Robot hay sự tái sinh của Michelangelo?

Những cỗ máy hiện đại liệu có thể thay thế phần nào sức lao động hay những mũi chạm trổ tinh xảo của con người ngay trên cái nôi của ngành điêu khắc?

Robot chỉ mất bốn ngày ‘đẽo gọt những vật chất dư thừa’ để thoát thai nên tác phẩm điêu khắc này.

Để hiểu được sự diệu kỳ và bí ẩn của đá cẩm thạch Carrara, hãy bắt đầu leo một ngọn núi trong vùng. Con đường nhựa mấp mô một làn xe dẫn đến lưng chừng núi được nối tiếp bằng một lối nhỏ ngoằn ngoèo đầy đá, cọ xát vào bánh khiến chiếc xe giật nảy lên như món đồ chơi. Đó là do các khối đá vỡ ra, rơi khỏi vách núi khi có mưa lớn hoặc do dê núi leo trên sườn dốc. Con đường rất hiểm trở với những dốc cao và khúc ngoặt gấp luôn ngăn cản chiếc xe tải tiếp tục hành trình.

Địa điểm khai thác đá là một khoảng đất trống khoét vào núi, nơi đặt các vật tư thiết bị như bồn nước, xe tải, xe nâng và các máy móc hạng nặng. Các công nhân dùng cưa điện cắt sâu mỗi 10 feet vào sườn núi để thu từng khối đá. Trông ra xa, dãy Apuan Alps khiến tầm mắt choáng ngợp với những đỉnh núi cao lởm chởm, ánh lên màu phấn cẩm thạch tựa như được bao phủ bởi tuyết trắng. Không chỉ tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, loại đá quý bản địa còn gầy dựng nên nền văn minh rực rỡ suốt hơn 2,000 năm của vùng Tuscany.

Các nô lệ La Mã cổ đại, bằng rìu và nêm, đã lấy cẩm thạch từ núi đá để xây dựng cột chiến thắng Trajan và nhiều phần của đền Pantheon. Kể từ đó, các thế hệ nhà điêu khắc vĩ đại đã bị Carrara thu hút, từ Bernini, Canova và Rodin đến Jean Arp và Henry Moore. Nhưng không một ai gắn bó với Carrara hơn Michelangelo, và có lẽ ông là nhà điêu khắc vĩ đại nhất từng sống ở đây. 

Robot chỉ mất bốn ngày ‘đẽo gọt những vật chất dư thừa’ để thoát thai nên tác phẩm điêu khắc này.

Năm 1497, khi mới 22 tuổi, ông đã đến tìm loại đá trắng nhạt lí tưởng cho tượng Đức Mẹ sầu bi, La Pietà, kiệt tác điêu khắc thời Phục hưng đầu tiên của ông đang được trưng bày bên trong Nhà thờ Thánh Peter ở Rome. Bruni giải thích rằng Michelangelo đã phải băng qua những ngọn núi vùng này để tìm kiếm những khối đá cẩm thạch hoàn hảo, phải là loại statuario nguyên chất gần như không có silica mới toát lên được dáng điệu và sức sống con người.

Michelangelo đã làm thân với những thợ khai thác, thợ cắt và thợ chạm để được ưu ái dành cho những khối đá tốt nhất, theo những hướng dẫn chính xác về hình dạng và kích thước mà ông mong muốn. Hình bóng của ông vẫn phảng phất đâu đây quanh các khu mỏ, vang vọng câu danh ngôn huyền thoại: “Mỗi khối đã đều có một bức tượng bên trong chờ nhà điêu khắc khám phá.”

Nhiếp ảnh gia người Anh tại New York là Caleb Stein bị mê hoặc bởi những khoảnh khắc khám phá thiên tài, khi “gợn sóng mơ hồ về hình hài nhân vật dần hiện lên trong khối đá cẩm thạch thô ráp”. 

Ngày nay một khu công nghiệp bên ngoài Carrara là bản doanh của một nhóm nhà điêu khắc đá cẩm thạch, với những công cụ robot tự động và mạnh mẽ thuộc về Công ty Litix (trước có tên là Robotor). Để sáng tỏ từng đường nét điêu khắc về cơ thể con người, Stein đã tới Carrara ghi lại quá trình robot tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. “Tôi muốn ghi cận cảnh robot khi chúng đang làm việc. Tôi muốn phô ra nét dịu dàng và gợi cảm của quá trình, như khi tôi chụp một bức chân dung.”

Litix là con đẻ của Filippo Tincolini, một nhà điêu khắc được đào tạo ở Carrara, cùng Giacomo Massari, một doanh nhân địa phương, cả hai đều ở tuổi ngoài 40. Trong nhiều thập kỷ, các nhà điêu khắc Carrara đã sử dụng những máy móc nhỏ như máy mài điện, máy cưa phủ kim cương và máy đục khí nén. Tincolini nhìn thấy cơ hội để tiến xa hơn nữa. “Cha tôi sản xuất các bộ phận điện cho dây chuyền lắp ráp và mặc dù tôi không muốn theo nghề kinh doanh của ông nhưng tôi đã học được từ ông”. Chàng thanh niên Tincolini mua và sửa đổi một robot trong dây chuyền lắp ráp ô tô. “Ban đầu, tôi không biết cách sử dụng, nhưng dần dần tôi đã vận hành thành công và tìm ra cách cải thiện nó.”

Hình bóng của Michelangelo vẫn phảng phất đâu đây quanh các khu mỏ, vang vọng câu danh ngôn huyền thoại: “Mỗi khối đã đều có một bức tượng bên trong chờ nhà điêu khắc khám phá.”

Hiện nay, Tincolini, Massari và nhóm kỹ thuật viên và nhà điêu khắc tạo ra các tác phẩm theo yêu cầu của các nghệ sĩ, kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế, đồng thời công ty cũng bán công nghệ của mình trên khắp thế giới, là các robot thương hiệu Litix với ba kích cỡ khác nhau, kèm phần mềm kỹ thuật số độc quyền sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Chúng quét mô hình 3D hoặc dựa vào bản thiết kế mô phỏng để tự động lập trình cho robot điêu khắc. 

Litix cũng đóng vai trò bảo tồn văn hóa. Vài năm trước, cộng tác với Viện Khảo cổ Kỹ thuật số, một tổ chức bảo tồn di sản của Đại học Oxford, họ đã dùng robot để tạo ra mô hình tỷ lệ 1/3 của cổng vòm Palmyra 1.800 năm tuổi đã bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tại Syria phá hủy vào năm 2015. Bản sao cao 20 feet, làm bằng đá cẩm thạch Ai Cập, mất năm tuần để sản xuất, đã được trưng bày tại nhiều thành phố khắp thế giới, kể cả London và Washington, D.C., và đang được vệ sinh và bảo trì ở Carrara. Hy vọng rằng nó sẽ sớm trở về gần với nguồn cội Palmyra. Thông điệp của Tincolini là, “Bạn có thể phá hủy nó, nhưng chúng tôi có công nghệ để làm cho nó tái sinh.”

Trong khu công nghiệp có một xưởng truyền thống với những chiếc kệ chứa đầy các tác phẩm điêu khắc cẩm thạch phục vụ tang lễ và cây thánh giá; các tác phẩm chạm khắc bằng tay có niên đại hàng thập kỷ và các tác phẩm đương đại của robot ‘chung sống’ trong khu xưởng.

Các mỏ đá trên đỉnh núi Apuan Alps của vùng Tuscany đã cung cấp nguyên liệu cho các nghệ sĩ và kiến trúc sư từ thời La Mã. Đây là nơi sản xuất nhiều đá cẩm thạch hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ảnh: Caleb Stein.

Massari tóm tắt thành tựu của mình: “Những việc trước đây phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm thì giờ có thể được thực hiện chỉ trong vài ngày. Máy chạy suốt ngày đêm, không đau ốm, không ngủ, không ngừng nghỉ.” 

Liệu Michelangelo hay những nhà điêu khắc vĩ đại khác xưa nay, những người đã dựa vào những thợ học việc trợ giúp họ tạo ra những kiệt tác, có tận dụng robot nếu công nghệ sẵn có? Chắc chắn như vậy, Massari nói. Để đến đích bạn có thể chọn đi bộ, cưỡi ngựa hoặc ngồi ô tô. Mỗi thuật toán cũng như một chiếc thước kẹp. Hãy chọn phương tiện thực hiện những việc khó khăn theo cách nhanh nhất, còn dành thời gian chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp của miền Carrara. 

Hiện tại, Litix đã tạo nên các tác phẩm điêu khắc cho nhiều nghệ sĩ, bao gồm kiến ​​trúc sư quá cố người Anh gốc Iraq Zaha Hadid, Jeff Koons người Mỹ và Giuseppe Penone, ngôi sao của phong trào Arte Povera (Nghệ thuật Nghèo nàn) của Ý. 

Sau đó, các thợ thủ công đã dành thêm 20 ngày điêu khắc tinh xảo bằng tay – “để mang lại sức sống cho tác phẩm”.

Massari mở cửa dẫn vào một xưởng chạm khắc như một hang động. “Chúng tôi đang tạo ra một kiệt tác – một thứ gì đó điên rồ, to lớn, vĩ đại. Một tác phẩm rất đặc biệt. Rất khó để tìm được một khối đá phù hợp, phải là màu trắng tinh, theo yêu cầu của một nhà điêu khắc nổi tiếng với danh tính còn phải giữ bí mật.”

Trong xưởng, ‘siêu sao’ của công ty, Robotor One, với cánh tay hình người bằng hợp kim kẽm dài 11 feet, đang miệt mài di chuyển tới lui để phay khối đá một cách có phương pháp. “Ngón tay” phủ kim cương quay với tốc độ nhanh mà mắt thường không thể bắt kịp, tia nước phun ra làm mát đầu kim đang tạo nên những đường ren phức tạp trên chiếc váy rộng lùng thùng của người phụ nữ. Máy sẽ hoàn thành tác phẩm nặng khoảng bốn tấn trong vòng 18 tháng,” Massari chia sẻ.

Hiện tại, các chi tiết cuối cùng của tác phẩm vẫn được thực hiện bởi con người. Trong xưởng vẽ ngay bên cạnh, một nhóm nhà điêu khắc đang tạo vân và chấm mờ bằng bột đá cẩm thạch theo yêu cầu của một nghệ sĩ người Anh nổi tiếng giấu tên. Tuy nhiên, ông chủ của Litix, như một nhà truyền giảng phúc âm, với đức tin tuyệt đối vào công nghệ, không hề mảy may ngờ vực về khả năng của máy móc có thể sánh ngang với đôi bàn tay tinh tế của những người thợ thủ công xuất sắc nhất.

Romina del Sarto, 53 tuổi, đang cặm cụi với một dụng cụ cầm tay nhỏ, cho biết: “Tôi vẫn theo lối truyền thống xưa, mọi thứ đều được thực hiện bằng tay”. Đôi giày, và thậm chí cả tóc của bà, bám đầy bụi đá cẩm thạch. Del Sarto bắt đầu làm việc trong xưởng điêu khắc của cha từ năm 17 tuổi. “Mọi người ở đây sống nhờ đá cẩm thạch và tôi rất trân quý công việc này,” bà nói. “Nhưng đôi khi Carrara cảm thấy như thể nó đang mất đi một phần lịch sử của mình.”

Thị trấn Pietrasanta vẫn còn lưu giữ ký ức sống về quá khứ vẻ vang dần phai nhạt của vùng. Đó chính là cụ ông Enzo Pasquini, người chỉ làm việc bằng các dụng cụ cầm tay suốt 70 năm, kể từ khi ngày còn là anh thợ học việc. Hiện đã 83 tuổi, cụ được biết đến trong khắp thị trấn như một bậc thầy có thể khắc những chi tiết phức tạp nhất lên đá.


Amore e Psiche – Psyche hồi sinh nhờ nụ hôn của Thần Ái tình, một kiệt tác tân cổ điển năm 1793 đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, được Antonio Canova hoàn thành trong năm năm. Robot của chúng tôi chỉ cần 270 giờ, tương đương gần 12 ngày, để tạo nên một bản sao.

Ngôi nhà của cụ nằm trong một trang trại nhỏ trồng ô liu và anh đào, một vườn nho, một vườn cây ăn quả, những vườn rau và hoa hồng. Bức tường trưng bày cá nhân dán các bức ảnh màu vàng chụp La Pietà của Michelangelo mà cụ bảo rằng đã truyền cảm hứng gắn bó với nghề cho mình trong phần lớn cuộc đời. “Tôi đã luôn làm việc từ đầu đến cuối, từ khối đá cẩm thạch khổng lồ đến tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Kể cả đục đá – một công việc nặng nhọc, nhưng khi còn trai trẻ thì tôi không nề hà”.

Các công cụ bao gồm búa, đục, cưa, nạo, giũa và thước kẹp cong bằng thép với nhiều kích cỡ. Ngoài ra còn có những công cụ do cụ tự chế, chẳng hạn như chiếc máy khoan cầm tay có tên “violin” cần hai người để vận hành: một người giữ tay cầm của mũi khoan, còn người kia kéo một sợi dây để đóng mũi khoan vào đá. “Chúng tôi dùng cái này khi chưa có máy khoan điện!”

Pasquini sử dụng các kỹ năng của mình chủ yếu để giúp người khác tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch; trong số các đối tác của cụ có ngôi sao điện ảnh Gina Lollobrigida, người sau này đã trở thành một nhà điêu khắc và nhiếp ảnh gia được kính trọng, bà qua đời vào tháng 1/2023. “Tôi không phải là một nghệ sĩ,” Pasquini nói. “Tôi chỉ là một thợ thủ công.” Nhưng cụ cũng có những tác phẩm điêu khắc của riêng mình, phần nhiều trong số đó được cụ giữ cho riêng mình trong nhà và xưởng vẽ — một cậu bé đang câu cá, nhỏ và sắc sảo; một em bé với những ngón tay mảnh dẻ; hay một bộ bài. 

Cụ cầm một dụng cụ khác làm bằng hai mảnh gỗ và một mỏ kẹp được giữ cố định bằng đinh dán. “Đây là robot của tôi, nếu muốn làm ra sản phẩm tốt, tôi phải làm theo cách cũ. Còn bạn phải đi theo thời đại. Ngày càng có ít người trẻ muốn lao động chân tay nặng nhọc. Nhưng bạn sẽ luôn cần những nghệ nhân điêu khắc với sự nhạy cảm tinh tế mà máy móc không thể nào chạm tới”. □

Cao Hồng Chiến dịch

Nguồn bài và ảnh: https://www.smithsonianmag.com/innovation/can-robots-replace-michelangelo-180983240/

Bài đăng Tia Sáng số 2+3(số Tết)/2024

Tác giả

(Visited 48 times, 1 visits today)