Sản xuất máy bay ném bom Mosquito trong xưởng mộc

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, các kỹ sư chạy đua sáng chế công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu. Một điều gây bất ngờ trong một thời gian dài là chiếc máy bay ném bom mang tên Mosquito của Anh từng làm kẻ thù thất điên bán đảo lại ra đời tại xưởng mộc. 

Geoffrey de Havilland đặt trọn niềm tin vào gỗ. Loại máy bay do ông thiết kế mang tên Tiger Moth DH.60 (từ năm 1925) và DH.80 (từ năm 1932) tính chung đã được xuất xưởng tới gần 10.000 chiếc và được đánh giá là những loại máy bay thành công nhất thời đó. Chúng đã làm cho kỹ sư de Havilland, một người rất say mê côn trùng và thường lấy tên chúng đặt tên cho những loại máy bay của mình, trở nhà chế tạo máy bay hàng đầu nước Anh.

Năm 1938, khi bộ Quốc phòng Anh từ chối phương án sản xuất một loại máy bay ném bom mới của ông, de Havilland quyết không chấp nhận sự chối từ này.

Ông cam kết sẽ cho ra đời loại máy bay ném bom siêu nhẹ có thể bay cao hơn và nhanh hơn bất cứ loại máy bay chiến đấu nào. Vì thế, người ta không cần phải bổ sung lực lượng phòng vệ cho máy bay này.

Bộ Quốc phòng Anh coi lập luận này là vớ vẩn và yêu cầu de Havilland phải thiết kế, chế tạo loại máy bay ném bom đúng theo tiêu chuẩn của Air-Force – tức là bằng nguyên liệu aluminium.

Nhưng đây chính là điều mà de Havilland coi là sai lầm. Ông cho rằng, khi xẩy ra chiến tranh, nhôm sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Trong khi đó gỗ không khan hiếm. De Havilland có tiền và sự độc lập để thể hiện lập trường vững chắc của mình: ông quyết định bí mật sản xuất loại máy bay theo sáng kiến của mình và tự gánh chịu mọi phí tổn.

Loại máy bay gỗ đã dành thắng lợi trong cuộc không chiến ở Anh

Chỉ ít lâu sau, điều này đã trở thành một điềm may mắn lớn đối với Anh. Ngày 25/11/1940, khi bộ Quốc phòng Anh giao nhiệm vụ cho kỹ sư de Havilland sản xuất thêm 50 máy bay ném bom, ông cho cất cánh chiếc máy bay bị chính phủ chối bỏ, hành động này được coi như một cái đấm vào các nhà chiến lược quốc phòng Anh.

Chuyến bay thử đầu tiên diễn ra gần Hatfield, máy bay sơn mầu vàng chóe. Kết quả đo đạc và các ước đoán đều cho thấy, mặc dù Mosquito có trọng lượng gần gấp đôi nhưng lại bay nhanh hơn máy bay huyền thoại Spitfire 32 km/h và Spitfire được đánh gia là máy bay chiến đấu có tốc độ cao nhất  và hiện đại nhất của quân đội Anh thời đó.

Thời điểm đó, không quân Đức đã phát động các đợt tấn công ồ ạt vào  nước Anh  và bị coi là thất bại trước máy bay chiến đấu Spitfire của Anh. Bộ máy tuyên truyền của Anh dùng Spitfire  để thêu dệt cho chiến thắng của mình trong các cuộc chiến trên bầu trời nước Anh. Trong thực tế phi công Anh đã chiến thắng huy hoàng  với  máy bay Hurricane và bắn hạ được nhiều máy bay địch – nhưng loại máy bay này làm bằng gỗ và người ta đã coi nó là loại vũ khí lỗi thời và lạc hậu.

De Havilland công bố các số liệu liên quan đến chiếc máy bay làm bằng gỗ của ông và một lần nữa người ta nghi ngờ ông.  Tuy nhiên dù sao ông cũng có dịp cho chiếc  Mosquito của mình được trình diễn hồi đầu tháng hai 1941 tại sân bay thử nghiệm  Boscombe Down. Đại diện của không quân và bộ Quốc phòng Anh có mặt nhưng họ tỏ ra hoài nghi, không tán thành thậm chí còn có ý chê bai. Nhưng Mosquito cất cánh và đánh đổ mọi kỷ lục. 

                                                                                                                                                   Nó nhanh nhẹn hơn so với các máy bay chiến đấu thời đó, gần như nhanh gấp đôi so với các loại máy bay ném bom thông thường.

Ném bom cuộc duyệt binh ở Berlin

Chỉ ít giờ đồng hồ sau cuộc trình diễn  de Havilland nhận được nhiệm vụ chế tạo 7781 máy bay, nếu chỉ sản xuất tại nhà máy của mình ông phải làm việc liên tục trong mười năm. Lúc đầu, theo dự kiến, Mosquito chỉ được dùng để thả bom và trinh sát ban đêm nhưng sau đó nó trở thành loại máy bay có nhiều thành tích nhất của không lực hoàng gia Anh quốc. Và sau đó nó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đúng như cam kết của nhà thiết kế Mosquito không những nhanh nhẹn, bền bỉ, tiêu hao ít nhiên liệu mà còn có hiệu quả cao. De Havilland không chỉ lắp ráp loại máy bay này trong các nhà máy sản xuất máy bay của ông mà còn huy động các xưởng mộc lớn trong cả nước cùng hoạt động. Ngay trong trận chiến đấu trên không đầu tiên Mosquito đã thoát khỏi sự tấn công của ba máy bay chiến đấu của Đức bằng cách tăng tốc và chuồn thẳng.

Người Anh đã sớm phát hiện hiệu quả tuyên truyền từ thành công này. Bọn Quốc xã dự định tiến hành một cuộc diễu binh vào buổi sáng ngày 30/1/1943 kỷ niệm mười năm giành chính quyền với sự hiện diện của Bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels và tư lệnh không quân Hermann Göring. Tuy nhiên Quốc xã đã vội vàng hủy đại lễ này: lần đầu tiên máy bay Mosquitos của Anh đã dội bom xuống Berlin bất chấp sự đánh trả của lực lượng phòng không và máy bay chiến đấu của Đức.

Đám trùm quốc xã tức điên lên và chuyển cuộc duyệt binh sang buổi chiều. Ngay lập tức một cuộc tấn công thứ hai diễn ra  – và biến lời tuyên bố huyênh hoang của Göring không một máy bay địch nào có thể lọt vào thủ đô nước Đức trở thành trò hề. Toàn bộ máy bay Mosquitos xuất kích ngày hôm đó đã trở về an toàn. Thông tin này ít nhiều bị lu mờ vì những sự kiện trọng đại hơn nhiều: sau đó một ngày toàn bộ quân đội Đức ở Stalingrad đã buộc phải tuyên bố đầu hàng –  đây là một bước ngoặt của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Mãi đến cuối cuộc chiến tranh, máy bay chiến đấu Messerschmitt Me 262 của Đức nhập cuộc và Mosquito không thể theo kịp. Một loạt quốc gia cùng lúc phát triển loại động cơ phản lực nhưng không có nước nào đưa loại động cơ này vào sử dụng nhanh như ở Đức. Đế chế quốc xã được coi là lò luyện công nghệ cao, tuy nhiên ngay cả ở đây không phải cái gì là kim loại cũng đều lấp lánh.

Đúng như tiên đoán của de Havilland, kim loại nhẹ trở nên khan hiếm ở khắp mọi nơi. Một số lượng lớn bất ngờ máy bay chiến đấu trong cuộc chiến tranh thế giới dùng rất nhiều nguyên liệu gỗ. Điều này không phải là chuyện bất đắc dĩ, gỗ thậm chí được đánh giá là nguyên liệu lý tưởng. Cánh máy bay chiến đấu của Đức Messerschmitt Me 163 được làm bằng gỗ và cho đến năm 1953 loại máy bay này được đánh giá là loại máy bay có tốc độ cao nhất thế giới. Năm trong số 8 loại máy bay mang động cơ phản lực hay tên lửa mà nước Đức sản xuất cho đến khi đầu hàng vào năm 1945 và được coi là những vũ khí thần kỳ, ít nhiều đều dùng gỗ làm nguyên liệu.

Ngay cả máy bay Horten H IX đầy bí ẩn, mà người ta liên tưởng đến loại máy bay ném bom tàng hình ngày nay, cánh được làm hoàn toàn bằng gỗ, thân phần lớn bằng gỗ dán được gia cố bằng bộ khung gồm nhiều ống. Cả loại máy bay tên lửa dùng một lần Bachem Ba 349 cũng được ốp ván ép và người ta hy vọng sẽ phá được bức thường âm thanh.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đánh dấu đỉnh cao đồng thời cũng là sự chấm dứt cấu trúc gỗ chí ít đối với máy bay quân sự. Do tốc độ máy bay ngày càng cao nên vật liệu gỗ đối mặt với những hạn chế. Hơn nữa gỗ và cả loại keo dán được đưa vào xử dụng trong việc lắp ráp máy bay trở thành những điểm yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Máy bay dễ bị cong vênh hoặc bong tróc.

Tuy vậy cho đến tận ngày nay loại vật liệu có khả năng tái tạo và dễ chế tác này không bị biến mất hoàn toàn trong ngành chế tạo máy bay. Người ta vẫn dùng gỗ để sản xuất một số loại máy bay nhỏ, nhẹ. Bên cạnh một vài tầu lượn nhất định thì Robin DR 400 của hãng  Robin New Aircraft (Pháp) được làm hoàn toàn làm bằng gỗ  –  y như chiếc Mosquito hồi nào.

Thành công và niềm tin sắt đá đã đưa kỹ sư Geoffrey de Havilland trở thành một người khả kính và năm 1944 ông đã được Nữ hoàng phong danh hiệu quý tộc.

Xuân Hoài dịch

Theo Spiegel online

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)