Sáng chế bằng… hình dung

Mới học hết lớp bốn, chưa từng đọc qua sách vở nào về khoa học kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Sành ( SN 1950) ở Nam Trung, Nam Sách, Hải Dương, sáng chế một số máy, đặc biệt là máy bóc thái hành tỏi, nhờ vào sự…hình dung.

Chiếc máy nổi tiếng

Ở xã Nam Trung, Nam Sách, Hải Dương – một xã chuyên trồng tỏi vào vụ đông từ những năm 2000, ông Nguyễn Văn Sành đã trở nên “nổi tiếng” vì sáng chế được máy vừa bóc, vừa cắt tỏi. Công suất máy của ông trong một giờ với máy cơ là 1-4 tạ (máy điện là 6-8 tạ), trung bình gấp 20 lần một lao động làm trong một ngày. Nhờ sáng chế ra máy bóc vỏ và cắt hành tỏi, ông là người tạo ra làng nghề “Năng suất Xanh” ở xã Nam Trung, chuyên trồng và chế biến tỏi để bán trong nước và xuất khẩu. Mỗi máy cơ của ông hiện bán với giá 2,5 triệu đồng và máy điện có giá là 4,5 triệu đồng. Hãng LG cũng có một máy bóc tỏi điện dùng cho các hộ kinh doanh với kích thước 50x53x83 cm, tương đương với máy của ông Sành nhưng có công suất chỉ bằng 1/10 và không thể cùng lúc vừa cắt, vừa bóc tỏi và giá bán cao gấp 4-5 lần máy của ông.

Trong gần 15 năm qua, ông đã sản xuất khoảng 3.000 máy và hơn một nửa số đó là phục vụ cho những người dân ở xã, huyện của mình, số còn lại là phục vụ cho các tỉnh khác. Nhiều người ở xa cũng đến tận nơi để mua máy của ông. Là chủ một chuỗi quán Phở Thái ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, nhờ thông tin trên mạng, anh Sơn tìm đến ông Sành để đặt hai chiếc máy xắt hành tỏi (để làm món tỏi ngâm giấm ớt ăn kèm với phở). Ngồi xem ông Sành “biểu diễn” hơn 30 phút nhưng mỗi khi thấy những lát tỏi mỏng đều tăm tắp rơi ra từ chiếc máy là anh lại thích chí: “Thế này là con đã làm hàng được rồi đấy!”

Chiếc máy “hai trong một” của ông Sành có cấu tạo và nguyên lý hoạt động rất đơn giản. Hai bộ phận chính của chiếc máy là một ống phễu chứa hành, tỏi có đáy gắn với một đĩa tròn gồm hai lưỡi dao gắn với tay quay (máy bằng điện thì tay quay sẽ được thay thế bằng một dây cuaroa gắn với một động cơ). Khi quay đĩa, một lưỡi dao sẽ có nhiệm vụ bóc và lưỡi dao còn lại để thái. Bí quyết của ông nằm ở hai điểm: lưỡi dao được thiết kế hình bầu dục sẽ làm “trượt” lớp vỏ ngoài của hành tỏi và đĩa quay với độ rung nhẹ để hành, tỏi thả vào ống phễu luôn rơi theo chiều dọc khi thái nên đầu ra không bị nát mà luôn đều, đẹp. Toàn bộ máy của ông được làm bằng inox và dao trên máy của ông phải thái khoảng 100 tấn rau củ mới phải thay. 

Người ta hay gọi ông Sành là “Sành hành tỏi” nhưng thực ra, với chiếc máy này, người ta có thể dùng để thái lát khoai tây, dưa chuột. Nhiều gia đình tại huyện Điện Biên, Sơn La còn mua máy của ông để thái táo mèo. Bên cạnh đó, vẫn với nguyên lí trên, nếu thay đổi độ nghiêng của lưỡi dao, kiểu dáng lưỡi dao, thì sẽ thay đổi độ dày và hình dáng của các lát thái. Nhờ thế, những quán cơm rang ở Phố Nối, Hưng Yên, vẫn mua máy của ông để cắt rau, củ quả thành hình hạt lựu, hình răng cưa… và một số hộ gia đình làm mứt mua máy của ông để thái bí thành sợi. 

Chỉ cần có… máy tiện

Chiếc máy bóc, thái hành tỏi nói trên được ông Sành mang đi dự các cuộc thi, hội chợ, triển lãm và xuất hiện nhiều trên truyền hình nên công chúng ít biết đến những loại máy khác mà ông sáng chế phục vụ chuyên sâu hơn trong chế biến. Một số máy bóc thái tỏi được sử dụng trong những xưởng sản xuất lớn còn có thêm chức năng tách tép tỏi. Ông cũng sáng chế ra hai máy chỉ phục vụ cho một công đoạn nhỏ trong sản xuất tỏi và lạc để đóng hộp xuất khẩu hoặc làm bánh kẹo là máy trượp tỏi (máy loại bỏ vỏ lụa – lớp vỏ mỏng trong cùng của tép tỏi) và máy bóc vỏ đỏ của lạc. Đó là hai máy sấy được thiết kế dựa vào độ dãn, xoắn của vỏ tỏi và lạc khi thay đổi nhiệt độ. Gần đây, ông mới hoàn thành và bán được hàng trăm chiếc máy “gọt lựa bí ngô”.  Theo mô tả của ông, máy này dùng phương pháp quay và gọt: quả bí ngô sẽ được gắn vào một trục quay và lưỡi dao sẽ gạt vào thân quả bí, giống với nguyên lý hoạt động của đa số máy gọt rau quả có tính chất đối xứng của Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm cải tiến trong máy của ông Sành là dù quả bí ngô có đối xứng hay không, máy của ông vẫn gọt đều mà không bị “lẹm vào ruột”.

Ông Sành còn muốn cải tiến máy gặt phù hợp với đặc điểm mùa vụ ở phía Bắc (máy gặt hiện nay mà mọi người đang sử dụng nếu áp dụng vào vụ Chiêm thì sản phẩm thu hoạch dễ bị rơi và dập). Ông cho biết, chi phí sản xuất chiếc máy cải tiến này vào khoảng 200 triệu và sử dụng nguyên lí hoạt động của máy xúc tuyết Liên Xô trước đây.

Trung bình mỗi ngày, theo đơn đặt hàng, ông lại tự sản xuất một chiếc máy bóc hành tỏi. Mọi máy ông sản xuất đều được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, lưỡi dao trên máy cũng do ông tự cắt và mài (mà ông cho rằng, thợ làm dao nổi tiếng ở Nam Định cũng không làm được đúng thông số như vậy).  Ông Sành chưa học hết lớp bốn và “thú thực” là mình chưa bao giờ có thời gian để tham khảo bất cứ sách vở, tài liệu nào về khoa học – kỹ thuật. Kinh nghiệm sản xuất của ông là nhờ vào nghề rèn mà ông theo học từ năm 16 tuổi. 

Từng lên chương trình “Ai là ai” trên VTV2 vào tháng 1/2014, ông cho biết, là “nhà sáng chế nông dân” có nhiều khó khăn, đặc biệt là không có tiền để sáng chế. Ban đầu, khi bắt tay vào thực hiện máy bóc thái hành tỏi, ông chỉ tận dụng sắt vụn và “dùng nhờ” máy móc của xưởng rèn trong xã. Ông khẳng định, ông không mất nhiều thời gian hoặc vứt bỏ nhiều “phiên bản” để thử nghiệm mà “quan trọng là đầu tư vào hình dung, làm thế nào để thái được ra thế này và lấy đó làm gốc”. Nói cách khác, dựa vào yêu cầu của khách hàng, ông sẽ suy ra lưỡi dao, cách thái và từ đó “hình dung” ra nguyên lý hoạt động của chiếc máy.

Toàn bộ doanh thu mà ông có được nhờ vào việc bán máy móc dành để điều trị cho người vợ bị mắc bệnh ung thư suốt 15 năm qua và xây nhà cửa cho con cái. Ông không có nhu cầu mở rộng xưởng sản xuất, xin đầu tư hoặc bảo hộ sáng chế vì ông cho biết mục tiêu chính của mình là chỉ phục vụ người dân trong xã. Khi được hỏi, ông có mong muốn gì, ông trả lời không thể đơn giản hơn: “Có mỗi công đoạn tiện là tôi phải đi thuê. Bây giờ tôi chỉ cần một chiếc máy tiện 70 triệu. Như thế thì tôi sẽ làm ra được vô số loại máy khác nhau”. 

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)