Phiến đá Rosetta: Mở khóa những bí mật Ai Cập cổ đại
Hai trăm năm trước, vào ngày 27/9/1822, học giả người Pháp Jean-François Champollion đã công bố công trình giải mã của mình về chữ tượng hình Ai Cập. Từ đây, thế giới Ai Cập cổ đại đã mở ra trước mắt chúng ta.
Khi Jean-François Champollion, chàng trai người Pháp 31 tuổi, người đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về Ai Cập cổ đại, xông vào văn phòng của anh trai mình ở Paris vào ngày 14/9/1822, ông đã tuyên bố dõng dạc – “Je tiens mon affaire!” (Em hiểu ra rồi!) – và lập tức ngã quỵ. Người ta đồn rằng nhà văn tự học phải mất đến năm ngày mới dần hồi tỉnh sau cú ngất.
Mức độ kịch tính trong cách Champollion thông báo là một biểu hiện rõ ràng cho tính cách đặc trưng của ông. (Học giả, nhà văn Edward Dolnick từng tả rằng ông là “ kiểu người hay làm quá, không kiềm chế được cảm xúc, cường điệu, luôn bừng lên niềm sung sướng ngất ngây hoặc rơi vào trạng thái khổ sở tuyệt vọng.”) Nhưng phản ứng của ông vẫn khá dễ hiểu nếu xét đến tầm quan trọng của thứ mà ông vừa phát hiện ra. Gần hai tuần sau đó, Champollion đã tiết lộ với các đồng nghiệp của mình rằng ông vừa giải quyết được một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử: cách đọc chữ tượng hình Ai Cập – chiếc chìa khóa mở ra bí mật của nền văn minh cổ đại.
Ngọn nguồn của câu chuyện là từ một phiến đá granodiorit được khai quật ở Ai Cập vào tháng 7/1799. Đá Rosetta – theo tên của thị trấn nơi phát hiện ra nó – là một tấm bia khắc lại sắc lệnh theo ba phiên bản chữ viết: chữ tượng hình, chữ Demotic (chữ Ai Cập của người bình dân, thực chất là một dạng chữ giản lược của chữ tượng hình) và chữ Hy Lạp cổ đại.
Về mặt lý thuyết, đáng lẽ việc giải mã các chữ khắc trên bia không hề khó khăn, vì các học giả lúc bấy giờ đều biết tiếng Hy Lạp cổ đại. Họ có thể suy đoán, ghép nối bản dịch chữ tượng hình dựa trên bản dịch tiếng Hy Lạp. “Những người đầu tiên nhìn thấy phiến đá Rosetta đều nghĩ rằng sẽ chỉ mất hai tuần để giải mã là cùng”, Dolnick, tác giả của cuốn sách Chữ viết của các vị thần: Cuộc đua giải mã phiến đá Rosetta, kể lại, “ngờ đâu, phải mất đến 20 năm”.
Phiến đá Rosetta là gì?
Phiến đá Rosetta thực chất là mảnh vỡ của một phiến đá lớn hơn được đặt tại một ngôi đền Ai Cập vào năm 196 TCN, dưới thời trị vì của vua Ptolemy V (Ptolemy là vương triều của người Macedonia – Hy Lạp cai trị Ai Cập cổ đại). Bề mặt của nó khắc một sắc lệnh do hội đồng các thầy tế Ai Cập ban hành nhân kỷ niệm lễ đăng quang của vua Ptolemy. Văn bản ca ngợi công đức của nhà vua, đề cập đến ông như hiện thân của các vị thần, và khẳng định họ sẽ luôn sùng bái và kính ngưỡng vương triều của ông. Trong phần kết của văn bản, các thầy tế yêu cầu sắc lệnh phải được khắc trên bia “bằng ngôn ngữ của các vị thần” [ý chỉ chữ tượng hình Ai Cập], ngôn ngữ bình dân [chữ Demotic] và ngôn ngữ của người Hy Lạp. Những bản khắc sau đó sẽ được đặt tại các ngôi đền trên khắp vương quốc.
Phiến đá Rosetta thực chất là mảnh vỡ của một phiến đá lớn hơn được đặt tại một ngôi đền Ai Cập vào năm 196 TCN, dưới thời trị vì của vua Ptolemy V (Ptolemy là vương triều của người Macedonia – Hy Lạp cai trị Ai Cập cổ đại). Bề mặt của nó khắc một sắc lệnh do hội đồng các thầy tế Ai Cập ban hành nhân kỷ niệm lễ đăng quang của vua Ptolemy. Sau khi được dựng lên vào năm 196 TCN, phiến đá Rosetta đã vỡ thành nhiều mảnh. Phần sót lại gồm 14 dòng chữ tượng hình, 32 dòng chữ Demotic và 53 dòng chữ Hy Lạp cổ đại. Các nhà khảo cổ hiện vẫn chưa tìm thấy phần mảnh vỡ trên cùng và dưới cùng bên phải của phiến đá.
Vào năm 3100 TCN, người Ai Cập cổ đại sử dụng chữ tượng hình để biểu đạt ngôn ngữ Ai Cập cổ đại dưới dạng chữ viết. Khoảng 3.000 năm sau đó, dưới thời Ptolemy, hầu như chỉ có các thầy tu mới sử dụng hệ thống chữ viết phức tạp này (do đó, phiến đá Rosetta mới gọi đây là “ngôn ngữ của các vị thần”), còn dân thường sẽ sử dụng chữ Demotic đơn giản hơn.
Như Ilona Regulski, người phụ trách mảng văn hóa thành văn (lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dựa trên văn bản) của Ai Cập tại Bảo tàng Anh Quốc, nơi trưng bày phiến đá Rosetta từ năm 1802, đã nhận định, “thời điểm đó Ai Cập là một xã hội đa văn hóa, … và những người biết đọc, biết viết có thể đọc và viết bằng nhiều ngôn ngữ. Do đó, vào thời này, việc chuyển ngữ bất kỳ loại văn tự chính thức nào sang các chữ viết khác đều khá dễ dàng, cho dù đó là tiếng Ai Cập sang tiếng Hy Lạp hay tiếng Hy Lạp sang tiếng Ai Cập”.
Hội đồng đã ban hành sắc lệnh vào giữa Cuộc nổi dậy Vĩ đại (năm 206 đến năm 186 TCN), một cuộc nổi dậy bắt nguồn từ sự bất đồng giữa vương triều Hy Lạp Plotemy và các thần dân Ai Cập của họ. Các cựu binh Ai Cập tham gia cuộc chiến do cha của Plotemy V lãnh đạo “trở về nhà, họ không chấp nhận vị thế công dân hạng hai của mình” và đã nổi dậy giành lại sự lãnh đạo đất nước về tay người Ai Cập. Phiến đá Rosetta đề cập trực tiếp đến những sự kiện này, trình bày chi tiết cách Ptolemy V, người kế vị cha mình vào khoảng năm 204 TCN, chiếm được một thị trấn của kẻ thù, “chém những kẻ nổi loạn đang ở đó thành từng mảnh, và … đã tiến hành một cuộc tàn sát vĩ đại.” Bằng những khúc ngợi ca vị vua trẻ tuổi, sắc lệnh về cơ bản là “một tấm áp phích tuyên truyền được khắc trên đá”, Dolnick ví.
Phiến đá Rosetta được phát hiện như thế nào?
Được dựng lên vào năm 196 TCN nhưng về sau phiến đá Rosetta đã vỡ thành nhiều mảnh. Phần sót lại gồm 14 dòng chữ tượng hình, 32 dòng chữ Demotic và 53 dòng chữ Hy Lạp cổ đại. Các nhà khảo cổ hiện vẫn chưa tìm thấy phần mảnh vỡ trên cùng và dưới cùng bên phải của phiến đá.
Vào khoảng năm 1470, trong quá trình dựng một pháo đài gần thị trấn cảng Rosetta ở vùng châu thổ sông Nile, những người thợ xây đã ghép mảnh vỡ vào một bức tường. Nó vẫn ở đó cho đến tháng 7/1799, khi sĩ quan quân đội Pháp Pierre-François Bouchard phát hiện ra phiến đá trong lúc giám sát công tác phục dựng pháo đài cổ – lúc bấy giờ đã đổ nát (Có nhiều giả thuyết cho rằng đây thực chất là công lao của một binh sĩ vô danh nào đó).
Người Pháp đã đến Ai Cập một năm trước đó. Vào ngày 1/7/1798, Napoléon Bonaparte đã đưa quân viễn chinh gồm 400 tàu và 54.000 người đổ bộ vào Ai Cập. Vừa trải qua chiến thắng ở Ý, Napoleon muốn xác lập quyền giao thương của người Pháp ở khu vực Trung Đông, thách thức vị thế của Anh ở khu vực này và thu thập thông tin về lịch sử phong phú của Ai Cập. Trong số 54.000 người, có những học giả được giao nhiệm vụ tìm kiếm và thu thập các hiện vật văn hóa quan trọng để mang về cho nước Pháp. Sau 12 tiếng đồng hồ hành quân, trước trận Embabeh nhằm chiếm thủ đô Cairo, Napoléon đã khích lệ toàn quân bằng câu nói: “Hỡi các binh sĩ, từ trên đỉnh những kim tự tháp, 40 thế kỷ đang nhìn xuống chúng ta”.
Ban đầu, quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của Napoléon tận hưởng chiến thắng vang dội trước quân đội Mamluk và Ottoman và giành quyền kiểm soát được toàn bộ khu vực. Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang, quân đội Anh do Đô đốc Horatio Nelson chỉ huy đã đập tan tham vọng của Napoléon. Hải quân Pháp chịu tổn thất lớn trước lực lượng Anh khi nhiều tàu chiến bị phá hủy hoặc bị bắt giữ. Tháng 8/1799, Napoléon quyết định trốn về Pháp cùng với một số hầu cận, để lại người của ông – bao gồm khoảng 160 học giả được giao nhiệm vụ ghi chép lại văn hóa Ai Cập – mắc kẹt ở đất nước xa lạ.
Cuối cùng khi quân Pháp đầu hàng lực lượng Anh vào năm 1801, họ cũng đồng ý bàn giao cho người Anh những kho báu cổ xưa mà họ tìm thấy, trong số đó có phiến đá Rosetta. “Phiến đá rất đỗi kỳ lạ” này, theo cách nói của một tờ báo ở London, đã cập bến nước Anh vào tháng 2/1802 và được trưng bày tại Bảo tàng Anh Quốc vào cuối năm đó. Ngày nay, hai dòng chữ khắc trên các mặt của phiến đá là minh chứng hùng hồn cho lịch sử thuộc địa của nó: bên trái, “Được quân đội Anh thu giữ vào năm 1801 ở Ai Cập,” và bên phải, “Được Vua George III trao tặng [cho Bảo tàng Anh Quốc]”.
Tại sao phiến đá Rosetta lại khó giải mã đến thế?
Công việc giải mã phiến đá Rosetta hóa ra lại vô cùng gian nan. Thách thức lớn nhất là chữ tượng hình trên thực tế đã không còn được sử dụng từ khoảng 1.400 năm trước. Văn bản bằng chữ tượng hình Ai Cập gần nhất mà các nhà khoa học ghi nhận là dòng chữ được khắc trên cổng của một ngôi đền vào khoảng năm 400 SCN. Bản khắc bằng chữ Demotic cuối cùng được biết đến có niên đại cách đó vài thập kỷ – năm 452 SCN. “Mối liên hệ giữa chữ tượng hình và ngôn ngữ nói [của người Ai Cập cổ đại] đã biến mất”, Regulski nhận định. Tiếng Ai Cập vĩnh viễn biến mất ở thế kỉ bảy sau Công nguyên khi chữ Ả Rập bắt đầu phủ sóng ở đây.
Hàng loạt học giả đã lao vào thử “bẻ khóa” mật mã trên phiến đá Rosetta, đáng kể hơn cả là Champollion, nhà văn tự học người Pháp – người sau đó đã giải mã thành công, và Thomas Young, nhà vật lý người Anh – người đặt nền móng lý thuyết sóng ánh sáng.
Trái ngược với quan niệm sai lầm phổ biến, phiến đá Rosetta không phải là một văn bản ba thứ tiếng. Đó là một bản song ngữ với ba hệ thống chữ viết riêng biệt. Hãy coi các chữ tượng hình là một dạng chữ thư pháp phức tạp; còn chữ Demotic là các chữ cái bình thường, được đơn giản hóa từ chữ tượng hình để người dân có thể dễ dàng sử dụng. Cả hai đều được viết bằng tiếng Ai Cập cổ đại, nhưng chúng trông khác nhau đến mức ban đầu các nhà khảo cổ nghĩ rằng chúng đại diện cho các ngôn ngữ khác nhau.
Bên cạnh đó, các học giả nhanh chóng nhận ra rằng nội dung của ba phần trong phiến đá Rosetta “chỉ gần giống nhau, như thể có ba người mô tả cùng một bộ phim. Vì vậy, bạn không thể đơn giản cho rằng từ đầu tiên trong một dòng chữ sẽ tương ứng với từ đầu tiên trong dòng chữ tiếp theo”, Dolnick lý giải (Theo Regulski, khác biệt này có thể nảy sinh từ việc sắc lệnh “được ban hành bằng tiếng Hy Lạp, sau đó có người dịch chúng sang tiếng Ai Cập để tạo cho [nó] phong vị bản địa”).
Ngay cả khi có một người tìm ra cách đọc các chữ tượng hình, họ có thể sẽ gặp khó khăn khi ghép ý nghĩa của những âm thanh mà họ thốt ra. “Hãy thử tưởng tượng tiếng Anh sau hàng ngàn năm đã trở thành một ngôn ngữ chết”, Dolnick phân tích, “và ai đó đã tìm thấy một đoạn văn bản, họ cũng mò ra được cách phát âm bảng chữ cái, thế là họ đọc to từng chữ “c-a-t” (m-è-o) lên. Nhưng làm sao họ biết rằng những âm thanh đó để chỉ một động vật nhỏ bé dễ thương có bộ lông và những sợi râu?”
Phiến đá Rosetta được giải mã như thế nào?
Bất chấp những trở ngại, hàng loạt học giả đã lao vào thử “bẻ khoá” mật mã trên phiến đá Rosetta, đáng kể hơn cả là Champollion, nhà văn tự học người Pháp – người sau đó đã giải mã thành công, và Thomas Young, nhà vật lý người Anh – người đặt nền móng lý thuyết sóng ánh sáng.
Theo Dolnick, ông Young “không đặc biệt quan tâm đến Ai Cập hay chữ tượng hình”. Nhưng ông ấy – với tư cách là một học giả thông thái và là “nhà giải mã vĩ đại nhất của thời đại” – đã không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của câu đố mà phiến đá Rosetta đặt ra. Regulski cho biết thêm, việc giải mã là “một thú vui tiêu khiển của ông ấy trong những giờ phút rảnh rỗi”.
Ngược lại, ông Champollion bị “ám ảnh” với việc giải mã chữ tượng hình lẫn mục tiêu mở khóa những bí ẩn của thế giới Ai Cập cổ đại. Đối với ông, dự án “thực sự là cánh cửa dẫn vào một nền văn hoá cổ đại mà từ lâu ông vẫn luôn khao khát tìm hiểu”, Regulski chia sẻ. “Ông ấy không chỉ muốn đọc được các văn bản. Ông ấy còn muốn thấu hiểu nền văn hóa ẩn sau đó”.
Cuộc đua giải mã giữa Champollion và Young ngày càng trở nên gay cấn, bởi lúc bấy giờ Pháp và Anh là kình địch của nhau. “Vì vậy, đây không chỉ là cuộc đua giành vinh quang của hai cá nhân, là còn là cuộc đua giành vinh quang giữa hai quốc gia”.
Nhiệm vụ giải mã phiến đá Rosetta rất phức tạp do tính chất độc đáo của ngôn ngữ Ai Cập cổ đại. Vào thời điểm đó, Champollion, Young và các đồng nghiệp của họ chủ yếu tiếp xúc với các ngôn ngữ có bảng chữ cái như tiếng Anh và tiếng Pháp, trong đó các chữ cái riêng lẻ và các nhóm chữ cái đại diện cho một hoặc nhiều âm vị trong ngôn ngữ nói. Trong khi đó, chữ tượng hình là một hệ thống kết hợp, với hàng trăm ký tự đại diện cho âm thanh, đối tượng hoặc ý nghĩa. Tờ New Yorker giải thích, “Một chữ tượng hình có thể là ký hiệu ngữ âm (cách phát âm một từ), hoặc nó có thể là biểu tượng (hình ảnh về sự vật được nhắc trên, như trong ‘Tôi ♥ New York’), hoặc nó có thể là chữ biểu ý (sử dụng một ký hiệu đã được thỏa thuận ngầm, tiền giả định người viết lẫn người đọc đã biết trước ý nghĩa của nó, chẳng hạn như ‘XOXO’ – ngôn ngữ mạng của ‘ôm và hôn’, hoặc ‘&’ để chỉ ‘và’).
Trước khi ông Young đạt được những bước tiến đầu tiên trong hành trình giải mã, hầu hết các học giả đều tin rằng chữ tượng hình toàn bộ là chữ biểu ý. “Các chữ tượng hình trông quá đỗi bí ẩn, thật công phu và thật lộng lẫy, đến nỗi mọi người đều cho rằng chắc hẳn chúng phải hàm chứa một ý nghĩa thần bí sâu xa nào đó”, Dolnick giải thích suy nghĩ của mọi người. “Họ tin rằng chúng không phải là một bảng chữ cái Alphabet thông thường, mà ý nghĩa của chúng phải thâm sâu như kiểu ‘E=mc^2’, chứ không thể truyền tải những nội dung bình dị như ‘Đừng quên mua sữa trên đường về nhà nhé’”.
Khoảnh khắc eureka ập đến với ông Young khi ông quyết định tập trung vào các bộ chữ tượng hình được bao bọc trong khung hình bầu dục (còn được gọi là cartouche). Nhận thấy rằng những cái tên trong tiếng Hy Lạp như “Ptolemy” sẽ khó viết bằng chữ biểu ý của Ai Cập, ông đề xuất rằng chữ tượng hình, trong một vài trường hợp hiếm hoi, có thể là những ký hiệu phiên âm, vì tên riêng của người sẽ được phát âm gần giống nhau cho dù là trong ngôn ngữ nào đi nữa. Theo cuốn sách Chữ viết của các vị thần: Cuộc đua giải mã phiến đá Rosetta, lập luận của ông Young được gợi cảm hứng từ tiếng Trung:
Làm thế nào để viết tên của một người nước ngoài bằng tiếng Trung? Lấy Napoléon làm ví dụ. Không khó để chuyển ngữ các từ thông thường sang tiếng Trung và viết chúng ra giấy – tiếng Trung cũng có từ chỉ nhà cửa, con vịt và cái rổ như các ngôn ngữ khác. Nhưng tiếng Trung không có từ nào chỉ Napoléon. Thế thì phải làm sao? Mấu chốt là đây, ông Young đã học giải pháp của người Trung. Khá đơn giản, để viết tên riêng nước ngoài bằng tiếng Trung, bạn chỉ cần chọn các chữ có phát âm giống là được, không cần quan tâm đến nghĩa của nó làm gì. (Trong tiếng Trung, Napoleon được chuyển thành 拿破崙, phát âm là Nápòlún).
Dựa trên phần tiếng Hy Lạp đã dịch trên phiến đá Rosetta, ông Young biết được cái tên Ptolemy chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều lần trong văn bản chữ tượng hình. Nhìn vào các chữ tượng hình, ông xác định được ba cartouche giống hệt nhau, và ba cartouche khác cũng có phần chữ tượng hình tương tự bên trong khung bầu dục, nhưng chúng có thêm một số chữ ở phần cuối khung. Qua nghiên cứu, Young kết luận rằng các cartouche giống hệt nhau chính là để chỉ Ptolemy, với các chữ tượng hình riêng lẻ đại diện cho âm thanh của tên. Ông lập luận rằng các cartouche dài hơn là để bổ sung một chức danh nào đó – khả năng cao là “Ptolemy Đại đế”.
Ông Young đã công bố phát hiện của mình trên Encyclopedia Britannica vào năm 1819. Song công việc giải mã của ông cũng chững lại từ đó, chủ yếu là do ông từ chối tin rằng chữ tượng hình vẫn có thể ký âm ngay cả khi nó không được sử dụng vào việc viết ra các tên nước ngoài. Champollion đã lật ngược tình thế, nhờ kiến thức sâu rộng của mình về tiếng Copt – một ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Ai Cập cổ đại – ông đã bẻ khóa được mật mã của phiến đá Rosetta.
“Mặc dù tiếng Ai Cập cổ đại là ngôn ngữ chết, nhưng nó là cơ sở để hình thành nên tiếng Copt – đây cũng là một ngôn ngữ chết nhưng nó vẫn còn hiện diện xung quanh ta,” chủ yếu là trong Giáo hội Chính thống giáo Copt (nhánh lâu đời nhất của Kito giáo), Dolnick lý giải.
Nếu chữ tượng hình và chữ Demotic – hai hệ thống chữ viết ban đầu của tiếng Ai Cập – đều được viết bằng các ký tự độc đáo, thì chữ Copt sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà khảo cổ thế kỷ XIX vẫn có thể đọc được chữ Copt.
Bởi vì ông Champollion “biết tiếng Copt,….Ông ấy có thể phát hiện ra giá trị ngữ âm của các chữ tượng hình từ sự tương ứng giữa chữ Ai Cập và bản dịch tiếng Hy Lạp trên phiến đá Rosetta”, James Allen, một nhà Ai Cập học tại Đại học Brown, chia sẻ với Live Science vào năm ngoái. Kết hợp kiến thức tiếng Copt của mình và phương pháp giải mã của ông Young, ông Champollion đã xoay sở để dịch các cartouche khác và xác định âm vị của một chục chữ tượng hình.
Năm 1822, Champollion nghiên cứu một cartouche được khắc ở ngôi đền Abu Simbel, một công trình tôn giáo do Pharaoh Ramesses II dựng lên để ghi lại những chiến công của mình. Không giống như Ptolemy hay Cleopatra – những cái tên không phải tên Ai Cập; Ramesses là tên của người Ai Cập — nếu chiếu theo lập luận của ông Young, cartouche biểu thị tên Ramesses sẽ không chứa ký tự ngữ âm. Thực chất, cartouche ở đền Abu Simbel chứa bốn biểu tượng, trong đó có một biểu tượng cuối cùng được lặp lại. Champollion xác định chữ tượng hình lặp lại là âm “s” và đưa ra giả thuyết rằng chữ tượng hình đầu tiên, một vòng tròn với một chấm ở giữa, đại diện cho mặt trời (“ra” hoặc “re” trong tiếng Copt).
Suy ra, “dãy chữ này là ‘ra-?-s-s”, tác giả Simon Singh viết trên BBC vào năm 2011. “Chỉ có một vị pharaoh có cái tên tương ứng. Nếu bỏ qua các nguyên âm và chữ cái không xác định, chắc chắn đây là Ramesses. Phép thuật đã được hoá giải. Chữ tượng hình là sự kết hợp giữa các ký hiệu ngữ âm để ký âm tiếng Ai Cập – chứ không chỉ là là những hình ảnh biểu ý mà không diễn đạt âm thanh như phần đông các học giả đề xuất.
Di sản của phiến đá Rosetta
Thấm thoát 200 năm đã qua kể từ thời điểm Champollion công bố giải mã thành công chữ tượng hình. Hiện vật lịch sử – phiến đá Rosetta – giờ đây vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong dòng chảy văn hoá loài người.
Đây là một trong những hiện vật thu hút khách tham quan nhất tại Bảo tàng Anh Quốc, và sắp đến nó sẽ trở thành tâm điểm của một cuộc triển lãm về chữ tượng hình. Trên khắp các kênh truyền hình tiếng Anh tại Pháp, mọi người nô nức với các sự kiện khác nhau – từ triển lãm các tài liệu chưa từng được công bố của Champollion đến bảo tàng lưu động “Egyptobus” – hướng đến kỷ niệm thành quả của nhà văn tự học xuất chúng. Mặt khác, ở Ai Cập, các nhà khoa học đang kêu gọi nước Anh trả lại phiến đá.
Mặc dù phiến đá đang nằm ở London được xem là phiên bản nổi tiếng nhất của sắc lệnh năm 196 TCN, nhưng nó không phải là phiên bản duy nhất. “Nội dung sắc lệnh nêu rõ, các sắc lệnh sẽ được khắc trên đá và dựng lên ở tất cả các ngôi đền của Ai Cập”, Regulski nhắc lại. “Vì vậy, giả dụ mọi ngôi đền đều có một bản sao của sắc lệnh này, thì phiến đá Rosetta [chỉ] là một trong những bản sao đó.” Đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hơn hai chục mảnh bản khắc rời rạc tương tự.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2007 với tạp chí Smithsonian, ông John Ray – tác giả cuốn sách Phiến đá Rosetta và Sự tái sinh của Ai Cập cổ đại, chia sẻ rằng “phiến đá Rosetta thực sự là chiếc chìa khóa, không chỉ đơn giản là mở ra cánh cửa bước vào thế giới Ai Cập cổ đại; nó còn là chìa khóa để giải mã chính nó”.
Ông kết luận, “hãy nhớ lại thời điểm trước khi phiến đá được phát hiện. Tất cả những gì chúng ta biết về thế giới cổ đại chỉ xoay quanh Hy Lạp, La Mã và Kinh Thánh. Chúng ta ý thức được rằng có những nền văn minh lớn khác, như Ai Cập, nhưng họ đều rơi vào câm lặng. Với việc giải mã được phiến đá Rosetta, họ có thể cất lên tiếng nói của riêng mình, và bỗng nhiên, mở ra những trang sử mới”. □
Anh Thư dịch