Sản phẩm xuất sắc là chưa đủ
Những người dân xã Bằng Cả lựa chọn rượu Bâu, một sản phẩm đầy tiềm năng, làm đặc sản tham gia chương trình OCOP (“Mỗi xã phường một sản phẩm”) của tỉnh Quảng Ninh. Họ đã đóng góp 300 triệu đồng thành lập công ty và xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên họ lại không đủ năng lực điều hành và công ty lâm vào khủng hoảng...
Dây chuyền, máy móc sản xuất rượu Bâu.
Người Dao Thanh Y chiếm tới 98% dân số của xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Rượu Bâu vốn là thức uống mà mọi gia đình Dao Thanh Y vẫn thường tự chế để dùng và mời khách quý trong những dịp lễ, tết. Rượu có độ cồn cao (khoảng 10-13%) nhưng lại có vị ngọt, gần giống rượu Barley của châu Âu. Điều thú vị khác là rượu Bâu gắn liền với một truyền thuyết của người Dao Thanh Y, kể rằng sau khi uống thứ “rượu trời cho” này, một con quỷ vốn tác oai tác quái trộm thóc và rình bắt trẻ con mỗi khi người lớn ở làng vào rừng săn bắt và làm nương bỗng nhiên trở nên hiền lành và ngoan ngoãn trở về rừng, không càn quấy dân làng nữa.
PGS. TS. Trần Văn Ơn, người dẫn đường cho phóng viên Tia Sáng tới xã Bằng Cả gọi rượu Bâu là “rượu vang gạo”. Nhìn ở khía cạnh nào thì quyết định của người dân Bằng Cả khi lựa chọn rượu Bâu tham gia chương trình OCOP là “không chê vào đâu được”. Đây vừa là đặc sản mang bí quyết của người Dao Thanh Y, vừa dễ uống, lại có câu chuyện hay để marketing, một sản phẩm có tiềm năng lớn ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu vì thị trường đồ uống Việt Nam tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, trong đó dòng sản phẩm như thức uống lên men (bia, rượu vang) còn tăng mạnh hơn nữa.
Ba mươi ba người dân tham gia chương trình đã thành lập Công ty cổ phần phát triển sản phẩm truyền thống Bằng Cả năm 2014 với rượu Bâu là sản phẩm đầu tiên, mỗi người đóng góp 10-20 triệu đồng và trở thành cổ đông. Chị Đặng Thị Thủy, một người trong số họ, chia sẻ với phóng viên Tia Sáng lí do mình tham gia: “Nếu bản thân mình làm thì sẽ không đi được xa còn nếu có công ty vào thì sẽ đưa hàng hóa của mình ra nhiều nơi xa hơn”.
Tuy nhiên, trong cuộc họp cổ đông gần nhất, không chỉ mình chị Thủy mà hầu hết các cổ đông đều quyết định rút vốn, không tham gia công ty nữa. Từ năm 2014 đến nay, công ty gần như không sản xuất được mẻ rượu nào.
Công nghệ chưa hoàn thiện, giám đốc thờ ơ
Giống như rất nhiều sản phẩm thủ công, rượu Bâu theo cách làm truyền thống không thể đảm bảo đúng các tiêu chuẩn chất lượng về rượu hay đồ uống có cồn theo quy định của Bộ Y tế, vì vậy chưa được bán rộng rãi (vì mỗi nhà làm một kiểu mà không phải lần nào làm cũng có màu và mùi vị giống nhau). Sản phẩm cũng không thể vận chuyển đi xa theo cách thông thường vì nhanh hỏng. Rượu Bâu sau khi làm xong phải uống ngay, để được chưa đến một tuần là hỏng, nếu muốn bảo quản trong thời gian vài tháng thì phải để ở nhiệt độ 0-20 C. Một yêu cầu bắt buộc là công ty phải có quy trình làm rượu thống nhất, đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất bài bản và nghiên cứu phương thức bảo quản nhưng vốn của các cổ đông đóng góp ban đầu chưa đủ để làm việc này. Vì vậy, chính quyền huyện xây dựng văn phòng, mua sắm trang thiết bị trị giá 600 triệu cho công ty với vốn đối ứng từ phía người dân chiếm 50%.
Tuy nhiên, sau khi cơ sở vật chất được xây dựng và hoàn thành thì một điều oái oăm xảy ra, hệ thống thiết bị máy móc không sản xuất được rượu Bâu! Mỗi khi rượu đi qua công đoạn sục khí cuối cùng là rượu mất màu và nhanh chua. Công ty mang rượu đến các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chương trình OCOP tại Quảng Ninh thì đến nơi phát hiện ra các chai đều hỏng, mở nắp chai rượu là “nó phì ra như kiểu có hơi gì”, theo lời chị Thủy.
Số tiền hơn 300 triệu mà các cổ đông đóng góp lúc đầu quá ít ỏi so với số tiền đối ứng với Nhà nước và chi phí vận hành công ty nên đến nay, công ty vẫn nợ nhà thầu xây dựng gần 200 triệu đồng. Vì vậy, không sản xuất được rượu thì công ty không hoạt động được đã đành mà cũng không thể trả tiền cho nhà thầu và không được bàn giao đất đai và nhà xưởng máy móc. Một cách dễ thấy để giải quyết tình trạng này là đi vay hoặc góp thêm vốn, nhưng Phó chủ tịch hội đồng quản trị của công ty, chị Trương Thị Oanh, hiện nay đang là Phó hiệu trưởng trường THCS Bằng Cả, phân trần rằng, công ty không thể đi vay ngân hàng vì không có hồ sơ đất (do tài sản chưa được bàn giao) và khi kêu gọi các cổ đông góp mỗi người 50 triệu đồng thì mọi người không chỉ phản đối mà nhất loạt đòi rút vốn.
Đến đây, sẽ có người thắc mắc rằng, giám đốc của công ty đã ở đâu trong suốt câu chuyện này? Giám đốc của công ty là một thanh niên trẻ mới học hết lớp 5 và theo anh Trần Văn Ơn, là người “thích làm công nhân hơn làm giám đốc”. Không mặn mà lắm với trọng trách được giao nên anh cũng không tìm hiểu về công nghệ, thậm chí còn thờ ơ với các cơ hội kinh doanh. Sau một lần tham gia hội chợ OCOP, công ty nhận được một đơn đặt hàng 100 lít rượu định kỳ từ một nhà hàng ở Hà Nội, anh giám đốc, khi đó chở rượu được làm thủ công (vì chưa sản xuất được bằng máy) đi bán được một lần rồi thôi, “bẵng đi người ta thấy mình làm ăn không chuyên nghiệp, họ chẳng đặt nữa” – chị Oanh kể. Bây giờ, công ty hoạt động cầm chừng, chị Oanh vừa làm công việc tại trường THCS Bằng Cả, vừa nấu rượu theo cách thủ công và đem bán cho các xã xung quanh.
Không chỉ cần vốn mà cần người hướng dẫn
Chính quyền huyện Hoành Bồ và tỉnh Quảng Ninh đã kết nối công ty với Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) và hỗ trợ 80% vốn để triển khai đề tài về bảo quản rượu Bâu (sau khoảng 8 tháng nữa mới kết thúc) nhưng như thế chưa đủ bởi vì máy móc sản xuất chưa cải tiến, thậm chí điện lưới chưa đủ để đảm bảo sản xuất (có một lần bị chập, cháy). Quy trình sản xuất rượu của công ty chưa thống nhất sẽ lấy quy trình rượu của nhà nào, nếu lấy thì phân chia lợi nhuận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ra sao. Hầu hết cổ đông không còn niềm tin với hiệu quả hoạt động của công ty, với sự hỗ trợ của nhà nước (do đã đóng góp một khoản cao nhưng chưa được bàn giao tài sản) và những người trẻ tuổi, năng động thì không mặn mà với công việc ở xã.
Phóng viên Tia Sáng đã đi theo anh Trần Văn Ơn đến cuộc họp “tái cơ cấu” lại công ty ở Bằng Cả. Để lấy lại niềm tin của cổ đông, anh Ơn góp vốn vào công ty và gọi thêm vốn từ các công ty thân hữu để trả cho các cổ đông muốn rút vốn và để vận hành công ty. Đồng thời, anh cũng cử học trò của mình, một dược sĩ trẻ, về làm giám đốc công ty trong ít nhất sáu tháng để hoàn thiện quy trình làm sản phẩm chuẩn (dựa trên bí quyết của người làm rượu có tiếng trong xã với cam kết bằng văn bản là không được tiết lộ ra ngoài), đồng thời nghiên cứu cải tiến dây chuyền và tìm cách phân phối sản phẩm.
Như vậy, người dân Bằng Cả không chỉ được hỗ trợ về vốn, họ còn được chỉ dẫn, tạo niềm tin, thậm chí được những người xây dựng cộng đồng xắn tay vào làm cùng. Họ cần một người hiểu kinh doanh và quản trị, biết cách xây dựng cộng đồng hướng dẫn họ – điều mà các cán bộ xã, huyện còn thấy mới mẻ. Chị Thủy sau đó đã thôi rút vốn vì chị hiểu nếu để lại, cho dù đóng góp không đạt 50 triệu, chị vẫn được hưởng lãi của công ty trong tương lai và chị vẫn tin vào tính khả thi của công ty: “Rượu Bâu này bây giờ cũng phát triển rồi, nhiều người cũng biết đến rượu này mà uống cũng ngon.”