Phê duyệt 10 đề tài thuộc Chương trình hợp tác song phương NAFOSTED – SNSF 2021
Từ 39 đề tài đăng ký, Hội đồng khoa học hỗn hợp Việt Nam và Thụy Sĩ đã đánh giá và lựa chọn được 10 đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội – nhân văn. Đây là đợt tài trợ đầu tiên trong chương trình hợp tác song phương giữa Quỹ Phát triển KH&CN (NAFOSTED) và Quỹ KH Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF).
Một trong những đề tài được phê duyệt lần này liên quan đến việc trao quyền cho các cộng đồng ở khu vực nông thôn trong sản xuất nông nghiệp và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nguồn: Nông thôn mới.
Thuộc chương trình hợp tác song phương mới nhất của Quỹ NAFOSTED, đợt kêu gọi tài trợ đầu tiên này diễn ra từ ngày 1/10/2020 đến ngày 15/1/2021 với cơ hội mở rộng cho các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực như Giáo dục học/Tâm lý học, Xã hội học/Dân tộc học, Địa lý xã hội và sinh thái/Khoa học quản lý, Kinh tế/Khoa học chính trị, Khoa học kỹ thuật, Hóa lý/Vật lý/Vật lý vật chất ngưng tụ, Thổ dưỡng học/Kỹ thuật nông nghiệp, Học máy/Dữ liệu, Khoa học vật liệu/Hóa học, Khoa học môi trường/Khí hậu, Tim mạch/Miễn dịch học/Nội tiết, Sinh học phân tử/Di truyền học, Sinh vật học/Động vật học và Y Sinh. Theo quy định của chương trình này, một trong các điều kiện quan trọng để hồ sơ được chấp nhận là mỗi đề tài phải có cả nhóm nghiên cứu Thụy Sỹ và nhóm nghiên cứu Việt Nam phối hợp thực hiện 1.
Do quá trình tiếp nhận và phê duyệt các hồ sơ đều diễn ra trong đại dịch nên toàn bộ công việc đều được thực hiện online. So với các đợt kêu gọi và xét duyệt của các chương trình hợp tác song phương khác, đây là lần đầu tiên, hội đồng khoa học hỗn hợp thảo luận online, với bảy thành viên của SNSF và bảy thành viên của NAFOSTED. Trước đó, từ tháng 4 đến 7/2021, các hồ sơ đã được gửi để các chuyên gia phản biện quốc tế nhận xét, trung bình bốn chuyên gia phản biện/hồ sơ), theo thông tin từ NAFOSTED 2.
Theo biên bản thỏa thuận hợp tác NAFOSTED – SNSF thì chương trình hợp tác song phương sẽ diễn ra đến tháng 12/2025. Trong thời gian này, sẽ có nhiều hoạt động tài trợ/hỗ trợ dành cho các nhà khoa học Việt Nam – Thụy Sĩ cùng thực hiện.
Tuy mới ở lần “mở quỹ” đầu tiên nhưng chương trình hợp tác song phương NAFOSTED – SNSF đã nhận được đánh giá tích cực của rất nhiều nhà khoa học Việt Nam. Giáo sư Phạm Hùng Việt (Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích, kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm, ĐHGQHN), một chuyên gia đầu ngành về hóa phân tích từng học tập tại trường Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và giữ mối quan hệ hợp tác nhiều năm với nhiều nhà khoa học Thụy Sĩ, nhận định, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho khoa học Việt Nam chưa thật sự dồi dào thì đây là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu Việt Nam triển khai những đề tài nghiên cứu có ý nghĩa, áp dụng những phương pháp nghiên cứu mới với các nhà khoa học quốc gia này.
Dẫu vậy, một số nhà khoa học khác cũng cho rằng, để có được những kết quả nghiên cứu tốt và mang lại tác động lâu dài thì chương trình hợp tác này sẽ cần tập trung vào một số chủ đề hoặc lĩnh vực nhất định theo từng đợt hoặc giai đoạn, tránh mở ra dàn trải trên quá nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến tác động của chương trình với khoa học Việt Nam.
Dưới đây là danh sách các đề tài đầu tiên được Hội đồng khoa học hỗn hợp phê duyệt:
1. “Agro-Econvert: Agroecological Production and Organic Certification in Vietnam to Empower Rural Communities” – TS Phạm Văn Hội (Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) 36 tháng
2. “Understanding the Heritage and Development Nexus in Vietnam: A multi-scalar approach (HEAD)”- PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) 36 tháng
3. “The role of schools in detecting and responding to child maltreatment: A collaborative approach to evidence-based policy development in Switzerland and Vietnam” – TS Lê Minh Thi (Trường Đại học Y tế Công cộng) 36 tháng
4. “Eating green or eating meat? Eating crickets or eating beef? Sustainable food consumption behavior in Vietnam and Switzerland” – PGS. TS Phạm Bảo Dương (Học viện Nông Nghiệp Việt Nam) 36 tháng
5. “Role of microbial C, S and N cycling in the fate of As in aquifers in the Vietnamese Mekong Delta” – PGS.TS Võ Lê Phú (ĐH Bách khoa, ĐHQGTPHCM) 36 tháng
6. “Human and Algorithms for Detecting and Counter-attacking Fake Medical News” – PGS.TS Quản Thành Thơ (ĐH Bách khoa, ĐHQGTPHCM) 24 tháng
7. “Amplifying Waste Recovery Solutions – Towards a Circular Society (AWARE)” – TS Nguyễn Thị Hạnh Tiên (ĐH Phenikaa) 36 tháng
8. “How to decrease phosphate (P) losses from upland crops while maintaining optimum crop yields on acid sulfate soils of the lower Mekong delta? (acronym P-ASS)” – PGS. TS Phạm Thị Hoa (ĐH Quốc tế, ĐHQGTPHCM) 36 tháng
9. “Neutrino-nucleus cross-section meassurements using the new sFGD detector of T2K” – TS Nguyễn Thị Dung (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) 36 tháng
10. “Genetic investigations in Children with Developmental and Epileptic Encephalopathies in Ho Chi Minh City, Vietnam: A collaborative, prospective, tertiary care center study” – TS Bùi Chí Bảo (ĐH Y Dược, ĐHQGHN) 36 tháng
—————————————————
2. https://nafosted.gov.vn/thong-bao-danh-muc-de-tai-thuoc-chuong-trinh-hop-tac-song-phuong-nafosted-snsf-nam-2021-duoc-quy-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-quoc-gia-tai-tro/