Sách “Cuộc chơi khởi nghiệp”: Chữ “tín” trong đầu tư

Trong bối cảnh khởi nghiệp là câu chuyện mà khắp nơi nói tới, những nhân vật chính trong câu chuyện vẫn không ít người còn đang lơ mơ: Nhà đầu tư là ai? Trông họ ra sao? Họ ra quyết định thế nào? Họ giúp gì được chúng ta?

Còn bản thân những người có tiền, mong muốn tìm những công ty/dự án tốt để đầu tư cũng không biết phải dựa trên những tiêu chí gì. Cả nhà đầu tư và người được đầu tư không biết sẽ duy trì quan hệ với nhau ra sao. Vì vừa e ngại vừa chưa hiểu biết, nên mối quan hệ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp trở nên cứng nhắc, không hiệu quả. Startup hoặc rơi vào trạng thái giữ thái độ dè dặt kém tự tin, sợ sệt mặc dù cần nhà đầu tư, hoặc rơi vào trạng thái tự mãn – cả hai đều khiến mối quan hệ đổ bể rất sớm. Nhà đầu tư cũng không ít người mang thái độ ban phát đi làm việc với startup, thậm chí can thiệp quá sâu vào vận hành doanh nghiệp dẫn đến thất bại cho cả hai.

Có thể bạn sẽ nghĩ truyền thống gia đình, kinh nghiệm và đương nhiên, tài chính, là ba yếu tố tạo nên một nhà đầu tư mạo hiểm thành công. Câu trả lời là không hẳn như vậy. Khi đọc kỹ cuốn sách, bạn sẽ thấy trong con người nhà đầu tư, sự yêu thích mạo hiểm là một tố chất. Họ muốn sử dụng tiền để tạo ra lợi nhuận, họ sẵn sàng hợp tác và làm việc với những doanh nhân giỏi khác để cùng đầu tư. Đích họ hướng tới là lợi nhuận (sự tăng trưởng của công ty và chiến lược thoái vốn khi cần), nhưng họ còn muốn hướng tới mối quan hệ lâu dài tốt đẹp với con người và doanh nghiệp mà họ đầu tư. Và không kém phần quan trọng, họ theo đuổi đam mê được làm một phần trong sự phát triển và đổi mới sáng tạo. Bạn sẽ nhận thấy niềm hạnh phúc của họ khi thương vụ họ đầu tư mở ra một ngành mới.

Cuốn sách được viết bởi một nhà đầu tư mạo hiểm điển hình – William Draper III – nhưng không được ca ngợi về những chiến tích trong đầu tư mà bởi tinh thần “fair-play”- chơi đẹp, hành xử lịch thiệp và đúng mực – giúp người đọc không chỉ hiểu về đầu tư mà còn trả lời được câu hỏi lớn – thế nào là “chơi đẹp” trong đầu tư? “Chữ tín” là câu trả lời. Nhà đầu tư chỉ muốn làm việc với những người mà họ tin tưởng. Và lòng tin này được khẳng định qua những yếu tố sau của một doanh nghiệp khởi nghiệp: Những ai đang cấp vốn cho công ty của bạn;  Đội ngũ doanh nhân của công ty; “Tiếp thị” sản phẩm và thị trường (đặc điểm thị trường, thuyết trình v.v); Hợp đồng/Thỏa thuận (tỷ lệ phân chia 50-50; 90-10; 80-20 v.v.); Mối quan hệ (mối quan hệ tư vấn, hỗ trợ tuyển dụng, tìm ứng viên mua bán sáp nhập, hay nhận định về CEO của doanh nghiệp, họp ban quản trị v.v.)

Đọc cuốn sách, bạn cũng sẽ hiểu rõ hơn về những giai đoạn sau khi đầu tư vào một dự án của quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong giai đoạn “Thử và sai”, vai trò của Ban Quản trị hỗ trợ đội ngũ quản lý mới sẽ như thế nào? Giai đoạn “Đầu tư rót vốn” đặt ra mục tiêu gì và mang tính quyết định cho giai đoạn sau ra sao? Ở giai đoạn “Kết thúc đầu tư / thoái vốn”, họ sẽ tìm lối thoát và giữ uy tín bằng cách nào?

Cuốn sách cũng đưa ra 10 lỗi cơ bản và tố chất của doanh nhân thành đạt. Điều này không chỉ giúp các doanh nhân khởi nghiệp tự soi lại mình mà còn là tiêu chí mà nhiều nhà đầu tư nên nhìn vào để đánh giá mỗi dự án mình định đầu tư. Là người giới thiệu cuốn sách này đến bạn, tôi thực sự khuyên bạn hãy đọc từng trang của cuốn sách một cách cẩn thận và ghi chép. Đó không chỉ là câu chuyện về đầu tư, đó là câu chuyện về nhiệt huyết, đam mê, tinh thần lao động nghiêm túc và sự chính trực làm nền tảng cho mọi thành công.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)