Quỹ VINIF tài trợ cho 28 dự án khoa học góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn ở Việt Nam
28 dự án nhận tài trợ năm nay thuộc nhiều lĩnh vực như gen và tế bào, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, năng lượng tái tạo, vật liệu thế hệ mới… Đây đều là những dự án có tính ứng dụng cao, có thể mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.
Đó là chia sẻ của GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, tại Lễ ký kết tài trợ dự án Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ năm 2020.
GS Vũ Hà Văn cho biết, trong năm 2019, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã tài trợ cho 20 dự án với tổng giá trị 124 tỷ đồng. Cùng với đó, ngay từ khi đại dịch Covid xảy ra, từ tháng 2/2020 VINIF đã triển khai gói tài trợ khẩn cấp cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó Covid-19, với tổng kinh phí tài trợ gần 20 tỷ đồng. “Qua một thời gian thực hiện, các dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể và góp phần giải quyết được những vấn đề thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới như là nghiên cứu vaccine, hệ thống cảnh báo chống Covid-19, phát triển công nghệ 3D, những loại vật liệu nano mới…”
Trong năm 2020, dù “là một năm rất đặc biệt trong lịch sử thế giới, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi mặt của đời sống”, nhưng Quỹ VINIF vẫn tài trợ 136 tỷ đồng cho 28 dự án. “Trong thời điểm này, chúng tôi vẫn mong muốn có thể đầu tư bài bản và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà nghiên cứu chuyên tâm vào các dự án khoa học” – GS Vũ Hà Văn giải thích.
GS. TSYK. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức và PGS.TS Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VinIF đại diện ký kết tài trợ dự án giữa VINIF và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Ảnh: VINIF
Để xét duyệt các đề tài, Quỹ VINIF đã thành lập một hội đồng xét duyệt với hơn 50 chuyên gia đầu ngành trong cả nước thuộc 22 lĩnh vực khác nhau để đánh giá các hồ sơ từ 76 trường đại học. Các chuyên gia sẽ đưa ra nhận xét cụ thể dựa trên 5 tiêu chí: Mức độ cần thiết của đề tài; Năng lực nghiên cứu của tác giả, cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện; Tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học; Tác động tới kinh tế – xã hội; Tính thuyết phục của mục tiêu cũng như giá trị khoa học – công nghệ của sản phẩm, dịch vụ. Các dự án vào vòng trong tiếp tục trải qua quá trình xét duyện từ các chuyên gia uy tín trong nước, quốc tế và cả các chuyên gia tài chính. “Chúng tôi không chỉ đánh giá về mặt ý nghĩa khoa học, năng lực đội ngũ, mà còn cả tính khả thi, tiến trình thực hiện trong từng giai đoạn của mỗi dự án” – PGS. Hà Dương chia sẻ.
Sau 3 vòng đánh giá, xét chọn nghiêm ngặt của hội đồng khoa học cùng sự tư vấn của hơn 50 giáo sư, tiến sĩ như: GS Đặng Đức Anh (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW), GS Hồ Tú Bảo (Viện NCCC về Toán), GS Phan Thanh Sơn Nam (ĐHQG TP HCM), GS Nông Văn Hải (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago), GS Nguyễn Thái Thục Quyên (ĐH California), GS Đỗ Ngọc Minh (VinUni)…, Quỹ đã chọn ra được 28 dự án nhận tài trợ từ 139 hồ sơ gửi về trong năm nay. Với suất tài trợ cao nhất lên tới 10 tỷ đồng, giải ngân ngay trong tháng 10, các nhà nghiên cứu sẽ có nguồn lực kịp thời để chi trả cho thành viên dự án, thuê chuyên gia trong và ngoài nước, mua nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế…
Không dừng lại ở đó, theo GS Văn, thay vì để các dự án tự ‘loay hoay’, Quỹ VINIF sẽ hỗ trợ cho các dự án như giới thiệu chuyên gia tư vấn, tạo điều kiện giới thiệu, ứng dụng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nghiên cứu vào thực tế, tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để các dự án tiếp tục hoàn thiện và phát triển sau khi dự án kết thúc…
Ngoài ra, “chúng tôi dự định sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các dự án để các nhóm nghiên cứu có thể trao đổi và trình bày với nhau về tiến trình thực hiện cũng như những kết quả của mình” – PGS.TS Phan Thị Hà Dương bổ sung thêm. Đây cũng là điều mà PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho là hợp lý, bởi ông mong muốn “VINIF không chỉ là quỹ tài trợ cho các dự án riêng lẻ, mà còn là nơi tổ chức các chương trình nghiên cứu lớn để kết nối nhiều trường đại học, viện nghiên cứu với nhau, từ đó gắn kết nghiên cứu đổi mới sáng tạo với đào tạo sau đại học, gắn kết doanh nghiệp với cơ sở nghiên cứu…”