Robot trí tuệ vừa có khả năng kiếm soát suy nghĩ và hành động

Mặc dù máy móc và các sinh vật là hai chỉnh thể riêng biệt, nhưng chúng ta chưa bao giờ kết hợp năng lực trí tuệ của cả hai vào với nhau. Từ trước đến nay, chưa có loại robot nào có khả năng tương tác với môi trường xung quanh và với con người tương tự như cách AI trên máy tính và điện thoại ngày nay đang thực hiện.


Môn học “Physical AI” có thể mở đường cho sự ra đời của một loại robot thông minh giống như thật. Ảnh: Caroline Brogan, Imperial College London/techxplore.com

Giáo sư Mirko Kovac của Khoa Hàng không Vũ trụ Imperial và Trung tâm Vật liệu và Công nghệ Robot của Phòng thí nghiệm Liên bang Thụy Sĩ về Khoa học Vật liệu và Công nghệ (Empa), đồng tác giả chính của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Machine Intelligence, cho biết: “Sự phát triển về mặt ‘cơ thể’ của robot đã tụt hậu nghiêm trọng so với sự phát triển trong ‘não bộ’ của chúng. Không giống như AI kỹ thuật số – khái niệm mà chúng ta đã tường tận trong vài thập kỷ qua, việc đưa kết hợp năng lực như vậy hãy còn xa lạ”.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của khoảng trống này có thể là bởi chưa tồn tại một phương pháp giáo dục có hệ thống nào nhằm hướng dẫn sinh viên và các nhà khoa học tạo ra một sản phẩm hợp nhất giữa bộ não và cơ thể của robot.

Nghiên cứu mới đã đưa ra định nghĩa về thuật ngữ Physical AI và đề xuất một phương pháp để khắc phục khoảng trống trong kỹ năng này, đó là tích hợp các bộ môn khoa học lại với nhau để giúp các nhà nghiên cứu tương lai tạo ra được các robot giống như thật và sở hữu các khả năng có ở các sinh vật thông minh, chẳng hạn như phát triển khả năng kiểm soát cơ thể, khả năng tự chủ và cảm nhận cùng một lúc. Họ xác định năm môn học chính cần thiết để tạo ra Physical AI, bao gồm: khoa học vật liệu, cơ khí chế tạo, khoa học máy tính, hóa học và sinh học.

Giáo sư Kovac cho rằng: “Khái niệm AI thường bị giới hạn trong các khái niệm về máy tính, điện thoại và các tính toán dữ liệu chuyên sâu. Chúng tôi cho rằng cần nghĩ về AI theo nghĩa rộng hơn và cần phải phát triển cùng lúc các hình thái học vật lý, hệ thống học tập, cảm biến, bộ logic lỏng và dẫn động tích hợp. Physical AI sẽ là một “đường biên” mới trong lĩnh vực nghiên cứu robot và sẽ cho thấy ảnh hưởng trong những thập kỷ tới. Việc đồng thời phát triển các kỹ năng của sinh viên theo hướng tích hợp và đa ngành sẽ có thể khơi gợi một số ý tưởng mới mẻ cho các nhà khoa học và sinh viên”.

Theo các nhà nghiên cứu, muốn robot có được các chức năng tương tự như ở con người và động vật thì phải kết hợp môn robot học và trí tuệ nhân tạo thông thường với các bộ môn khác để tạo ra Physical AI như một môn học riêng. “Chúng tôi hình dung các robot Physical AI sẽ được phát triển trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng rất nhiều vật liệu và phương pháp nghiên cứu độc đáo khác nhau. Các nhà khoa học sẽ cần thêm nhiều kỹ năng rộng hơn để phát triển được loại robot như vậy. Và cũng do đó nên sự hợp tác liên ngành sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng”, giáo sư Kovac nhận định.

Các tác giả cũng đề xuất tăng cường các hoạt động nghiên cứu về Physical AI bằng cách hỗ trợ cho giáo viên ở các cấp độ tổ chức và cộng đồng; đề xuất tuyển dụng và hỗ trợ cho các giảng viên có ưu tiên nghiên cứu về Physical AI đa ngành.

Tiến sỹ Aslan Miriyev của Empa và Khoa Hàng không tại Imperial, đồng tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Việc chế tạo ra những con robot giống như thật cho đến nay vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, tuy nhiên nó có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta đưa môn Physical AI vào hệ thống giáo dục đại học. Việc phát triển các kỹ năng và nghiên cứu trong Physical AI có thể giúp chúng ta đến gần hơn việc xác định lại tương tác giữa con người với robot và giữa robot với môi trường”.

Các nhà khoa học cũng hy vọng rằng nghiên cứu của họ sẽ giúp thúc đẩy các cuộc thảo luận tích cực về chủ đề này và giúp tích hợp ngành Physical AI vào trong chương trình giáo dục chính thống và dự định sẽ triển khai phương pháp luận Physical AI trong các nghiên cứu và hoạt động giáo dục của mình để mở đường cho hệ sinh thái người – robot. □

Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://techxplore.com/news/2020-11-skills-physical-ai-birth-lifelike.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)