Sáng kiến toàn cầu nghiên cứu 1000 mô hình bệnh ung thư mới

Một sáng kiến toàn cầu sẽ tập hợp, nghiên cứu nhằm cung cấp một bức tranh đầy đủ, phong phú và đa dạng nhất từ trước đến nay về các mô hình bệnh ung thư, góp phần tìm ra các phương pháp chữa trị rẻ và hiệu quả. Chỉ trong vòng ba năm đầu tiên, các cơ quan cùng hợp tác nghiên cứu trong sáng kiến này sẽ nuôi cấy khoảng 1000 dòng tế bào để các nhà khoa học phân tích chúng.


Nguồn ảnh: genengnews.com

Sáng kiến Nghiên cứu mô hình ung thư (The Human Cancer Models Initiative) vừa công bố dự án thí điểm vào ngày 11 tháng 7 vừa qua, các đơn vị tham gia sáng kiến này gồm có Viện Ung thư quốc gia Mỹ (NCI), Viện Ung thư Anh, Viện Ung bướu Hubrecht, Hà Lan. Với mục tiêu ban đầu – 1.000 mô hình như dự kiến sẽ làm tăng gấp đôi bộ sưu tập các mô hình tế bào ung thư sẵn có hiện nay trên toàn thế giới, và nếu suôn sẻ, dự án này sẽ mở rộng thêm hàng nghìn mẫu khác. Ước tính các nhà nghiên cứu cần khoảng 10.000 mô hình để có thể nắm bắt được một cách đầy đủ tính đa đạng của các phân nhóm di truyền tương đối phổ biến của ung thư. 

Sáng kiến này sẽ đem lại một số cải tiến trong nghiên cứu về hầu hết các dòng tế bào ung thư (cancer cell lines) sẵn có hiện nay. Mỗi dòng tế bào sẽ được khớp với dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân tham gia hiến tế bào và quá trình chúng tiếp nhận điều trị. Dự án này cũng sẽ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến đề tạo ra các mô hình, trong đó bao gồm kỹ thuật nuôi cấy tế bào ác tính 3D, và các tế bào đã được lập trình lại để phát triển mạnh mẽ. Cải tiến mới này mang lại hi vọng mô tả hoàn chỉnh hơn về bức tranh ung thư ở người, giúp ích cho thử nghiệm các loại thuốc mới và xác định phương pháp điều trị phù hợp cho từng loại ung thư. 

Umber Cheema, nhà nghiên cứu về mô ở Đại học London (UCL) đánh giá sáng kiến này là một cơ hội rất tốt để kết hợp các nhà chuyên môn từ nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau bởi vì có rất nhiều vấn đề chuyên môn cần chia sẻ giữa các nhà khoa học các nước khác nhau nhưng lâu nay họ nghiên cứu khá độc lập và vẫn còn thiếu kết nối lẫn nhau.

Dự án thí điểm này sẽ cho phép các thành viên tham gia có cơ hội trao đổi, làm sáng tỏ những vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, tìm ra các phương pháp chữa trị rẻ và hiệu quả nhất có thể, Mathew Garnett, một nhà nghiên cứu ung thư tại viện Sanger (Anh) cho biết.

Tại NCI, Sáng kiến mô hình ung thư này sẽ được kết hợp với một dự án khác để có thể thu thập thành một bộ sưu tập lớn các tế bào ung thư ở người đã được nuôi cấy trên chuột. Các dòng tế bào được tạo ra từ các dự án đó sẽ được đưa vào Sáng kiến Nghiên cứu mô hình ung thư, Louis Staudt, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gene Ung thư ở NCI cho biết. 

NCI cũng quan tâm đến việc tìm hiểu các phương pháp khác để phát triển mô hình tế bào ung thư – một vấn đề nóng trong nghiên cứu ung thư. Staudt nói thêm rằng nhóm nghiên cứu đang tìm ra những điều kiện tối ưu để phát triển một số tế bào ung thư chậm phát triển như ung thư hạch (lymphoma). Một số nhà nghiên cứu khác đang cố gắng để điều chỉnh các mô hình hiện nay để đem lại môi trường nuôi cấy giống trong tự nhiên cho các khối u. Ví dụ như nhóm của Cheema, phát triển các tế bào ung thư bằng kỹ thuật nuôi cấy 3D với hi vọng sẽ cải tiến kỹ thuật để xác định liệu các tế bào ung thư có thể di căn hoặc đáp ứng một liệu trình điều trị hay không.

Bảo Như lược dịch

http://www.nature.com/news/global-initiative-seeks-1-000-new-cancer-models-1.20242 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)