Sau năm thế kỷ, Mona Lisa vẫn không thôi bí ẩn
Phát hiện mới về Mona Lisa có thể khiến chúng ta phải thận trọng hơn khi nghĩ về vẻ đẹp bí ẩn của nàng.
Trong suốt cuộc đời nghệ thuật, Leonardo da Vinci vẽ rất nhiều bức họa nhưng đến hiện nay thì chỉ còn sót lại chưa đầy 20 bức, trong đó bức chân dung nàng Mona Lisa, được vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1503 đến năm 1519 nay được treo ở Bảo tàng Louvre, được coi là nổi tiếng nhất và ngày nay là một kiệt tác của hội họa Phục Hưng. Nhìn xuyên qua lớp kính bảo vệ ở Bảo tàng Louvre, nàng Mona Lisa khẽ mỉm nụ cười bí ẩn trên khóe môi. Dường như còn rất nhiều bí mật mà những vị khách thưởng lãm vẻ đẹp của nàng còn chưa biết.
Có một điểm khác thường là khi bạn nhìn trực diện vào cặp mắt của nàng Mona Lisa, dường như nụ cười lại bị nhạt nhòa đi. Nhưng nếu bạn nhìn từ một góc khác thì dường như nó sáng lên, hầu như mang hàm ý trêu ngươi người xem. Người Ý có một từ để giải thích bản chất mâu thuẫn này: sfumato. Nó có nghĩa là sự mơ hồ và khơi lên trí tưởng tượng. Trong hội họa, sfumato là một kỹ thuật vẽ làm nhòe đi ranh giới chuyển đổi của các màu sắc, phỏng theo một khu vực nằm ngoài vùng mà mắt người đang tập trung vào một mặt phẳng nằm ngoài vùng nét/tiêu điểm. Theo thời gian, nó trở thành một trong những kỹ thuật vẽ kinh điển của hội họa Phục Hưng.
Việc nắm bắt được ánh sáng và bóng tối là một dấu ấn của thiên tài thực sự, nó chứng tỏ sự tiên phong của Leonardo da Vinci trong thời đại của mình về khả năng nhận thức của con người. Tuy nhiên, những kỹ thuật này không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của cả một quá trình ông thử nghiệm, tìm tòi việc tìm chất liệu vẽ mới, pha trộn màu mới, cách vẽ mới… Do đó, bức chân dung kỳ lạ này vẫn không nguôi thôi thúc các nhà sử học nghệ thuật và các nhà khoa học tìm hiểu về cuộc đời của nàng cũng như phương pháp vẽ của Leonardo da Vinci.
Hiện tại, một phân tích dựa trên công nghệ tiên tiến đã phát hiện thêm một manh mối về quá trình này của ông, đồng thời rọi thêm ánh sáng mới vào bức họa mang tính biểu tượng, Mona Lisa. Công trình “Xray and Infrared Microanalyses of Mona Lisa’s Ground Layer and Significance Regarding Leonardo da Vinci’s Palette” (Các vi phân tích tia X và tia hồng ngoại lớp nền bức Mona Lisa và ý nghĩa liên quan đến bảng màu của Leonardo da Vinci) được xuất bản trên tạp chí của Hội Hóa học Mỹ, Journal of the American Chemical Society.
Khoa học làm nền cho nụ cười
Có một bầu không khí bí ẩn bao phủ xung quanh các bức họa và các màu vẽ trong xưởng vẽ của da Vinci. Điều này càng kích thích các nhà khoa học tìm lại các ghi chép của ông và các công trình nghệ thuật của ông. Những kỹ thuật và chất liệu mà Leonardo da Vinci sử dụng trong tác phẩm nghệ thuật của mình, đặc biệt là bức Mona Lisa, luôn là một chủ đề nghiên cứu quan trọng vì đến ngày nay, vẫn còn ẩn chứa nhiều câu đố về phương thức thực hành hội họa của ông. Leonardo đã viết vô số các trang ghi chép về những mối quan tâm của ông trong cuộc sống, nghệ thuật, trong đó ông cũng để lại một vài manh mối quan trọng về những vật liệu mà mình vẫn dùng để vẽ.
Ngày nay, những công nghệ mới cho phép các nhà bảo tồn tranh có thể kiểm tra về mặt khoa học những bức họa của ông, truy ngược lại quá trình sáng tạo và cách ông dùng các loại vật liệu vẽ khác nhau. Những nghiên cứu này cho thấy ông ưa thích những thử nghiệm để tìm ra những kỹ thuật mới, chất liệu mới, cách kết hợp màu và keo mới cho những bức họa tương lai của mình, đôi khi cũng thể hiện phẩm chất của một thợ thủ công lành nghề. Thậm chí độ khác biệt về kỹ thuật giữa các bức họa của ông tăng dần theo những loại vật liệu vẽ mà ông sử dụng, ví dụ như các lớp nền, độ dày của các lớp… Ví dụ như bức The Virgin and Child with St. Anne (vẽ từ năm 1503 đến 1519, Bảo tàng Louvre), ông sử dụng theo cách tăng dần lớp nền gesso (thạch cao), một hỗn hợp dung dịch keo chứa nước với thạch cao, hay còn gọi là muối ngậm nước với công thức CaSO4·2H2O), tiếp theo là một lớp sơn lót chứa chì trắng, một hỗn hợp chì carbonate với công thức PbCO3. Trong những bức họa khác như bức The La Belle Ferronnierè (vẽ từ năm 1495 đến năm 1497, Bảo tànǵ Louvre), ông đã sử dụng lớp nền chứa dầu màu cam được làm từ chì trắng và đỏ (Pb3O4).
Cũng như nhiều bức vẽ vào đầu những năm 1500, bức Mona Lisa được vẽ trên ván gỗ, ở đây là gỗ mềm mại của cây dương, do đó cần có một lớp nền dày trước khi đặt những nét vẽ quan trọng lên trên. Các nhà khoa học đã tìm thấy trong khi các họa sĩ khác thường sử dụng gesso, da Vinci ưa thử nghiệm cách khác, đó là đặt những lớp dày chì trắng và pha dầu với chì (II) ô xít, một hỗn hợp màu cam được cho là chóng khô để có thể vẽ phủ lên trên nhanh hơn. “Thật thú vị khi thấy một kỹ thuật cụ thể dành cho lớp vẽ nền cho bức Mona Lisa”, Victor Gonzalez, tác giả chính của nghiên cứu nói với AFP.
Để bảo vệ bức họa Mona Lisa trong quá trình nghiên cứu về vật liệu và kỹ thuật của da Vinci, nhóm nghiên cứu liên ngành quốc tế, gồm các nhà khoa học tại ĐH Paris-Saclay, CNRS, Đại học Nghiên cứu PSL, Chimie ParisTech-CNRS, Cơ sở máy gia tốc Synchrotron EU, Bảo tàng Louvre, Trường nghệ thuật Courtauld London, đã sử dụng các kỹ thuật không xâm lấn, cụ thể là phân tích quang phổ huỳnh quang tia X macro (MA-XRF), và phát hiện ra sự hiện diện của chì trên toàn bộ bức họa, cả ở khung cảnh lẫn chân dung Mona Lisa. Thêm vào đó, việc chụp tia X cho thấy sự thâm nhập của các nguyên tố nặng bên trong các thớ gỗ, gợi ý khả năng màu chứa chì và/hoặc lớp dầu trung gian có lượng lớn chì ở nền bức họa. Việc kiểm tra một cách chi tiết những bức ảnh đặc biệt này đã đưa các nhà nghiên cứu đến việc thử đặt vấn đề: có thể lớp khung nền này là một lớp chì và không có thạch cao bổ sung. Mặt khác, việc phân tích những bức ảnh này còn giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn mới về địa tầng học các lớp màu mà Leonardo đã sử dụng. Thêm vào đó, một mảnh siêu nhỏ đã được trích xuất từ năm 2007 từ rìa phía trên bên phải bức họa đã trao cho các nhà nghiên cứu cơ hội thu thập nhiều thông tin chính xác hơn về lớp nền chứa chì.
Sự chu du qua nhiều kính hiển vi điện tử của miếng mẫu cho thấy, không chỉ lớp chì trắng mà còn có cả lớp màu xanh lam và một lớp mỏng màu vàng nhạt ở trên cùng. Phân tích mặt cắt cho thấy sự hiện diện của nhôm, silic, kali trong lớp màu xanh lam, thành phần chủ yếu của màu xanh biển, và sự hiện diện của canxi mà không có silic trong lớp màu vàng nhạt. Ở lớp nền dưới cùng màu trắng, chì chiếm ưu thế. Thông tin này không khiến các nhà khoa học ngạc nhiên bởi chì đóng một vai trò quan trọng trong hội họa, đặc biệt giai đoạn từ thế kỷ 15 đến 19 thì ở khắp giá vẽ nào cũng có thứ kim loại này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có hai pha kết tinh liên tục do quá trình tích tụ lịch sử, một sự tổng hợp ăn mòn bao gồm chì bị ô xy hóa, carbon bão hòa và phản ứng hydroxyl hóa.
Bậc thầy sử dụng chì
Chì có ở hầu khắp mọi nơi của bức họa. Sự hiện diện của plumbonacrite, một dạng khoáng chất chì siêu hiếm, hình thành từ phản ứng giữa dầu và chì (II) ô xít (PbO), gợi ý về khả năng Leonardo đã dùng bột chì ô xít để cho lớp màu vẽ dày hơn và nhanh khô hơn. Từ lâu, các nhà sử học nghệ thuật đã nghi ngờ điều này và giờ thì phân tích mới đem lại bằng chứng cho giả thuyết của họ.
Dò theo sự hiện diện của hỗn hợp chứa chì màu cam, các nhà khoa học phát hiện ra tỉ lệ xà phòng hóa ở mức cao nhất trên lớp nền màu trắng so với lớp vẽ màu xanh lam. Kết quả này cho thấy giả thuyết Leonardo đã sử dụng một hợp chất đặc biệt cho lớp nền của mình, về cụ thể là một loại dầu có khả năng xà phòng hóa cao (chứa một lượng xà phòng chì cao hơn). Các dấu hiệu chì trắng trong mẫu cho thấy sự thật là tác nhân chì đóng vai trò chính trong quá trình xà phòng hóa là một chất làm khô như chì oxide. Mẫu véc ni trên cùng màu vàng có thể chứa một dạng hợp chất nhôm silicat như montmorillonite và một vài vật liệu hữu cơ, có thể là một loại nhựa tự nhiên.
Việc sử dụng một loại dầu đặc biệt có tính xà phòng hóa mạnh để cho lớp nền của bức Mona Lisa liên quan đến sự hiện diện của plumbonacrite và mức thấp của hydrocerussite (một loại hydrat của carbonat chì cerussite), những hợp chất có tính a xít mạnh nhất của carbonat chì. Để đánh giá giả thuyết Leonardo sử dụng chì ô xít cho lớp nền của bức họa, các nhà nghiên cứu đã tìm lại các bản thảo của ông để xem có thông tin nào liên quan đến chì oxide hay không. Tuy nhiên trong lịch sử nghệ thuật, các thuật ngữ về chì rất phong phú. Litharge hay litac là một trong số các dạng khoáng vật của chì (II) ô xít (PbO) được coi là khoáng vật thứ cấp của quá trình tinh chế kim loại quý, ở đây là bạc. Trong tiếng Hy Lạp, nó được gọi là “lithargyros” với lithos là đá và argyros là bạc còn trong dược điển Latin là “spuma argenti”, nghĩa là bọt bạc. Để tách bạc từ quặng bạc chì, người ta gia nhiệt cho quặng cho đến khi nó chảy ra và bị ô xy hóa khi tiếp xúc với không khí. Sau khi thu hồi được bạc nguyên chất, phần còn lại là litharge. Từ thời cổ đại, litharge đã được trộn lẫn với chất béo và dầu để tạo thành thuốc mỡ và bột nhão dùng trong dược phẩm còn trong lịch sử hội họa châu Âu, nó chủ yếu dùng như chất làm khô cho dầu, một số ít pha thêm màu vẽ.
Cho đến ngày nay, chỉ có bức họa Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng) được xác định là da Vinci đã sử dụng chì (II) ô xít. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong số đó là danh họa đã tìm ra kỹ thuật mới để chia tay kỹ thuật fresco cổ điển (bích họa) hay được sử dụng vào thời điểm đó, một nỗ lực khiến cho việc sử dụng các lớp màu sau đó linh hoạt hơn. Để chuẩn bị cho kỹ thuật này, da Vinci đã thử nghiệm việc dùng dầu làm khô nhanh khi vẽ lên tường trong phòng ăn của tu viện Santa Maria delle Grazie, bằng việc hội tụ lớp phết bằng can xi và magiê carbonat, bao phủ lót lớp chì trắng. Chì trắng làm tăng độ sáng của các lớp màu vẽ của da Vinci. Giờ đây có thể khẳng định là da Vinci đã sáng tạo ra cách làm này bởi các nhà khoa học chưa từng tìm thấy plumbonacrite trong các bức họa Phục Hưng Ý cùng thời. “Plumbonacrite thực sự là ‘dấu tay’ công thức của da Vinci. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi có thể xác nhận trên thực tế về thành phần hóa học của nó”, Victor Gonzalez nói. “Danh họa thực sự là người yêu thực nghiệm, mỗi bức họa của ông đều khác biệt về mặt kỹ thuật”.
Nếu xét về thời gian thì bức Last Supper được vẽ vào khoảng năm 1495 đến năm 1498, nghĩa là trước bức Mona Lisa tới năm năm. Do đó, kỹ thuật mới với chì (II) oxide mà da Vinci áp dụng trên bức Last Supper đã được ông dành cho Mona Lisa. Trong hầu hết các mẫu vật được trích xuất từ bức Mona Lisa, người ta thấy sự hiện diện của các hạt bột chì (II) oxide. Điều đó chứng tỏ chì (II) ô xít là một trong những thành phần bảng màu của da Vinci. Dù là dạng litharge hay massicot – một dạng khoáng vật ô xít của chì (II) còn được gọi dưới cái tên màu vàng Naple (màu vàng chứa chì – thiếc) – thì chì (II) ô xít không chỉ có trong lớp nền mà còn cả các lớp màu vẽ khác, ví dụ lớp màu xanh lam và màu cam. “Những gì bạn có thể đạt được là việc trộn nó với dầu sẽ đem lại một màu vàng vô cùng đẹp”, Gonzalez nói. “Nó chảy tràn một dòng như mật ong vậy”.
Nhiều nghiên cứu về hiệu ứng khô của các muối kim loại đã cho chúng ta thấy là “những màu vẽ chậm khô có thể được tăng tốc khô nhanh hơn bằng việc pha thêm nó vào một lớp chất nền”. Có lẽ, da Vinci đã đạt được hiệu ứng này cho cả hai bức họa nổi tiếng nhưng đáng tiếc là nhóm nghiên cứu lại không tìm thấy trong bất cứ ghi chép nào còn lại của ông miêu tả về công thức mới này. “Dẫu có thể là ông không viết công thức này xuống, những kết quả nghiên cứu đã chứng mình là các loại chì ô xít phải có mặt trên bảng màu của danh họa, và giúp tạo ra những kiệt tác mà chúng ta biết ngày nay”, thông cáo báo chí của Hội Hóa học Mỹ viết. Trường hợp của bức Last Supper vô cùng thú vị vì nó cho thấy chì ô xít tinh thể hóa có thể hiện diện trong các lớp màu vẽ lịch sử và vẫn không bị carbonat hóa sau 500 năm.
Carmen Bambach, một chuyên gia về nghệ thuật Ý và nhà giám tuyển tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York, khi đọc về công trình nghiên cứu này, đã thốt lên “đây là nghiên cứu vô cùng thú vị” và bất cứ cái nhìn mới và được chứng minh về mặt khoa học vào các kỹ thuật vẽ của da Vinci “đều là những thông tin vô cùng quan trọng với thế giới nghệ thuật và xã hội rộng lớn hơn của chúng ta”. Ông còn cho biết thêm, phát hiện về plumbonacrite trong bức Mona Lisa đã chứng thực “tinh thần say mê và kiên trì thực nghiệm của con người hội họa trong da Vinci. Đó là những gì khiến ông mãi mãi hiện đại và bất tử”, Bambach trả lời hãng thông tấn AP qua email.
Sau da Vinci, công thức pha chì ô xít vào chất nền đã được một bậc thầy hội họa khác sống ở thế kỷ 17, Rembrandt van Rijn, sử dụng cho các kiệt tác của mình. Gonzalez và cộng sự đã từng có nghiên cứu trong vài năm trước, phát hiện ra plumbonacrite ở Susanna and the Elders (Susanna và các bậc trưởng lão), Portrait of Marten Soolmans (Chan dung Marten Soolomans) và Bathsheba at her bath (Bathsheba trong phòng tắm). Thú vị là họ chỉ tìm thấy plumbonacrite trong lớp impasto (kỹ thuật vẽ đắp nhiều lớp) mà không có trên lớp nền, và không tìm thấy cerussite. Tại sao thành phần hóa học của lớp impasto lại khác biệt như vậy? Về cơ bản thì từ trước đến nay, người ta chỉ thấy plumbonacrite trong các tác phẩm hội họa thế kỷ 20, dẫu cũng từng được thấy trong “Wheat Stack under a Cloudy Sky” (Cánh đồng lúa mì dưới bầu trời mây), vẽ năm 1889 của Vincent van Gogh. Khi Rembrandt sáng tác, ông đã dùng chì trắng được hình thành từ hỗn hợp chì carbonat chứa cerussite và hydrocerussite, giống như cách da Vinci vẫn làm. Dù không thể so sánh cách thực hành vẽ, cả về vật liệu hay kỹ thuật của cả hai danh họa nhưng đúng là có sự tương đồng về nồng độ của hai dạng chì carbonat là plumbonacrite và cerussite. “Nó nói với chúng tôi là các công thức này đã được lưu truyền và sử dụng trong nhiều thế kỷ”, Gonzalez nhận xét. “Đó thực sự là một công thức vô cùng tốt”.
***
Các nhà khoa học vui mừng về kết quả họ thu được, “chúng ta càng nghiên cứu thêm nhiều điều về phương pháp của da Vinci và thành phần ông sử dụng thì càng có thêm nhiều thành công để phục hồi các bức họa trong tương lai”, Gonzalez chia sẻ về tác động của nghiên cứu. Điều ông cảm thấy chưa hoàn toàn hài lòng là không tìm thấy công thức sử dụng của da Vinci. Bằng chứng duy nhất mà họ tìm thấy sự hiện diện của chì ô xít là liên quan đến phương pháp điều trị cho da và tóc dưới dạng thuốc mỡ. Đó là một phương thức thực hành phổ biến thời đó, điều mà ngày nay chúng ta đều cảm thấy rùng mình bởi sự hiện diện của chì, một độc chất có thể tích tụ lại trong mô và xương, dẫn dến gây tổn thương cho hệ thần kinh và gây ra rối loạn não nếu bị phơi nhiễm trong thời gian dài. Nhiễm độc chì đã được ghi nhận từ thời La Mã cổ đại, Hy Lạp cổ đại. Khi phủ các nồi niêu xoong chảo đồng của mình bằng chì hoặc hợp kim chì, người La Mã và Hy Lạp chỉ muốn ngăn chúng khỏi rò rỉ, tránh làm hỏng hương vị của thức ăn mà không biết rằng, rồi mình sẽ không thoát khỏi nguy cơ nhiễm độc chì một cách từ từ.
Và khoảng 7,5 triệu du khách bay tới Paris để tới Bảo tàng Louvre mỗi năm, dẫu chỉ có khoảng 30.000 người được phép ngắm nàng Mona Lisa mỗi ngày. Họ đâu biết rằng, đằng sau nụ cười bí ẩn và gương mặt quyến rũ một cách huyền hoặc đó là chì, ô xít chì. Và còn nhiều bí ẩn nữa cần khám phá chăng? Chưa rõ các nhà khoa học sẽ tìm thêm được điều gì nữa nhưng sự hiện diện của chì đủ dấy lên một câu hỏi: Phải chăng là “mật ngọt [thì luôn] chết ruồi”?!□
———————-
Tài liệu tham khảo:
“Xray and Infrared Microanalyses of Mona Lisa’s Ground Layer and Significance Regarding Leonardo da Vinci’s Palette”. Journal of the American Chemical Society.