Sản xuất tinh dầu bằng công nghệ lôi cuốn hơi nước hồi lưu kết hợp siêu âm

Áp dụng công nghệ lôi cuốn hơi nước hồi lưu kết hợp siêu âm, Công ty TNHH Giải pháp công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu sản xuất ra tinh dầu từ thảo dược thiên nhiên, với hiệu suất trích ly cao và tiết kiệm thời gian.

Tại Hội thảo trực tuyến giới thiệu “Giải pháp trích ly tinh dầu bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước hồi lưu, kết hợp công nghệ siêu âm” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 24/6, ông Đặng Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải pháp công nghệ sau thu hoạch, cho biết, có rất nhiều phương pháp để trích ly tinh dầu như chưng cất trực tiếp bằng nước, chưng cất lôi cuốn hơi nước, chưng cất có hỗ trợ vi sóng, chưng cất có hỗ trợ sóng siêu âm, ép lạnh, trích ly bằng dung môi siêu tới hạn, dung môi hữu cơ,…

Trong đó, chưng cất trực tiếp bằng nước, dung môi, lôi cuốn hơi nước là phương pháp thông dụng và phổ biến nhất. Ưu điểm của phương pháp này là thiết bị đơn giản, dễ thao tác, chi phí đầu tư không cao. Tuy nhiên, thời gian thực hiện khá lâu, từ 4 – 6 giờ, dung môi không xử lý triệt để dễ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gây độc cho con người, môi trường. Đối với các phương pháp khác như ép lạnh, dung môi siêu tới hạn, chi phí đầu tư thiết bị thường cao, vận hành phức tạp, khó phù hợp với các hộ dân, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ít kinh phí.

Để giải quyết các nhược điểm trên, nhóm nghiên cứu của Công ty TNHH Giải pháp công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu sản xuất, chế tạo thiết bị chiết xuất tinh dầu bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước hồi lưu kết hợp siêu âm.

Ông Đặng Tiến Dũng giới thiệu về thiết bị chưng cất tinh dầu. Ảnh: NVCC

Theo đó, nguyên liệu sau khi sơ chế được đưa vào bồn chứa, sử dụng công nghệ siêu âm có gia nhiệt từ 40 – 60 độ C để phá vỡ cấu trúc của nguyên liệu, trong khoảng thời gian từ 2 – 3 giờ. Sau đó, sử dụng phương pháp lôi cuốn hơi nước hồi lưu để chưng cất tinh dầu. Bằng phương pháp này, thời gian chưng cất tinh dầu từ 4 giờ còn 2 – 3 giờ, hiệu suất trích ly cũng tăng lên từ 7‰ lên 10‰so với phương pháp chưng chất lôi cuốn hơi nước hồi lưu. Ngoài ra, các hoạt chất có trong tinh dầu vẫn được giữ nguyên.

Nhóm nghiên cứu không chỉ xây dựng quy trình sản xuất tinh dầu tắc (quất) mà còn tận dụng phụ phẩm của quá trình trích ly để chế tạo nước rửa sinh học đa năng. Quy trình sản xuất này bao gồm các thiết bị như bồn chứa nguyên liệu, bồn ủ vi sinh, bồn khuấy, thiết bị chiết xuất,… tạo thành một hệ thống dây chuyền khép kín. Trái tắc sau khi chiết xuất lấy tinh dầu, phần dịch tắc được lên men, lọc thô, lọc tinh làm nước rửa sinh học, phần bã có thể làm phân bón sinh học hoặc thức ăn chăn nuôi. Với hệ thống khép kín này, công suất khoảng 2 tấn/ngày có giá khoảng 800 triệu đồng.

Ông Dũng cho biết, chiết xuất tinh dầu bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước hồi lưu kết hợp siêu âm, có thể sử dụng đa dạng nguyên liệu đầu vào như hoa, trái, lá,… của các cây dược liệu, giúp tiết kiệm thời gian, năng lượng và cho hiệu suất trích ly cao. Thiết bị được Công ty chế tạo theo dạng container di động, dễ dàng di chuyển, lắp đặt tại các vùng nguyên liệu sẵn có, phù hợp cho những hộ dân, doanh nghiệp sản xuất tinh dầu. Tuy thuộc vào nhu cầu của từng cơ sở, Công ty có thể chế tạo thiết bị theo các công suất khác nhau, sử dụng nguồn chất đốt đa dạng như củi, năng lượng mặt trời,…

KHPT

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)