Phí tổn ngầm trong hệ thống lương thực gây tổn thất 12,7 nghìn tỷ USD mỗi năm

Theo phân tích mới của Liên Hợp Quốc, phí tổn ngầm (hidden costs) của hệ thống lương thực có giá trị tương đương 10% GDP toàn cầu.

Ông Edouard Kouame Kouadio, một nông dân ở làng Gabeadji, San Pedro, Bờ Biển Ngà đang thu hoạch quả ca cao tại trang trại ca cao của mình. Ảnh chụp ngày 31 tháng 1 năm 2023. Nguồn: REUTERS/Ange Aboa

Liên Hợp Quốc mới đây đã công bố một số liệu quan trọng về tác động của hệ thống thực phẩm thế giới đối với sức khỏe của hành tinh và chính chúng ta. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), tổng phí tổn ngầm (hidden costs – các khoản chi phí đánh đổi khó đong đếm và không được tính vào chi phí sản xuất) của hệ thống lương thực thế giới lên tới 12,7 nghìn tỷ USD – tương đương khoảng 10% GDP toàn cầu.

Báo cáo đã phân tích phí tổn về sức khỏe, xã hội và môi trường gắn liền với hệ thống thực phẩm hiện tại. Về mặt kinh tế, phí tổn sức khoẻ là yếu tố lớn nhất : Trên toàn cầu, 73% tổng phí tổn ngầm mà FAO tính đến có liên quan đến chế độ ăn dẫn đến béo phì hoặc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường và bệnh tim. Môi trường giữ vị trí thứ hai, chiếm hơn 20% phí tổn ẩn được các nhà khoa học định lượng.

“Chúng ta vẫn biết rằng hệ thống thực phẩm nông nghiệp phải đối mặt với nhiều bài toán khó”, David Laborde, Giám đốc Ban Kinh tế Thực phẩm Nông nghiệp của FAO, cho biết. “Và thông qua báo cáo này, chúng tôi có thể đưa ra cái giá cụ thể cho những vấn đề này.”

Phí tổn ngầm của hệ thống thực phẩm giữa các quốc gia có những điểm khác nhau. Ở các nước thu nhập thấp, gần một nửa phí tổn ngầm liên quan đến nghèo đói và có thể một phần do nông dân không thể trồng đủ lương thực hoặc không được nhận khoản tiền hợp lý cho sản phẩm của họ. Ở những quốc gia này, phí tổn ngầm của thực phẩm đạt mức trung bình 27% GDP, so với chỉ 8% ở các nước thu nhập cao.

Những phí tổn ngầm này không tồn tại tách biệt mà liên quan chặt chẽ với nhau. Ông Laborde đưa ra ví dụ về cacao – thành phần chính trong sô cô la. Cacao chủ yếu được trồng ở Ghana và Côte d’Ivoire, nơi nông dân chỉ nhận được một khoản tiền bèo bọt cho cây trồng của họ. Người dân ở các nước có thu nhập cao, đặc biệt là ở châu u, thường sẽ tiêu thụ loại ca cao đó – chủ yếu ở dạng thanh sô cô la chứa nhiều đường. Nếu người dân ở châu u ăn sô cô la ít hơn một chút nhưng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm chất lượng cao hơn, điều đó có thể giúp cải thiện sức khỏe của người dân châu u đồng thời cải thiện đời sống của người nông dân ở Tây Phi, Labourde nói.

Ông Jack Bobo, giám đốc Viện Hệ thống Thực phẩm thuộc Đại học Nottingham, cho biết những phép tính giá trị xuyên biên giới này cực kỳ phức tạp. Chẳng hạn, hãy nhớ đến Chiến lược từ nông trại đến bàn ăn của EU với mong muốn đảm bảo 1/4 đất nông nghiệp của Châu u là đất hữu cơ và giảm sử dụng phân bón ít nhất 20% vào năm 2030. Việc đạt được những mục tiêu này có thể sẽ giảm phí tổn ngầm về môi trường ở Châu u, nhưng có khả năng nó cũng sẽ làm giảm năng suất chung của các trang trại châu u. Điều này đồng nghĩa với việc các nước châu u cần nhập khẩu thêm thực phẩm từ các nước như Brazil, từ đó dẫn đến nạn phá rừng và làm tăng thêm nhiều phí tổn ngầm về môi trường ở đó.

Các yếu tố đan xen xuyên biên giới như vậy là một lý do khiến ông Bobo không mấy bằng lòng với phương pháp tính toán chi phí thực mà FAO đã sử dụng để đưa ra các số liệu phí tổn ngầm. “Nếu bạn ‘xuất khẩu’ dấu chân sinh thái của mình sang các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên hành tinh, hệ thống thực phẩm của bạn cũng không khá hơn”. (Dấu chân sinh thái là thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người, bề mặt xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích hấp thụ cacbon dioxide, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.) Chính phủ các nước cần đảm bảo rằng họ đang thực sự giải quyết những vấn đề lớn với hệ thống thực phẩm của mình chứ không chỉ chuyển trách nhiệm sang nước khác. “Không có một hệ thống nào là hoàn hảo. Một số nơi chúng ta cần phát triển sinh thái nông nghiệp hoặc hữu cơ hơn vì chúng ở gần các khu bảo tồn và đó là cảnh quan có mức độ nhạy cảm cao cao. Ở một số nơi, chúng ta có thể thâm canh nhiều hơn,” Bobo nói.

Đằng sau những bữa ăn không chỉ có phí vận chuyển, phí nhân công, bao bì đóng gói, mà còn là hàng loạt những phí tổn phát sinh liên quan đến sức khoẻ và môi trường. Ảnh: Micah Fredman/ bonappetit

Hầu hết các quốc gia có thu nhập cao đang gặp khó khăn trong việc cải thiện chế độ ăn uống của người dân. Ở những quốc gia này, FAO nhận thấy rằng hơn 80% phí tổn ngầm của thực phẩm có liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh .

Những nước ngoại lệ có thể là lời gợi ý cho chúng ta, ông Laborde đề xuất. Nhật Bản có tỷ lệ phí tổn ngầm thực phẩm so với GDP nhỏ hơn các quốc gia như Mỹ hoặc Canada. Có thể một phần là do người Nhật có xu hướng ăn nhiều cá hơn và vì thực phẩm của họ đắt tiền, khiến họ có chế độ ăn uống lành mạnh hơn về tổng thể. “Họ khởi đầu từ một nền văn hóa chú trọng vào sự ngon miệng,” ông Laborde nói. Ở phương Tây, chính phủ các nước có thể nghĩ cách để khuyến khích những người ăn thịt mỗi ngày giảm khẩu phần của họ xuống một hoặc hai bữa một tuần.

Cuối cùng, việc giảm thiểu những phí tổn ngầm này đòi hỏi sự chung tay giữa hành động của chính phủ, sự lựa chọn của cá nhân và hành vi có trách nhiệm hơn từ ngành công nghiệp thực phẩm. FAO đang nghiên cứu để thực hiện báo cáo năm tới, trong đó họ sẽ trình bày một loạt nghiên cứu điển hình để giúp các quốc gia tính toán phí tổn thực tế và bắt đầu xoay sở để khắc phục những gì hệ thống thực phẩm đang khiến ta phải trả giá.

Thu Phương tổng hợp

Nguồn: The World’s Broken Food System Costs $12.7 Trillion a Year

Insight: In Africa’s fields, a plan to pay fair wages for chocolate withers

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)