Robot sẽ được trao “tư cách pháp nhân” ở châu Âu?
Đồng thời với việc đề xuất xem xét khoản thu nhập cơ bản phổ quát cho con người trước viễn cảnh rô-bốt sẽ khiến nhiều người lâm cảnh thất nghiệp, một số thành viên Nghị viện châu Âu đề xuất xem xét trao các “quyền con người” cho rô-bốt.
Một số thành viên Nghị viện châu Âu đề xuất xem xét trao các “quyền con người” cho rô-bốt. Nguồn ảnh: Reuters
Nghị viện châu Âu mới đây đã thúc giục việc dự thảo một bộ các quy định nhằm quản lí việc sử dụng và chế tạo rô-bốt cũng như trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm việc xác lập “tư cách con người điện tử” để đảm bảo quyền và trách nhiệm đối với những trí tuệ nhân tạo thông minh nhất.
Trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 17/2, với hai phiếu trắng, Ủy ban các vấn đề pháp lí của Nghị viện châu Âu đã thông qua bản một báo cáo, trong đó phác thảo khuôn khổ của quy định.
Theo Mady Delvaux, thành viên Nghị viện châu Âu người Luxembourg, “Nhiều lĩnh vực trong cuộc sống đời thường của chúng ta ngày càng chịu ảnh hưởng của rô-bốt. Để giải quyết thực tế này và để đảm bảo rằng các rô-bốt đang và sẽ tiếp tục phục vụ con người, chúng ta cần khẩn trương tạo ra một khuôn khổ pháp lí mạnh mẽ ở châu Âu’’.
Tư cách pháp lí được đề xuất dành cho rô-bốt sẽ tương tự như tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, cho phép các công ty tham gia vào những vụ việc pháp lí cả ở vị trí của bên nguyên và bên bị. “Nó tương tự như tư cách hiện nay chúng ta quy định cho các công ty, nhưng không phải chuyện của ngay ngày mai. Những gì chúng ta cần hiện nay là tạo ra một khung pháp lí dành cho các rô-bốt đang có trên thị trường mới đây hoặc sẽ xuất hiện trong vòng 10 đến 15 năm nữa”, theo Delvaux.
Báo cáo tổng quát xác định một loạt lĩnh vực cần sự giám sát cụ thể từ Liên minh châu Âu, bao gồm:
- Tạo lập một cơ quan của châu Âu phụ trách các vấn đề về rô-bốt và AI;
- Một định nghĩa pháp lí về “rô-bốt tự chủ thông minh” với một hệ thống đăng kí tân tiến nhất;
- Một bộ quy tắc ứng xử mang tính tư vấn cho các kĩ sư chế tạo rô-bốt nhằm đưa ra các chỉ dẫn về đạo đức trong thiết kế, sản xuất và sử dụng rô-bốt;
- Một cơ chế báo cáo mới dành cho các công ty, đòi hỏi họ phải báo cáo những đóng góp của khoa học người máy và AI vào kết quả kinh doanh của công ty, nhằm phục vụ việc đánh thuế và đóng góp an sinh xã hội;
- Một chương trình bảo hiểm bắt buộc đối với các công ty nhằm chi trả cho những thiệt hại do rô-bốt của công ty họ gây ra.
Báo cáo cũng tập trung vào nguy cơ cạnh tranh thái quá từ các rô-bốt có thể dẫn đến tình trạng người lao động thất nghiệp trên diện rộng, và kêu gọi việc xem xét “nghiêm túc” thu nhập cơ bản phổ quát [khoản thanh toán tiền mặt vô điều kiện cho tất cả các công dân] như một trong các giải pháp.
Ashley Morgan, thuộc công ty luật quốc tế Osborne Clarke, nói rằng những đề xuất này sẽ “cực kì gây tranh cãi”. Theo ông, “Người ta có thể lập luận rằng, về bản chất, bộ luật được đề xuất trong cách giải quyết này sẽ trao các quyền con người cho rô-bốt. Điều đó sẽ không dễ được các công ty đang chế tạo rô-bốt và AI chấp nhận”.
“Nếu tôi tạo ra một con rô-bốt, và con rô-bốt đó tạo ra thứ có thể được cấp bằng sáng chế, thì tôi hay con rô-bốt sẽ sở hữu tấm bằng sáng chế đó? Nếu tôi bán con rô-bốt đó đi, thì tài sản trí tuệ mà nó đã phát triển có được bán đi cùng với nó không? Đây là những câu hỏi không dễ trả lời, và sẽ là trọng tâm của cuộc tranh luận này”, Morgan nói thêm.
Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu đối với đề xuất dự thảo này vào tháng Hai, và nó sẽ cần được thông qua bởi quá bán số thành viên của Nghị viện.
Vũ Thanh Nhàn dịch.
Nguồn: https://www.theguardian.com/technology/2017/jan/12/give-robots-personhood-status-eu-committee-argues