Quản lý trật tự xây dựng bằng công nghệ học sâu
Mới đây, một số quận huyện của TPHCM đã ứng dụng các công nghệ vào việc quản lý trật tự xây dựng đô thị và tài nguyên môi trường. Tại UBND quận Bình Tân, công nghệ học sâu lần đầu tiên được đưa vào sử dụng góp phần xác định nhanh các công trình xây dựng trái phép.
Bình Tân là một quận nội thành mới được thành lập năm 2003, có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của TPHCM. Dân số quận Bình Tân đã tăng gần 111% từ năm 2004-2021.
Tốc độ đô thị hóa nhanh của quận Bình Tân dẫn đến nhu cầu xây dựng nhà ở rất lớn. Nhiều năm nay, quận Bình Tân luôn nằm trong nhóm các quận cấp giấy phép xây dựng hằng năm cao nhất của TPHCM. Trong giai đoạn 2010-2020, UBND quận cấp hơn 6.000 giấy phép xây dựng mỗi năm. Bên cạnh các dự án phát triển nhà ở và số lượng nhà ở riêng lẻ được cấp phép xây dựng, có một số lượng không ít các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Tại Hội nghị ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý hành chính công ở TPHCM do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức mới đây, ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết, do đặc thù địa bàn rộng, lực lượng cán bộ quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế, tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra khá phức tạp. Việc phát hiện công trình vi phạm của các cơ quan chức năng hoàn toàn dựa trên công tác kiểm tra trên thực địa và việc áp dụng công nghệ còn rất hạn chế.
Được sự hỗ trợ của Phòng Thí nghiệm truyền thông đa phương tiện (thuộc Trường Đại học Công nghệ Thông tin) và Trung tâm Công nghệ thông tin (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), UBND quận đã đưa vào sử dụng ứng dụng “Không ảnh tích hợp Bình Tân” từ tháng 10/2022 để hỗ trợ công tác quản lý và phát triển đô thị, trong đó có công tác quản lý trật tự xây dựng.
Cụ thể, ứng dụng tích hợp nhiều lớp dữ liệu trên nền tảng GIS. Trong đó, có 27 lớp dữ liệu, với 17 lớp dữ liệu không ảnh (ảnh trên không) và 10 lớp dữ liệu về công trình xây dựng qua các năm.
Bằng phương thức chồng các lớp dữ liệu không ảnh gần nhất và lớp dữ liệu công trình xây dựng các năm, lớp dữ liệu quy hoạch phân khu,… mô hình học sâu cho kết quả khu vực có công trình vi phạm trật tự xây dựng. Cán bộ quản lý dựa trên thông tin này để xuống kiểm tra trực tiếp, xem xét hồ sơ quy hoạch, giấy tờ liên quan để xác định vi phạm.
Theo ông Kiên, ứng dụng này giúp cán bộ quản lý xây dựng phát hiện nhanh các khu vực có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là ở các khu vực không phù hợp quy hoạch để xây dựng nhà ở, từ đó ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm, và xử lý dễ dàng hơn so với việc cưỡng chế, tháo dỡ khi công trình đã xây xong.
Nguyễn Long
(Visited 3 times, 1 visits today)