Sau cải tạo, kênh Panama góp phần thay đổi giao thương quốc tế

Kênh Panama đã trải qua cuộc cải tạo và mở rộng kéo dài chín năm và giờ đây không chỉ tăng sức cạnh tranh với kênh đào Suez, đẩy mạnh giao thương đường thủy quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành đóng tàu sản xuất những con tàu khổng lồ siêu trường siêu trọng.


Những âu thuyền mới ở Cocoli (Panama) bên bờ Thái Bình Dương sát kênh đào Panama.

Công cuộc cải tạo kênh Panama kéo dài chín năm, và vừa qua chín âu thuyền mới của tuyến đường thủy đã được đưa vào sử dụng, những con tầu khổng lồ thuộc diện siêu trường, siêu trọng giờ đây có thể lách qua tuyến đường thủy Panama nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Đây là một tin không mấy vui vẻ đối với kênh Suez ở Ai cập – đối thủ cạnh tranh của kênh đào Panama. 

Người ta đã sử dụng 192.000 tấn sắt thép để mở rộng kênh và làm thêm các âu thuyền, việc mở rộng, đào sâu hơn kênh Panama sẽ góp phần làm thay đổi nền thương mại thế giới. Chi phí cải tạo con kênh này ước tính lên đến 4,7 tỷ Euro. Đối với chính phủ Panama thì việc cải tạo, mở rộng con kênh này là rất cần thiết và họ hy vọng nhờ đó kênh Panama tiếp tục được coi là tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới. Sáu phần trăm giao dịch thương mại thế giới được thực hiện thông qua con kênh này và giờ đây ngay cả những con tầu chở hàng lớn nhất cũng có thể thông thương qua kênh Panama. 

Hãng tầu vận tải hàng hóa Cosco của Trung quốc là hãng đầu tiên được cho tàu “Cosco Shipping Panam” của mình đi qua con kênh vừa mới được cải tạo và mở rộng này. Tầu Cosco Shipping Panama là đại diện cho thế hệ tầu container hoàn toàn mới. Loại tầu này có thể vận chuyển 9400 container tiêu chuẩn, có chiều dài 300 mét, rộng 48 mét. Nhờ những âu thuyền mới và lòng kênh được nạo vét sâu hơn nên những con tầu cỡ đại này mới có thể băng qua.

Chín âu thuyền mới dành cho những con tầu container, tầu chở khí đốt và nhiên liệu khổng lồ, vì thế khi kênh này hoạt động sẽ có hàng loạt tầu vận tải cỡ nhỏ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tầu cỡ đại có thể đi qua kênh Panama góp phần làm giảm sức cạnh tranh của những con tàu cỡ nhỏ của nhiều hãng tàu đang sở hữu chúng. Những con tầu khổng lồ loại bỏ những con tầu nhỏ cũ ra khỏi tuyến đường thủy này. Hàng trăm chiếc tầu “Panamax” – với chiều rộng tối đa 32,3 mét, có thể vận chuyển từ  4000 – 5100 container tiêu chuẩn, thích hợp để đi qua kênh Panama trước đây một cách dễ dàng sẽ mất đi giá trị và bị loại bỏ. Ngoài đại dương, những con tàu Panamax cũng yếu thế, thiếu hiệu quả hơn so với những những con tầu khổng lồ có sức chứa tới 20.000 container tiêu chuẩn. Những con tầu khổng lồ này đạt hiệu quả cao hơn vì chi phí và tiêu hao nhiên liệu trên mỗi đầu container thấp hơn.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hàng hải kéo dài đã tám năm, giá cước vận tải liên tục giảm và đã cận đáy. Những hãng vận tải biển lớn tìm cách sử dụng những con tầu khổng lồ và giá cả thấp để loại bỏ những hãng tầu nhỏ không đủ sức cạnh tranh. Cuối cùng, sau cuộc chiến giá cả này, chỉ có một số hãng vận tải biển lớn còn đủ sức để tồn tại và kinh doanh có lời. Ngay trước khi khai trương kênh Panama mở rộng mấy tháng, đã có tới 60 tầu bị “thất nghiệp”.

Việc kênh Panama mở rộng đi vào hoạt động mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành hàng hải. Trên một trăm năm qua chỉ có những con tầu với chiều rộng tối đa 32 mét có thể băng qua tuyến đường thủy dài 82 kilomet xuyên qua Trung Mỹ và nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Giờ đây rào cản đó không còn nữa, mọi con tầu cỡ đại có thể chạy trên tuyến đường thủy này.

Những âu thuyền mới này sẽ tạo làn sóng đóng mới những con tầu khổng lồ. Và nhờ các âu thuyền mới này, các chủ tầu sẽ thay đổi các tuyến đường thủy quan trọng. Cuối cùng thì kênh Suez sẽ là kẻ thua cuộc trong quá trình chạy đua này.

Panama hy vọng sẽ sớm thu hồi vốn. Trước đây, khoảng 1 tỷ đôla tiền phí qua kênh Panama đã được nạp vào ngân sách nhà nước, khoản tiền này tương đương 40% tổng thu của nhà nước Panama. Sau cải tạo, mở rộng nguồn thu phí qua kênh này có thể tăng gấp ba.

Điều này khiến cơ quan quản lý kênh Suez của Ai cập không khỏi gây lo lắng. Tuyến đường thủy qua kênh Suez tuy ngắn hơn khiến tầu bè di chuyển nhanh hơn so với đi qua kênh Panama nhưng nhược điểm là tuyến đường qua kênh Suez lại nguy hiểm hơn. Tuyến đường chạy qua Malaka gần Singapore thường hay xảy ra các vụ cướp biển và vùng Trung Cận Đông thường xảy ra xung đột chính trị.

Xuân Hoài tổng hợp

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)