với tổng trữ lượng khoảng 4,3 tỷ cây và sản lượng có thể khai thác hằng năm có thể đạt 432 triệu cây. Ngoài ra ở Thanh Hoá và Nghệ An đã thiết lập được 80,000 ha nguyên liệu luồng chuyên canh, phục vụ cho tiêu thụ chế biến ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Hiệu quả kinh tế quá hấp dẫn của việc trồng nguyên liệu mây và tre đã rộ lên phong trào trồng mây rộng khắp trên cả nước. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng hiệu quả trồng luồng ở Thanh Hoá hiện nay là 4 triệu đồng/ha/năm cao hơn rất nhiều so với những cây lâm nghiệp khác như bạch đàn và keo. Hiệu quả kinh tế của việc trồng mây là một câu chuyện hết sức ngoạn mục mà nghiên cứu chúng tôi đã tìm ra. Đối với trồng mây nguyên liệu ở Thái Bình và Quảng Nam, hiệu quả kinh tế đạt từ 16-28 triệu đồng/ha/năm ở quy mô hộ gia đình (hộ ông Vũ Xuân Đức xã Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình) và 19 triệu đồng/ha/năm với quy mô doanh nghiệp (Công ty CP Song Mây Dũng Tấn – xã Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình).
Hiện nay quỹ đất lâm nghiệp trong dân cũng rất lớn. Đến nay đã có khoảng 8,1 triệu ha đất lâm nghiệp đã giao cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Trong đó có 3,2 triệu ha đã giao và cấp giấy chứng nhận cho 1,102 triệu hộ gia đình với diện tích trung bình khoảng 2,87 ha/hộ. Tuy nhiên số liệu gần đây của Bộ chủ quản đã chỉ ra rằng chỉ có 20-30% diện tích đất lâm nghiệp đã sử dụng đúng mục đích, có nghĩa là 70-80% diện tích còn lại chưa được sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Như vậy, phải nói rằng tiềm năng đất lâm nghiệp trong hộ dân rất lớn, nhưng việc có tập hợp được thành vùng rộng lớn để trồng nguyên liệu lại là vấn đề khác. Đó là chưa kể quỹ đất khổng lồ hiện nay đang nằm trong tay của 355 lâm trường trên toàn quốc, nơi mà khả năng hình thành các vùng nguyên liệu lớn hàng ngàn ha đang được mong đợi.
Về vốn đầu tư thì hiện nay bà con vẫn khó tiếp cận, nhưng đã xuất hiện nhiều liên kết ứng vốn trồng và khai thác lâm sản, đặc biệt là nguyên liệu tre nứa. Với quyền sử dụng đất sẵn có thì đây sẽ là một nguồn vốn có ý nghĩa để liên kết đầu tư trong tương lai.
Đâu là cản trở?
Như đã đề cập, tuy số lượng và diện tích tre nứa tự nhiên lớn như thế nhưng không phải nơi nào cũng khai thác được chủ yếu do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép và sơ chế ở các vùng này chưa phát triển. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hàng trăm triệu cây tre nứa, nhưng chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trong số này được sử dụng trong ngành nghề mây tre. Tỉnh Nghệ An mỗi năm tiêu thụ 52,5 triệu cây tre nứa trong đó làm bột giấy và xây dựng cơ bản là 35 triệu cây, chỉ có 17,5 triệu cây là cho TTCN-TCMN, chiếm khoảng 22% tổng lượng tre nứa khai thác trên địa bàn tỉnh. Ở Thanh Hoá, tỷ lệ này là 16%.
Về thị trường nguyên liệu, có thể nói thị trường trong nước hiện nay vừa thừa vừa thiếu trên cả hai phương diện đó là chủng loại nguyên liệu mà ngành mây tre đan cần và nơi cần nguyên liệu. Về chủng loại, TTCN-TCMN sử dụng những loại nguyên liệu mang tính dẻo (giang, lùng, tầm vông…) để đan lát, uốn, bện… mà không dùng nhiều cây tre gai trồng rải rác khắp các vùng ở đồng quê. Ví dụ ở Hội An, Cơ sở Mây tre Bội Lâm hằng năm tiêu thụ hàng chục ngàn cây Tầm vông và họ phải đi mua tận A Lưới, Thừa Thiên Huế. Ở Nghệ An, hằng năm phải tiêu thụ đến 17,5 triệu cây Lùng khai thác từ tự nhiên, mà chưa gây trồng được. Do đó có thể nói là ngành nghề mây tre đan rất “kén chọn” nguyên liệu. Về khoảng cách địa lý thì giá nguyên liệu một cây luồng ở Tuyên Quang là 8,000 đồng nhưng khi chở về đến Hà Tây đã lên đến 27,000 đồng. Giá một cây lồ ô mua ở Đà Nẵng là 10,000 – 15,000 thì ở Đăk Lak, người dân (xã Dak Nuê, Lak) chỉ bán được 3000 đồng/cây. Có thời điểm tổ hợp chế biến đũa họ chỉ ép mua với giá 2000 đồng/cây. Từ việc phân tích các tác nhân hưởng lợi trong chuỗi giá trị tiêu thụ nguyên liệu tre nứa cho thấy các lái buôn trung gian là người được hưởng lợi khá nhiều trong khâu mua bán nguyên liệu cũng như sản phẩm chế biến. Đến giai đoạn tiêu thụ cuối cùng thì các đại gia xuất khẩu, các công ty quốc tế có tên tuổi như IKEA là những tác nhân hưởng lợi nhiều nhất. Các công ty này cho Cán bô kiểm tra chất lượng đến nghiệm thu sản phẩm, rồi đóng nhãn mác của họ vào để xuất khẩu. Khi vào mạng tra giá bán lẻ của các sản phẩm tương tự của các đại gia này mới thấy giá họ rao bán cao gấp hàng chục lần so với giá họ mua tại địa phương. Trong khi người trồng nguyên liệu và người chế biến hưởng lợi rất ít từ chuỗi giá trị này. Bên cạnh đó việc thiếu vắng thông tin thị trường, thiếu một thương hiệu cho ngành hàng mây tre đan Việt Nam cũng làm cho sức cạnh tranh và năng lực ngã giá yếu hơn.
Trồng mây cao sản ở Thái Bình
|
Với vấn đề thị trường, để cho minh bạch giá và tránh hiện tượng ép giá bán nguyên liệu thì việc thành lập các chợ đầu mối mua bán nguyên liệu mây tre là rất quan trọng. Thứ hai để giải quyết vấn đề thiếu thông tin thị trường dẫn tới bị mua ép giá đối với các sản phẩm chế biến mây tre đan của ngưòi dân thì cần phải thành lập sàn giao dịch điện tử, thành lập các nghiệp đoàn địa phương ở các cấp như thôn, xã, huyện và tỉnh, làm tốt vai trò gắn kết thị trường, nghiên cứu khoa học và người dân lại với nhau. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy việc ra đời của Hiệp hội Tre Nứa Trung Quốc năm 1985 đã giúp ích rất nhiều cho ngành công nghiệp này phát triển. Việc minh bạch hoá trong giao dịch thị trường cũng làm giảm cơ hội của việc xuất hiện quá sức nhiều và phức tạp các nhà mua bán trung gian hiện nay trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu cho ngành hàng mây tre đan Việt Nam cần phải nhanh chóng được thực hiện để nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi thị trường. Hiện tượng mãi lộ cũng được đổ lỗi làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông tiêu thụ lâm sản. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng mãi lộ đã làm tăng giá luồng 19,5 % từ một vùng lân cận về Hà Tây.
Thực trạng hiện nay là đất đai quá manh múm và sử dụng kém hiệu quả, quỹ đất trong lâm trường còn khá nhiều. Do đó với vấn đề đất đai và quy hoạch thì rõ ràng là cần phải có chính sách để tạo ra những vùng đất liên tục quy mô hàng nghìn ha cho xây dựng vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế sinh địa, thị trường trên cơ sở có cân nhắc sự tồn tại các cơ sở làng nghề hiện nay. Đất trong dân rất nhiều nhưng đang trong tình trạng manh múm. Do vậy cần có chính sách liên kết giữa doanh nghiệp với dân theo hình thức góp vốn bằng đất, dân với dân theo hình thức tổ hợp trồng rừng nguyên liệu với những hỗ trợ thích đáng từ phía Nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân đang khát nguyên liệu với lâm trường vốn đang giữ nhiều đất và có thể phát triển mạnh vùng nguyên liệu. Các địa phương cần phải có quy hoạch sẵn những vùng đất rộng lớn để chào mời doanh nghiệp đến đầu tư, chứ không thụ động chờ doanh nghiệp đến xin rồi cấp đất nhưng khi ra hiện trường không biết lấy đất đâu mà giao như một trường hợp đã xảy ra đối với một địa phương ở phía Bắc. Cần đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có chính sách mở rộng các hình thức đấu thầu, cho thuê đất… Theo tính toán sơ bộ, hiện nay Việt Nam cần ít nhất 40,000 tấn song mây các loại cho chế biến hằng năm. Nếu mỗi ha cho khai thác bền vững bình quân 3,5 tấn/năm thì phải cần hơn 12,000 ha mây các loại phục vụ cho chế biến trong nước. Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Hồng nơi tập trung 65% cơ sở chế biến TTCN-TCMN thì việc thiết lập khoảng 8000 ha cho khu vực này là một điều rất bức thiết và hoàn toàn không thừa. Hiện nay mây được trồng thử nghiệm trên toàn quốc nhưng vùng mây tự nhiên nổi tiếng lâu nay vẫn là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và gần đây là mây trồng trên đất ruộng với thu nhập cao ngất trời (28 triệu đồng/ha/năm) ở Thái Bình.
Về vốn thì phải nói đây là một vấn đề gay cấn trong thời điểm hiện nay. Trước đây lãi suất cho vay trồng rừng nguyên liệu hiện nay khi mà lãi suất huy động của các ngân hàng đăng tăng lên, vốn vay cho trồng rừng nguyên liệu lại càng khó hơn. Hiện nay người dân vẫn rất khó tiếp cận với vốn vay để trồng rừng. Ngoài nguồn vốn tự có và vốn ứng trước từ doanh nghiệp, đa số các hộ dân khó tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn vay, mà thường phải qua bảo lãnh của một doanh nghiệp. Cũng từ kinh nghiệm Trung quốc cho thấy một chương trình tín dụng đặc biệt cho việc trồng tre nứa cũng đã được triển khai với mức vay là 545 USD/ha đã thật sự là một đòn bẩy ngoạn mục giúp nền công nghiệp mây tre phát triển.
Khoa học công nghệ liên quan đến trồng, thu hoạch và chế biến mây tre ở nước ta hiện nay cũng chưa phát triển. Hiện nay Trung Quốc đã đa dạng hoá các sản phẩm từ tre nứa như chế biến than hoạt tính, bia, dược liệu…Vì thế mà nhu thập từ 1 ha tre nứa lên đến con số ngoạn mục là 15,000 USD Mỹ/năm. Ở nước ta hiện chưa có nhiều nghiên cứu về giống mà quan trọng nhất là xây dựng bộ sưu tập giống mây tre thương mại. Đặc biệt là trong nghiên cứu chế biến tổng hợp – để tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu vốn rất thấp hiện nay – là một nhu cầu rất bức thiết. Một vấn đề nữa là hàng mỹ nghệ mây tre đan không phải là mặt hàng thiết yếu hằng ngày do đó cầu thị trường phụ thuộc rất nhiều vào sự tinh tế, tính thẩm mỹ, đa dạng và giá cả của sản phẩm. Do đó cần phải có tính sáng tạo trong thiết kế những sản phẩm này để làm sao kích thích tính hiếu kỳ của khách hàng và tính ham muốn phải sở hữu được một sản phẩm mây tre đan. Do đó bên cạnh đầu tư vào khoa học công nghệ giống, trồng, khai thác và đa dạng hoá về chế biến, việc đầu tư nghiên cứu, đào tạo về thiết kế sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm này cũng là giải pháp hết sức quan trọng trong việc xác định một chiến lược phát triển ngành hàng mây tre đan Việt. Với truyền thống ngành da giày hàng trăm năm của Ý và xìgà của Cuba, ngày nay những sản phẩm cao cấp thuộc những thương hiệu da giày nổi tiếng của Ý và những điếu xìgà với giá hàng trăm đô-la thì chỉ có người giàu và nổi tiếng mới sở hữu được. Với phương châm như thế, mặt hàng mỹ nghệ mây tre đan cũng cần có một sự chuẩn bị cho sự đột phá từ lượng sang chất.
Ông Đỗ Xuân Đức trong vườn mây của ông ở xã Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình |
Lao động cho ngành công nghiệp mây tre hiện nay cũng tồn tại nhiều bất cập. Muốn bán được nguyên liệu thì khâu chế biến phải phát triển, do đó việc đào tạo lao động và tay nghề phải kết hợp cả khâu xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm.Về lao động hiện nay ở nông thôn khá dồi dào và đa dạng, từ lao động ngoài mùa vụ cho đến lao động của người khuyết tật. Tuy nhiên, chính cái sự dồi dào về lao động ấy cộng với đức tính tham công tiếc việc ấy đã làm cho một số nhà nhập khẩu gần đây phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Phải nói lao động mây tre đan hiện nay chia ra hai nhóm rõ rệt, một nhóm là không thường xuyên và thiếu kỹ năng và một nhóm là thường xuyên và kỹ năng cao. Nhóm thứ nhất thường làm những sản phẩm đan lát đơn giản và không hoặc ít có đào tạo bài bản. Nhóm thứ hai thường làm việc ở các cơ sở hoặc các doanh nghiệp chế biến hàng mỹ nghệ cao cấp. Để có một sự đột phá về lượng thì cần phải đào tạo nhiều và mạnh hơn đối với nhóm thứ nhất và đào tạo bài bản với tính sáng tạo cao để tạo ra sự đột phá về chất như đã giới thiệu trên.
Với những bằng chứng nói trên phải nói rằng ngành nghề mây tre đan nước ta đang đứng trước những cơ hội to lớn. Vấn đề còn lại là phải xây dựng khẩn trương những giải pháp đồng bộ từ khâu nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu cuối cùng. Đặc biệt là trong khâu xây dựng nguyên liệu thì cần có các giải pháp chính sách về đất, vốn, lao động, thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng miền núi và khoa học công nghệ để làm sao vừa thể hiện quyết tâm chính trị của Nhà nước vừa tạo môi trường pháp lý thuận lợn nhất nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư của tư nhân và ngoài nước để thúc đẩy ngành nghề mây tre đan phát triển. Một cơ hội tốt đang chờ một hành động cụ thể.