Richard Feynman và công ty khởi nghiệp máy tính

Bốn thập niên trước, một sự việc không tiền khoáng hậu đã xảy ra khi nhà vật lý đoạt giải Nobel năm 1965 Richard Feynman đến ‘xin việc’ ở một startup công nghệ.

Ảnh Tư liệu.

Tên tuổi của Richard Feynman (1918 – 1988) không chỉ quen thuộc với tất cả những người nghiên cứu vật lý lý thuyết, mà còn với cả những người làm trong các lĩnh vực khoa học khác. Thậm chí, rất nhiều người bình dân ở Mỹ cũng biết đến ông như một nhà khoa học huyền thoại của đất nước. Feynman đã nhận được giải Nobel Vật lý năm 1965 vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực điện động lực học lượng tử, và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới. Trong cuộc thăm dò năm 1999 của 130 nhà vật lý hàng đầu thế giới do tạp chí Physics World của Vương quốc Anh thực hiện, ông được xếp là một trong 10 nhà vật lý vĩ đại của mọi thời đại1

Thời sinh viên, Feynman đã tỏ ra có năng lực toán đặc biệt. Ông theo học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ban đầu, ông dự định theo học chuyên ngành toán nhưng sau đó chuyển sang kỹ thuật điện, vì cho rằng toán học quá trừu tượng. Nhưng ông nhanh chóng nhận thấy ngành kỹ thuật điện quá thực tế không phù hợp với mình, và cuối cùng quyết định chuyển sang học vật lý mà ông cho rằng “nằm ở đâu đó giữa toán và kỹ thuật điện”.  Ngay từ năm học đầu tiên Feynman đã nhanh chóng được công nhận là sinh viên thực sự xuất sắc vượt trội. Bạn học năm thứ nhất của ông kể lại những kỷ niệm khó quên ở lớp của giáo sư Julius Stratton, người sau này trở thành Viện trưởng MIT. GS. Stratton là một nhà vật lý được ngưỡng mộ với quyển sách ‘Lý thuyết Trường điện từ’ của ông, vốn được coi là ‘kinh thánh (Bible)’ của sinh viên và nhiều nhà vật lý lúc bấy giờ. Tuy vậy, thỉnh thoảng ông cũng thiếu chuẩn bị cho bài giảng, và hệ quả thường thấy là ông sẽ dừng lại một cách ngượng ngùng, một chút đỏ ửng trên khuôn mặt. Sau một khoảnh khắc do dự, ông sẽ hỏi, “Mr. Feynman, anh giải quyết vấn đề này như thế nào?” và Feynman sẽ rụt rè tiến lên bảng và đưa ra giải đáp của mình, luôn đúng và thường là rất khéo léo.2  


Đóng góp mà ông tự hào nhất trong khuôn khổ dự án “Manhattan Project”  là một chương trình tính hàm số logarit do chính ông phát minh ra, không chỉ bởi đó là một thuật toán thông minh mà nó còn được sử dụng rộng rãi trong khoa học tính toán.

Feynman và máy tính lượng tử  

Feynman nổi tiếng với trí tuệ sâu rộng của mình, và khoa học tính toán là một trong nhiều chủ đề khiến ông say mê. Ông quan tâm đến các ứng dụng khoa học của máy tính, nhưng cũng rất tò mò về cách phần cứng và phần mềm của máy tính hoạt động như thế nào, cũng như về các vấn đề cơ bản trong lý thuyết tính toán. Những sở thích này được phản ánh đầy đủ trong “Các bài giảng của Feynman về Tính toán (The Feynman n Lectures on Computation)”.  

Có lẽ câu nói nổi tiếng nhất của Feynman về máy tính lượng tử năm 1981 “Chết tiệt, Tự Nhiên không [tuân theo vật lý] cổ điển, và nếu bạn muốn mô phỏng Tự nhiên, tốt hơn hết là bạn hãy làm theo cách của cơ học lượng tử, và đó là một vấn đề tuyệt vời vì nó không có vẻ dễ dàng.” Trên thực tế, đó cũng có thể là một câu nói có sức ảnh hưởng hết sức lớn đối với một lĩnh vực được coi là đột phá của cuộc cách mạng Lượng tử. 2.0 (Quantum 2.0) hiện đang xảy ra3. Chỉ cần lướt qua hầu hết các bài báo tổng quan (review) về máy tính lượng tử (quantum computer – QC), hay các dự án đăng ký nghiên cứu và phát triển QC cũng như lời mời gọi đầu tư của các công ty khởi nghiệp QC vv, ta có thể dễ dàng thấy ngay trích dẫn câu nói này của Feynman. Đối với các công ty khởi nghiệp QC thì để các nhà đầu tư – nhất là các quĩ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) mở rộng hầu bao thì có lẽ không mấy ai có sức thuyết phục hơn Feynman. 

Tuy vậy, những đóng góp của Feynman vào lĩnh vực tính toán dường như rất thực tế và cụ thể, thậm chí ông đã tham gia vào một công ty khởi nghiệp năm 1983 rất lâu sau khi được trao giải Nobel Vật lý, khi đang ở trên đỉnh cao khoa học được cả thế giới ngưỡng mộ. Niềm đam mê máy tính của Richard bắt nguồn từ những ngày ông còn làm việc ở Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos trong khuôn khổ dự án “Manhattan Project” chế tạo bom nguyên tử (1941-1945). Chính ở đó, ông được giao phụ trách nhóm “máy tính”, tức là một nhóm những người vận hành những chiếc máy tính cơ học. Đóng góp mà ông tự hào nhất là một chương trình tính hàm số logarit do chính ông phát minh ra, không chỉ bởi đó là một thuật toán thông minh mà nó còn được sử dụng rộng rãi trong khoa học tính toán. Niềm đam mê của ông đối với lĩnh vực này tăng cao vào cuối những năm 1970, khi con trai ông bắt đầu nhập học chương trình máy tính tại MIT.

Hình ảnh Richard Feynman mặc chiếc áo phông có biểu tượng của Connection Machine đã trở nên nổi tiếng vào những năm 1990 khi Apple sử dụng trong chiến dịch “Think different” của họ. Ảnh: tamikothiel.com

Tham gia công ty khởi nghiệp máy tính4

Theo W. Daniel Hillis, người sau này trở thành một nhà phát minh sáng chế có tiếng về công nghệ máy tính, kể lại thì Feynman đã vô cùng vui sướng khi được Hillis mời ông tham gia một công ty start-up do anh và các bạn học thành lập năm 1983. Lúc bấy giờ, Hillis đang còn là một nghiên cứu sinh tại Phòng Thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo của MIT (MIT Artificial Intelligence Lab), và con trai của ông,  Carl đang là sinh viên năm dưới tham gia các nghiên cứu giúp cho luận án của Hillis.  

Hillis kể lại một hôm vào mùa xuân năm 1983, trong khi đang cùng ăn trưa với Feynman, anh đã  trình bày với ông rằng anh đang lên kế hoạch thành lập một công ty để xây dựng một cỗ máy tính có một triệu bộ xử lý có thể thể thực hiên các phép tính  song song. Phản ứng của Feynman khi nghe ý tưởng này là một biểu hiện kinh ngạc không che giấu được. Ông thốt lên “Đó thực sự là ý tưởng ngớ ngẩn nhất mà tôi từng được nghe”. Đối với ông, một ý tưởng điên rồ là cơ hội để chứng minh nó sai hoặc chứng minh nó đúng. Cả hai điều đó, dù thế nào đi nữa cũng đều khiến ông thích thú. 

Hillis và các bạn học của anh đang cố gắng thiết kế một cỗ máy tính có tốc độ đủ nhanh để có thể thực hiện những lập luận thông thường, những chức năng của các mô hình trí tuệ nhân tạo như chúng ta đã biết. Theo như Hillis và các bạn của anh hình dung, cỗ máy sẽ như một hệ thống chứa một triệu những chiếc máy tính nhỏ được kết nối với nhau bằng mạng lưới liên kết trao đổi thông tin giữa chúng. Họ gọi đó là “Cỗ máy Kết nối (Connection Machine)”. Do bởi luôn quan tâm đến các hoạt động của con trai mình, Feynman đã theo dõi sát sao dự án đó. Ông tỏ ra hoài nghi về ý tưởng này, nhưng bất cứ khi nào họ gặp nhau tại một hội nghị hoặc khi Hillis đến thăm CalTech là nơi Feynman làm việc, họ sẽ thức đến tận sáng sớm để thảo luận về các chi tiết của cỗ máy. Buổi găp gỡ vào giờ ăn trưa nói trên vào mùa xuân năm 1983 là lần đầu tiên Feynman dường như tin rằng Hillis và các bạn của anh sẽ thực sự cố gắng xây dựng cỗ máy đó.


Triết lý của Feynman là các ý tưởng có vẻ điên khùng rất đáng được xem xét nghiêm túc.

Feynman đến Boston vào ngày sau khi công ty được thành lập trong khi Hillis và các bạn đang bận rộn huy động vốn, tìm nơi thuê, phát hành cổ phiếu, v.v. Công ty được tọa lạc trong một biệt thự cũ ở ngoại ô thành phố. Khi Feynman xuất hiện, các nhà sáng lập công ty đang tranh cãi về việc đặt tên của công ty. Họ còn chưa kịp hoàn hồn sau cú sốc khi thấy đã có vài triệu đô la nằm trong tài khoản nhà bank của công ty ngay cả khi chưa kịp đặt tên cho nó. Feynman bước vào và nói như một tân binh “Richard Feynman báo cáo có mặt, xin nhận nhiệm vụ. OK, sếp, nhiệm vụ của tôi là gì?” Nhóm sinh viên còn chưa tốt nghiệp của MIT đang ngồi họp há hốc mồm, vô cùng kinh ngạc về sự xuất hiện của nhà khoa học lừng danh.

Sau một cuộc thảo luận riêng vội vã, họ báo với Feynman rằng nhiệm vụ của ông là tư vấn về việc áp dụng phương pháp tính toán song song vào các vấn đề khoa học. “Nghe có vẻ như một mớ nhảm nhí”, ông nói. “Hãy giao cho tôi một việc gì đó thực tế để làm”.

Thế là họ bèn cử ông đi mua một số đồ dùng văn phòng. Trong khi ông đi vắng, họ bàn bạc và cho rằng một bộ phận đáng lo ngại nhất của cỗ máy là bộ định tuyến (router) truyền tín hiệu từ bộ xử lý này sang bộ xử lý khác. Họ không chắc chắn rằng thiết kế của họ sẽ hoạt động hiệu quả. Khi Feynman mua bút chì trở về, họ giao cho ông nhiệm vụ phân tích các bộ định tuyến.

Richard Feynman và Stephen Wolfram chụp tại Thinking Machines năm 1986. Ảnh: Physics Today

Bộ định tuyến của Cỗ máy Kết nối là một thiết bị phần cứng cho phép các bộ xử lý (các máy tính nhỏ) giao tiếp với nhau. Việc kết nối giữa các bộ xử lý bằng các dây dẫn là không thực tế vì một triệu bộ xử lý sẽ cần tới 1000 tỷ dây kết nối (nếu chỉ mất một phút cho một mối nối thì mất khoảng 3 đến 4 triệu năm mới nối xong). Cần nói thêm rằng, vấn đề như thế đã được giải quyết với các chip AI với hàng tỷ transistor và cũng chính nhờ chip tiên tiến như vậy mà công nghệ AI đã bùng nổ trong những năm gần đây. Lúc bấy giờ, thay vào sử dụng các dây nối, các nhà sáng lập công ty đã lên kế hoạch kết nối các bộ xử lý bằng một khối siêu lập thể có 20 mặt để mỗi bộ xử lý có thể liên lạc trực tiếp với 20 bộ xử lý khác sử dụng quy luật lan truyền sóng điện từ qua cấu trúc hình học của khối lập thể. Vì nhiều bộ xử lý phải giao tiếp cùng một lúc nên nhiều dữ liệu sẽ phải tranh nhau truyền trên cùng một kênh kết nối. Nhiệm vụ của bộ định tuyến là tìm một kênh (đường truyền) không bận trong khi nhiều kênh khác đang bị tắc nghẽn để thực hiện các giao tiếp. Hoặc, nếu không thể tìm được một kênh như thế thì phải giữ thông tin trong một bộ đệm cho đến khi có một đường dẫn hết tắc nghẽn. Hillis và các bạn của anh giao cho Feynman giải đáp câu hỏi là liệu các bộ đệm đã đủ cho các bộ định tuyến hoạt động hiệu quả hay chưa.

Trong những tháng đầu tiên đó, Feynman bắt đầu nghiên cứu sơ đồ mạch định tuyến như thể chúng là những vấn đề cơ bản của tự nhiên như ông vẫn thường làm. Ông sẵn sàng lắng nghe những lời giải thích về cách thức và lý do tại sao mọi thứ hoạt động, nhưng về cơ bản, ông thích tự mình tìm hiểu mọi thứ bằng cách mô phỏng hoạt động của từng mạch bằng bút chì và giấy.

Mọi người vui mừng vì đã tìm được một việc làm cho Feynman thấy hứng thú và bận rộn. Họ bắt tay vào việc tuyển dụng những kỹ sư đầu tiên. Quan trọng nhất là họ đã thyết phục Cơ quan Các Chương trình Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Defense Advanced Research Projects Agency – DARPA) tài trợ cho việc phát triển nguyên mẫu (prototype) cỗ máy tính kết nối đầu tiên của họ. Feynman đã làm một việc đáng nể là rất tập trung vào “nhiệm vụ được giao” của mình, thỉnh thoảng ông chỉ dừng làm việc để giúp mọi người đi dây điện phòng máy tính, lắp đặt điện thoại, và… bắt tay khách khứa cũng như các nhà đầu tư. Nhiều vị khách đến thăm công ty đã rất sốc khi thấy một nhà khoa học huyền thoại, người đoạt giải Nobel Vật lý đang ngồi hàn bảng mạch điện hoặc đang sơn tường. Thỉnh thoảng, ông vui vẻ nhắc nhở Hillis và các bạn của anh họ là những người điên rồ như thế nào. Cuối cùng, khi các nhà sáng lập đã chọn được tên công ty, ‘Thinking Machines Corporation’, ông đã rất vui mừng. “Tốt lắm. Bây giờ tôi không cần phải giải thích với mọi người rằng tôi đã làm việc với một nhóm người điên. Tôi chỉ cần nói cho họ biết tên công ty”. 


Connection Machine chính là cỗ máy của một mô hình AI mặc dù lúc bấy giờ khái niệm đó không được nhắc tới.  

Mức độ phức tạp về mặt kỹ thuật của dự án thực sự đã vượt quá khả năng cũng như dự kiến ban đầu của các nhà sáng lập công ty. Để đơn giản hóa, họ bắt đầu chế tạo một hệ thống chỉ có 64.000 bộ xử lý, nhưng ngay cả như vậy cũng hết sức khó khăn. Họ phải thiết kế mạch tích hợp silicon, các bộ xử lý và định tuyến của riêng họ, phát minh ra cơ chế làm mát, lắp ráp, lập trình, cách kiểm tra các bộ xử lý đồng thời, v.v. Ngay cả những vấn đề đơn giản như nối các bảng mạch với nhau cũng hoàn toàn mới mẻ với hàng chục nghìn bộ xử lý. Hillis kể lại rằng nếu họ hiểu được tính chất phức tạp ngay từ đầu thì có lẽ họ đã không bao giờ dám bắt đầu dự án đó.

Cũng trong thời gian này, Feynman đã đứng ra tổ chức các buổi seminar thường kỳ với diễn giả được mời là những người có những ý tưởng thú vị liên quan đến công việc của công ty Thinking Machines Corporation. Trong buổi seminar đầu tiên, Feynman đã mời John Hopfield, một người bạn của ông ở CalTech đến nói chuyện về kế hoạch xây dựng mạng nơ-ron nhân tạo của Hopfield. Vào năm 1983, việc nghiên cứu mạng nơ-ron nhân tạo cũng gây ra nhiều tranh cãi và không ít người coi John Hopfield là hơi điên khùng. Trái lại, Feynman cho rằng ý tưởng của Hopfield rất thích hợp với Thinking Machines. Như chúng ta đã biết, năm 2024, John Hopfield đã được trao giải Nobel Vật lý về những nghiên cứu mạng nơ-ron nhân tạo của ông đã đặt nền móng cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và cuộc cách mạng AI đang xảy ra. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy triết lý của Feynman là các ý tưởng có vẻ điên khùng rất đáng được xem xét nghiêm túc.    

Những gì Hopfield đã phát minh ra là một cách xây dựng một hệ thống có thể ghi nhớ các mẫu hình dạng qua ‘trí nhớ kết hợp’ (associate memory) hay trí nhớ liên tưởng. Để sử dụng trí nhớ liên tưởng, người ta sẽ phải huấn luyện hệ thống với một loạt các mẫu hình dạng, chẳng hạn như hình ảnh các mẫu chữ cái trong bảng chữ cái. Sau đó, khi trí nhớ được hiển thị một mẫu mới, nó có thể nhớ lại một mẫu tương tự mà nó đã thấy trong quá khứ. Một hình ảnh mới của chữ “A” sẽ “nhắc nhở” trí nhớ về một chữ “A” khác mà nó đã thấy trước đó. Hopfield đã tìm ra cách xây dựng được một bộ nhớ như vậy từ một mạng lưới các nơ-ron nhân tạo mô phỏng các chức năng tương tự của mạng tế bào thần kinh của bộ não5.

Phương pháp của Hopfield tỏ ra hiệu quả với cỗ máy Connection Machine. Feynman đã sử dụng mỗi một bộ xử lý  để mô phỏng từng nơ-ron của mạng Hopfield. Do bản chất song song của thuật toán Hopfield, tất cả các bộ xử lý có thể được sử dụng đồng thời với hiệu suất 100%, do đó Connection Machine sẽ nhanh hơn hàng trăm lần so với bất kỳ máy tính thông thường nào. Trên thực tế, Connection Machine chính là cỗ máy của một mô hình AI mặc dù lúc bấy giờ khái niệm đó không được nhắc tới.  

Vào cuối mùa hè năm 1983, Feynman đã hoàn thành các phân tích của ông về hoạt động của bộ định tuyến. Kết quả của ông khiến mọi người ngạc nhiên và thích thú. Ông trình bày kết quả phân tích của mình dưới dạng một tập hợp các phương trình đạo hàm và tích phân. Đối với một nhà vật lý, điều này có vẻ tự nhiên, nhưng với một nhà thiết kế máy tính thì điều đó rất kỳ quặc vì hệ thống là một tập hợp các mạch nhị nhân (Boolean) với các biến số rời rạc. Các phương trình của Feynman cho thấy chỉ cần năm bộ đệm cho mỗi bộ định tuyến, trong khi các phân tích của các nhà thiết kế cho biết cần đến bảy bộ đệm. 

Thoạt tiên, các kỹ sư thiết kế quyết định bỏ qua các tính toán kỳ quặc của Feynman nhưng các con chip thiết kế với bảy bộ đệm có kích thước quá lớn không chế tạo được và cách duy nhất để giải quyết là cắt giảm số lượng bộ đệm trên mỗi con chip xuống. Vì các kết quả của Feynman khẳng định rằng 5 bộ đệm hoạt động tốt, họ quyết định lấy con số bộ đệm đó. May mắn thay, Feynman đã đúng. Khi họ lắp ráp các con chip, cỗ máy đã hoạt động. Chương trình đầu tiên chạy trên cỗ máy vào tháng 4/1985 là trò chơi “Game of Life” một trò chơi do nhà toán học người Anh John Horton Conway phát minh vào năm 1970 dựa trên khái niệm  cellular automata (tạm dịch là sao chép tự động tế bào đơn vị). 

Từ những năm 1940, khái niệm cellular automata được sử dụng để mô phỏng mạng tinh thể như một sự sao chép của các ô đơn vị của tinh thể và nhiều mô hình toán phức tạp khác. Sự quan tâm của Feynman đối với cellular automata được thúc đẩy bởi những người bạn của ông là Ed Fredkin và Stephen Wolfram, cả hai đều bị mê hoặc bởi ý tưởng sử dụng cellular automata xây dựng mô hình các hệ vật lý. Feynman thường nói với họ rằng ông coi các ý tưởng của họ là “kỳ quặc”, nhưng cũng giống như ‘cỗ máy kết nối’ và mạng tế bào nơ-ron nhân tạo của John Hopfield đều được Feynman coi là điên rồ, chúng đều đáng được bỏ công nghiên cứu. Vào những năm 1980, nhà vật lý lý thuyết trẻ Wolfram của Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Đại học Princeton, và đã dành một số thời gian làm việc tại Thinking Machines. Wolfram đã sử dụng cỗ máy kết nối’ nghiên cứu cellular automata và tạo ra một bộ phim tuyệt đẹp mô phỏng dòng chảy của chất lỏng hỗn loạn. Bộ phim khiến tất cả nhiều người, đặc biệt là Feynman, hết sức phấn khích về mô phỏng vật lý. Những nghiên cứu này đã giúp Wolfram vào năm 1988 phát minh ra phần mềm Mathematica nổi tiếng được các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà vật lý lý thuyết yêu thích. Bản thân Wolfram cũng đã sáng lập ra công ty phần mềm máy tính Wolfram Mathematica.     

Feynman, người giải thích

Trong khi đó, Hillis và các đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi phải giải thích cho mọi người biết họ đang làm gì với các cỗ máy của họ. Họ nhận thấy rằng mắt của các quan khách tỏ ra đờ đẫn khi bắt đầu được nghe giải thích về sơ đồ và tình trạng hoạt động của máy móc. Cuối cùng, Feynman đã giúp các kỹ sư giải thích cho khách khứa. 

Hillis và lãnh đạo công ty đã cố gắng tận dụng tài năng của Feynman bằng cách để ông nhận xét phê bình các bài thuyết trình kỹ thuật giới thiệu sản phẩm của công ty. Trước khi công bố sản phẩm thương mại Connection Machine CM-1 và tất cả các sản phẩm tương lai của công ty, Feynman sẽ đưa ra lời nhận xét và phê bình từng câu về bài thuyết trình đã được chuẩn bị. “Đừng nói ‘sóng âm bị phản xạ’, hãy nói ‘tiếng vọng’” hoặc “Quên hết mấy thứ ‘cực tiểu, cục bộ’ ấy đi. Chỉ cần nói có một bong bóng bị kẹt trong tinh thể và bạn phải lắc cho nó bật ra”. Không gì khiến ông tức giận hơn việc biến một thứ đơn giản thành phức tạp.

Dự án cuối cùng Hillis làm cùng với Feynman là về mô phỏng quá trình tiến hóa. Hillis đã viết một chương trình máy tính mô phỏng quá trình tiến hóa của quần thể sinh vật sinh sản hữu tính qua hàng trăm nghìn thế hệ. Kết quả thật đáng ngạc nhiên khi tình trạng thể lực của cả quần thể tiến triển với những thay đổi đột biến thay vì cải thiện đều đặn như dự đoán. Các bằng chứng hóa thạch dường như cho thấy quá trình tiến hóa sinh học cũng có thể biểu hiện thay đổi “đột ngột” như vậy. Feynman và Hillis quyết định xem xét kỹ hơn lý do tại sao điều đó xảy ra. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu Hillis đã tìm được một cuốn sách về chủ đề này, và điều khiến anh thất vọng là tất cả “phát hiện” của họ đều được đề cập trong vài trang đầu của quyển sách. Khi Hillis gọi lại và nói với Feynman điều đó, ông đã rất vui mừng. “A ha, chúng ta đã đúng!”, ông nói. “Quả là không tệ đối với những người nghiệp dư”.

Nhìn lại, hầu hết mọi thứ Feynman làm trong lĩnh vực tính toán đều với tư cách của một người nghiệp dư. Nhưng cũng giống như nhiều trường hợp khác trong lịch sử, chính những người nghiệp dư đã tạo nên những tiến bộ.□

Sự tồn tại của Thinking Machines Corporation (TMC) là một chuỗi những thăng giáng, tan hợp đáng kinh ngạc. Với việc tạo ra một số siêu máy tính mạnh nhất thời bấy giờ, đặc biệt nhất là bốn máy tính nhanh nhất thế giới năm 1993 đều là Connection Machine, TMC đã trở thành công ty dẫn đầu thị trường về siêu máy tính song song. 
Tuy nhiên, đáng chú ý là thành công ban đầu của TMC chủ yếu dựa các hợp đồng với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA). Không thể tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh dài hạn theo cách này, do đó vào tháng 8/1994, TMC đã nộp đơn khai phá sản theo Chương 11, tức là tái tổ chức công ty. Bộ phận phần cứng của TMC được một công ty công nghệ Mỹ là Sun Microsystems mua lại. Bộ phận còn lại của TMC hoạt động như một công ty phần mềm chuyên về các công cụ phần mềm cho máy tính song song và phần mềm khai thác dữ liệu được một công ty công nghệ đa quốc gia là Oracle Corporation mua lại vào năm 1999. Sau đó, Oracle tiếp tục mua lại cả Sun Microsystems, qua đó tái hợp nhất phần lớn tài sản trí tuệ của Thinking Machines.

New York, 03/04/2025.

——-

1. https://en.wikipedia.org/wiki/Richard_Feynman

2. Theodore A. Welton “Memories of Feynman”, Physics Today 60 (2), 46–52 (2007).

3. https://www.amazon.science/publications/quantum-computing-40-years-later

4. W. Daniel Hillis, “RICHARD FEYNMAN AND THE CONNECTION MACHINE”, Physics Today 42 (2), 78–83 (1989); https://doi.org/10.1063/1.881196

5. Nguyễn Trung Dân ‘Từ bộ não người đến trí tuệ nhân tạo.’ Tuổi Trẻ Cuối Tuần 20/10/2024.   https://cuoituan.tuoitre.vn/tu-bo-nao-nguoi-den-tri-tue-nhan-tao-20241018093056808.htm

6. https://en.wikipedia.org/wiki/Wolfram_Mathematica

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025

Tác giả

(Visited 66 times, 66 visits today)