Quản lý đổi mới sáng tạo tại DN vừa và nhỏ

Đại học Ngoại thương Hà Nội mới đây đã phối hợp với   Đại học Khoa học ứng dụng Seinajoki (Phần Lan) thực hiện dự án “Quản lý đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (I-SME).

Đào tạo hỗn hợp

Ý tưởng của dự án I-SME bắt đầu từ khái niệm Triển vọng của Mô hình ba vòng xoáy “triple helix” với vai trò của cả ba đối tượng Nhà nước, doanh nghiệp và trường/viện, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ chốt vì là người thực hiện đổi mới sáng tạo (ĐMST). I -SME, nhấn mạnh hai yêu cầu là linh hoạt và thực tiễn.

Để đáp ứng yêu cầu linh hoạt, I-SME lựa chọn hình thức đào tạo hỗn hợp thay vì đào tạo hoàn toàn trực tuyến. Việc bổ sung những buổi học truyền thống giúp tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên, cũng như giữa các học viên. Do đó, mỗi module được triển khai trong thời gian 3-4 tuần, trong đó có hai ngày đào tạo vào cuối tuần, thời gian còn lại, các học viên tương tác thông qua website.

TS Đào Ngọc Tiến, điều phối viên dự án I-SME, cho biết, mặc dù có sự kết hợp giữa các chuyên gia Phần Lan có kinh nghiệm và kiến thức hiện đại và các chuyên gia, giảng viên Việt Nam (hiểu biết về thực tiễn tại Việt Nam), đáp ứng yêu cầu về tính thực tiễn luôn là thách thức với các khóa đào tạo cho doanh nghiệp như I-SME. Nếu các giảng viên chỉ xây dựng nội dung bài giảng dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của bản thân sẽ không đáp ứng được yêu cầu của I-SME vì chuyên gia Phần Lan không hiểu rõ đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam, còn giảng viên Việt Nam lại chưa có kiến thức sâu về đổi mới sáng tạo. Ngược lại, hình thức tư vấn doanh nghiệp, theo đó, các giảng viên làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp sẽ giúp có được những kế hoạch đổi mới sáng tạo cho từng doanh nghiệp nhưng lại không giúp nâng cao năng lực tự quản trị đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp do thiếu nội dung lý thuyết. Do đó, phương thức được lựa chọn trong dự án I–SME là phương pháp doanh nghiệp ảo. Cụ thể, phương pháp doanh nghiệp ảo được thực hiện ở mỗi module như sau:

Trước khi bắt đầu, các học viên được yêu cầu thực hiện các bài tập trước (pre- assignment) nhằm giúp học viên nhìn nhận và đánh giá thực tiễn của doanh nghiệp mình, cũng như cung cấp thông tin cho giảng viên. Chính các thông tin được cung cấp thông qua các bài tập trước này là đầu vào cho việc xây dựng và điều chỉnh nội dung bài giảng trong các buổi học.

Trong các buổi học, giảng viên cung cấp các nội dung lý thuyết phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp, với các ví dụ minh họa từ chính các bài tập trước của các doanh nghiệp học viên và những thực tiễn tốt (best practices) trên thế giới. Thông qua các hoạt động trao đổi, thảo luận, các học viên khác cũng có thể tham gia ý kiến đóng góp để tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Sau các buổi học, các học viên được yêu cầu thực hiện các bài tập sau. Về cơ bản, các bài tập sau là sự tự hoàn thiện bài tập trước của học viên trên cơ sở lý thuyết được cung cấp và các ý kiến trao đổi góp ý của giảng viên và các học viên khác trong các buổi học. Các bài tập sau cũng được kỳ vọng chính là các phần của một kế hoạch đổi mới sáng tạo có thể sẵn sàng triển khai thực hiện.

Càng trẻ càng khao khát đổi mới

Trong thời gian thực hiện dự án, từ tháng 3/2012 đến 6/2013, đã có hai khóa đào tạo, mỗi khóa dài bốn tháng với 18 học viên, chủ yếu đến từ ngành dịch vụ và liên quan ít nhiều đến ứng dụng của công nghệ thông tin như công cụ tìm kiếm, sách điện tử, Internet TV, thương mại điện tử. Phần lớn học viên đều nắm giữ các chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, CEO hoặc trưởng phòng/bộ phận, thể hiện xu hướng đổi mới “từ trên xuống” tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong số các doanh nghiệp tham gia khóa học, có hai doanh nghiệp Nhà nước, hai doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp còn lại (tương đương 85%) là doanh nghiệp tư nhân. Phần lớn các doanh nghiệp đều mới thành lập, doanh nghiệp lâu nhất từ năm 2002, thậm chí có doanh nghiệp mới thành lập hai năm. Điều này hoàn toàn phù hợp với một số nghiên cứu trước đây cho rằng các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trẻ năng động và khao khát đổi mới hơn.

Thành công, ở một mức độ nhất định, của dự án I-SME, là kết quả hợp tác giữa các bên: Đại học Khoa học ứng dụng Seinajoki, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo IPP và đặc biệt là các doanh nghiệp – họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà chính là những đồng tác giả của chương trình đào tạo quản trị ĐMST, của các tình huống nghiên cứu.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)