Sản xuất hàng xa xỉ trong phòng thí nghiệm

Một thế hệ startup mới đang sản xuất các mặt hàng cao cấp trong phòng thí nghiệm. Còn các nhà sản xuất các mặt hàng xa xỉ truyền thống có nguồn gốc tự nhiên đang tự hỏi: họ có nên hưởng ứng xu hướng này hay không?

Giày làm từ tơ nhện của Amsilk được hãng Adidas giới thiệu.

Hiện nay, với máy gia tốc hạt như loại máy ở Geneva, người ta có thể làm ra vàng, tuy nhiên, chỉ ở dạng nguyên tử, nghĩa là để có được 50 gram vàng phải mất nhiều triệu năm. Nhưng việc điều chế các nguyên liệu khác – như da gia súc, tơ hay rượu lâu năm – nhanh hơn nhiều. Một số startup ở châu Âu và Mỹ đã tận dụng công nghệ cao để sản xuất những sản phẩm cao cấp trong thời gian ngắn với chi phí thấp hơn nhiều so với các sản phẩm truyền thống cùng loại mà chất lượng không hề thua kém.

Xu hướng trên khiến nhiều nhà sản xuất các mặt hàng xa xỉ truyền thống lâm vào tình thế “tuyệt vọng” và phải đầu tư thêm nhiều thiết bị máy móc để chứng minh sản phẩm của mình “có nguồn gốc tự nhiên”. Ví dụ, vài năm gần đây, khi các công ty như Pure Grown Diamonds ở New York hay New Diamond Technology ở  St. Petersburg sản xuất hàng loạt kim cương nhân tạo bằng cách ép carbon dưới áp suất lớn và nhiệt độ cao, hoặc để chúng kết tinh trong môi trường chân không thì tập đoàn kim cương De Beers ở Luxemburg buộc phải đầu tư hàng triệu USD để trang bị máy móc giúp nhận biết kim cương nhân tạo hay tự nhiên. Mới đây, diễn viên điện ảnh Leonardo DiCaprio và nhà sáng lập Twitter  Evan Williams cũng đã đầu tư cho startup Diamond Foundry ở Thung lũng Silicon có khả năng tạo ra kim cương trang sức hảo hạng trong phòng thí nghiệm và đã gọi vốn được trên 100 triệu USD.

Trong lĩnh vực thời trang cao cấp, Jens Klein, 45 tuổi, lãnh đạo startup Amsilk, xuất phát từ Đại học Kỹ thuật München, Đức, được coi là một trong những người “nổi loạn” khi sản xuất loại tơ bền như tơ nhện bằng vi khuẩn E.coli biến đổi gene. Vi khuẩn E.coli được bổ sung DNA của loại nhện vườn châu Âu sống trong các bể thép cao như tòa nhà ba tầng thải ra một chất bột mầu trắng có thể biến thành tơ để dệt nên loại lụa cho cảm giác mát lạnh trên da.

Cách đây chưa lâu, hãng Adidas đã giới thiệu lần đầu tiên ở New York loại giày thể thao được dệt bằng tơ nhện công nghệ sinh học tổng hợp của Jens Klein. Loại tơ này có độ bền rất cao, nếu bện thành sợi to như thân cây bút chì, chúng có thể nâng cả một chiếc máy bay phản lực cỡ lớn. Hơn nữa, loại giày này còn có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn.

Amsilk không phải là startup duy nhất nghiên cứu sản xuất lụa bằng công nghệ sinh học tổng hợp. Đối thủ cạnh tranh của startup này là Bolt Threads ở California đã gọi vốn được hơn 100 triệu USD từ những nhà đầu tư danh tiếng và đã liên kết với hãng Patagonia để dự kiến sẽ tung ra thị trường bộ sưu tập thời trang cao cấp đầu tiên bằng chất liệu lụa công nghệ sinh học.

Đặc biệt, giá thành của lụa công nghệ sinh học rất rẻ so với lụa tự nhiên. Startup công nghệ sinh học Spiber của Thụy Điển đã quảng cáo, không lâu nữa giá lụa nhân tạo chỉ khoảng 20 – 30 USD/kg. Hiện nay giá lụa tự nhiên lên tới 50 USD/kg.

Mặt khác, để may một áo dài bằng lụa, người ta phải dùng khoảng 50.000 cái kén, có nghĩa là 50.000 con tằm phải chết, đây là điều mà các nhà bảo vệ động vật luôn lên án. Nhiều loại nguyên liệu cao cấp để sản xuất hàng xa xỉ đắt tiền lâu nay bị tai tiếng vì hủy hoại môi trường, làm tổn thương lớp người yếu thế trong xã hội. Loại da đắt tiền nhất, mềm mại nhất được chế biến từ da bê non hay bê chưa ra đời. Khi thuộc da, người ta sử dụng một hỗn hợp hóa chất độc hại và gây ung thư. Hơn nữa chăn nuôi gia súc là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính.

Những vấn đề nêu trên sẽ không xuất hiện trong tương lai nữa: startup công nghệ sinh học tổng hợp Modern Meadow ở New York đang nuôi tế bào Collagen để tạo ra da bò. Quá trình này chỉ kéo dài khoảng vài tuần trong lò phản ứng sinh học. Hơn nữa, da bò sản xuất trong phòng thí nghiệm không có lông, không có mô mỡ bám bên trong cho nên quá trình thuộc da cần ít hóa chất hơn. Da công nghệ sinh học tổng hợp cũng không có tì vết, trong khi da tự nhiên có tỷ lệ bị vứt bỏ khi xử lý từ 30% đến 80%.

Andras Forgacs, nhà sáng lập Modern Meadow, dự kiến trong tương lai sẽ để các tế bào phát triển liên kết với nhau theo hình dạng sản phẩm, thí dụ ghế ngồi trong ô tô, ghế sô pha hay ví tiền. Ông còn cho rằng có thể tạo ra da trong suốt. Tất nhiên Forgacs không chỉ muốn làm cho thế giới này tốt đẹp hơn mà còn muốn giành một phần đáng kể trong thị trường da giày cỡ hàng trăm tỷ USD hiện nay. Cho đến nay, start-up này đã gọi được 40 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, trong đó có cả của Mark Zuckerberg.

Trong khi đó Bryan Davis, sáng lập startup Lost Spirits ở California đã có một bước tiến khá xa khi sản xuất thành công loại rượu rhum có hương vị như 20 năm tuổi chỉ trong… sáu ngày. Davis đã phát triển một thiết bị có thể rút ngắn quá trình hình thành ester trong rượu, vốn kéo dài cả năm trời nếu nấu rượu theo kiểu truyền thống, xuống còn vài giờ. Davis dùng ánh sáng hồng ngoại để hòa tan polymer từ gỗ cây dẻ, chất này phản ứng với ester, mô phỏng quá trình cất giữ thùng rượu trong hầm để từ đó tạo ra hương vị đặc trưng của loại rượu rhum 20 năm tuổi.

Davis kể để tạo ra loại rượu rhum mà cả trăm năm nay không còn ai có dịp được thưởng thức, ông đã phá bộ bàn ghế cổ làm từ loại gỗ cây dẻ gần như đã biến mất hoàn toàn vào những năm 1920, sau khi chúng được phát hiện là loại gỗ rất hợp để đóng thùng rượu.

Một chai Lost Spirit của Davis có thể được trả tới 1.400 Euro tại các phiên bán đấu giá ở Đức. Thực ra với công nghệ của mình, Davis có thể sản xuất loại rượu cao cấp này với khối lượng lớn, tuy nhiên ông không làm như vậy, lý do hết sức đơn giản: một khi sản phẩm được bán ra đại trà thì không còn là hàng xa xỉ nữa.

GS. Karsten Kilian, chuyên gia về thương hiệu ở Đại học Würzburg-Schweinfurt tin rằng các “nhà giả kim thuật hiện đại” như Davis, Klein hay Forgacs có thể tung ra thị trường một loại sản phẩm ở phân khúc hoàn toàn mới. Ông gọi phân khúc này là mặt hàng xa xỉ có nguồn gốc công nghệ, có giá thấp hơn một chút so với mặt hàng cao cấp có nguồn gốc tự nhiên. Vị giáo sư này tiên đoán các nhà sản xuất hàng cao cấp hiện nay sẽ buộc phải chia sẻ một phần doanh thu của họ. Nhưng nếu các hãng xa xỉ đó khôn ngoan thì sẽ thành lập các thương hiệu phụ, và bộ phận này đảm nhiệm luôn phân khúc mới này.

Không lâu nữa các “nhà giả kim thuật hiện đại” có thể tạo ra những nguyên liệu thiên nhiên khác như lụa Kashmir hay nấm cục (truffle), thậm chí chất lượng còn cao hơn.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn: http://www.wiwo.de/lifestyle/gold-diamanten-seide-biotechseide/19557792-2.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)