Polaroid thay đổi cách nghĩ về nhiếp ảnh

75 năm trước, với tầm nhìn xa và sự hiểu biết thiên bẩm về sức mạnh của nhiếp ảnh, Edwin Land đã cho ra mắt máy ảnh Polaroid, thay đổi mãi mãi cách chúng ta nghĩ về nhiếp ảnh.

Edward Land (trái) – Nguồn: AP.

Chuyện này có thể xảy ra bất kì lúc nào mỗi ngày: Một cô bé đòi xem bức ảnh mà cha mẹ vừa chụp cho mình. Ngày nay, nhờ điện thoại thông minh và các loại máy ảnh kĩ thuật số, chúng ta có thể ngay lập tức xem được bức ảnh vừa chụp, dù muốn hay không. Nhưng vào năm 1943, khi một cô bé đòi xem bức ảnh mà cha cô vừa chụp trong kì nghỉ gia đình, công nghệ đó vẫn chưa ra đời. Vậy là cha cô bé, Edwin Land, đã phát minh ra nó.

Sau đó ba năm, Land và Công ty Polaroid đã nhận thấy điều kì diệu của việc chụp ảnh (gần như) lấy ngay. Phần cứng xử lý và phơi sáng phim được nằm trong máy ảnh, không có gì phức tạp cho người dùng, chỉ cần ngắm, chụp và rồi quan sát hình ảnh hiện lên trên tấm phim, sau khi nó ra khỏi chiếc máy. Ngày 21/2/1947, lần đầu tiên Land giới thiệu về công nghệ mới của mình trong buổi gặp gỡ với Hiệp hội Quang học Hoa Kỳ.

Năm 1948, máy ảnh chụp lấy ngay Polaroid lần đầu được tung ra thị trường, Land Camera, với mức giá hướng đến tầng lớp trung lưu thời hậu chiến, đã tạo ra một sự náo loạn trong các cửa hàng và ngay lập tức bán “cháy” hàng. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều đột phá công nghệ mà Land đã phát minh và thương mại hóa, hầu hết đều tập trung vào ánh sáng và cách nó tương tác với vật chất. Công nghệ được sử dụng để chiếu phim 3D, cùng với chiếc kính chúng ta đeo trong rạp khi xem, đều do Land (và các đồng nghiệp) sáng chế. Máy ảnh trên máy bay do thám U-2 là một sản phẩm của Land. Ông cũng nghiên cứu các vấn đề lý thuyết, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về hóa học và vật lý. 

Bước đột phá quang học đầu tiên của Edwin Land, từ khi còn khá trẻ, là việc ông tìm ra một phương pháp thuận tiện, với chi phí phải chăng, để kiểm soát một trong những tính chất cơ bản của ánh sáng: sự phân cực.

Mặc cho sự đón nhận của mọi người đối với Land Camera, máy ảnh chụp lấy ngay ban đầu vẫn bị nhiều chuyên gia coi là “thiết bị dành cho người nghiệp dư”. Thế rồi, tại một cuộc gặp gỡ khác của Hiệp hội Quang học Hoa Kỳ, Land đã gặp người mà sau này đã giúp ông thay đổi hoàn toàn quan điểm trên. Đó là Ansel Adams, một nhiếp ảnh gia phong cảnh tài ba người Mỹ. Trên tư cách là một bậc thầy về kĩ thuật, Adams đưa ra ý kiến về cách hệ thống máy ảnh có thể được cải tiến. Ngay tại sự kiện, Land chiêu mộ Adams về làm cố vấn.

Mối quan hệ này, cùng với tính cầu toàn sẵn có của Land, đã khiến Polaroid đạt được chất lượng hình ảnh tiêu chuẩn cao hơn bao giờ hết. Gói phim nguyên bản liên tục được cải tiến và sau cùng được biến đổi thành thứ mà Land gọi là “phim tích hợp” – một gói kín gồm phim âm bản, chất tráng phim và một tấm chắn hóa học đục màu, sẽ chuyển thành trong suốt ngay khi hình ảnh đã hiện ra. Những chiếc máy ảnh này đã phát triển thành những kiệt tác mang đầy tính thẩm mỹ, như chiếc SX-70 ra mắt năm 1972. Thực tế, đó cũng là cách mà đa số mọi người nghĩ về Polaroid: một thiết bị đẹp mắt, tạo ra các bức ảnh có khung viền trắng chỉ bằng một nút bấm. Nhưng về mặt khoa học, sự đóng góp của Polaroid, hay Edwin Land, còn nhiều hơn thế. 

Bước đột phá quang học đầu tiên của Edwin Land, từ khi còn khá trẻ, là việc ông tìm ra một phương pháp thuận tiện, với chi phí phải chăng, để kiểm soát một trong những tính chất cơ bản của ánh sáng: sự phân cực. Trước Land, các nhà nghiên cứu đã chế tạo phương pháp để kiểm soát sự phân cực nhờ vào đá thạch anh, nhưng chúng chỉ làm giảm tốc độ hoặc biên độ của sóng ánh sáng truyền theo những hướng cụ thể. Land đã tạo ra các “tấm phân cực” bằng cách phát triển các tinh thể nhỏ, nhúng chúng vào các tấm nhựa và làm thay đổi ánh sáng đi qua tùy theo hướng của nó so với các hàng tinh thể. Bộ phân cực không tốn kém của ông đã khả thi hóa việc lọc ánh sáng, một cách bảo đảm và thực tế, để từ đó chỉ những bước sóng với hướng cụ thể mới được đi qua.  

Land Camera, Model 95A – Nguồn: Lindsay Moe/Bapt.

Năm 1937, Land thành lập Công ty Polaroid để thương mại hóa công nghệ mới của mình. Tấm phân cực của ông được ứng dụng rộng rãi, từ việc xác định các hợp chất hóa học cho đến sản xuất kính râm. Bộ lọc phân cực đã trở thành tiêu chuẩn trong nhiếp ảnh để giảm độ chói. Ngày nay, nguyên lý ánh sáng phân cực được sử dụng trong hầu hết các màn hình máy tính và điện thoại di động để tăng cường độ tương phản, giảm độ chói và thậm chí bật/tắt từng điểm ảnh. Bộ lọc phân cực cũng giúp các nhà nghiên cứu hình dung các cấu trúc mà khó nhìn thấy được bằng cách khác – từ các đặc điểm thiên văn học (astronomical features) đến cấu trúc sinh học. 

Không đơn thuần là một doanh nhân, Land thực sự đặt niềm tin vào các sản phẩm của mình và muốn phát triển tối đa tiềm năng của chúng. Theo gợi ý của Adams, Land dành nhiều năm để sáng tạo ra Polaroid 20×24, một chiếc máy ảnh khổ lớn có khả năng tạo ra cả bản in khổng lồ lẫn âm bản tương ứng. Với độ phân giải đáng kinh ngạc và khả năng phóng to vô hạn, nó đại diện cho đỉnh cao của hình ảnh Polaroid.

Land cũng thành lập một thư viện cho các tác phẩm đương đại. Để củng cố sự phát triển các sản phẩm của mình, ông trau dồi cho những người đang thực hành nhiếp ảnh, cung cấp phim cho họ để đổi lấy sự đóng góp của họ cho Bộ sưu tập Polaroid. Dần dần, kho lưu trữ của thư viện sở hữu những tác phẩm của Robert Frank, Andy Warhol, Walker Evans, Robert Mapplethorpe và André Kertész; cũng có cả tác phẩm của học sinh, nhân viên, những người chụp nghiệp dư, các dự án cộng đồng.

Những đóng góp trên đã đưa ra minh họa rõ nhất về tầm nhìn cốt lõi của Land. Giống như nhiều con người xuất chúng của thời nay, động lực đằng sau những công việc của Land là ý tưởng kết nối những con người bình thường; cùng với một động lực cá nhân, như ông từng nói: “Đừng đảm nhận một dự án, trừ khi dự án đó thực sự quan trọng và bất khả thi”. 

Dự án bất khả thi

Thật không may, Land không có cơ hội chứng kiến sự hiện thực hóa cuối cùng cho những ý tưởng của mình. Năm 1977, công ty tung ra Polavision, một hệ thống xem phim tức thì mà ông đã theo đuổi trong nhiều năm, bất chấp việc bị nhiều cố vấn thân cận khuyên ngăn. Trước khi kịp phát hành, sản phẩm đã bị thay thế bởi băng ghi hình. Thảm họa tài chính này khiến công ty mất gần nửa tỉ USD, và tệ nhất là dẫn đến việc Land phải từ chức Chủ tịch vào tháng 3/1980.

Sự kiện này có thể được coi là khởi đầu cho sự suy thoái của Polaroid, suốt cuối những năm 1980 và 1990, công ty thua lỗ và gánh những khoản nợ khổng lồ. Trong những năm cuối đời, Land rút khỏi công ty và qua đời vào năm 1991, ở tuổi 81, chỉ chín tuần sau khi World Wide Web ra đời. Năm 2001, Polaroid nộp đơn phá sản. Công ty được mua lại bởi chi nhánh đầu tư của tổ chức tài chính Hoa Kỳ BankOne, sau đó được bán với giá 180 triệu USD cho Tập đoàn Petters Group Worldwide vào năm 2005. 

Giống như nhiều con người xuất chúng của thời nay, động lực đằng sau những công việc của Land là ý tưởng kết nối những con người bình thường; cùng với một động lực cá nhân, như ông từng nói: “Đừng đảm nhận một dự án, trừ khi dự án đó thực sự quan trọng và bất khả thi”. 

Tháng 2/2008, 60 năm sau khi Land ra mắt chiếc máy ảnh chụp lấy ngay đầu tiên, chủ sở hữu mới của Polaroid đã quyết định ngừng sản xuất phim. Họ cho rằng thời điểm đó đã đặt dấu chấm hết cho sứ mệnh của nhiếp ảnh lấy ngay.

Nhiều người hâm mộ Polaroid đã phát động một chiến dịch để dòng phim yêu thích của họ được tiếp tục duy trì. Nhiều người mua hết số hàng tồn, số khác thì bán lại cho bạn bè cùng đam mê. Trong số đó có doanh nhân người Áo tên Florian Kaps. May mắn thay, anh nhận ra điều mà đội ngũ Polaroid không hề thấy: các sản phẩm của Polaroid được thanh lý chóng vánh là vì mọi người vẫn còn muốn có nó. Mặc dù kỹ thuật số đã trở thành tiêu chuẩn cho cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, nhưng nhiếp ảnh analog, hay máy ảnh phim, cũng đang trải qua một thời kỳ phục hưng lặng lẽ.

Kaps nảy ra một ý tưởng. Anh liên hệ với Polaroid và cố gắng mua bản quyền cũng như máy móc cần thiết để tự mình sản xuất phim. Thời điểm đó, nhà máy đã được lên kế hoạch phá dỡ, tất cả máy móc đáng lý đã được bán đi làm phế liệu. Tuy nhiên, khi trò chuyện với người quản lý cũ, Andre Bosman, Kaps biết rằng kế hoạch này bị hoãn và thiết bị vẫn còn nguyên vẹn. Hai người bắt đầu thảo luận về tính khả thi của việc phục hồi hoạt động kinh doanh. 

Trong vài ngày tiếp theo, hai người tìm cách trì hoãn việc phá hủy thiết bị nhà máy để có thời gian mua lại chúng. Quá trình diễn ra thuận lợi hơn dự kiến, do Tập đoàn Petters đang trên bờ vực sụp đổ – chủ sở hữu tập đoàn, Tom Petters, bị bắt vì tội lừa đảo và lĩnh án tù 50 năm. “Vui vẻ” tận dụng tình thế này, Kaps huy động được 2,6 triệu đô vốn ban đầu rồi ký hợp đồng thuê tòa nhà.

Kaps và Bosman đặt tên cho dự án kinh doanh này là Dự án Bất khả thi (The Impossible Project), họ bắt đầu với đội ngũ nhân viên cốt cán từ công ty Polaroid cũ. Đến tháng 3/2010, cả nhóm đã thành công ra mắt hai loại phim. Dù rằng loại phim mới này chỉ có màu đen trắng, không sắc nét và không nhanh bằng phiên bản trước đó, lại còn cần tránh tiếp xúc với ánh sáng ngay khi rời khỏi máy ảnh, nhưng điều quan trọng là nó đã có kết quả. 

Trong khi chủ sở hữu mới nhất của thương hiệu Polaroid, sau thời Petters, đang tập trung vào việc số hóa hình ảnh, thì dự án Bất khả thi không chỉ duy trì ngọn lửa đam mê ngày xưa, mà còn mang niềm vui của nhiếp ảnh lấy ngay đến với làn sóng người dùng mới.

“Chúng tôi bán cho những khách hàng trung thành của Polaroid, nhưng phần lớn người mua lại ở độ tuổi từ 13 đến 25… Thế hệ trẻ bây giờ có vẻ thích những bức ảnh chạm được vào” – người phát ngôn của công ty chia sẻ.

Năm 1970, Land từng dự đoán về sự tồn tại của máy ảnh lấy ngay: “một chiếc máy ảnh mà bạn sẽ sử dụng thường xuyên, như bút chì hay kính mắt của mình…, một thứ gì đó sẽ đồng hành với bạn mỗi ngày”. 

Những sự kiện gần đây đã cho thấy, những người thừa kế di sản của Land đều đem những cống hiến của ông vào công cuộc theo đuổi cái mới. Với mạng xã hội Instagram, các hình ảnh khi đăng tải đều được xử lý theo phong cách cổ điển, chủ yếu là định dạng vuông – tái tạo tính thẩm mỹ của Polaroid, cũng như các giao diện đều mang lại cảm giác hoài cổ về một kỷ nguyên “thuần túy” (organic) của nhiếp ảnh. Thậm chí, thương hiệu của Instagram còn sử dụng hình ảnh các sọc cầu vồng của Polaroid. 

Không phải ngẫu nhiên mà các hình ảnh trên điện thoại thông minh đã gặp phải nhiều chỉ trích như Polaroid trong những ngày đầu ra mắt. Với một số người theo chủ nghĩa thuần túy, đó đơn giản không được coi là nhiếp ảnh thực sự. Dẫu sao, nhiều chuyên gia có tiếng cũng đang sử dụng công cụ này. Sự khác biệt nằm ở lĩnh vực thực hành mà từng công cụ đem lại hiệu quả cao nhất. Trong khi tông màu hội họa của Polaroid quyến rũ những cộng đồng làm nghệ thuật, tốc độ và khả năng truyền tải dễ dàng mà các ứng dụng trên điện thoại thông minh mang lại lại khiến chúng phù hợp cho thế giới nhiếp ảnh báo chí.

Nếu Land còn sống đến ngày hôm nay, hẳn ông ấy vẫn sẽ là người đi đầu trong những sự phát triển như vậy. Ông là một người có tầm nhìn xa và sự hiểu biết thiên bẩm về sức mạnh của nhiếp ảnh. Như nhà vật lý và triết học Philip Morrison đã nói về những đổi mới của Polaroid vào năm 1972, “một phương tiện để ta có thể đưa thêm bố cục phong phú vào trí nhớ của mình. Hơn thế, chúng còn giúp hé lộ ý nghĩa của hình ảnh, thứ đã tô điểm rất nhiều cho cuộc sống con người”. □

Lan Oanh tổng hợp 

Nguồn: 

https://www.smithsonianmag.com/innovation/polaroid-inventor-edwin-land-gave-us-more-than-just-instant-photos-180969119/
https://www.thenationalnews.com/arts/polaroid-instantly-changed-photography-and-its-legacy-lives-on-1.369318

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)