Sáng tạo có trách nhiệm là thông điệp chung cho thế giới

Trong bài trả lời phỏng vấn của Roland Schatz được đăng trong Báo cáo Hòa bình toàn cầu 2011*, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã trả lời một số câu hỏi chung quanh vấn đề triết lý kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, và những điểm sẽ giúp tạo nên sự hài hòa cho cục diện thế giới hiện nay.


Vì sao ông đã không xây dựng công ty của mình theo những nguyên tắc kinh tế thuần túy mà coi  văn hóa và các giá trị cộng thêm như là chìa khóa cho sự tăng trưởng?

Tôi hiểu câu hỏi của ngài, với tôi chính câu hỏi đó đã chứa đựng câu trả lời. Trước hết, sự khác biệt ở đây nằm ở chính yếu tố văn hóa. Đối với lối tư duy tổng hợp của người Việt Nam chúng tôi thực sự sẽ không có khái niệm kinh tế thuần túy. Bản thân mỗi hoạt động đều không thể vận hành riêng biệt nếu thiếu những lĩnh vực và hoạt động khác, mọi sự vật và hiện tượng đều có liên hệ với nhau và không thể tách rời. Vì vậy, trong kinh tế nhất định phải có văn hóa và các giá trị cộng thêm khác.

Bên cạnh đó, nếu chúng tôi đặt ra một mục tiêu có vẻ là thuần túy kinh tế là “trở thành nhà lãnh đạo của ngành cà phê thế giới” thì chúng tôi không thể ổn định khi mà địa bàn khởi nghiệp của chúng tôi có vấn đề, ngành cà phê có vấn đề, và kể cả thế giới có vấn đề. Một doanh nghiệp trong thời đại này phải chủ động có trách nhiệm với quốc gia, với ngành nghề và với cả thế giới. Chúng tôi tin đó là một quy luật tất yếu.

Ở bên ngoài Việt Nam đã là rất khó để nói về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility) như là một động lực chính cho thành công lâu dài của doanh nghiệp, nhưng làm sao ông đã có thể thành công về điều này trong bối cảnh như ở Việt Nam?

Thế giới đang biến đổi và biến đổi rất nhanh và sự biến đổi đó được gọi tên là toàn cầu hóa. Nhưng cái quy luật hoặc động lực thật sự dẫn dắt toàn cầu hóa là gì thì dường như cả thế giới còn chưa tìm được một khái niệm xác thực. Theo chúng tôi, thế giới toàn cầu hóa đang ở trong một giai đoạn được gọi là “hài hòa hóa”.

Vì sao là hài hòa hóa? Vì sự mưu cầu lợi ích vật chất và tư duy phân tích dẫn dắt thế giới phát triển rất nhanh trong hai thập kỷ gần đây đã tạo ra một thực tế là toàn thể nhân loại đang phải đứng trước những cuộc khủng hoảng đan xen ở cấp độ toàn cầu về kinh tế – tài chính, môi trường và biến đổi khí hậu, năng lượng, lương thực, dân số, y tế, xung đột tôn giáo và sắc tộc, nguy cơ của chiến tranh hủy diệt,… Do đó, khả năng tìm ra sự hài hòa hay điểm cân bằng của các yếu tố xung đột để hướng đến phát triển sẽ trở thành động lực và quy luật dẫn dắt thế giới ở mọi cấp độ.

Ở trong lĩnh vực kinh doanh, động lực trách nhiệm xã hội song hành với động lực kinh tế tài chính chính là biểu hiện căn bản cho quá trình hài hòa hóa nói trên, thậm chí, có nơi chốn và thời điểm động lực trách nhiệm xã hội có thể và cần thiết trở thành động lực mang tính dẫn dắt. Trong lĩnh vực chính trị cũng vậy, sự phân biệt về ý thức hệ và hình thức thể chế chắc chắn sẽ ngày càng trở nên mờ nhạt cho tới biến mất. Tư tưởng tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, kể cả các tư tưởng mang nặng ý thức hệ dân tộc và tôn giáo sẽ không thể và không còn ở trạng thái xung đột và loại trừ nhau như trước đây chúng ta quan niệm, mà chúng phải hài hòa với nhau, bổ sung cho nhau vì sự phát triển bền vững chung của nhân loại. Có một ví dụ khá điển hình, tôi vừa có một chuyến đi công tác tại Israel, ở đó tôi thấy người ta tổ chức nông thôn và nông nghiệp theo mô hình xã hội chủ nghĩa, quản lý kinh doanh theo mô hình kinh tế tư bản, và xu hướng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc. Và như chúng ta đều biết, họ đã và đang rất thành công. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần thêm một yếu tố thứ tư nữa: đó là tinh thần quốc tế. Chúng ta cần phải bước vào giai đoạn hài hòa hóa của thế giới bằng việc mở rộng tư duy và xóa bỏ các rào cản của định kiến. Đó là tư tưởng, niềm tin và nguyên tắc của chúng tôi, và Trung Nguyên sẽ thực hiện nó.

Lại nói trên góc độ văn hóa, nếu nghiên cứu sâu về văn hóa Á Đông ngài sẽ thấy mỗi ngành nghề của chúng tôi đều có một triết lý nhân sinh. Chúng tôi cũng có cho mình một triết lý dẫn dắt. Đó là triết lý cà phê, và giá trị trung tâm của triết lý này mà chúng tôi cam kết cũng như muốn mang đến cho mọi người thông qua cà phê chính là trạng thái “sáng tạo có trách nhiệm”. Như vậy, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với chúng tôi không phải là một khái niệm tách biệt, không phải là một biện pháp tạo thêm giá trị doanh nghiệp, mà nó được hòa quyện vào trong mọi hoạt động của chúng tôi.

Ông cho rằng quá trình ông gọi là hài hòa hóa đó sẽ tạo ra hòa bình và phát triển cho thế giới, vậy theo ông, đâu là những điểm tạo nên sự hài hòa cho cục diện thế giới hiện nay?

Tôi cho rằng thế giới hiện nay đang cần phải tìm ra điểm hài hòa cho hai chiều kích là dạng thức quyền lực giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm và nguồn gốc văn minh giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây. Xu hướng dịch chuyển ai cũng thấy đó là từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm, từ phương Tây đang chiếm ưu thế sang sự phục hưng của phương Đông. Nhưng, điểm hài hòa đích thực ta chỉ tìm ra khi ta kết hợp hai chiều này lại thành một ma trận phát triển, và khi đó sẽ phát hiện được những điểm mất căn bằng quan trọng. Để hài hòa con người với thiên nhiên, con người phải phát triển theo tư tưởng của quyền lực mềm, tôn tạo và bảo vệ thiên nhiên. Phương Đông và các giá trị phương Đông sẽ phải phát triển để cân bằng lại và bổ sung với các quốc gia và giá trị phương Tây đã phát triển gần như cực thịnh. Do đó, có hai thách thức lớn nhất cho sự hài hòa của thế giới. Một là các quốc gia phương Tây có chiến thắng được quán tính hàng ngàn năm của quyền lực cứng để dịch chuyển sang quyền lực mềm hay không? Hai là, các quốc gia phương Đông cùng các quốc gia đang trỗi dậy có thể chiến thắng lại cám dỗ phát triển theo quyền lực cứng hay không? Phương Đông và phương Tây chỉ có thể hòa hợp khi cùng nhau phát triển theo quyền lực mềm, và sẽ tiêu diệt và loại trừ nhau nếu cùng là cứng. Trong diễn trình đó, vai trò của các quốc gia, các nguồn lực mang tính chủ chốt của nền văn minh phương Tây mà cụ thể là Mỹ, cường quốc số một thế giới hiện nay là rất quan trọng.

Mỗi thời kỳ phát triển của thế giới sẽ tương ứng với một trung tâm địa lý điển hình. Trung tâm đó đã từng ở Địa Trung Hải địch chuyển qua Bắc Đại Tây Dương và giờ đang dịch chuyển qua Thái Bình Dương. Địa bàn cụ thể nhất chính là Đông Nam Á. Bởi ở đây đang hội tụ gần như đầy đủ nhất các vấn đề cũng như các cơ hội của thế giới, thể hiện rõ sự đa dạng về chủng tộc, tư tưởng, ý thức hệ chính trị, sự đang dạng về quy mô, trình độ phát triển, sự đang xen nhiều mặt về lợi ích của từng quốc gia trong khu vực với các cường quốc, các nhóm liên minh khác nhau trên thế giới.

Chắc chắn một quốc gia có chiến lược như Mỹ đã nhìn nhận ra vấn đề này và sự dịch chuyển chiến lược của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Ông có nói đến quyền lợi và trách nhiệm của các cường quốc, cụ thể là Mỹ. Năm 2012 chắc chắn sẽ là một điểm bùng phát đối với nước Mỹ – nó có thể trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử không bị phá sản dù tham gia vào nhiều cuộc chiến trên toàn cầu. Nhưng nó sẽ đòi hỏi việc cắt giảm nghiêm trọng ngân sách quốc phòng của Mỹ. Điều gì có thể thuyết phục dư luận Mỹ để họ nhận ra rằng hòa bình có thể được gặt hái nhờ vào nhiều văn hóa hơn và ít tiền đi? Cần phải thực hiện những việc gì để có thể thuyết phục được các cử tri Mỹ?

“Sáng tạo có trách nhiệm” – năng lượng phát triển mạnh mẽ mà lại có tính hài hòa, không loại trừ lợi ích của các đối tượng có liên quan, sẽ là thông điệp chung cho thế giới và Mỹ là nước có đủ điều kiện nhất để trở thành ngọn cờ đầu cho nó.

Trước hết, cần phải khẳng định lại là dù khủng hoảng gì xảy ra thì trong ít nhất là nửa thế kỷ tới, Mỹ vẫn sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu. Nước Mỹ vì vậy không chỉ có quyền lợi trên phạm vi toàn cầu mà tương ứng với đó cũng là trách nhiệm với toàn cầu. Sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng phải cao. 

Sức mạnh của một quốc gia được tạo nên bởi bốn cột trụ chính: địa chính trị, văn hóa quốc gia, chiến lược quốc gia, và thể chế quốc gia. Do vậy, muốn có sự thay đổi của thế chế quốc gia thì phải tạo nên nhận thức và thay đổi lên cả các yếu tố còn lại. Sự thuyết phục ở đây phải mang yếu tố tổng hợp tới các đối tượng chính trị, các nhóm lợi ích kinh tế, với các nhóm ảnh hưởng xã hội, rồi tới đại bộ phận dân chúng Mỹ. Sự quyết định về chính quyền và thể chế phải đáp ứng sự thay đổi về chiến lược quốc gia tương ứng với sự biến đổi của địa chính trị (dịch chuyển Tây sang Đông). Tôi có niềm tin vào văn hóa Mỹ, một nền văn hóa cởi mở, sáng tạo, và luôn có khả năng đón nhận và chuyển hóa các tư tưởng hữu dụng. Vấn đề là chúng ta phải thuyết phục các nhóm lợi ích của nước Mỹ lợi ích của việc dịch chuyển chiến lược từ cứng sang mềm, của việc lấy động lực có tính trách nhiệm bổ sung cho động lực mang tính lợi ích. Thông điệp “sáng tạo có trách nhiệm” sẽ là thông điệp chung cho thế giới và Mỹ là nước có đủ điều kiện nhất để trở thành ngọn cờ đầu cho nó. Sáng tạo có trách nhiệm là năng lượng phát triển mạnh mẽ mà lại có tính hài hòa, không loại trừ lợi ích của các đối tượng có liên quan. Chúng tôi muốn dùng cà phê và thông qua cà phê, muốn dùng toàn bộ di sản của cà phê, cũng như các lợi thế hiện của của địa bàn Việt Nam đề cùng đưa thông điệp này tới Mỹ, góp phần vào hòa bình và phát triển cho bản thân nước Mỹ, cho Việt Nam, và cho cả thế giới.

Câu hỏi cuối cùng, tôi vẫn xin được quay về một vấn đề mà có thể ông coi đó là kinh tế thuần túy: Ông đã biến Trung Nguyên trở thành công ty cà phê số 1 ở Việt Nam và còn xa hơn thế. Điều gì khiến ông nghĩ rằng thế giới sẽ sẵn sàng để chuyển từ Starbucks và Nestlé qua Trung Nguyên?


Roland Schatz – Chủ tịch tập đoàn Truyền thông quốc tế Media Tenor International / InnoVatio Verlag.

Trước hết, tính đa dạng tạo nên sự hài hòa. Mọi sự độc quyền và độc tôn đều là không tốt. Trong ngành cà phê và văn hóa cà phê cũng vậy. Thế giới cần sự đa dạng và đa sắc của cà phê của phong cách và văn hóa cà phê cũng giống như chúng ta cần bảo về sự đa dạng trong thế giới sinh học. Đó là điều thế giới cần, cà phê thế giới không chỉ là Starbucks hoặc Nestlé.

Sau nữa, quá trình cạnh tranh của thế giới hiện nay có thể tạo ra các đối thủ cạnh tranh lớn và không loại trừ. Ví dụ rõ nhất là trong thế giới internet, chúng ta đã chứng kiến ít nhất bốn cuộc cách mạng trong vòng trên dưới hai thập kỷ. Microsoft tạo ra cuộc cách mạng về trình duyệt với IE, Yahoo tạo ra hộp thư cá nhân, Google sắp xếp và tìm kiếm, và gần nhất là Facebook đã xã hội hóa internet. Trong ngành cà phê, chúng tôi có cho mình lối đi riêng, chúng tôi đang chuẩn bị cho một góc nhìn mới, một lựa chọn mới cho cộng đồng cà phê thế giới. Và như ngài nói, nó có nhiều điểm nằm khá sâu trong cái gọi là kinh tế thuần túy, cạnh tranh thuần túy nên cho phép chúng tôi được giữ chút bí mật cho câu hỏi này.

—————
* Do InnoVatio Verlag xuất bản và được trình bày tại Hội nghị báo cáo hòa bình toàn cầu 2012, diễn ra một tuần sau Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ).

 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)