Công nghệ đưa tinh dầu thực vật dạng lỏng sang dạng bột

Ứng dụng công nghệ vi bọc tinh dầu và kỹ thuật sấy phun, nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Nông lâm TPHCM đã đưa một số tinh dầu thực vật dạng lỏng sang dạng bột, giúp thuận tiện hơn cho quá trình sử dụng.

Tại hội thảo “Công nghệ tách chiết tinh dầu sử dụng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước và ứng dụng kỹ thuật sấy phun sản xuất một số loại bột tinh dầu”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức mới đây, PGS.TS Mai Huỳnh Cang, Phó trưởng khoa Công nghệ hoá học thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết, tinh dầu thực vật hiện nay được sản xuất bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng đều chủ yếu dưới dạng lỏng, dễ bay hơi, hiệu quả bảo vệ các hoạt chất có trong tinh dầu giảm dần theo thời gian.
Để khắc phục những nhược điểm này, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông lâm TPHCM đã sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm bột tinh dầu (bạc hà, hương nhu trắng, húng quế, hương thảo), bằng công nghệ vi bọc tinh dầu, sử dụng kỹ thuật sấy phun, với chất bao được sử dụng là Maltodextrin (tinh bột tự nhiên từ ngô, gạo, khoai tây,…).
Kỹ thuật sấy phun là phương pháp sản xuất bột khô từ chất lỏng hoặc bùn, bằng cách làm khô nhanh bằng khí nóng. Khi đưa dung dịch qua bồn sấy, sẽ tiếp xúc với một luồng không khí nóng ở nhiệt độ 140-180 độ C, lúc này dung dịch sẽ trở thành dạng bột. Theo PGS.TS Mai Huỳnh Cang, sử dụng phương pháp này, tinh dầu được bảo vệ hoạt chất tốt nhất, bằng cách đưa những chất trợ sấy, chất men vào để bao bọc, bảo vệ thành phần tinh dầu. Ngoài ra, tinh dầu dưới dạng bột tiện sử dụng, giúp đa dạng hóa được sản phẩm. Cụ thể, tinh dầu ở dạng lỏng thì không tan trong nước, nhưng khi đưa về cấu trích vi bọc thì có khả năng hòa tan trong nước. Khi chế biến sản phẩm thực phẩm như nước cam, nước sả, thay vì phải dùng nước ép sả, có thể dùng bột có mùi hương này.
Thử nghiệm một số bột tinh dầu do nhóm nghiên cứu sản xuất cho thấy, độ tan của bột tinh dầu đạt trên 92%. Các thành phần hóa học, hoạt tính kháng ô xy trước và sau khi vi bọc sấy phun tương đương nhau, chứng tỏ quá trình vi bọc không làm ảnh hưởng, biến chất tinh dầu.
Bột tinh dầu có thể sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm thông thường, thực phẩm chức năng, thuốc sủi bọt, bột nêm, nước có gas, nước hoa,… Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được quy trình sản xuất bột tinh dầu bằng công nghệ vi bọc tinh dầu, sử dụng kỹ thuật sấy phun, có thể chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu.
Ngọc Đỗ 

Tác giả

(Visited 95 times, 1 visits today)