Probiotics: Tăng chất lượng chăn nuôi mà không để lại tồn dư

Với sản phẩm probiotics do Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội), các hộ, các cơ sở sản xuất chăn nuôi sẽ không phải lo ngại đến chất tồn dư trong thịt gia súc, gia cầm.  

Sản phẩm probiotics là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa một nhóm nghiên cứu do PGS.TS Dương Văn Hợp, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội) dẫn dắt phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ NN&PTNT). Hai bên đã cùng chung nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu sản xuất probiotics và enzym tiêu hóa dùng trong chăn nuôi”, một nhánh trong “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” của Bộ NN&PTNT quản lý từ năm 2006.

Đây là sản phẩm cần thiết cho thị trường chăn nuôi Việt Nam, khi nhu cầu probiotics ngày càng cao do các loại thuốc kháng sinh dùng trong chăn nuôi không còn được chấp nhận do dư lượng thuốc ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của thịt gia cầm, gia súc, đặc biệt với các mặt hàng xuất khẩu. Vì vậy ngành chăn nuôi trong nước đã phải tìm đến những chế phẩm sinh học để ngăm ngừa dịch bệnh và kiểm soát chất lượng, phẩm chất thịt gia cầm, gia súc. Tuy nhiên các probiotics nhập khẩu vừa có giá thành cao vừa có nhiều điểm chưa thật tương thích với vật nuôi trong nước, còn nguồn cung trong nước lại nhỏ lẻ thiếu đồng bộ và nguồn gốc chủng giống không rõ ràng. Nhìn nhận về hiện tượng này, ThS. Hoàng Văn Thái – Trưởng Phòng thí nghiệm Công nghệ lên men và Phát triển sinh phẩm, Viện VSV&CNSH cho biết: “Việt Nam chưa có biện pháp hữu hiệu về kiểm soát và đánh giá chất lượng các sản phẩm này, nên dẫn đến hậu quả đáng lo ngại về vệ sinh an toàn toàn thực phẩm, đặc biệt nếu người dân chỉ có thói quen dùng kháng sinh thì sẽ nguy hại đến cả người và vật nuôi do tình trạng kháng thuốc”.

Sự hợp tác nghiên cứu giữa Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học (ĐHQGHN) và Viện Chăn nuôi quốc gia trên đề tài “Nghiên cứu sản xuất probiotics và enzym tiêu hóa dùng trong chăn nuôi” đã cho ra đời chế phẩm Probiotics lợi khuẩn đường ruột cho vật nuôi. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sản phẩm này có khả năng giúp vật nuôi thay đổi cấu trúc của các quần thể vi sinh vật đường ruột theo chiều hướng có lợi, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm phản ứng viêm; ngăn cản sự xâm nhập và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, tăng sản xuất các axit béo bay hơi; tăng cường quá trình tổng hợp các vitamin nhóm B, tăng hấp thu chất khoáng; làm giảm cholesterol huyết thanh, tăng năng suất vật nuôi, giảm hàm lượng amoniac và ure trong chất thải. Một nét đặc biệt của sản phẩm probiotics là hết sức an toàn với vật nuôi và thân thiện với môi trường nên các hộ, các cơ sở sản xuất chăn nuôi khi chọn probiotics sẽ không phải lo ngại đến chất tồn dư trong thịt gia súc, gia cầm, qua đó an toàn cho người tiêu dùng.

Nhận định về két quả nghiên cứu, PGS. TS Dương Văn Hợp coi đó là ví dụ tiêu biểu “chứng minh nhóm nghiên cứu của Viện từng bước làm chủ công nghệ, thu hồi và phát triển sinh phẩm đưa các ứng dụng của đối tượng vi sinh vật vào đời sống”, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành chăn nuôi từ việc tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm. Là người trực tiếp làm công tác nghiên cứu, PGS Hợp cho biết phương châm của nhóm là tìm ra những sản phẩm hữu ích, giá thành rẻ và phù hợp với điều kiện chăn nuôi Việt Nam để ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất.

“Tiếng lành đồn xa”, những ưu điểm của sản phẩm probiotics đã được nhiều đơn vị trong nước biết đến. Hiện tại, sản phẩm của Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học đã có mặt tạ Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An… Viện Chăn nuôi Quốc gia, đối tác nghiên cứu của Viện, cũng tiến hành ký kết nhiều đơn đặt hàng phục vụ chương trình hỗ trợ nông thôn.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)