“Sếp của tôi là một cái máy tính”

Thế giới lao động đang đứng trước làn sóng tự động hóa mới, giờ là lúc ngay cả lao động trí tuệ cũng lâm vào tình trạng bị đe dọa.

Danh sách đỏ những công việc có nguy cơ bị tự động hóa

Vào thế kỷ 19, nếu máy hơi nước từng làm cho vô vàn lao động cơ bắp bị dôi dư thì ngày nay các con chip và thuật toán có khả năng thay thế cho lao động trí tuệ.

Ngay từ bây giờ đã thấy những công việc bàn giấy mang tính kinh điển sẽ ngày càng ít hơn. Chẳng hạn, năm 2005, việc tìm kiếm thông tin pháp luật tiêu tốn tới 45.000 giờ lao động của tập đoàn năng lượng Constellation Energy. Giờ đây, Constellation Energy dùng phần mềm tìm kiếm Clearwell của chuyên gia an ninh Symantec. Công việc mà trước đây các nhân viên phải mất cả ngày trời để giải quyết thì Clearwell có thể xử lý trong ít phút mà không hề lo đau đầu.

Theo tính toán của hãng tư vấn McKinsey, năm 2025 những cỗ máy thông minh có thể thực hiện công việc của 140 triệu lao động trí thức, trong đó bao gồm khoảng 25 đến 30 triệu lao động trong ngành y tế và giáo dục, và 10 triệu lao động trong ngành luật và tài chính.

Cứ sau hai năm, năng lực tính toán của các chip máy tính lại tăng gấp đôi – và xu hướng này đang tiếp diễn. Ngay cả iPhone 4 cũng đã có khả năng tính toán mạnh như siêu máy tính hàng đầu vào thời điểm năm 1975, khi đó giá của loại máy tính này lên tới 5 triệu USD/chiếc.

Trên cơ sở nghiên cứu 700 nghề khác nhau ở Mỹ, Carl Benedict Frey và Michael Osborne thuộc Đại học Oxford nhận định, quá trình tự động hóa là nguy cơ đối với những người làm việc trong lĩnh vực tín dụng, tư vấn bảo hiểm, thư viện, dược phẩm, và thậm chí cả các đầu bếp. Tổng cộng có tới 47% việc làm ở những lĩnh vực này có nguy cơ bị máy tính thay thế. Điều này chưa diễn ra nay mai nhưng sẽ diễn ra trong vòng hai thập niên tới.

Kenneth Brant, giám đốc nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, thậm chí còn cho rằng, số việc làm bị mất đi sẽ lớn hơn so với số việc làm mới mà thị trường có thể tạo ra.

Nhưng nhà tương lai học Sven Janszky đã bác lại sự bi quan này: “Chúng ta có thể vui mừng khi công nghệ đảm nhiệm công việc của chúng ta – điều này làm giảm cơn đau của các doanh nghiệp khi bị thiếu lao động lành nghề.”

Những cỗ máy, phần mềm thông minh nhất hiện nay

Cách đây không lâu, khó mà tưởng tượng máy tính có thể soạn nổi một văn bản, thế mà giờ đây bỗng nhiên chúng có thể hoàn thiện cả một cổng tin tức. Hoặc chúng có thể như điện thoại thông minh Smartphone-App Wibbitz, cắt dán những thước phim và tự động kết nối thành video-tin tức tựa như một robot về tin tức thời sự.

Máy tính đã học được cách đánh giá núi dữ liệu khổng lồ thông qua những thuật toán thông minh. Các nhà nghiên cứu gọi kỹ thuật này là Deep Learning, trong đó máy tính nhận ra những thông tin cần thiết giữa một khối lượng dữ liệu to lớn, chưa được sắp xếp thành những hình mẫu (pattern) – và ở đó chúng có thể học được tựa như bộ não của con người. Với phương pháp tương tự, cách đây ba năm, siêu máy tính Watson của IBM đã giành phần thắng tại vòng chung kết cuộc thi đố Jeopardy trên truyền hình Mỹ trước hai ứng viên con người. Mỗi giây Watson có thể tìm kiếm khoảng 500 Gigabyte dữ liệu – tương đương khoảng một triệu cuốn sách. Nó cũng có thể học hỏi thêm qua từng quá trình tương tác. Từ tháng 11 vừa qua, IBM cho phép các chuyên gia lập trình được kết nối Smartphone-Apps của họ với Watson. Nhờ đó các máy điện thoại cầm tay không lâu nữa có thể thực hiện các dịch vụ trên cơ sở trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất.

Hằng ngày, tập đoàn bán hàng qua mạng khổng lồ Otto dùng phần mềm tính toán dự báo bán hàng đối với từng loại sản phẩm trong tổng số 2 triệu mặt hàng của mình. Máy tính dựa vào khoảng 200 yếu tố ví dụ như dự báo thời tiết hoặc kế hoạch quảng cáo. Từ lâu, thương mại trực tuyến không còn cần đến những điều độ viên tay cầm bút bi và phiếu tính toán.

Tuy những thiết bị kỹ thuật còn chưa thật sự hoàn hảo nhưng do điện thoại thông minh – những trợ lý cá nhân, luôn học được thêm nên chúng ngày càng hữu dụng hơn đối với người dùng. Thí dụ Cortana là một dịch vụ mới của Microsoft có khả năng thu thập những thông tin quan trọng liên quan đến người dùng – câu lạc bộ mà người đó yêu thích, chỗ ở v.v… – để ghi vào một sổ tay ảo. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường của Forrester cho rằng, không lâu nữa, mỗi chúng ta đều có một trợ lý ảo dưới dạng một microphone ghim trên người, nó có thể đặt mua hàng cho chủ trên mạng Internet hoặc nhắc chủ về những khoản tiền cần thanh toán v.v…

Một làn sóng tự động hóa mới cũng đang thâm nhập các nhà xưởng sản xuất. Hãng chế tạo robot của Anh Engineered Arts đã chế tạo một con robot dịch vụ (Socibot) mang tên Androide. Hai máy ghi hình và cảm ứng không gian giúp Androide có thể thực hiện các cuộc trò chuyện đơn giản và thông qua những biểu hiện trên mặt người đối diện, nó có thể biết tâm trạng vui, buồn của người đó. Giá một con Socibot khoảng 17.600 Euro.

Thậm chí ngay cả ở lĩnh vực hết sức phức tạp như y học, người máy cũng đã được đưa vào sử dụng. Các phần mềm như R2 Digital CAD của hãng Hologic có khả năng tìm trên tấm phim Rontgen các khối u ung thư. Hiện tại thường cần hai bác sỹ để kiểm tra một tấm nhũ ảnh (Mammography), nay mai công việc này chỉ cần một bác sỹ và một máy tính.

Siêu máy tính Watson của IBM cũng có thể đưa ra những lời khuyên dành cho các bác sỹ điều trị bệnh nhân ung thư, Chẳng hạn tại Trung tâm Ung thư Sloan Kettering ở New York, các chuyên gia y học nạp vào Watson trên hai triệu trang tài liệu cùng những ghi chép của các bác sỹ và y tá. Chỉ vài giây sau khi được cung cấp các triệu chứng của bệnh nhân, Watson đã có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp về cách thức điều trị. Theo chuyên gia IBM, Watson được cung cấp những kết quả nghiên cứu mới nhất mà nếu các bác sỹ muốn cập nhật thì mỗi tuần họ phải bỏ ra 160 giờ đọc tài liệu.

Vậy nghề nào còn yên ổn?

Theo các nhà nghiên cứu Frey và Osborne ở Đại học Oxford, những nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như các nhà kỹ thuật, kiến trúc sư hoặc thẩm phán tòa án sẽ còn được sử dụng lâu dài. Những công việc đòi hỏi sự thuần thục và khéo léo mà robot không dễ gì làm thay, như thợ cắt tóc, nhân viên xoa bóp, cũng sẽ tồn tại một thời gian nữa. Bên cạnh đó, những nghề đòi hỏi phải có sự sáng tạo và rung cảm cao như vũ công, nhà văn, nhân viên giữ trẻ, huấn luyện viên yoga và chuyên gia tâm lý… cũng khó mà tự động hóa được.

Với sự hỗ trợ của robot, con người sẽ có nhiều thời gian để làm những công việc lý thú hơn. Có lẽ, trong tương lai sẽ xuất hiện một loạt nghề mới mà hiện nay con người chưa hình dung nổi, thí dụ, sẽ có nhà thiết kế Avatar, nhà phân tích bộ gien, đầu bếp chuyên làm các món ăn từ máy in 3D.

Câu hỏi đặt ra là: Cái xã hội mà ở đó số người có những công việc kiếm được nhiều tiền ngày càng ít đi, còn những người khác lại lệ thuộc vào sự thịnh vượng do các cỗ máy thông minh tạo ra sẽ có hình hài như thế nào?

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)